Anh bị chỉ trích vì kế hoạch gắn thẻ điện tử để theo dõi người di cư

Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích kế hoạch của Bộ Nội vụ, theo đó những người băng qua eo biển Manche đến Anh sẽ bị gắn thẻ điện tử để theo dõi.

Enver Solomon - Chủ tịch Hội đồng Người tị nạn, cho biết: “Hôm nay xuất hiện tin về kế hoạch gắn thẻ điện tử và áp đặt giới nghiêm với người xin tị nạn trong độ tuổi lao động đến từ một chính phủ không biết quản lý hệ thống tị nạn một cách có trật tự, hiệu quả và quan trọng nhất là nhân đạo''.

''Đối xử với những người đàn ông, phụ nữ và thanh niên vô tội - những người đã chạy trốn khỏi chiến tranh và bị ngược đãi như tội phạm là điều tàn nhẫn, hà khắc và mang tính trừng phạt, là sự đi xuống chưa từng có trong cách tiếp cận của Vương quốc Anh với những người đang cần được giúp đỡ. Đây không phải biện pháp ngăn chặn cũng như ngăn cản mọi người thực hiện chuyến đi nguy hiểm qua eo biển Manche”.

“Thay vào đó, chính phủ cần tạo ra nhiều tuyến đường an toàn hơn và đảm bảo người tị nạn được đối xử nhân đạo và công bằng trên đất Anh”.

Đề xuất gắn thẻ người xin tị nạn lần đầu tiên được tờ Sun đưa tin, trong đó trích dẫn các nguồn tin cho rằng Anh đã có luật cho phép đề xuất này.

Bộ Nội vụ từ chối bình luận về kế hoạch gắn thẻ nhưng lại hướng đến bình luận của Bộ trưởng Nhập cư Tom Pursglove. Ông Tom đã nói: “Dự luật Quốc tịch và Biên giới sẽ xem việc cố ý đến Vương quốc Anh bất hợp pháp là vi phạm hình sự và đưa ra bản án chung thân cho những người tham gia tổ chức nhập cảnh bất hợp pháp”.

29ukNgười di cư tới Anh từ bờ biển Pháp

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đang thực hiện cuộc đại tu đối với hệ thống nhập cư, đáng chú ý nhất là thông qua dự luật Biên giới. Giảm "yếu tố thu hút người tị nạn tới Anh'' là phương pháp khác mà các bộ trưởng đang xem xét.

Việc gắn thẻ người vi phạm hệ thống tị nạn Anh sẽ khiến họ khó làm việc bất hợp pháp hơn trong khi đơn xin tị nạn của họ được xem xét - một quá trình có thể mất đến vài năm.

Các nhà hoạt động vì quyền của người di cư đã nhiều lần vận động Chính phủ cho phép người xin tị nạn được đi làm nhận lương.

Theo “kế hoạch nhập cư mới” của bà Patel, được liên kết với Dự luật Biên giới, Bộ Nội vụ muốn đưa tất cả người xin tị nạn vào các trung tâm tiếp nhận thay vì khách sạn và gắn thẻ có thể là một phần của quá trình này.

Minnie Rahman, giám đốc điều hành của Hội đồng chung về phúc lợi cho người nhập cư, cho biết: “Chính phủ dường như đang theo đuổi các biện pháp hà khắc và tuyệt vọng hơn bao giờ hết như thẻ điện tử nhằm giải quyết một vấn đề đơn giản là không tồn tại".

Tháng trước, Bộ Nội vụ cho biết chỉ có 5 người vượt biển tới Anh bị trả về châu Âu trong năm nay. Trong năm 2021, hơn 27,000 người di cư đã dùng thuyền nhỏ băng qua eo biển Manche, tăng từ 8.500 người vào năm 2020.

Vào tháng 11/2021, 27 người đã chết đuối khi chiếc thuyền họ sử dụng bị xì hơi. Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây. 

Thảm kịch đã thúc đẩy yêu cầu lên án và bắt giữ những kẻ buôn người - đối tượng bị nhiều chính phủ đổ lỗi cho việc làm trầm trọng dòng người di cư qua châu Âu và đến Anh.

Anh cũng chịu áp lực phải mở các tuyến đường di cư hợp pháp để thay thế cho các cuộc vượt biên bằng thuyền.

Kế hoạch Tái định cư mới của Vương quốc Anh, bắt đầu vào tháng 2 năm 2021, làm việc với UNHCR để xác định những người tị nạn trên khắp thế giới cho quá trình tái định cư đến Vương quốc Anh. Theo Bộ Nội vụ, 345 người tị nạn đã được tái định cư từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021.

Hôm thứ Năm 23/12, chính phủ xác nhận Chương trình Tái định cư Công dân Afghanistan (ACRS) mới - sẽ tiếp nhận 20,000 người Afghanistan trong vòng 5 năm, bắt đầu hoạt động vào tháng Giêng. Vào tháng 8, Vương quốc Anh đã đưa 12,000 công dân Afghanistan đến Anh.

Viethome (Theo National News)