Số lượng người xin tị nạn khai man tuổi tăng gấp 4 lần

nguoi nhap cu khai gian tuoi 1
Bộ Nội Vụ đang lo lắng về những người nhập cư trẻ khai man tuổi. Ảnh: Jelena Djukic Pejic/DW

Trong vòng 10 năm qua, có 52 người nhập cư đã đăng kí định cư thành công nhờ khai man tuổi khi vừa đến Anh, trong khi thực tế họ phải 30 tuổi hoặc hơn. Trẻ em dưới 18 tuổi nhận được sự bảo vệ đặc biệt, hiện nay chính phủ Anh đang muốn khắc phục những lổ hỏng trong luật để ngăn người nhập cư trưởng thành lợi dụng nó. 

Tờ báo cánh hữu Daily Mail cho biết 52 trường hợp đến UK trong vòng 10 năm qua đã nhập cư thành công nhờ khai rằng họ chưa đủ tuổi khi mới đến. Thực tế sau đó cho thấy họ đã 30 tuổi hoặc hơn. 

Dữ liệu này có được từ yêu cầu Tự do Thông tin (FOI - Freedom of Information) cho phép các nhà báo truy cập dữ liệu trong tay chính quyền, chẳng hạn dữ liệu của Bộ Nội Vụ.

Người có ngoại hình trẻ tuổi được các băng nhóm buôn người quan tâm

Thông tin từ Bộ Nội Vụ cũng cho thấy, trong năm ngoái, có khoảng 1,500 người trưởng thành đã khai mình chưa đủ tuổi khi vừa đến UK. Dù hầu hết các trường hợp này không vượt qua được vòng kiểm tra ban đầu. 2/3 số ca khai nhỏ tuổi bị bác bỏ nhanh gọn, vì người xin tị nạn đều đã qua tuổi trưởng thành.

Trong năm 2021, tỉ lệ người khai nhỏ tuổi đã tăng gấp 4 lần so với trước đó. Vào năm 2020, chỉ có 384 khai mình là trẻ em, và tất cả đều bị phát hiện là người lớn sau khi tiến hành kiểm tra. Trong 8 năm trước đó, số lượng khai man trung bình là 355 người mỗi năm.

Hiện tại khi nước Anh đang tiến hành cải cách luật nhập cư và tìm cách gửi người xin tị nạn đến Rwanda, những người nhập cư vẫn chưa thoái chí mà càng tuyệt vọng tìm đường nhanh chóng đến UK. 

Bọn buôn người đã lợi dụng sự tuyệt vọng của họ để hét giá. Chúng đặc biệt ưu tiên những người có ngoại hình trẻ ở Pháp và Bỉ để đưa qua eo biển Anh. Bọn buôn người khuyên người nhập cư phá hủy giấy tờ cá nhân trước khi lên tàu, nhằm tăng khả năng họ vượt qua vòng kiểm tra độ tuổi và được chấp nhận là trẻ em.

Cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm

Theo luật UK, người nhập cư có ngoại hình tương đương tuổi 25 hoặc trở xuống sẽ được đối xử như trẻ em, trừ khi họ bị phát hiện lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, không có nhiều phương pháp hiệu quả để xác minh độ tuổi người nhập cư, do đó nhiều người đã khai man thành công nhờ vượt qua được hệ thống kiểm tra.

Năm nay Bộ trưởng Nội Vụ Priti Patel đã thắt chặt hơn luật này. Cụ thể, người nhập cư phải có ngoại hình trông lớn hơn 18 tuổi nhưng trẻ hơn 25 thì mới qua được vòng xét duyệt ban đầu, để tiếp tục các vòng kiểm tra tiếp theo.

Bà Patel đã thề sẽ làm mọi thứ để loại bỏ những người nước ngoài phạm tội, bao gồm người khai man tuổi. Bà nhấn mạnh rằng sẽ thành lập một đơn vị chuyên biệt, chuyên xử lý những hồ sơ khai nhỏ tuổi.

Vào năm 2015, một người nhập cư đã có được quyền bảo hộ ở UK sau khi khai mình 16 tuổi. Hai năm sau đó, hắn tấn côn một đám đông tại một ga tàu điện ngầm ở tây London với một quả bom tự chế, khiến 27 người bị thương. Hắn tuyên bố mình là thành viên của Nhà nước Tự xưng IS. 

Trong năm nay, UK đã trục xuất hơn 1,700 người nước ngoài phạm tội. 

Các phương pháp y khoa xác định độ tuổi

Vẫn chưa có thông tin chi tiết về các phương pháp mà Bộ Nội Vụ dùng để xác định độ tuổi trong tương lai, và liệu các phương pháp mới có đụng chạm đến vấn đề nhân quyền hay không. Và cũng không chắc là các phương pháp mới sẽ giúp giảm tỉ lệ tội phạm ở UK.

Trước đây, người ta cho rằng Bộ Nội Vụ dùng phương pháp chụp X-quang hoặc những hình thức kiểm tra cắt lớp (CT) khác để kiểm tra tuổi xương của người xin tị nạn. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ áp dụng với những người mà ngoại hình quá khác biệt so với độ tuổi họ khai. Các tổ chức nhân quyền vẫn luôn không đồng tình về tính đạo đức và thực tiễn của phương pháp này.

nguoi nhap cu khai gian tuoi 1
Chụp X-quang là một trong những phương pháp được xem xét áp dụng cho người khai nhỏ tuổi. Ảnh: picture-alliance/N. Lange

Ý tưởng chụp X-quang từng được đệ trình ở Đức vào năm 2018, tuy nhiên Hiệp hội Y khoa Đức (Bundesärztekammer) cho rằng các phương pháp này có thể gây hại cho sức khỏe của người xin tị nạn.

Viethome (theo infomigrants)