Anh: Đệ đơn kháng cáo tị nạn có phải là trò xổ số may rủi?

Trong một chương trình thời sự có tên Victoria Derbyshire của đài BBC, các chuyên gia từng đi đến kết luận rằng việc đệ đơn kháng cáo tị nạn ở Anh bây giờ cũng mang tính may rủi giống như việc chơi xổ số vậy.

Asylum seekers face appeals
Đệ đơn kháng cáo tị nạn ở Anh có phải là trò xổ số may rủi?

Theo thống kê, số lượng những người đệ đơn kháng cáo tị nạn thành công tại một số địa điểm nhất định lại cao hơn gấp đôi so với những khu vực khác. Số liệu trên được công bố nhờ vào áp lực từ Luật tự do thông tin ở Anh. Nó cũng cho thấy việc đệ đơn kháng cáo tị nạn của bạn có được chính phủ thông qua hay không cũng phụ thuộc khá nhiều vào tòa án mà bạn nộp chúng.

Sau khi nhận được thông tin về kết quả điều tra này, nghị sĩ Shami Chakrabarti đã nhanh chóng kêu gọi chính phủ Anh thực hiện một cuộc điều tra diện rộng để làm sáng tỏ vấn đề mờ ám trên. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ tư pháp lại từ chối đưa ra bất kỳ một bình luận nào về vấn đề nhạy cảm này khi ông nhận được hàng chục công hỏi dồn dập từ phía báo giới Anh quốc.

Một giám sát viên pháp lý về vấn đề xin quyền tị nạn thậm chí còn cho biết tình hình nghiêm trọng đến nỗi, có những lúc họ nghe ngóng được rằng một số luật sư của người xin tị nạn đã phải nói dối về địa chỉ của thân chủ để đơn từ của họ được xem xét ở một địa điểm khác có cơ hội thành công cao hơn.

Số liệu thống kê được công bố dựa trên những dữ liệu từ hơn 36,000 đơn kháng cáo tị nạn gốc được đệ trình vào khoảng từ tháng Một năm 2013 đến tháng Chín năm 2016. Sự chênh lệch về số lượng đơn kháng cáo thành công thể hiện vô cùng rõ ràng tại hai khu vực đông đúc ở London đó là Harmondsworth với 24% lá đơn được chấp thuận và ở Taylor House là 47%.

Tỷ lệ đệ đơn kháng cáo tị nạn thành công năm 2013-2016:

Tòa án Tỷ lệ kháng cáo thành công Số trường hợp đệ đơn kháng cáo
Belfast 24% 292
Birmingham 34% 4,177
Bradford 41% 2,903
Glasgow 28% 1,979
Harmondsworth 24% 1,196
Hatton Cross 40% 6,414
Hendon 39% 72
Manchester 34% 4,428
Newport 44% 3,083
North Shields 30% 1,848
Nottingham 39% 140
Richmond 43% 299
Stoke 36% 1,923
Taylor House 47% 7,488
Yarl's Wood 21% 125

Những con số thống kê ở trên không bao gồm các đơn khiếu nại được ưu tiên xử lý dưới dạng fast – track. Người ta cho rằng cơ hội tiếp cận với những người đại diện có chuyên môn tốt và được làm việc với các trung tâm tiếp nhận có chất lượng ở các địa điểm khác nhau là những lý do chính khiến cho sự chênh lệch lớn về tỉ lệ đơn từ kháng cáo tị nạn thành công đang diễn ra hiện nay.

Tình trạng khan hiếm dịch vụ tư vấn pháp lý ở Anh

Bà Laura Smith – một giám sát viên pháp lý thuộc văn phòng luật sư Duncan Lewis, cho biết bà “không hề thấy ngạc nhiên chút nào” về kết quả điều tra trên.

Bà cho biết thêm: "Đó là một hệ thống ra quyết định mang tính tùy ý may rủi nhất mà tôi từng thấy. Thậm chí nếu có hai trường hợp đệ đơn kháng cáo giống hệt nhau, nếu được giải quyết ở những địa điểm khác nhau thì kết quả cũng có thể sẽ rất khác. Quyết định cuối cùng về các đơn từ kháng cáo của bạn phụ thuộc rất nhiều vào việc người thẩm phán đó là ai và cơ sở xã hội tiếp nhận đơn từ của bạn nằm ở đâu.”

Bà Smith cũng tiết lộ thêm rằng bà đã khuyến khích các khách hàng của mình nên nộp đơn tại các khu vực thuộc Taylor House nếu họ có thể.

Bên cạnh đó, cũng theo điều tra thì hai trung tâm có số lượng đơn kháng cáo thành công rất thấp: Harmondsworth và Yarl's Wood, lại chính là hai địa điểm mà phần lớn những người xin tị nạn tại đây không hề có đại diện pháp lý đi cùng tới tòa. Có tới khoảng 32% số người đệ đơn tại Harmondsworth là không có người đại diện pháp lý đi kèm, trong khi đó con số này ở Yarl's Wood là 23%.

Bà Catriona Jarvis, một thẩm phán đã về hưu sau 12 năm “cầm cân nảy mực” các phiên tòa lớn nhỏ trên khắp Anh quốc, cho biết: “Có một tình trạng đang diễn ra tại Anh đó là: khan hiếm các hỗ trợ về pháp lý”.

Việc cắt giảm trợ cấp cho các dịch vụ hỗ trợ pháp lý của chính phủ bắt đầu từ năm 2013 đã khiến cho các luật sư chẳng còn thấy “mặn mà” gì với vấn đề người nhập cư nữa. Điều này cũng khá dễ hiểu khi mà các luật sư thường phải dành rất nhiều thời gian để theo đuổi một vụ kháng cáo tị nạn trong khi số tiền công mà họ nhận được từ phía chính phủ lại chẳng đáng là bao.

Bà Jarvis cho biết thêm: "Việc này thậm chí còn bất cập hơn tại một số vùng của đất nước, nơi mà các công ty luật tư nhân không cung cấp bất kỳ một dịch vụ tư vấn nào liên quan tới các vấn đề về tị nạn hay nhập cư. Đây đặt ra một vấn đề nan giải đối với một số người tị nạn bị chính phủ đưa đến sinh sống tại một địa điểm nhất định.”

Nhiều người cho rằng việc đệ đơn kháng cáo thất bại do sinh sống ở một nơi khan hiếm đại diện pháp lý là một điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được trong một nền dân chủ nhân văn như ở Anh quốc.”

Về vấn đề này, một phát ngôn viên của cơ quan pháp lý cho biết tất cả các thẩm phán đã đưa ra quyết định cuối cùng về các lá đơn khiếu nại sau khi xem xét kỹ từng trường hợp và dựa trên các thông tin liên quan cũng như luật pháp hiện hành.

VietHome (Theo BBC News)