• Tòa Phúc thẩm London cho rằng quyết định của tòa cấp dưới về việc tước quốc tịch Anh của 'cô dâu IS' Shamima Begum là đúng theo luật.

    Năm 2015, cô Shamima Begum rời nước Anh để kết hôn với một phiến quân của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Năm 2020, cô Begum bị tước quốc tịch Anh và không thể quay lại nước này.

    Sau đó, cô Shamima Begum nộp đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm Anh về việc cô bị tước quốc tịch nhưng bị xử thua kiện. Cô Begum giờ đây là người không có quốc tịch.

    co dau is bi tuoc quoc tich 1
    Cô Shamima Begum vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

    Chuyện gì đã xảy ra với cô Shamima Begum?

    Năm 2015, khi 15 tuổi, cô Shamima Begum cùng 2 người bạn bay từ Anh tới Syria để gia nhập IS. Khi ở đó, cô kết hôn với một phiến quân IS và sống vài năm ở Raqqa (Syria), theo đài CNN.

    Năm 2019, cô Begum xuất hiện trở lại trại tị nạn al-Hawl (Syria). Cùng năm này, cô gửi kiến nghị đến chính phủ Anh xin phép được quay về quê nhà để sinh con trai. Khi ấy, cô xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế với tên gọi “cô dâu IS”.

    Vào tháng 2-2019, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đã tước quốc tịch Anh của cô Begum. Trong tháng 3-2019, đứa con trai mới sinh của cô Begum chết trong trại tị nạn ở Syria.

    Vào tháng 2-2020, một tòa án ở Anh đã ra phán quyết rằng việc tước bỏ quốc tịch của cô Begum là hợp pháp vì cô là "công dân gốc Bangladesh". Do đó, việc tước quốc tịch Anh của cô sẽ không khiến cô trở thành người không quốc tịch.

    Tuy nhiên, phía Bangladesh cho biết quan điểm của tòa án Anh là không đúng và không cho phép cô Begum nhập cảnh vào nước này.

    Cô Begum sau đó đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm London, đề nghị xem xét lại quyết định tước quốc tịch của cô.

    Tuy nhiên, ngày 23-2, Tòa Phúc thẩm London giữ nguyên phán quyết của tòa án trước đó rằng quyết định của chính phủ Anh về việc tước quyền công dân của cô Begum là hợp pháp.

    Tòa phúc thẩm nói gì?

    Tại phiên tòa, Thẩm phán Sue Carr cho biết: "[Chúng tôi] lập luận rằng trường hợp của cô Begum là quá khó khăn. [Chúng tôi] cũng có thể lập luận rằng cô Begum là người gây ra bất hạnh cho chính mình".

    co dau is bi tuoc quoc tich 1
    Cô Shamima Begum bị chính phủ Anh tước quốc tịch vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

    "Nhưng tòa án này không có quyền đồng ý hay không đồng ý với các quan điểm được đưa ra. Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi là đánh giá xem quyết định tước quyền công dân [của tòa án trước] có vi phạm pháp luật hay không. Chúng tôi kết luận là [phán quyết của tòa án trước] không vi phạm pháp luật và đơn kháng cáo bị bác bỏ" – Thẩm phán Sue Carr nói.

    Các chuyên gia nói gì về phán quyết của tòa phúc thẩm?

    Theo đài CNN, phán quyết của Tòa Phúc thẩm London không phải là dấu chấm kết thúc cuộc chiến pháp lý của cô Begum. Trả lời đài Sky News, luật sư Alexander dos Santos cho biết “có khả năng” các luật sư của cô Begum sẽ kháng cáo lần nữa.

    Trong khi đó, các luật sư của cô Begum cho rằng chính phủ Anh chưa xem xét đầy đủ hậu quả của việc tước đi quốc tịch của cô. Các luật sư này lập luận rằng cô là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em và quyết định này là trái pháp luật vì nó khiến cô không quốc tịch.

    Bà Maya Foa – Giám đốc tổ chức nhân quyền Reprieve có trụ sở tại London (Anh) – cho rằng “toàn bộ sự việc [của cô Begum] khiến các bộ trưởng xấu hổ. Họ thà bắt nạt nạn nhân buôn bán trẻ em, hơn là thừa nhận trách nhiệm của Anh”.

    “Tước bỏ quyền công dân hàng loạt và bỏ rơi các gia đình người Anh trong các nhà tù trên sa mạc là một chính sách khủng khiếp, không bền vững, được thiết kế để ghi điểm chính trị” – bà Foa nêu quan điểm.

    Trường hợp nào thì công dân Anh bị tước quốc tịch?

    Theo đài BBC, theo luật mới, Bộ Nội vụ Anh có thể tước quyền công dân Vương quốc Anh của ai đó mà không cần phải thông báo cho họ. Chính phủ Anh cho biết họ sẽ chỉ sử dụng điều khoản này trong những trường hợp "đặc biệt", chẳng hạn trường hợp đối tượng đang ở trong vùng chiến sự hoặc đang lẩn trốn và không thể liên lạc được.

    Hiện tại, Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể tước quyền công dân của ai đó trong trường hợp (1) "vì lợi ích công cộng" và sẽ không khiến họ trở thành người không có quốc tịch; (2) người có được quốc tịch thông qua gian lận; (3) hành động của người đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của Anh và họ có thể yêu cầu cấp quyền công dân ở nơi khác.

    Để thực thi quyền này, Bộ Nội vụ Anh phải thông báo cho đối tượng bị tước quốc tịch. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cần có bằng chứng để tin rằng người đó có đủ điều kiện để nộp đơn xin quốc tịch ở một quốc gia khác.

    Theo BBC, số liệu về công dân Anh bị tước quốc tịch đến nay vẫn chưa rõ ràng.

    Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh cho biết từ năm 2010 đến năm 2018, trung bình mỗi năm có 19 người bị tước quốc tịch vì lý do việc tước quốc tịch "có lợi cho lợi ích cộng đồng". Cũng theo bộ này, trung bình mỗi năm có 17 người bị tước quốc tịch ở Anh vì có gian lận trong quá trình xin quốc tịch.

    Thống kê của website luật nhập cư Free Movement cho thấy hơn 460 người đã bị tước quyền công dân Anh từ năm 2006 đến năm 2020. 175 người trong số này bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia và 289 người trong số này bị tước quốc tịch vì lý do gian lận.

    Theo Plo

  • Quốc tịch là gì?

    Quốc tịch là một địa vị pháp lý. Nếu ai đó là công dân Vương quốc Anh, họ có quyền hợp pháp để sinh sống tại quốc gia này, và được quyền tiếp cận các dịch vụ như phúc lợi, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Họ cũng có quyền đi bỏ phiếu.

    Quốc tịch cũng là một sự định danh, và thường tạo cho một người cảm giác bản thân họ là ai, thuộc về đâu.

    Một số người không phải là công dân nhưng có quyền sinh sống vĩnh viễn ở Vương quốc Anh với nhiều quyền giống như công dân Anh, tuy nhiên họ không được bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử. Những người này có vị thế là người định cư, hoặc có quyền sống ổn định tại Anh.

    nguoi khong quoc tich 0
    Ảnh minh họa

    Có bao nhiêu người đã bị tước quốc tịch Anh?

    Hiện không có sẵn số liệu tổng quan.

    Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết từ năm 2010 đến năm 2018, trung bình có 19 người mỗi năm bị tước quốc tịch do việc tước quốc tịch của họ là "có lợi cho công chúng", và trung bình 17 người mỗi năm bị tước do đạt được quốc tịch nhờ gian lận.

    Trang web luật nhập cư Free Movement cho biết nghiên cứu của họ cho thấy hơn 460 người đã bị tước quốc tịch Anh trong thời gian từ 2006 đến 2020 - với 175 trường hợp là do lý do an ninh quốc gia và 289 người là do gian lận.

    Những người bị tước quốc tịch Anh là ai?

    Trường hợp nổi tiếng nhất gần đây về việc bị tước quốc tịch là Shamima Begum, một trong ba nữ sinh ở đông London đã đến Syria vào năm 2015 để ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

    Cô Begum chào đời ở Anh, với cha mẹ là người Bangladesh. Cô đi Syria khi 15 tuổi.

    nguoi khong quoc tich 2
    Shamima Begum

    Vào tháng 2/2020, một tòa án ra phán quyết rằng việc tước bỏ quốc tịch của Begum là hợp pháp vì cô là "công dân Bangladesh dựa theo gốc gác gia đình", việc tước quốc tịch Anh sẽ không khiến cô trở thành người vô quốc tịch. Bangladesh nói rằng không phải vậy, và cô sẽ không được phép vào nước này.

    Vào tháng 2/2021, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng cô sẽ không được phép quay trở lại Vương quốc Anh để kháng cáo.

    Một người khác cũng bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia là Tauqir Sharif, nhân viên cứu trợ sống ở Walthamstow, London. Ông đến Syria vào năm 2012 cùng vợ và bị tước quốc tịch vào 2017.

    Bộ Nội vụ cho biết họ tin rằng ông Sharif có liên kết với một nhóm gắn bó với al-Qaeda. Ông này phủ nhận cáo buộc, và gọi hệ thống là "không công bằng" và "phân biệt chủng tộc".

    Một trong các trường hợp đáng chú ý là Phạm Quang Minh Amin, công dân Anh gốc Việt, bị Bộ Nội vụ Anh tước quốc tịch hồi 2011.

    Trong vụ kháng cáo của người này, đại diện chính phủ Việt Nam nói theo luật quốc tịch Việt Nam thì ông ta đã không còn là công dân Việt Nam nữa sau khi nhập tịch Anh.

    nguoi khong quoc tich 2
    Phạm Quang Minh, đã theo đạo Hồi, lấy tên là Amin và cưới vợ người gốc Bangladesh, bị tước quốc tịch Anh hồi 2011.

    Tuy nhiên, lập luận này đã bị tòa Anh bác bỏ.

    "Việt Nam vận hành theo cách của chính quyền cộng sản, trong đó bên hành pháp kiểm soát các toà án chứ không phải ngược lại," thẩm phán Lord Jackson nói.

    Tháng 2/2015, Phạm Quang Minh chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Cuối tháng 5/2016, Phạm Quang Minh, người mà Anh Quốc và Việt Nam đều không muốn nhận là công dân của mình, bị kết án tới 40 năm tù giam, với các tội danh liên quan đến khủng bố, bao gồm âm mưu đánh bom sân bay Heathrow, London.

    Các nước khác thì sao?

    Công dân sinh ra tại Hoa Kỳ không thể bị tước quốc tịch vì quyền công dân là quyền gắn liền với nơi sinh, được bảo đảm trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên, công dân Hoa Kỳ nhập tịch - nghĩa là những người nhập cư vào Hoa Kỳ - có thể bị tước quốc tịch vì một số lý do, trong đó cả việc là thành viên của một nhóm bị cấm, và việc có được quốc tịch Hoa Kỳ thông qua gian lận.

    Tại Úc, một người có thể bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia, nếu họ là cũng là công dân của một quốc gia khác.

    Quốc tịch có thể bị tước bỏ vì lý do phản quốc, bất trung và các lý do an ninh quốc gia khác ở 14 quốc gia EU, trong đó có Hy Lạp, Pháp và Romania.

    Luật Quốc tịch Việt Nam quy định một người có thể bị tước quốc tịch Việt Nam nếu họ là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài hoặc là người nhập tịch Việt Nam cư trú ở bất kỳ đâu - trong hoặc ngoài Việt Nam, khi người đó gây hại nghiêm trọng tới "độc lập dân tộc" và "sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam", hoặc tới "uy tín của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

    Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh đã tước quốc tịch của nhiều người hơn bất kỳ quốc gia nào khác trừ Bahrain, theo phúc trình do Viện Phi Quốc tịch và Hòa nhập công bố.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Từ ngày 1/7 tới đây, Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới được người dân đồng tình ủng hộ đó là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

    Theo TS. Lưu Đức Quang, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế hiện nay có không ít người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính quyền các địa phương không có bất kỳ thông tin nào về những người này và chính họ cũng không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, lai lịch của mình.

    Thực tế này đã gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý về an ninh, trật tự xã hội... Hơn nữa, đối với người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, là rào cản khiến họ gặp khó trong các vấn đề khám chữa bệnh, học tập, tìm việc làm, trợ cấp, trợ giúp, an sinh xã hội…

    cap so dinh danh
    Từ 1/7 cấp số định danh cá nhân cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch.

    Việc cấp giấy chứng nhận căn cước góp phần đảm bảo quyền lợi, tạo ra nhiều cơ hội để người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, trong đó có người yếu thế và những trẻ em là con của người gốc Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản nhất, giúp họ có được một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

    "Lần này có một điểm rất mới và thiết thực. Đó là bao quát được một đối tượng là người gốc Việt Nam nhưng không có quốc tịch thì chúng tôi cho rằng đây là một điểm rất tiến bộ và chính vì vậy, ngay cái tên gọi của luật đã được thay đổi, theo hướng là trước đây gọi là luật căn cước công dân thì bây giờ gọi là Luật căn cước. Nghĩa là căn cước sẽ là một giấy tờ tùy thân không chỉ được cấp cho công dân Việt Nam mà cấp cho những người gốc Việt Nam." - TS. Lưu Đức Quang cho biết.

    Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước đang lấy ý kiến nhân dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước Công an cấp huyện nơi người dân đó sinh sống để tiến hành kê khai, thu thập thông tin quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Căn cước.

    Theo VOV

  • Một người phụ nữ sống gần cả cuộc đời ở Ấn Độ không thể ra nước ngoài vì không được cấp hộ chiếu. Chính quyền 3 quốc gia liên quan từ chối cấp hộ chiếu vì bà là người vô quốc tịch.

    Bà Ila Popat đã sống ở Ấn Độ được hơn 50 năm. Tại đây bà kết hôn, sinh con, sở hữu bằng lái xe và thậm chí có thẻ cử tri Ấn Độ. Tuy nhiên, bà không thể ra nước ngoài với tư cách là công dân Ấn Độ vì bà không có hộ chiếu, vô hình trung khiến bà trở thành người "vô quốc tịch".

    Liên tục bị từ chối

    Bà Popat đã đến Tòa án Tối cao Bombay để khiếu nại giới chức Ấn Độ xử lý vấn đề hộ chiếu cho mình. Bà rơi vào tình thế trớ trêu khi mất hàng chục năm để xin cấp hộ chiếu, nhưng vẫn bị 3 quốc gia xác định là người vô quốc tịch. "Mỗi lần như vậy, họ lại đau đầu trước vấn đề về quốc tịch của tôi", bà nói.

    nguoi khong quoc tich 1
    Bà Ila Popat và chồng. Ảnh: AFP.

    Cha của bà Popat sinh ra và lớn lên ở Porbandar, một thành phố cảng ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ. Năm 1952, ông đến Uganda làm việc. Sau vài năm, ông có hộ chiếu Anh.

    Bà Popat sinh ra tại thị trấn Kamuli, Uganda vào năm 1955, bảy năm trước khi đất nước thoát khỏi sự cai trị của Anh. Năm 1966, bà di cư đến Ấn Độ cùng mẹ và em trai. Lúc đó, Uganda vừa trải qua tình trạng khẩn cấp và bất ổn chính trị căng thẳng khiến Hiến pháp của quốc gia này bị đình chỉ.

    “Tôi đến Ấn Độ khi mới 10 tuổi, tên của tôi được đăng ký trên hộ chiếu của mẹ tôi. Mẹ tôi có hộ chiếu British Protected Person (Công dân được Anh bảo vệ). Đây là một loại quốc tịch do chính phủ Vương quốc Anh đặt ra", bà nói.

    Luật sư Aditya Chitale của bà Popat đã giải thích thêm rằng: “Có thể các quy định vào thời điểm đó cho phép trẻ em được nhập cảnh vào Ấn Độ bằng hộ chiếu của cha mẹ mà không cần hộ chiếu riêng".

    Tới Ấn Độ, gia đình bà Popat sống ở Porbandar nhưng chuyển sang Mumbai vào năm 1972. Đây cũng là nơi bà Popat kết hôn vào năm 1977 và lập gia đình.

    Năm 1997, bà Popat nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ, sau khi đáp ứng các điều kiện theo Đạo luật Quốc tịch năm 1955 của Ấn Độ, như kết hôn với công dân Ấn Độ và cư trú tại đây được 7 năm. Nhưng đơn đăng ký của bà không được “thuận mắt” và bị từ chối.

    Sau đó, bà tới Cao ủy Anh ở Mumbai để làm việc vì cả cha và mẹ bà đều có hộ chiếu Anh. Thậm chí mẹ bà vẫn còn gia đình ở Anh.

    Tuy nhiên, họ cho biết bà không đủ điều kiện để xin hộ chiếu Anh vì cả cha và ông nội bà đều không được "sinh ra, đăng ký hoặc nhập tịch" ở đất nước hoặc thuộc địa của Anh sau năm 1962.

    Theo Cao ủy Anh, bà Popat có khả năng là một công dân Uganda, nhưng nếu chính quyền Uganda từ chối, bà sẽ dễ lại thành người không quốc tịch.Vì sao không được công nhận?

    Trong nhiều năm, bà Popat đã xin cấp hộ chiếu Ấn Độ 2 lần nhưng lần nào cũng bị chính quyền trả về. “Tôi đã hỏi liệu tôi có thể xin được hộ chiếu du lịch để thăm ông ở Anh hay không, nhưng tôi không thể làm được", bà nói.

    Em trai của bà Popat sống ở thành phố Vadodara thì lại có hộ chiếu Anh giống như cha mẹ của họ. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào mà bà có thể vượt qua những lỗ hổng đó và cha mẹ bà không làm hộ chiếu Anh cho bà.

    nguoi khong quoc tich 1
    Bà được yêu cầu nộp đơn xin nhập quốc tịch ở Ấn Độ với tư cách là một người "không quốc tịch". Ảnh: BBC

    “Chúng tôi sống trong một gia đình nhiều thế hệ. Chúng tôi không biết nhiều và chỉ làm theo lời người lớn chỉ bảo. Vì không được thắc mắc để tìm hiểu thêm nên chúng tôi không biết đã làm sai ở đâu", bà nói.

    Chỉ khi đơn đăng ký thứ ba của bà bị từ chối vào năm 2015, chính quyền Ấn Độ mới khuyên bà nên đăng ký công dân Ấn Độ trước.

    Ông Chitale đồng ý, nói: “Bà ấy nên nộp đơn xin nhập quốc tịch trước".

    Bà Popat cho rằng mình đã không được hướng dẫn đúng cách.

    “Chúng tôi không am hiểu thủ tục, không ai bảo chúng tôi phải làm gì mới đúng. Chúng tôi chỉ biết đến các cơ quan nhà nước để tìm cách giải quyết. Ở đâu cũng vậy, mọi người xác định tôi là người vô quốc tịch và coi trường hợp của tôi là vô vọng".

    Vào năm 2018, con gái bà đã viết thư cho Cao ủy Uganda ở Delhi để công nhận quốc tịch và cấp hộ chiếu để bà Popat có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ. Họ xác nhận rằng bà sinh ra ở Uganda nhưng nói rằng bà "chưa bao giờ là người Uganda".

    Vào năm 2019, bà Popat nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ, nhưng đơn của bà đã bị từ chối. Theo giới chức, bà đã sống ở đất nước này mà không có thị thực hoặc hộ chiếu hợp pháp, nên không đáp ứng các điều kiện theo Đạo luật Quốc tịch năm 1955.

    Điều này khiến bà Popat nản lòng khi làm đơn kiến nghị vào năm 2022 lên Tòa án Tối cao Bombay. “Chồng tôi là người Ấn Độ, các con và cháu của tôi là người Ấn Độ. Tôi có mọi giấy tờ hợp pháp của nhà nước bao gồm Aadhaar (số ID định danh được cấp cho công dân Ấn Độ), nhưng những yếu tố đó không đủ để làm căn cứ chứng minh cho tôi", bà nói.

    Tòa án Tối cao Bombay sẽ thụ lý vụ án của bà Popat trong tháng 8. Vì vấn đề này mà bà đã bỏ lỡ đám cưới của 2 cháu trai ở Anh. “Tôi sẽ bỏ lỡ thêm đám cưới của một người cháu khác ở Dubai diễn ra vài tuần trước ngày ra tòa", bà nói.

    Những điều mà bà hy vọng là được trở thành công dân của một quốc gia giàu văn hóa, và cũng là nơi mà bà đã gắn bó phần lớn cuộc đời của mình.

    Theo Zing

  • Cô dâu Is Shamima Begum đã thua trong giai đoạn đầu tiên của thách thức pháp lý chống lại quyết định thu hồi quyền công dân Anh của cô ta.

    Cô Begum, hiện 20 tuổi, là một trong ba nữ sinh rời phía đông London tới Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo vào tháng 2 năm 2015.

    Người mẹ này đã sống dưới sự cai trị của IS trong hơn ba năm và được phát hiện khi mang thai 9 tháng tại một trại tị nạn của người Syria vào tháng hai năm ngoái.

    Cuối tháng đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã tước quyền công dân Anh của cô ta - một quyết định được các luật sư của Begum cáo buộc là trái pháp luật vì nó đẩy cô ta vào tình trạng không quốc tịch.

    Một quyết định như vậy chỉ hợp pháp nếu một cá nhân có quyền công dân của một quốc gia khác và Begum là một công dân Anh.

    Begum đã cầu xin được phép quay trở lại Vương quốc Anh vì sự an toàn của đứa con vừa ra đời của mình, sau khi hai đứa con trước đó - một bé gái một tuổi và một bé trai ba tháng tuổi – qua đời trong trại.

    Phát biểu từ trại tị nạn al-Hawl ở miền bắc Syria, Begum nói với tờ The Times: ‘Tôi không phải là một nữ sinh 15 tuổi nhỏ bé ngốc nghếch chạy trốn khỏi Bethnal Green bốn năm trước. Và tôi không hối hận vì đã đến đây.’

    Sau quyết định của ông Javid, vào năm ngoái, Begum đã có hành động pháp lý chống lại Bộ Nội vụ tại Tòa án Tối cao và Ủy ban Kháng cáo Di trú Đặc biệt (SIAC) - một tòa án chuyên xử các vụ kiện liên quan đến các quyết định loại bỏ quốc tịch Anh của một người trên cơ sở an ninh quốc gia.

    Tòa án, đứng đầu là chủ tịch SIAC, bà Elisabeth Laing, đã ra phán quyết vào thứ Sáu (7/2) rằng quyết định thu hồi quyền công dân của cô Begum tại Anh không khiến cô ta trở thành người không quốc tịch.

    Khi công bố phán quyết tại tòa, thẩm phán Doron Blum nói rằng hành động này đã không vi phạm ‘chính sách nhân quyền ngoài lãnh thổ của Bộ Nội vụ bằng cách đẩy Begum vào tình cảnh nguy hiểm tính mạng, đối xử vô nhân đạo hay coi thường.’

    Begum, khi mới 15 tuổi, là một trong ba nữ sinh của Học viện Bethnal Green rời bỏ nhà cửa và gia đình để gia nhập IS.

    Kadiza Sultana, khi đó 16 tuổi và Amira Abase, 15 tuổi cùng Begum đã lên chuyến bay từ sân bay Gatwick đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 17 tháng 2 năm 2015, trước khi lên đường đến Raqqa ở Syria.

    Sultana đã bị giết trong một cuộc không kích vào năm 2016, không ai rõ tung tích Abase ở đâu.

    Begum cho biết cô ta kết hôn với người Hà Lan cải đạo Yago Riedijk 10 ngày sau khi đến lãnh thổ IS, và những người bạn học của cô ta cũng thông báo kết hôn với các chiến binh IS nước ngoài.

    Sau đó, cô nói với The Times vào tháng 2 năm ngoái rằng cô rời Raqqa vào tháng 1 năm 2017 cùng với chồng và những đứa con sau đó đã chết.

    Đứa con thứ ba của cô ta chết ngay sau khi chào đời.

    Begum nói: ‘Họ đang lấy tôi ra làm gương. Tôi hối hận vì đã nói chuyện với giới truyền thông. Tôi ước tôi đã kín đáo hơn và tìm thấy một cách khác để liên lạc với gia đình. Đó là lý do tại sao tôi nói chuyện với tờ the Times.’

    VietHome (Theo Metro)

  • Thật khó để mô tả nỗi bất an, tuyệt vọng và tức giận mà những người không quốc tịch sống ở Anh phải nếm trải mỗi ngày.

    Là một người không quốc tịch, tôi đã đấu tranh trong nhiều năm để được định cư, điều này sẽ cho phép tôi và gia đình bước tiếp trong đời. Đối mặt với thái độ thù địch công khai của Bộ Nội vụ, hồ sơ của tôi đã bị trì hoãn bởi hệ thống quan liêu rối rắm và sự chậm trễ không thể giải thích nổi.

    Sau khi tôi trốn sang Anh để thoát khỏi tình cảnh bị tra tấn và cầm tù vì vai trò của mình trong các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011, đất nước quê hương tôi Bahrain, đã tước quyền công dân của tôi.

    Thu hồi quyền công dân là một chiến thuật đặc biệt thâm hiểm được chế độ cầm quyền Bahrain áp dụng với mục đích nhắm tới các đối thủ của mình, và nó khiến tôi mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp luật và không có bất kỳ quốc tịch nào.

    Ngay cả sau khi tôi được công nhận là người tị nạn và đã hoàn thành cái được gọi là quyền lưu trú tị nạn từ tận 5 năm trước, phải mất thêm 2 năm nữa cùng sự can thiệp của tòa án Anh, tôi cuối cùng mới được cấp quyền định cư vào tháng 9 năm 2019.

    Tôi không phải là nạn nhân duy nhất của sự chậm trễ này. Con gái tôi ra đời vào tháng 11 năm 2017. Bộ luật hợp pháp của nhà nước quân chủ Bahrain ngăn cản người vợ quốc tịch Bahrain của tôi chuyển quyền công dân cho con, và những đứa trẻ được sinh ra ở Anh chỉ là công dân Anh nếu có ít nhất một cha hoặc mẹ có quốc tịch Anh hoặc có tư cách định cư tại thời điểm ra đời.

    Con gái tôi, do đó, được sinh ra không quốc tịch.

    Ngày nay, hơn 10 triệu người đang ở tình trạng không có quốc tịch trên toàn thế giới và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Kể từ năm 2011, chỉ có 943 cá nhân không quốc tịch được cấp quyền tị nạn ở Anh.

    Là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc 1954 và 1961, Vương quốc Anh có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm tình trạng không quốc tịch và bảo vệ người không quốc tịch, nhưng những thay đổi quan trọng trong chính sách của Bộ Nội vụ đã làm suy yếu nghĩa vụ này.

    vo quoc tich

    Vào năm 2005, Bộ Nội vụ đã ngừng cấp quyền định cư cho người tị nạn. Thay vào đó, những người được cấp tị nạn được phép ở lại trong 5 năm, và quyền định cư chỉ được cấp sau thời gian này.

    Vào năm 2009, Bộ Nội vụ đã đưa ra chính sách ‘rà soát tích cực’ của mình, có thể gây ra những trì hoãn nghiêm trọng đối với việc cấp quyền định cư sau 5 năm đó.

    Nếu không phải vì những thay đổi này, con gái tôi đã được sinh ra là một công dân Anh.

    Mãi đến khi vợ tôi và tôi nộp đơn xin định cư, tôi mới nhận ra hậu quả của tình trạng không quốc tịch của mình. Cô ấy đã có thai và chúng tôi hy vọng đơn đăng ký của chúng tôi sẽ được chấp thuận kịp thời, đảm bảo con của chúng tôi sẽ được sinh ra với tư cách công dân Anh.

    Tuy nhiên, khi nhiều tháng ngày trôi qua, không có phản hồi từ Bộ Nội vụ, cơ hội để giấc mơ này được hiện thực hóa ngày càng xa vời. Dù đã kháng cáo lên chính phủ, con gái tôi vẫn sinh ra trong tình cảnh tôi hoặc vợ tôi không được định cư.

    Tất cả những nỗ lực tương tác của tôi với Bộ Nội vụ đều vấp phải thái độ nghi ngờ và thờ ơ bởi lẽ dường như, cơ quan này được giao nhiệm vụ tạo ra một ‘môi trường thù địch ’đối với người di cư. Tôi đã đợi hơn nửa năm từ lúc nộp hồ sơ để nghe phản hồi từ họ, và phản hồi này lại là họ cần thêm thời gian để đánh giá trường hợp của tôi.

    Sau nhiều tháng kiên trì yêu cầu cập nhật tình hình và chỉ nhận lại những phản hồi rời rạc và không thỏa đáng, tôi đã phải dùng đến lời đe dọa hành động pháp lý vào tháng 5 năm 2018 - và họ tiếp tục đáp lại bằng đề nghị cho thêm thời gian.

    Cuối cùng, khi một năm trôi qua mà không có tiến triển gì, tôi đã đệ đơn kiện pháp lý chống lại chính phủ vào tháng 6 năm 2019. Hành động này đã mang lại kết quả tức thời. Vì không hứng thú với viễn cảnh tranh cãi pháp lý công khai, Bộ Nội vụ đã xác nhận tình trạng định cư của gia đình tôi.

    Sau gần hai năm không có quốc tịch, con gái tôi đã được quyền đăng ký quốc tịch Anh mà lẽ ra con đã phải có ngay khi ra đời.

    Tuy nhiên, Bộ Nội vụ tính phí £1,012 cho hồ sơ đăng ký đó, rõ ràng vượt xa chi phí quản lý. Họ thực tế đang thu được lợi nhuận từ chính sự chậm trễ và hành vi cản trở của mình.

    Tổ chức Amnesty và Dự án Đăng ký Trẻ em thành Công dân Anh (Project for the Registration of Children as British citizens) đã tổ chức các cuộc vận động để chấm dứt sự bất công này – và đã có hơn 30.000 người ký đơn thỉnh cầu kêu gọi thay đổi.

    Trong tháng này, Tòa án Tối cao sẽ quyết định xem các khoản phí này có hợp pháp hay không.

    Cuộc đấu tranh để có được quyền định cư của tôi là một trải nghiệm mệt mỏi và đầy bực tức. Sự không chắc chắn về tương lai của chúng tôi ở Anh đã tạo ra những căng thẳng đáng kể và không cần thiết cho bản thân tôi, vợ và các con tôi.

    Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ luật sư, các nhóm nhân quyền và các nghị sĩ, tôi đã có lợi thế đáng kể so với đa số người dân đang buộc phải vật lộn với bộ máy quan liêu hiếu chiến của Bộ Nội vụ.

    Con gái tôi cuối cùng sẽ nhận được ID đầu tiên của mình trong những ngày tới, ngay sau sinh nhật thứ hai.

    Bất chấp những khó khăn, tôi sẽ luôn biết ơn nước Anh vì đã cho tôi nơi ẩn náu và tự hào rằng con gái tôi sẽ lớn lên như một công dân Anh. Tuy nhiên, những đứa trẻ không quốc tịch không nên phải chịu gánh nặng vì những bất hạnh của cha mẹ chúng.

    Chính phủ nên làm tất cả những gì có thể để giảm tình trạng không quốc tịch, không làm tăng số trẻ em sinh ra không quốc tịch ở Anh - và không yêu cầu trẻ em không quốc tịch phải trả lệ phí để có được quốc tịch.

    VietHome (Theo Metro)

  • Vụ Shamima Begum bị Anh tước quốc tịch vì đi theo Nhà nước Hồi Giáo ISIS vào năm 2015 đang là một chủ để gây ra nhiều bàn cãi ở Anh hiện nay.

    Sinh ra ở London, Shamima Begum có cha mẹ gốc Bangladesh, bị Bộ Nội vụ Anh tước quốc tịch đầu 2019 để cô ta không thể từ Syria trở về. Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Anh tước quốc tịch công dân mình vì lý do gia nhập một tổ chức khủng bố. Năm 2011, vụ việc tương tự đã xảy ra ở Anh, đặc biệt hơn khi đối tượng là một người gốc Việt.

    Phạm Quang Minh, đã theo đạo Hồi, lấy tên là Amin và cưới vợ người gốc Bangladesh.

    Phạm Quang Minh và tuổi thơ ở Anh Quốc

    Sinh ra ở VN, Phạm Quang Minh chỉ mới một tháng tuổi trước khi cùng ra gia đình rời sang Hong Kong vào năm 1983. Sáu năm sau, gia đình Minh xin tỵ nạn ở Anh và năm 1995, Minh chính thức được cấp quốc tịch Anh.

    Cuộc sống của Phạm Quang Minh ở Anh trên thực tế cũng nhiều khó khăn. Trong bức thư gửi thẩm phán Mỹ, Minh chia sẻ về cuộc sống khó khăn của một đứa trẻ nhập cư xa quê hương, với khả năng ngoại ngữ hạn chế.

    ''Là một trẻ châu Á thấp bé, tôi thường xuyên bị bắt nạt ở trường," Minh viết, ''Và tôi và cha mẹ chẳng thể làm gì, vì chúng tôi đâu biết tiếng.''

    Tuy nhiên, Phạm Quang Minh đã tìm được đam mê của mình trong môn hội họa. Sau khi hoàn tất Level A ở trường Cao Đẳng Lewisham (London), Minh tiếp tục theo học để lấy chứng chỉ mới ở Cao Đẳng Thiết kế Ravensbournes vào năm 2004.

    Đây cũng là năm mà Minh cải đạo sang Hồi Giáo, qua giới thiệu của người bạn Morocco cùng lớp. Minh thường xuyên có mặt ở các đền thờ của người Hồi Giáo khắp nước Anh. Đặc biệt Minh thay đổi sau chuyến đi Bangladesh và Ấn Độ năm 2006.

    Sau khi trở về Anh, cuộc sống của Phạm Quang Minh diễn ra bình thường. Anh ta làm công việc thiết kế đồ họa và cưới một cô gái gốc Bangladesh vào đầu năm 2010.

    Trung thành với Al Qaeda

    Theo điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, vào cuối năm 2010, Phạm Quang Minh đến Yemen, nguyện trung thành với tổ chức khủng bố Al Qaeda, A.Q.A.P và làm việc ở tạp chí tuyên truyền của tổ chức, Inspire. Cũng ở Yemen, Minh được đào tạo cách chế tạo bom và sử dụng vũ khí.

    Tháng 7 năm 2011, Phạm Quang Minh trở về Anh, và bị bắt ở sân bay Heathrow khi phát hiện có sở hữu vũ khí đạn dược, cùng với một số dụng cụ làm bom trong người. Theo BBC News, một người là Ahmed Abdulkadir Warsame mô tả gặp Minh, lấy tên Hồi Giáo là Amin, trong điểm trú ẩn của AQAP ở Yemen năm 2011. Amin, theo lời kể, luôn mang trong mình một khẩu AK và sẵn sàng trở thành "người tử đạo". 

    Tháng 12, Bộ Nội vụ Anh thông báo tước quyền công dân của Minh mà các văn bản của Anh gọi là Mr Pham. Trường hợp của Phạm Quang Minh được cho là bất thường, vì đa số các lệnh tước quyền công dân khác chỉ đưa ra khi đối tượng đang cư trú ở nước ngoài, ngăn chặn họ trở về Anh.

    Chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu Anh Quốc dẫn độ Minh sang Mỹ, với các tội danh liên quan đến khủng bố, bao gồm âm mưu đánh bom sân bay Heathrow, London.

    Năm 2014, Minh kháng cáo lệnh dẫn độ của Mỹ lên toà Anh nhưng không thành và sang năm 2015, Phạm Quang Minh chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ và nhận án tù, và hiện bị giam ở New York.

    Câu chuyện 'quốc tịch Việt Nam'

    Trở lại tháng 12 năm 2011, Bộ Nội vụ, với bộ trưởng lúc đó là bà Therasa May, thông báo tước quyền công dân của Phạm Quang Minh, với các cáo buộc của bên an ninh rằng người này có liên kết với một số phần tử cực đoan Hồi Giáo, và lên âm mưu đánh bom sân bay Heathrow.

    Tuy nhiên, điều này gặp nhiều trở ngại.

    Đạo luật Quốc tịch Anh năm 1981 viết rõ Bộ Nội vụ Anh có quyền tước quốc tịch nhưng cũng phải để người bị tước quốc tịch quyền kháng cáo qua hệ thống tư pháp là các tòa án Anh.

    Để tước quốc tịch một người, Bộ Nội vụ cần đảm bảo chắc chắn rằng người đó sẽ không rơi vào tình trạng ''vô tổ quốc'' (stateless) sau đó.

    Năm 1961, Anh đã ký vào Công ước về tình trạng không tổ quốc năm 1961. Theo đó, các quốc gia tham gia không thể tước quốc tịch của một công dân nếu như không thể đảm bảo họ sẽ còn một quốc tịch khác.

    Theo lập luận của bà Theresa May, Phạm Quang Minh sau khi bị tước quốc tịch vẫn sẽ còn quốc tịch Việt Nam của mình. Năm 2012, vụ việc được đưa ra tòa án Anh với một bên là Phạm Quang Minh, một bên là Cục Di trú, Bộ Nội vụ.

    Phạm Quang Minh đã sử dụng quyền kháng cáo trên cở sở pháp lý tại các toà án ở Anh để bảo vệ quốc tịch Anh của mình. Căn cứ pháp lý của Minh nêu anh ta đã kết hôn với một người phụ nữ là công dân Anh và họ đã có con.

    Phạm Quang Minh cho rằng quyết định của Bộ Nội vụ vi phạm Công ước châu Âu về quyền con người.

    Người dân Yemen đọc báo có hình lãnh tụ Al Qaeda, Osama bin Laden năm 2011. Hình chỉ có tính minh họa.

    Ngoài ra, nguyên đơn cho biết mình đã rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, và chưa bao giờ cầm trên tay cuốn hộ chiếu Việt Nam. Vì vậy, Minh phủ nhận mình có quốc tịch Việt Nam.

    Trong phiên toà kháng cáo đầu tiên năm 2013 của Cục Di trú, Đại sứ Đặc mệnh của CHXHCN Việt Nam ở Vương Quốc Anh lúc bấy giờ, là ông Nguyễn Quý Bình đã phát biểu nêu ra quan điểm của Việt Nam về vụ việc. Bên đại diện cho Bộ Nội vụ Anh là tiến sĩ Nguyễn Thị Láng.

    Theo Luật Quốc tịch năm 1988 của Việt Nam, công dân Việt Nam chỉ có một và duy nhất một quốc tịch, đó là Việt Nam.

    Do đó, Phạm Quang Minh đã mất quốc tịch Việt Nam của mình khi trở thành công dân Anh vào năm 1993, lập luận của phía chính phủ Việt Nam nêu ra như vậy.

    Không bằng lòng, Bộ Nội vụ quyết định kháng cáo với Toà Phúc thẩm.

    Phiên xử nổi tiếng với hội đồng thẩm phán của Supreme Court gồm Lord Neuberger (chủ tọa), Lady Hale (nữ phó chủ tọa), Lord Mance, Lord Wilson, Lord Sumption, Lord Reed và Lord Carnwath vào hôm 18 và 19 tháng 11 năm 2014 đã ra ra bản án hôm 25 tháng 3 năm 2015.

    Bộ Nội vụ Anh cho rằng Việt Nam không thể đưa ra các cơ sở thuyết phục để không công nhận quốc tịch của Phạm Quang Minh.

    Sắc lệnh 53, năm 1945 của VNCDCH (sau là CHXHCN Việt Nam) ghi rằng, bất cứ người nào sinh ra ở Việt Nam đều có quốc tịch Việt Nam. Phạm Quang Minh sinh ra ở Việt Nam năm 1983, vậy nghiễm nhiên anh ta là công dân Việt nam.

    Cũng như đã nói ở trên, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 1988 ghi nhận rằng người Việt Nam chỉ có một quốc tịch duy nhất, là Việt Nam.

    Tuy nhiên, nghị định 37, năm 1990 về Luật Quốc tịch có điều khoản bao gồm:

    ''Những công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác (do chưa mất quốc tịch Việt Nam mà đã vào quốc tịch khác hoặc do xung đột giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài sinh ra), khi ở nước ngoài được Nhà nước Việt Nam bảo hộ phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế, khi ở Việt Nam được đối xử như mọi công dân Việt Nam."

    Phạm Quang Minh khi nhập quốc tịch Anh năm 1995 đã không xin thôi quốc tịch Việt Nam của mình, như điều lệ trong Luật Quốc tịch 1988.

    Để từ bỏ quốc tịch gốc, người này phải tuân theo các thủ tục do các đạo luật Việt Nam đặt ra và bảo đảm sự đồng ý của chính phủ Việt Nam, phía Anh nói.

    Ngoài ra, theo các Luật Quốc tịch từ năm 1988 đến lần bổ sung mới nhất, 2009, không có điều luật nào bao gồm điều khoản rằng người Việt Nam khi nhập quốc tịch khác sẽ tự động mất quốc tịch Việt Nam.

    Do vậy, việc tước quốc tịch hay không là do chính phủ Việt Nam lựa chọn, trong đó người có quyết định là chủ tịch nước, chứ không phải là điều tự nhiên xảy ra trong hệ thống pháp lý.

    Ông Nguyễn Quý Bình cũng thừa nhận điều này. Đáng lưu ý, ông là một trong những người góp phần vào sửa đổi Luật Quốc tịch năm 1988, theo các tài liệu mà Anh Quốc công bố trên mạng.

    Vụ quốc tịch của Mr Minh Pham được đưa lên toà án Anh.

    Trong phúc trình của thẩm phán Lord Jackson ở phiên tòa đầu tiên có ghi:

    ''Việt Nam vận hành theo cách của chính quyền cộng sản, trong đó bên hành pháp kiểm soát các toà án chứ không phải ngược lại."

    ''Phạm Quang Minh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam của mình sau tất cả các sự kiện của những năm 1980 và 1990. Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 không thay đổi tư cách pháp lý của anh ta. Theo tôi, cho dù chính phủ Việt Nam có thể tự tiện đưa ra những điều luật riêng của mình, thì nó không mang ý nghĩa cấu thành hiệu lực và hoạt động của luật pháp quốc gia đó thể theo nội dung của điều 1.1 của Công ước 1954 về người vô tổ quốc.''

    ''Tôi hiểu rằng (ở Việt Nam) bên hành pháp kiểm soát tòa án và rằng các tòa án sẽ không bãi bỏ các hành vi trái pháp luật của hành pháp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những hành vi đó không vi phạm pháp luật.''

    ''Chính phủ Việt Nam giờ quyết định không coi Phạm Quang Minh là công dân Việt Nam nữa. Họ đi đến quyết định này mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục từ bỏ, tước quyền hoặc hủy bỏ quốc tịch Việt Nam như được quy định trong Luật 2008,'' thẩm phán Jackson kết luận.

    Cuối cùng, phiên kháng cáo với hội đồng thẩm phán đông đảo đã đồng ý rằng việc Bộ Nội vụ Anh tước quốc tịch Anh của Phạm Quang Minh là đúng.

    Đây là lần thứ nhì ở Anh, một vụ tước quốc tịch người Anh sinh ra ở nước khác được đưa lên Tòa Tối cao.

    Lần trước là vụ Hilal al-Jedda, người sinh ra ở Iraq nhưng đã thành công dân Anh và cũng bị chính Bộ trưởng Nội vụ Theresa May tước quốc tịch năm 2013.

    Án tù nhiều năm

    Tháng 2 năm 2015, Phạm Quang Minh chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.

    Trong phiên xét xử, Minh thừa nhận anh ta đã phạm một "sai lầm khủng khiếp" và gửi bức thư cho thẩm phán nói đã từ bỏ mọi hành vi khủng bố và tư tưởng cực đoan.

    Các công tố viên Hoa Kỳ bác bỏ lời nhận tội của Minh, và yêu cầu ra bản án đặc biệt nghiêm khắc. Rơm rớm nước mắt, Phạm Quang Minh cho rằng bản án dài và khắc nghiệt sẽ khiến anh ta phải xa gia đình trong nhiều năm.

    "Tôi chưa bao giờ gây ra hành động bạo lực nào," Minh nói, "Nhưng tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Tôi rất hối hận."

    Cuối tháng 5 năm 2016, Phạm Quang Minh, người mà Anh Quốc và Việt Nam đều không muốn nhận là công dân của mình, bị kết án tới 40 năm tù giam.

    Viethome (theo BBC)

  • Cách đây vài năm, tòa án tối cao đã nghe điều trần từ một người cải đạo Hồi, gọi tắt là B2. Người này đã kiện chính phủ Anh vì lý do chính phủ này đã khiến ông ta thành người vô quốc tịch. Nhưng thế nào thì là một người không có quốc tịch?

    B2 rời Việt Nam, tới Anh khi còn nhỏ. Ở tuổi 21, ông này đã cải đạo sang Hồi giáo. Vào tháng 12/2011, Anh Quốc tước bỏ quốc tịch Anh của ông này vì cho rằng ông ta có can hệ với khủng bố. Bộ Nội vụ cho biết ông này vẫn còn là công dân Việt Nam, nhưng chính phủ Việt Nam lại phủ nhận thông tin trên. Vậy là, giờ đây B2 cho rằng mình đã thành một kẻ không quốc tịch.

     79100722 tomhanks(Ảnh minh họa)

    Trường hợp của B2 là một trường hợp vô cùng phức tạp, nhưng đồng thời nó cũng khơi lên câu hỏi về thế nào thì được coi là một người không có quốc tịch.

    Nói một cách đơn giản, không quốc tịch tức là không phải công dân của một nước nào cả. Thông thường, mọi đứa trẻ sinh ra đều có quốc tịch ở đất nước chúng sinh ra hoặc một đất nước mà cha mẹ đăng ký cho. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc ước lượng được rằng hiện có ít nhất 10 triệu người đang trong cảnh không quốc tịch. Nhiều người trong số này thuộc các dân tộc thiểu số phải chịu tình trạng bị kì thị hoặc phải đối mặt với những thay đổi đột ngột trong luật pháp đất nước mình. Khoảng 800 nghìn người Rohingya đang sống bất hợp pháp không có quốc tịch tại Myanmar, hay hàng chục nghìn người Haiti đang sống tại Cộng hòa Dominica mà không được công nhận công dân do một chính sách mới ra hồi 2013 rằng con em của người nhập cư không có giấy tờ từ những năm 1929 thì không được công nhận quốc tịch Dominica.

    Vô quốc tịch không có nghĩa là không có một giấy tờ tùy thân nào, theo Ruma Mandal, chuyên gia về luật pháp quốc tế cho biết. Tuy nhiên với những người này, việc đăng ký khai sinh cho con, đi học và tới bệnh viện cũng như kiếm việc làm, nhận trợ cấp, thuê nhà - tất cả những điều này đều trở nên vô cùng khó khăn. Thêm nữa, việc đường đường chính chính hợp pháp vượt qua biên giới là không thể.

    Suốt những năm qua, Ủy ban Tị nạn của LHQ đã khởi động một chiến dịch nhằm chấm dứt trình trạng không quốc tịch trong 10 năm tới. Tại Anh và một số nước EU khác, một hệ thống được gọi "statelessness determination" đã được xây dựng để trao cho những người không quốc tịch này giấy tờ cư trú và cơ hội ra nước ngoài. LHQ hy vọng sắp tới sẽ có càng nhiều nước áp dụng chương trình này.

    Cần biết rằng, có nhiều trường hợp, một người rơi vào cảnh không có quốc tịch là do họ bị tước mất quốc tịch. Năm 2003, một người đạo Hồi là Sheikh Abu Hamza đã bị tước quốc tịch Anh sau một đạo luật cho phép loại bỏ những người đa quốc tịch có hành vi đe dọa tới an ninh đất nước được áp dụng tại Anh. Song 7 năm sau vào 2010, Sheikh Abu Hamza đã thắng kiện trước chính quyền Anh với luận biện rằng mình sẽ thành người "không quốc tịch" vì đã tước quyền công dân Ai Cập rồi.

    (Theo BBC)

  • Người đàn ông gốc Việt, chỉ được xác định là B2, cho rằng quyết định tước quyền công dân của anh ta là vi phạm luật quốc tế bởi điều này khiến anh ta trở thành người không có quốc tịch. Theo luật có từ lâu ở Anh, Bộ Nội Vụ có quyền tước quốc tịch của bất cứ ai họ cho rằng sẽ gây ảnh hưởng, nguy hại đến cộng đồng. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra nếu người bị tước quốc tịch còn 1 quốc tịch khác, hoặc được nước khác phong quốc tịch ngay sau đó. 

    >> Đọc Thêm: Luật tước quốc tịch ở Anh Quốc

    quoctich anh quoc

     

    Theo AFP, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May ra lệnh hủy quyền công dân của B2 từ năm 2011, sau khi cơ quan an ninh Anh cho biết B2 "dính líu đến các hoạt động khủng bố".

     

    "Cơ quan An ninh xác định rằng trong khi ở Yemen, B2 đã được al-Qaeda trên bán đảo Arab huấn luyện khủng bố", tài liệu từ một phiên tòa trước đó cho hay. "Cơ quan An ninh cũng nhận định nếu được tự do, B2 sẽ gây ra một mối đe dọa đến an toàn và an ninh của nước Anh và các công dân".

     

    Các thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao ở London quyết định sẽ xét xử vụ kiện này sau ba năm đấu tranh pháp lý của B2. Vụ xét xử dự kiến kéo dài hai ngày, với phán quyết sẽ được đưa ra ngay sau đó.

     

    B2 sinh ra ở Việt Nam, đến Hong Kong trước khi sang Anh tị nạn cùng bố mẹ năm 1989, khi 12 tuổi. Y được cấp quốc tịch Anh 6 năm sau đó. B2 cải sang đạo Hồi năm 21 tuổi, sang Yemen năm 2010 và bị cáo buộc là phần tử Hồi giáo cực đoan.

     

  • Đây là luật đã có từ lâu nhưng không phải ai cũng biết, ngay cả những người Anh bản địa sinh ra ở đây.

    Theo mục 40 của Luật Quốc Tịch Anh năm 1981 (British Nationality Act 1981), Bộ Nội Vụ có thể ra quyết định tước lại quốc tịch của bất kì cá nhân nào mà không cần phải đưa ra toà. Những cá nhân này có thể kháng cáo lại quyết định trên để giữ lại quốc tịch Anh.

    Bộ Trưởng Nội Vụ Theresa May cho biết, việc được nhập Công Dân Anh Quốc là một " đặc ân, chứ không phải là quyền lợi bắt buộc".

    Theo Bộ Nội Vụ, họ có thể tước quyền công dân Anh của bất kì ai nếu họ phát hiện ra người đó sử dụng giấy tờ giả, khai gian lận thông tin để được vào quốc tịch Anh. Những lí do đó bao gồm:

    • Cung cấp thông tin chứng minh nhân thân tốt. ( nhưng thực tế bạn đã từng phạm tội ở nước ngoài)
    • Xin định cư vĩnh viễn ở Anh Quốc bằng cách khai gian là có quốc tịch khác.
    • Xin quốc tịch thông qua kết hôn nhưng thực sự đó chỉ là cuộc hôn nhân giả.
    • Hoặc sử dụng giấy tờ giả, copy và gian lận trong bài thi Quốc tịch Life in the UK.

    Thu Tuoc Quoc Tich Anh

    Thư mẫu thông báo lệnh tước quốc tịch Anh Quốc

    Chúng tôi cũng sẽ tước quốc tịch nếu chúng tôi thấy rằng điều này sẽ làm lợi cho dân chúng ( vd: các trường hợp liên quan đến khủng bố) và người bị mất quốc tịch Anh sẽ không bị rơi vào tình trạng vô quốc tịch.

    Trong một cuộc điều tra gần đây của Cục Báo Chí (The Bureau of Investigative Journalism), từ năm 2010 Bộ Nội Vụ đã tước quốc tịch của 16 người, hầu hết là liên quan đến khủng bố. Ít nhất là có 5 người Anh bản địa và 1 người đàn ông đã sống ở Anh gần 50 năm.

    Luật này tuy được ra từ lâu nhưng đến gần đây, sau khi Liên Minh Chính Phủ Anh cầm quyền, mới được sử dụng nhiều và phổ biến.

    Vào tháng 3 vừa qua, một Nghị Sĩ Cấp Cao của Anh đã kêu gọi chính phủ xem xét lại luật này và cảnh báo luật này không thích hợp với hệ thống Công Lý Anh Quốc.

    Theo luật, sau khi Bộ Nội Vụ ra quyết định tước quốc tịch, người bị tước có 28 ngày để kháng cáo lên Special Immigration Appeals Commission (SIAC).

     Theo Viethome