FB và TikTok phối hợp cảnh sát xử lý nạn buôn người, các bài tuyển người đi Anh có thể bị soi

nhom nguoi bang qua kenh dao
Một nhóm người nhập cư được đưa đến Dover vào tháng trước sau khi băng qua Eo biển Anh. 

Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và X (Twitter) sẽ phải phối hợp với cảnh sát Anh để xử lý những bài đăng của các băng nhóm buôn người. Những bài đăng này được cho là khuyến khích người dân nước khác tìm đường tới Anh bất hợp pháp. 

Thủ tướng Rishi Sunak đã nhiều lần khẳng định mục tiêu lớn trong nhiệm kì của ông là cắt giảm số lượng thuyền nhỏ vượt biển tới Anh. Vì thế chính phủ sẽ phối hợp với các "ông trùm" mạng xã hội để giải quyết những quảng cáo "lùa gà", trục lợi từ những người chấp nhận trả rất nhiều tiền để sang Anh. 

Các hội nhóm rao giảm giá vượt biên, tuyển người vượt biên, những lời đề nghị làm giấy tờ giả... là các quảng cáo mà Thủ tướng muốn xóa bỏ khỏi mạng xã hội. 

Gần 15,000 người đã thực hiện những chuyến hành trình nguy hiểm băng qua eo biển Dover (Dover Strait - điểm hẹp nhất của eo biển Anh) trong năm nay, theo số liệu của Sky News. Con số này được cho là thấp hơn 15% so với cùng kì năm ngoái. 

Meta (sở hữu FB và Instagram), TikTok và X đều đã ký tên vào bản cam kết. Sự kết hợp tự nguyện giữa các nền tảng mạng xã hội và Cục chống Tội phạm Quốc gia (NCA) có thể giúp bảo vệ người dùng khỏi những nội dung liên quan đến chuyện tuyển người vượt biên. 

Tuy nhiên Đảng Lao Động cho rằng hành động này là thiếu hiệu quả, chỉ "gãi ngứa phần rìa". Đảng này cũng cho rằng đến cuối năm 2036 Chính phủ Anh mới có thể "tống tiễn" những người xin tị nạn bất thành, với gần 40,000 người đang chờ bị trục xuất.

Bài liên quan: Cảnh sát truy quét 100 luật sư hỗ trợ hoạt động buôn người

Cục phòng chống Tội phạm Quốc gia (NCA) đang chuẩn bị truy quét 100 luật sư mà họ cho rằng đang giúp những kẻ buôn người lợi dụng luật nô lệ hiện đại để xin tị nạn cho khách hàng vào Anh bất hợp pháp. 

National Crime Agency (NCA) tương đương với FBI của nước Anh. Tổ chức này đang chuẩn bị cho một cuộc truy quét gây tranh cãi, nhắm vào các luật sư được cho là vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp và hợp tác với các tổ chức tội phạm. 

Các bộ trưởng nói rằng những tổ chức tội phạm người Albani đã lợi dụng luật nô lệ hiện đại và hệ thống tị nạn vào thời điểm mà số hồ sơ nô lệ hiện đại chuyển cho Bộ Nội Vụ tăng cao kỷ lục. 

NCA cho rằng hàng chục ngàn luật sư đã dính líu tới việc này. Chẳng hạn, các luật sư sẽ chỉ vẽ lời khai cho người xin tị nạn, chỉ họ cách khai báo với cảnh sát.

Hiện tại chính phủ Anh đang tìm cách loại bỏ những luật bảo vệ, những luật cấm trục xuất đối với nạn nhân nô lệ hiện đại hoặc nạn nhân buôn người. 

Luật sư được quyền ưu tiên giao tiếp với khách hàng, do đó mục tiêu kiểm tra của NCA khá là nhạy cảm. Bởi thế họ sẽ kết hợp với các tổ chức khác, chẳng hạn Cơ quan Quản lý Luật sư (Solicitors Regulation Authority) trong một nỗ lực thanh lọc những luật sư không tuân thủ nguyên tắc nghề nghiệp, và sẽ tiến hành truy tố. 

Ông Rob Richardson, cấp cao của NCA cho biết: "Có những luật sư quảng cáo dịch vụ của mình cho những tổ chức tội phạm. Đó có thể xem là hành vi tham nhũng. Hiện tại chúng tôi đang xây dựng chiến lược để lôi các luật sư tham nhũng ra ánh sáng. Tôi ước tính có 100, hoặc lên tới hàng chục ngàn luật sư như thế". 

Điều 63 Luật Biên giới và Quốc tịch 2022 (Nationality and Borders Act 2022) sẽ được NCA áp dụng để đối phó với các luật sư. 

Theo số liệu chính thức, từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay, có 4746 người đã khai rằng họ là nạn nhân nô lệ hiện đại. Con số này tăng hơn 1/4 so với cùng kì năm ngoái. 

Tháng 6 này NCA sẽ tiến hành điều tra vào lĩnh vực xây dựng. Ông Richardson cho rằng các tổ chức tội phạm sẽ thành lập một công ty tuyển dụng giả trong lĩnh vực này. 

"Họ tuyển thợ xây, đưa tới làm việc. Nhưng tất cả tiền lương sẽ được trả thông qua đơn vị tuyển dụng, nhưng đơn vị tuyển dụng này không trả lương cho công nhân. Nghĩa là bên thầu xây dựng và bên tuyển dụng thông đồng để ăn cướp tiền lương của thợ xây. Thực chất bọn chúng chỉ là 1. Đây là mánh gian lận thịnh hành hiện nay", ông nói. 

Viethome (theo Sky News)