Bộ Nội vụ cho rằng những người khai nô lệ hiện đại đều là giả dối

Trong cuộc họp vừa qua với Đảng Bảo Thủ, Tân Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman nói rằng một số người nhập cư Albani băng qua eo biển để đến Anh, họ đòi được bảo vệ nhưng ''những gì họ khai về việc họ bị buôn người đều là dối trá''.

Bà nói: ''Luật nô lệ hiện đại của chúng ta đang bị lợi dụng bởi những kẻ này. Từ năm 2014, những hồ sơ khai báo mình là nô lệ hiện đại đã tăng 450%''.

Bà Braverman cho biết những kẻ ấu dâm và tội phạm tình dục cũng cố tình lợi dụng luật nô lệ lao động để ngăn chặn việc bị trục xuất. Khi được ở lại UK, bọn chúng lại tiếp tục phạm tội. 

Bộ trưởng Nội vụ mong muốn thay đổi Luật Nộ lệ Hiện đại. "Chúng ta không thể để tình hình này tiếp diễn'', bà nói.

no le hien dai gia doi
Một phụ nữ tên Maria khai rằng mình là nô lệ hiện đại. Ảnh: Sky News

Hiện nay, những hồ sơ khai báo nô lệ hiện đại và nạn nhân buôn người sẽ phải trải qua các bước thẩm định theo khung Cơ chế National Referral Mechanism. Trong thời gian chờ hồ sơ được xử lý, người nộp đơn sẽ được hỗ trợ về tài chính và các hỗ trợ khác trong vòng 45 ngày sau khi khai báo.

Nhưng điều tra từ Sky News cho thấy quy trình thẩm định này kéo dài tới 553 ngày, trong khi đó một hướng dẫn từ Bộ Nội Vụ lại nói rằng ''phải có kết quả càng sớm càng tốt'' sau 45 ngày. 

Bà Dame Sara Thornton, Cựu Ủy viên của tổ chức độc lập Chống Nô lệ hiện đại (Independent Anti-Slavery Commissioner), cho biết số lượng hồ sơ tăng kể từ năm 2014, cũng bởi vì Bộ Nội vụ, cảnh sát và chính quyền đã tăng cường công tác truy tìm và nhận diện nạn nhân. 

''Cảnh sát, chính quyền địa phương và Lực lượng di trú ngày càng giỏi trong việc nhận diện nạn nhân nô lệ hiện đại. Tôi không biết tại sao họ lại cho rằng sự gia tăng 450% đó là do các nạn nhân này lợi dụng Luật Nô lệ Hiện đại'', bà Thornton nói. Nhiệm kỳ kéo dài 3 năm của bà Thornton đã kết thúc vào tháng 4/2022 mà đến giờ vẫn chưa có người thay thế. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ lại muốn một hệ thống ''hiệu quả hơn'' nhằm giúp những người thực sự cần giúp đỡ. Đề xuất mới đây của bà là cấm các ''thuyền nhân'' xin tị nạn ở UK.

"Nếu bạn cố tình đến đây từ một quốc gia an toàn, bạn nên quay về quốc gia của bạn hoặc tái định cư ở Rwanda, đó là nơi mà hồ sơ tị nạn của bạn sẽ được xử lý''.

Bộ trưởng Nội vụ sẽ tìm cách thực thi kế hoạch Rwanda. Hồi tháng 6, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã hủy bỏ một chuyến bay sắp cất cánh đến Rwanda. Bà Braverman sẽ tìm cách tăng cường quyền quyết định của Vương quốc Anh đối với vấn đề trục xuất.

Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không có chuyến bay nào cất cánh trước Giáng sinh vì các đơn kháng cáo trục xuất có khả năng được chuyển lên tòa cấp cao hơn. 

Tháng trước, tờ Independent đã tiết lộ câu chuyện đằng sau chuyến bay đầu tiên bất thành đến Rwanda. Nhiều người xin tị nạn bị ép buộc đưa lên ghế máy bay sau khi họ đe dọa tự tử và cố gắng làm tổn thương bản thân. Những người xin tị nạn đã khóc lóc, gào thét và tuyệt vọng gọi cho luật sư cũng như người thân sau khi được thông báo mình sẽ bị chuyển đến Rwanda.

Bài liên quan: Có 1 người Việt nằm trong số 7 người suýt bị đưa tới Rwanda

Viethome (theo Independent)