Bộ Nội vụ mạnh tay trục xuất người nhập cư phạm tội nghiêm trọng

Bộ Nội vụ vẫn tiến hành một chuyến bay trục xuất theo kế hoạch đến Jamaica. Nhưng một số người bị tạm giữ nhập cư có tên trên chuyến bay đã không bị buộc rời đi sau khi Tòa Phúc thẩm can thiệp.

Vào tối thứ Hai, 10/2, nữ thẩm phán Simler phán quyết rằng Bộ Nội vụ không được trục xuất một số người vì có lo ngại rằng việc không sở hữu điện thoại di động đã khiến họ không thể tiếp cận với tư vấn pháp lý trong thời gian giam giữ chờ trục xuất.

Bà Simler nói rằng những người này không nên bị trục xuất trừ khi Bộ Nội vụ khẳng định rằng họ đã được quyền sử dụng “một thẻ Sim không dùng mạng O2 vào hoặc trước ngày 3 tháng 2.”

Vào sáng thứ Ba, 11/2, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi không thể đưa ra lời xin lỗi vì đã cố gắng bảo vệ công chúng khỏi những đối tượng nước ngoài phạm tội nghiêm trọng, vô cùng bạo lực và có tái phạm. Phán quyết của tòa án không có hiệu lực đối với tất cả những tội nhân người nước ngoài có kế hoạch bị trục xuất và do đó chúng tôi vẫn tiến hành chuyến bay.”

Bella Sankey, thuộc tổ chức Detention Action, cho biết nhóm chiến dịch tin rằng một số người bị trục xuất không có mặt trên chuyến bay vì họ được bảo vệ theo lệnh của tòa án.

Trước đó, bà Sankey nói rằng việc trục xuất những tù nhân được bảo vệ theo lệnh của tòa án có nghĩa là Bộ Nội vụ đã vi phạm pháp luật.

Các nhà vận động đã chỉ trích chuyến bay trục xuất, cho rằng một số công dân nước ngoài bị đuổi ra khỏi quê hương đã đến Anh từ khi còn nhỏ, không có mối liên hệ nào với Jamaica và chỉ bị kết án liên quan đến chất cấm một lần khi họ còn trẻ.

Nhưng các bộ trưởng đã bảo vệ chuyến bay này, nói rằng những người bị giam giữ từng bị kết án vì các tội danh nghiêm trọng bao gồm buôn bán ma túy, bạo lực và vũ trang.

Lệnh của tòa án được áp dụng cho bất cứ ai bị giam giữ tại hai trung tâm tạm giữ gần Heathrow là Colnbrooke và Harmondsworth.

Thẩm phán đã ban hành lệnh mà không có phiên tòa xét xử sau khi nhận được đơn kháng nghị khẩn cấp của Detention Action.

Tổ chức từ thiện lập luận rằng một vài trong số 56 tù nhân tại hai trung tâm Heathrow không có hoặc không thể sử dụng điện thoại di động, sau các sự cố của trạm di động O2 trong khu vực.

Nhưng lệnh này không áp dụng cho trung tâm giam giữ Brook House, gần Gatwick, mặc dù các nhà vận động cho biết những người bị giam giữ ở đây cũng trải qua những vấn đề tương tự.

Không biết chính xác có bao nhiêu người đang bị tạm giữ tại Brook House.

Chuyến bay đã gây ra một cuộc biểu tình bên ngoài phố Downing vào tối thứ Hai, trong đó những người biểu tình chặn các con đường quanh Parliament Square.

Cũng có nhiều tranh cãi tại Hạ viện vào chiều thứ Hai, khi các nghị sĩ Lao động đặt ra câu hỏi khẩn cấp cho Chính phủ.

Có những tiếng hét “thật đáng xấu hổ” khi Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel rời khỏi phòng và để thứ trưởng Kevin Foster trả lời.

Ông Foster khẳng định không có công dân Anh nào trên chuyến bay và cho biết các quy tắc trục xuất được áp dụng “theo tội danh chứ không phải quốc tịch của người phạm tội”. Ông nói thêm rằng: “Các công dân nước ngoài trên chuyến bay đó đã bị kết án tổng cộng 300 năm tù.

"Các tội danh, như chúng tôi đã nói, liên quan đến tất cả mọi thứ, từ tội phạm tình dục, tội buôn bán ma túy nghiêm trọng, tội phạm bạo lực, tội phạm về súng đạn."

Ông Foster liên tục được các nghị sĩ chất vấn về thông tin hành vi phạm tội cụ thể của những người trên chuyến bay nhưng ông từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Hơn 150 nghị sĩ đã ký một bức thư kêu gọi Thủ tướng can dự và dừng chuyến bay.

Chuyến bay được quyết định sau một báo cáo bị rò rỉ sau vụ bê bối Windrush, cảnh báo Chính phủ rằng chính sách trục xuất nên được xem xét lại đối với tất cả các trường hợp ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Được soạn thảo vào tháng 6 năm 2019, tài liệu cho biết: “Chính phủ nên xem lại chính sách và cách tiếp cận đối với FNOs (tội phạm là công dân nước ngoài), thông qua quy trình luật pháp nếu cần thiết.

“Chính phủ cần xem xét chấm dứt tất cả các vụ trục xuất FNOs nếu họ đến Vương quốc Anh khi còn nhỏ (ví dụ trước 13 tuổi). Ngoài ra - việc trục xuất chỉ nên được xem xét trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.”

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid, cựu Bộ trưởng Nội vụ, nói: “Chúng tôi sẽ luôn làm tất cả những gì có thể để bảo vệ công chúng. Đây đều là những kẻ phạm tội người nước ngoài - họ đều đã nhận được những bản án tù giam từ 12 tháng trở lên. Họ chịu trách nhiệm về các tội ác như ngộ sát, hiếp dâm, buôn bán chất cấm loại A.

“Và việc đuổi họ ra khỏi đất nước sau khi thụ án là hoàn toàn đúng đắn vì họ không phải là công dân Anh, họ không phải là thành viên của thế hệ Windrush, họ đều là những người nước ngoài phạm tội.”

VietHome (theo Metro)