Phóng viên Sky News tìm ra cửa hiệu bán xuồng cho người vượt biên đến Anh

Chủ của cửa hàng bán xuồng lo sợ những kẻ buôn người sẽ trả đũa nếu ông tiết lộ nhiều thông tin hơn.

Một chiếc xuồng dùng để chở 13 người băng qua eo biển Anh đã bị phóng viên Sky News truy vết hàng trăm cây số và tìm được gốc gác của nó ở Hà Lan. Người chủ cửa hàng bán xuồng lo sợ những kẻ buôn người sẽ ''làm thịt'' ông và gia đình nếu ông tiết lộ thông tin của những kẻ mua xuồng.

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel hiện đang sử dụng chính sách mới, đó là ''lùa'' những chiếc xuồng chở người di cư quay ngược trở lại Pháp. Một nhà phân tích nói rằng việc truy dấu xuất xứ những chiếc xuồng này sẽ là một phương pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn buôn người.

Vào ngày 20/7/2021, một đoạn video do trực thăng quay được cho thấy một chiếc xuồng nhỏ màu cam chở đầy người đã cập bến Dungeness (Kent, England). Đây chỉ là một vài trong số 13.000 người di cư đã đi theo tour đường biển này trong năm nay.

truy vet xuong nhap cu 1
Chiếc xuồng chở 13 người cập cảng Dungeness.

Truy vết những chiếc xuồng chở người nhập cư thường rất khó. Bởi vì chúng thường xuất bến vào đêm khuya sau khi bị đánh cắp từ các bến du thuyền hoặc xưởng sản xuất thuyền ở bắc Âu. Tuy nhiên chiếc xuồng bị phát hiện hôm 20/7 lại có 2 đặc điểm khác biệt: đó là màu cam nổi bật của nó, và số đăng ký in bên mạn xuồng cùng tên thương hiệu xuồng là LodeStar. 

Phóng viên Sky News bèn lên trang web bán tàu thuyền nổi tiếng ở châu Âu tên là boatshop24.com. Mở tới trang thứ 16 của chuyên mục xuồng cao su, họ đã tìm thấy một chiếc xuồng giống y chiếc đã cập bến ở Dungeness. Truy cập vào profile của người bán xuồng này, họ phát hiện đó là một cửa hiệu ở Rotterdam, Hà Lan. 

Chiếc xuồng vẫn còn nằm trong danh sách hàng đăng bán, vì website vẫn chưa cập nhật tình trạng ''hết hàng'' của nó. Sau khi được mua, bảng điều khiển trên xuồng đã bị gỡ để có thể nhét thêm người vào.

truy vet xuong nhap cu 1
Hình ảnh chiếc xuồng trên website bán hàng.

truy vet xuong nhap cu 1
Biển số trên xuồng giống như biển số đăng ký.

Ông Hans, chủ của cơ sở bán xuồng, tiết lộ rằng chiếc xuồng này đã được một cặp đôi khoảng 35 tuổi mua cách đó 2 tuần trước khi nó được hạ thủy. Người mua là một phụ nữ dường như đến từ Bỉ, và một nam giới nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà Hans không hiểu.

Họ đã trả 700 euro cho chiếc xuồng, và cung cấp 1 địa chỉ ở Antwerp (Bỉ) sau khi hoàn tất thanh toán. Giá của chiếc xuồng này chỉ là một con số lẻ so với hàng ngàn euro mà những kẻ buôn người tính phí trên mỗi người di cư.

Hans không hề biết chiếc xuồng này được sử dụng cho mục đích buôn người, nhưng ông cũng không ngạc nhiên lắm. Đây là lần thứ 3 trong 2 năm qua, những chiếc xuồng do ông bán có dính líu tới tội phạm nhập cư.

Thường thì những kẻ buôn người ở bắc Âu nói cùng một ngôn ngữ với những người di cư, nhằm giúp họ tổ chức hành trình băng qua eo biển. Hiện giờ Hans đã ra một chính sách tuyên bố rõ ông sẽ không bán cho những khách hàng nói thứ tiếng mà ông không nhận ra. 

Hans không muốn cung cấp thêm thông tin nữa vì sợ bọn buôn người trả đũa, nên Sky News quyết định không nêu đầy đủ tên họ của Hans cũng như cửa hiệu của ông.

truy vet xuong nhap cu 1
Ông Hans tại cửa hàng của mình.

Trong một vụ việc trước đó vào năm 2019, 3 người đàn ông mà Hans đoán là người Syria, đã mua một chiếc xuồng, 9 áo phao và một động cơ gắn ngoài từ cửa hiệu của ông. Sau khi giúp họ chất con xuồng lên một chiếc xe van, 3 người đàn ông lái xe đi mất mà không trả tiền. Hình ảnh từ CCTV của tiệm cho thấy rõ hình ảnh của những gã này và chiếc xe của chúng, nhưng cảnh sát Hà Lan cũng không bắt được bọn ăn cướp.

truy vet xuong nhap cu 1
Ông Hans nói chuyện với 3 gã đàn ông trước khi bị cướp.

Lực lượng Biên phòng Hà Lan nói rằng họ không biết về chiếc xuồng được mua ở Rotterdam hồi tháng 7 đã được sử dụng cho mục đích vượt biên. Hành trình vượt biên đến UK thường phải đi qua 3 nước khác, mỗi nước đều có rất nhiều chốt biên giới và lực lượng biên phòng riêng.

Việc hợp tác giữa các quốc gia là cần thiết nếu muốn ngăn chặn tội phạm buôn người. Hồi đầu năm, bên phía UK đã cung cấp cho Pháp 54 triệu bảng để yêu cầu Pháp hỗ trợ kìm hãm người di cư tới eo biển. Thế nhưng các chuyên gia lại lo rằng chủ trương của hai bên chính phủ liệu có tới tai của các lực lượng biên phòng địa phương. 

Chuyên gia về tệ nạn buôn người Roxane de Massol de Rebetz thuộc Đại học Leiden cho biết: "Nhập cư là một vấn đề liên quốc gia, đó không phải là chủ trương của riêng cảnh sát địa phương. Cảnh sát địa phương còn phải lo đủ loại tội phạm trộm cướp chứ nhiệm vụ chính không phải là chặn người di cư. Huống chi nhiều thành viên châu Âu còn thấy mừng thầm vì đã tống được người di cư ra khỏi lãnh thổ''.

Hơn nữa, cho dù là cảnh sát địa phương có cố gắng, thì việc truy vết những chiếc xuồng nhỏ rẻ tiền cũng không hề dễ. Việc đăng ký xuồng chẳng có quy định nào cả. Mà dù có, thì số đăng ký cũng rất dễ thay đổi. Chiếc xuồng màu cam cặp bến Anh hôm 20/7 đã bị thiếu mất một ký tự trên số đăng ký, có thể do đã vô tình rơi mất hoặc cố ý bị gỡ đi.

truy vet xuong nhap cu 1
Những chiếc xuồng của người di cư chất đống tại một kho bãi ở Dover, Kent. Rất ít chiếc có in thông tin đăng ký.

Cơ quan Cấp biển số Phương tiện Hà Lan xác nhận rằng biển số đầy đủ của chiếc xuồng này là 76-77-YN, nhưng họ không thể tiết lộ thông tin về chủ (tức người đã mua) chiếc xuồng này. Sự khó khăn này đòi hỏi phải có những chế tài hiệu quả hơn để giúp truy bắt những kẻ đầu sỏ. 

Bởi nếu không truy bắt những kẻ đầu sỏ mà chỉ nhắm vào người di cư thì chỉ khiến họ liều lĩnh tìm kiếm những hành trình nguy hiểm hơn, nơi mà không bị cảnh sát biển phát hiện.

Bởi nếu chỉ chi tiền để tăng cường cảnh sát truy bắt người di cư thì cũng giống như bạn chặn đầu này, họ đi đầu khác. Điều này đã diễn ra suốt những năm qua, khiến chặng đường của người di cư ngày càng xa xôi và phức tạp.

Viethome (theo Sky News)