Nỗi niềm của một người cha sinh ra đứa con không quốc tịch

Thật khó để mô tả nỗi bất an, tuyệt vọng và tức giận mà những người không quốc tịch sống ở Anh phải nếm trải mỗi ngày.

Là một người không quốc tịch, tôi đã đấu tranh trong nhiều năm để được định cư, điều này sẽ cho phép tôi và gia đình bước tiếp trong đời. Đối mặt với thái độ thù địch công khai của Bộ Nội vụ, hồ sơ của tôi đã bị trì hoãn bởi hệ thống quan liêu rối rắm và sự chậm trễ không thể giải thích nổi.

Sau khi tôi trốn sang Anh để thoát khỏi tình cảnh bị tra tấn và cầm tù vì vai trò của mình trong các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011, đất nước quê hương tôi Bahrain, đã tước quyền công dân của tôi.

Thu hồi quyền công dân là một chiến thuật đặc biệt thâm hiểm được chế độ cầm quyền Bahrain áp dụng với mục đích nhắm tới các đối thủ của mình, và nó khiến tôi mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp luật và không có bất kỳ quốc tịch nào.

Ngay cả sau khi tôi được công nhận là người tị nạn và đã hoàn thành cái được gọi là quyền lưu trú tị nạn từ tận 5 năm trước, phải mất thêm 2 năm nữa cùng sự can thiệp của tòa án Anh, tôi cuối cùng mới được cấp quyền định cư vào tháng 9 năm 2019.

Tôi không phải là nạn nhân duy nhất của sự chậm trễ này. Con gái tôi ra đời vào tháng 11 năm 2017. Bộ luật hợp pháp của nhà nước quân chủ Bahrain ngăn cản người vợ quốc tịch Bahrain của tôi chuyển quyền công dân cho con, và những đứa trẻ được sinh ra ở Anh chỉ là công dân Anh nếu có ít nhất một cha hoặc mẹ có quốc tịch Anh hoặc có tư cách định cư tại thời điểm ra đời.

Con gái tôi, do đó, được sinh ra không quốc tịch.

Ngày nay, hơn 10 triệu người đang ở tình trạng không có quốc tịch trên toàn thế giới và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Kể từ năm 2011, chỉ có 943 cá nhân không quốc tịch được cấp quyền tị nạn ở Anh.

Là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc 1954 và 1961, Vương quốc Anh có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm tình trạng không quốc tịch và bảo vệ người không quốc tịch, nhưng những thay đổi quan trọng trong chính sách của Bộ Nội vụ đã làm suy yếu nghĩa vụ này.

vo quoc tich

Vào năm 2005, Bộ Nội vụ đã ngừng cấp quyền định cư cho người tị nạn. Thay vào đó, những người được cấp tị nạn được phép ở lại trong 5 năm, và quyền định cư chỉ được cấp sau thời gian này.

Vào năm 2009, Bộ Nội vụ đã đưa ra chính sách ‘rà soát tích cực’ của mình, có thể gây ra những trì hoãn nghiêm trọng đối với việc cấp quyền định cư sau 5 năm đó.

Nếu không phải vì những thay đổi này, con gái tôi đã được sinh ra là một công dân Anh.

Mãi đến khi vợ tôi và tôi nộp đơn xin định cư, tôi mới nhận ra hậu quả của tình trạng không quốc tịch của mình. Cô ấy đã có thai và chúng tôi hy vọng đơn đăng ký của chúng tôi sẽ được chấp thuận kịp thời, đảm bảo con của chúng tôi sẽ được sinh ra với tư cách công dân Anh.

Tuy nhiên, khi nhiều tháng ngày trôi qua, không có phản hồi từ Bộ Nội vụ, cơ hội để giấc mơ này được hiện thực hóa ngày càng xa vời. Dù đã kháng cáo lên chính phủ, con gái tôi vẫn sinh ra trong tình cảnh tôi hoặc vợ tôi không được định cư.

Tất cả những nỗ lực tương tác của tôi với Bộ Nội vụ đều vấp phải thái độ nghi ngờ và thờ ơ bởi lẽ dường như, cơ quan này được giao nhiệm vụ tạo ra một ‘môi trường thù địch ’đối với người di cư. Tôi đã đợi hơn nửa năm từ lúc nộp hồ sơ để nghe phản hồi từ họ, và phản hồi này lại là họ cần thêm thời gian để đánh giá trường hợp của tôi.

Sau nhiều tháng kiên trì yêu cầu cập nhật tình hình và chỉ nhận lại những phản hồi rời rạc và không thỏa đáng, tôi đã phải dùng đến lời đe dọa hành động pháp lý vào tháng 5 năm 2018 - và họ tiếp tục đáp lại bằng đề nghị cho thêm thời gian.

Cuối cùng, khi một năm trôi qua mà không có tiến triển gì, tôi đã đệ đơn kiện pháp lý chống lại chính phủ vào tháng 6 năm 2019. Hành động này đã mang lại kết quả tức thời. Vì không hứng thú với viễn cảnh tranh cãi pháp lý công khai, Bộ Nội vụ đã xác nhận tình trạng định cư của gia đình tôi.

Sau gần hai năm không có quốc tịch, con gái tôi đã được quyền đăng ký quốc tịch Anh mà lẽ ra con đã phải có ngay khi ra đời.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ tính phí £1,012 cho hồ sơ đăng ký đó, rõ ràng vượt xa chi phí quản lý. Họ thực tế đang thu được lợi nhuận từ chính sự chậm trễ và hành vi cản trở của mình.

Tổ chức Amnesty và Dự án Đăng ký Trẻ em thành Công dân Anh (Project for the Registration of Children as British citizens) đã tổ chức các cuộc vận động để chấm dứt sự bất công này – và đã có hơn 30.000 người ký đơn thỉnh cầu kêu gọi thay đổi.

Trong tháng này, Tòa án Tối cao sẽ quyết định xem các khoản phí này có hợp pháp hay không.

Cuộc đấu tranh để có được quyền định cư của tôi là một trải nghiệm mệt mỏi và đầy bực tức. Sự không chắc chắn về tương lai của chúng tôi ở Anh đã tạo ra những căng thẳng đáng kể và không cần thiết cho bản thân tôi, vợ và các con tôi.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ luật sư, các nhóm nhân quyền và các nghị sĩ, tôi đã có lợi thế đáng kể so với đa số người dân đang buộc phải vật lộn với bộ máy quan liêu hiếu chiến của Bộ Nội vụ.

Con gái tôi cuối cùng sẽ nhận được ID đầu tiên của mình trong những ngày tới, ngay sau sinh nhật thứ hai.

Bất chấp những khó khăn, tôi sẽ luôn biết ơn nước Anh vì đã cho tôi nơi ẩn náu và tự hào rằng con gái tôi sẽ lớn lên như một công dân Anh. Tuy nhiên, những đứa trẻ không quốc tịch không nên phải chịu gánh nặng vì những bất hạnh của cha mẹ chúng.

Chính phủ nên làm tất cả những gì có thể để giảm tình trạng không quốc tịch, không làm tăng số trẻ em sinh ra không quốc tịch ở Anh - và không yêu cầu trẻ em không quốc tịch phải trả lệ phí để có được quốc tịch.

VietHome (Theo Metro)