Di dân đến Anh bằng thuyền nhỏ sẽ không được phép xin tị nạn

Suella Braverman
Tân Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman cấm "thuyền nhân" xin tị nạn. Ảnh: PA

Những người di cư băng qua eo biển Anh bằng thuyền nhỏ sẽ đối mặt với lệnh cấm xin tị nạn ở UK, đây là dự thảo luật mới vừa được Bộ Nội vụ công bố.

Tân Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman vào sáng ngày 4/10 tuyên bố ''giấc mơ của tôi là được nhìn thấy một chuyến bay chở đầy di dân đến Rwanda''.

Nhưng chỉ vài giờ sau đó, bà thắt chặt chính sách nhập cư hơn nữa bằng cách đưa ra những dự thảo mới, cụ thể là bất cứ ai đến UK bất hợp pháp sẽ bị cấm xin tị nạn. Dự thảo này còn khắt khe hơn cả bộ Luật Biên giới và Quốc tịch vừa đi vào thực thi hồi tháng Sáu.

Tuyên bố của bà Suella Braverman đã khiến nhiều tổ chức vì người tị nạn căm phẫn. Họ cho rằng bà đang vi phạm trắng trợn luật người tị nạn quốc tế do chính Vương quốc Anh đồng sáng lập nên. 

Tại cuộc họp của Đảng Bảo Thủ ở Birmingham, bà Braverman đảm bảo chính sách nhập cư UK sẽ không bị trật bánh bởi luật nô lệ hiện đại, Luật Nhân Quyền hay trái với tôn chỉ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

''Chúng ta phải chặn những chiếc xuồng có ý định đến Vương quốc Anh. Họ đã đi quá giới hạn. Đây là vấn đề kinh niên nên việc giải quyết cần rất nhiều thời gian. Những người này chỉ có thể quay về nước của họ hoặc bị đưa đến Rwanda''.

Bà cho rằng luật hiện tại không hiệu quả vì chúng bị bọn buôn người lạm dụng, cũng như những đơn khiếu nại trục xuất được thông qua vào phút chót''. Bà Braveman đưa ra những ''ví dụ nghiêm trọng'', cho thấy những kẻ tội phạm đang tìm cách nói dối để có cửa vào UK. 

Trong năm nay đã có hơn 33,500 người di cư đến được UK bằng xuồng nhỏ. Bà Braverman mới chỉ thay thế bà Priti Patel 1 tháng trước. Bà muốn thiết lập một chính sách nhập cư giúp khơi dậy nền kinh tế. Nhưng bà cảnh báo rằng có rất nhiều thế lực sẽ cản trở bà.

"Đảng Lao Động sẽ tìm cách ngăn chặn luật của tôi. Đảng Dân Chủ Tự do sẽ phát điên, Guardian sẽ chia rẽ, chưa kể đám luật sư''. Màn thuyết trình của bà Braverman đã nhận được 2 tràng pháo tay vang dội.

Bài liên quan: Bộ Nội vụ "cài" nhân viên nhập cư vào chính quyền địa phương

Bộ Nội vụ đã bố trí cán bộ nhập cư vào bộ phận dịch vụ xã hội trẻ em và hàng chục cơ quan chính quyền địa phương khác. Đây là một hành động gây lo ngại về khả năng tìm kiếm hỗ trợ của những người dễ bị tổn thương nhất.

Theo hồ sơ thu được nhờ quyền tự do thông tin (FoI), các viên chức nhập cư đã được cài vào 25 chính quyền địa phương. Họ có thể chuyển thông tin chi tiết của người không có giấy tờ và quyền làm việc của người nhập cư về cho Bộ Nội vụ.

Các cán bộ này làm việc trong các dịch vụ dành cho người dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em, người vô gia cư, dịch vụ chăm sóc xã hội và cung cấp sức khỏe tâm thần. Một số cũng làm việc cho Sở giao thông vận tải London và Cơ quan đường ray xe lửa HS2.

4childẢnh minh họa

Tiết lộ về việc Bộ Nội vụ "thuê" cán bộ nhập cư để thực thi chính sách thù địch đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, khiến nhiều chính quyền địa phương sa thải các cán bộ này và Bộ Nội vụ xóa thông tin về dịch vụ khỏi các trang web. Tuy nhiên, chính sách này vẫn tiếp tục hoạt động.

Hồ sơ được công bố theo yêu cầu của FoI và tiết lộ vào cuối năm 2021, 12 chính quyền địa phương, với HS2 và TfL, vẫn có các nhân viên nhập cư làm việc thay mặt Bộ Nội vụ, trong đó có năm viên chức được bố trí trong dịch vụ dành cho trẻ em.

Stephen Kinnock - Bộ trưởng nhập cư của đảng đối lập, cho biết: “Giữ an toàn cho trẻ em là ưu tiên cao nhất và không nên có bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho trẻ.

Bộ Nội vụ phải giải thích chính xác những gì các viên chức này làm và cách họ đảm bảo công việc của mình, không từ chối hỗ trợ hoặc cung cấp sự bảo vệ cần thiết dành cho trẻ dễ bị tổn thương”.

Mary Atkinson - nhân viên chiến dịch tại Hội đồng chung về phúc lợi cho người nhập cư, cho biết: “Thật ớn lạnh khi biết chính phủ đã cài cắm sự thù địch vào các dịch vụ mà các gia đình dựa vào để được giúp đỡ và bảo vệ. Cũng giống như sự thù địch trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chúng ta biết hoạt động này làm lan truyền nỗi sợ hãi trong cộng đồng và ngăn cản mọi người tìm kiếm sự hỗ trợ. Đã đến lúc chính phủ chấm dứt cách tiếp cận nguy hiểm và phân biệt đối xử này - mọi người dân cần có thể tin tưởng vào các hội đồng địa phương trong những lúc cần thiết”.

Colin Yeo, luật sư luật di trú tại Garden Court Chambers, cho biết: “Các hội đồng không có nghĩa vụ pháp lý phải hợp tác với cơ quan quản lý nhập cư theo cách này và thật thất vọng khi họ tự nguyện tạo ra môi trường thù địch cho những người di cư dễ bị tổn thương. Việc trục xuất bắt buộc và tự nguyện về nước hiếm khi xảy ra, vì vậy tất cả những gì chính sách này làm là buộc những người cần sự giúp đỡ và hỗ trợ phải tự giải quyết vấn đề”.

Thỏa thuận giữa bộ Nội vụ và chính quyền địa phương tiết lộ mức độ các quan chức nhập cư làm việc trong các dịch vụ của hội đồng.

Tài liệu - được đánh dấu là "nhạy cảm", nêu rõ: “Nhân viên sẽ làm việc với các nhóm trong tổ chức của khách hàng trong danh sách sau; nhu cầu nhà ở; vô gia cư và nhập cư; dịch vụ chăm sóc trẻ em; dịch vụ chăm sóc xã hội cho người lớn; các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho người trưởng thành… viên chức sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng nhập cư theo thời gian thực để hỗ trợ việc đưa ra quyết định của khách hàng liên quan, về mức độ phù hợp của cá nhân hoặc gia đình để cung cấp hỗ trợ hoặc trợ cấp, tư vấn về tác động của hoạt động kiểm tra”.

Lời khuyên do nhân viên di trú cung cấp bao gồm cung cấp thông tin về quyền được làm việc và khả năng tiếp cận các dịch vụ hội đồng.

Theo chính sách “không sử dụng quỹ công”, người không có quyền ở lại Anh bị từ chối tiếp cận với một loạt các dịch vụ công, chẳng hạn như nhà ở.

Viên chức cũng có thể tư vấn về "hồi hương tự nguyện", theo đó người di cư trở về quốc gia theo quốc tịch của họ.

Chính quyền địa phương đã bố trí các nhân viên nhập cư trong các dịch vụ trẻ em, bao gồm ở Enfield, Sutton, Thurrock, Slough và Barnet.

Vào cuối năm 2021, 12 chính quyền địa phương vẫn có các nhân viên nhập cư làm việc thay mặt cho Bộ Nội vụ là: Barking & Dagenham, Barnet, Bexley, Enfield, Essex, Greenwich, Hertfordshire, Hillingdon, Slough, Sutton, Thurrock và Newham.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Chính quyền địa phương có thể yêu cầu hỗ trợ tận tình về các vấn đề liên quan đến nhập cư, với lời khuyên về các trường hợp cụ thể nếu thích hợp, nhưng điều này là tự nguyện và nhằm mục đích giúp người di cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là mẹ đơn thân và các gia đình có con nhỏ, giải quyết tình trạng của họ. Quy trình thường được sử dụng để giúp người nghèo khó tiếp cận sự hỗ trợ thích hợp. Các quyết định được đưa ra bởi chính quyền địa phương, không phải nhân viên nhập cư và đề xuất điều ngược lại là sai”.

Viethome (theo Metro)