Tuần này, xác định nhóm người tị nạn đầu tiên bị gửi tới Rwanda

Tuần này, nhóm người nhập cư bất hợp pháp đầu tiên sẽ được thông báo việc gửi họ tới Rwanda. Đơn xin tị nạn của họ sẽ được xử lý ở Rwanda, dù chưa rõ khi nào họ sẽ bị đưa lên máy bay. 

nhom nguoi ti nan dau tien den rwanda
Cơ sở vật chất tại khách sạn Hope House ở thủ đô Kigali, nơi ở ban đầu của người tị nạn tại Rwanda. 

Tuần này, nhóm người nhập cư đầu tiên sẽ được xác định, và sẽ nhận được thông báo họ bị gửi tới Rwanda theo kế hoạch di trú gây tranh cãi của chính phủ. 

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đã ký một thỏa thuận với chính quyền Rwanda hồi tháng 4/2022, nhằm tạo điều kiện cho những người xin tị nạn đến Anh bất hợp pháp từ đầu năm 2022, được tái định cư ở quốc gia đông Phi.

Ngày này đã đến, những người đầu tiên đang nhận được thông báo về hoạt động tái định cư họ ở Rwanda, hồ sơ xin tị nạn của họ sẽ đồng thời được xử lý ở đây. Nhưng chưa rõ khi nào họ sẽ bị đưa lên máy bay. 

Nếu hồ sơ đậu, họ sẽ được cấp quyền tị nạn ở quốc gia này. Nếu hồ sơ rớt, họ có thể nộp đơn xin visa theo các lộ trình nhập cư khác nếu họ vẫn muốn ở lại Rwanda. Nhưng họ cũng có thể bị trục xuất. 

Những người nhập cư bằng cách đi chui qua eo biển Anh, sẽ là nhóm người đầu tiên bị chỉ định đến Rwanda. Chính phủ Anh cho biết họ có quyền giam giữ những người này trong thời gian chờ đưa đến Rwanda. 

Kế hoạch Rwanda hiện đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý từ các tổ chức từ thiện, chất vấn tính hợp pháp của nó. Nhiều lá thư đã được gửi tới Bộ Nội vụ. Những lá thư này sẽ mở đường cho một vụ kiện pháp lý chống lại kế hoạch Rwanda. 

Các tổ chức từ thiện yêu cầu chính phủ nói rõ những đặc điểm mà Bộ Nội vụ dùng để phân loại người được đưa đến Rwanda. Và cơ sở nào để khẳng định Rwanda là một quốc gia an toàn. 

Trước đó, Thủ tướng Anh nói ông muốn nhìn thấy chuyến bay đầu tiền cất cánh vào cuối tháng Năm. Nhưng giới chức vẫn chưa xác định được khi nào chuyện này mới bắt đầu, và bao nhiêu người sẽ bị nhét lên chuyến bay trục xuất đầu tiên. Ông Boris Johnson nói hàng chục ngàn người xin tị nạn có thể bị gửi tới Rwanda. 

Bà Patel nói: ''Hệ thống tị nạn ở Vương quốc Anh đang đổ vỡ và bọn tội phạm đang khai thác các kẽ hở để buôn người, khiến những người đóng thuế ở Anh phải chịu nhiều gánh nặng''.

''Việc hợp tác quốc tế với Rwanda sẽ giúp những người xin tị nạn được tái định cư ở Rwanda, nơi hồ sơ của họ sẽ được xem xét và họ có thể xây dựng cuộc đời mới ở đây. Cách này giúp phá vỡ hoạt động buôn người và ngăn ngừa những cái chết trên biển''.

''Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của kế hoạch. Tôi biết sẽ hơi lâu một chút vì có những người sẽ tìm cách phá hoại kế hoạch này và trì hoãn quá trình trục xuất. Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn kiên trì đến cùng để lấy lại quyền kiểm soát tài chính, luật pháp và biên giới cho người dân Anh''.

''Những người tị nạn sẽ nhận được hỗ trợ khi tái định cư ở Rwanda, bao gồm 5 năm đào tạo để họ hội nhập cuộc sống, được cung cấp chỗ ở, được chăm sóc sức khỏe. Từ đó họ có thể yên tâm định cư và sống cuộc đời mới.

Bà Patel thừa nhận sẽ mất kha khá thời gian để giải quyết các thách thức pháp lý đang ngày càng gia tăng. Ít nhất 7,739 người đã đến UK trong năm nay qua đường eo biển. Con số này gấp 3 lần lượng người đến UK cùng kì năm 2021 (khoảng 2,439 người).

Viethome (theo Sky News)