Hé lộ tung tích đội quân 'đẩy đuổi' người tị nạn ở biên giới châu Âu

Một cuộc điều tra kéo dài hơn 8 tháng của nhiều nhà báo châu Âu đã phát hiện đội quân bí ẩn, lạm dụng vũ lực, thẳng thừng từ chối những người xin tị nạn trên biên giới EU gần đây là các đơn vị đặc nhiệm từ Croatia và Hy Lạp. Họ chủ yếu hoạt động ngầm để 'tống khứ' người tị nạn và được trả lương từ tiền thuế của công dân châu Âu.

Một ngày nóng nực tháng 6-2021, tại biên giới giữa Croatia và Bosnia-Herzegovina, những người đàn ông trong bộ đồng phục tối màu đứng ở phía biên giới của Croatia đã đánh đập những người Afghanistan, Pakistan muốn xin tị nạn ở châu Âu. Đồng phục của họ không có phù hiệu nên không thể biết đó là lực lượng nào. Cách đó vài mét, khuất sau vài bụi cây, mọi hành động đó đã được phóng viên bí mật ghi hình. Các đoạn video ghi lại cảnh những người đàn ông đeo khẩu trang này liên tục vung gậy đuổi 22 người tị nạn quay trở lại Bosnia-Herzegovina. Họ là ai và nhận lệnh từ đâu?

doi quan duoi nguoi ti nan 1
Những chiếc bè cứu sinh mà Hy Lạp dùng để đẩy người tị nạn ra biển đều do công dân châu Âu trả tiền.

Croatia: Sự tham gia của “Cảnh sát can thiệp”

Một số tổ chức phi chính phủ như Mạng lưới Giám sát bạo lực biên giới và các cơ quan truyền thông châu Âu như: Der Spiegel (Đức), Đài truyền hình SRF (Thụy Sỹ), Đài truyền hình công cộng ARD (Đức), nhật báo Libération (Pháp), báo Novosti (Serbia), Đài truyền hình RTL (Croatia)... đã dành hơn 8 tháng thu thập lời khai của hàng trăm người tị nạn và bằng chứng về bạo lực đã xảy ra ở biên giới bên ngoài EU. Họ cải trang thành ngư dân để tiếp cận gần hơn, sử dụng máy bay không người lái qua khu vực biên giới, kiểm tra hình ảnh vệ tinh và phân tích hàng trăm đoạn video… có liên quan.

Tại Croatia, một số hình ảnh thu thập được cho thấy, trên lưng áo lực lượng này có dòng chữ “Interventna Policija” (nghĩa là Cảnh sát can thiệp, thuộc Bộ Nội vụ Croatia). Thông thường, thành viên các đơn vị này được đào tạo đặc biệt, chỉ huy của họ là những cựu chiến binh đã trải qua chiến đấu chống lại quân đội Serbia từ những năm 1990. Một số sĩ quan Croatia cho biết, khi tham gia vào các hoạt động đặc biệt chống lại người di cư ở biên giới, thành viên của Cảnh sát can thiệp sẽ nhận được tiền thưởng lên tới vài trăm Euro/tháng. Tại thực địa, họ kết hợp với cảnh sát địa phương vốn nắm rõ địa hình hơn. Các hoạt động này được tiến hành dưới sự chỉ huy của các quan chức cảnh sát cấp cao ở Thủ đô Zagreb (mã hiệu là Koridor). Một cảnh sát thẳng thắn thừa nhận: “Tất nhiên, những hành động chống người di cư là bất hợp pháp, mọi cảnh sát đều biết điều đó, nhưng các mệnh lệnh đến từ Bộ chỉ huy”.

Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, các quan chức Croatia đã xây dựng một cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho việc này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một số con đường đất mới đã hình thành trong những năm gần đây, dẫn từ lãnh thổ Croatia rồi kết thúc đột ngột ở biên giới với Bosnia-Herzegovina. Những chiếc ba lô rách nát, quần áo trẻ em và túi ngủ nằm la liệt bên đường, chứng tỏ những gì thường xuyên diễn ra ở những ngõ cụt này.

Hy Lạp: “Không ai có thể xâm nhập”

Sáng sớm 21-4, Junior Amba và người vợ đang mang thai cùng là người tị nạn từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến được hòn đảo Samos của Hy Lạp. Họ đã băng qua bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gần đó trên một chiếc bè bơm hơi. Lúc đầu họ trốn cảnh sát trên đồi. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã nhanh chóng tìm ra và đưa họ trở lại biển cùng với 26 người tị nạn khác. Họ bị bỏ lại trên chiếc bè cứu sinh màu cam không động cơ giữa biển Aegean và còn không được phát áo phao. Chỉ vài giờ sau đó, nhóm này đã được lực lượng Biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu. Hiện giờ, Amba và vợ có một mục tiêu mới, anh muốn những người đã đẩy họ ra biển phải ra tòa. Một luật sư người Hy Lạp đã thay mặt cặp đôi này đệ đơn kiện. Một trong những cáo buộc của họ là tội “tra tấn”.

Trong những tháng gần đây, biển Aegean đã trở thành “chiến trường bạo lực” với số người xin tị nạn ngày càng gia tăng. 15 đoạn video cho thấy một số người đâm vào thuyền tị nạn và bắn cảnh báo xuống nước. Lực lượng bảo vệ bờ biển kéo những người tị nạn lên bè cứu sinh màu cam đẩy họ về phía Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một dạng phản kháng đặc biệt nguy hiểm và ngấm ngầm.

Một nguồn tin giấu tên đang làm việc ở vị trí cấp cao trong lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết, trước đây lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn hầu hết các tàu thuyền của người di cư như một phần của thỏa thuận đã ký với Liên minh châu Âu. Nhưng vào tháng 3-2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng chặn người tị nạn trong một thời gian ngắn.

Vì lý do này, chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã thông qua một đường lối cứng rắn hơn. Một số lực lượng an ninh và đặc nhiệm đã được giao nhiệm vụ kéo những người xin tị nạn trở lại biển và bỏ họ trên bè cứu sinh. Bình thường họ đối phó với tội phạm buôn bán ma túy, nhưng hiện giờ họ làm nhiệm vụ đẩy những người tị nạn trở lại biển. Mệnh lệnh được đưa ra là: Không ai có thể xâm nhập được. “Các mệnh lệnh luôn chỉ bằng miệng nên không có dấu vết trên giấy tờ và nhà chức trách có quyền từ chối sự liên đới” - nguồn tin cho biết.

doi quan duoi nguoi ti nan 1
“Cảnh sát can thiệp” của Croatia săn lùng người di cư tại biên giới với Bosnia-Herzegovina

Tài trợ từ ngân sách của Brussels

Ngoài Hy Lạp và Croatia cũng đã có báo cáo tương tự ở biên giới Romania, Ý và Áo. Trong những tuần gần đây, Ba Lan muốn những người xin tị nạn bị mắc kẹt ở khu vực biên giới Belarus bị đói còn hơn là cho phép họ nhập cảnh. Việc đẩy đuổi người tị nạn một cách có hệ thống không chỉ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Công ước Geneva về người tị nạn mà còn đặt ra câu hỏi về những tuyên bố của Liên minh châu Âu về việc tuân thủ pháp quyền. Vì lý do này, bà Ylva Johansson, người chịu trách nhiệm về chính sách di cư tại Ủy ban châu Âu từ năm 2019 nói rằng, các quốc gia thành viên EU có quyền bảo vệ biên giới của họ, nhưng họ vẫn cần tuân thủ luật pháp EU. Bà Johansson trong nhiều tháng đã thúc đẩy cơ chế giám sát độc lập. Theo kế hoạch này, các tổ chức từ xã hội dân sự sẽ giám sát các quan chức quốc gia ở biên giới bên ngoài của EU. Nhưng cho đến nay, các đề xuất của bà Johansson phần lớn đã bị bỏ qua.

Vài tháng trước, Croatia đã bắt đầu có cơ chế giám sát như vậy, nhưng các tổ chức chịu trách nhiệm giám sát không có được sự độc lập cần thiết vì họ chỉ được phép làm nếu thông báo trước. Hơn nữa, ít nhất 2/5 tổ chức được ủy quyền nhận tiền từ chính phủ Croatia. Còn tại Hy Lạp, chính quyền Athens thậm chí không quan tâm đến việc triển khai cơ chế giám sát của bà Johansson. Bộ trưởng Di trú Notis Mitarachi nói rằng, ông hoàn toàn không thấy lý do gì để làm như vậy. Đề cập đến bảo vệ biên giới, ông nói, không cần lời khuyên từ các tổ chức phi chính phủ.

Dĩ nhiên, nếu Ủy ban châu Âu thực sự muốn chấm dứt thực trạng nói trên, họ có thể cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ hiện đang cung cấp cho các quốc gia như Hy Lạp và Croatia để bảo vệ biên giới. Nhưng thực tế là, trong những năm gần đây, Brussels đã gửi hơn 422 triệu Euro cho Athens và hơn 110 triệu Euro cho Zagreb vì mục đích này. Chính phủ Đức đã cung cấp camera hồng ngoại và xe địa hình cho Croatia.

Theo các tài liệu được công bố rộng rãi, EU đang trả tiền công tác phí, chỗ ở, thậm chí trang bị cả những chiếc áo khoác cho “Cảnh sát can thiệp” ở Croatia. Nhiều chiếc bè cứu sinh màu cam được lực lượng đặc biệt Hy Lạp sử dụng để đẩy những người tị nạn trở ra biển đã được Liên minh châu Âu chi trả. Công ty Lalizas của Hy Lạp đã thắng thầu mua lại bè vào năm 2016. Theo hồ sơ đấu thầu đó, mỗi lần sử dụng bè cứu sinh như vậy người nộp thuế châu Âu phải trả 1.590 Euro, nhưng chi phí thực sự cao hơn rất nhiều.

Ngoài Hy Lạp và Croatia, cũng đã có báo cáo tương tự ở biên giới Romania, Ý và Áo. Trong những tuần gần đây, Ba Lan muốn những người xin tị nạn bị mắc kẹt ở khu vực biên giới Belarus bị đói còn hơn là cho phép họ nhập cảnh. Việc đẩy đuổi người tị nạn một cách có hệ thống không chỉ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Công ước Geneva về người tị nạn mà còn đặt ra câu hỏi về những tuyên bố của Liên minh châu Âu về việc tuân thủ pháp quyền.

An ninh & Thủ đô (Theo Der Spiegel)