Vì sao Anh là ''thỏi nam châm'' khiến người di cư phải đến bằng mọi giá?

Người nhập cư tìm đến Liên minh châu Âu (EU) có những chặng dừng chân riêng. Có rất nhiều trường hợp chọn lựa đích cuối cùng là nước Anh. Vì sao? 

Dễ tìm việc

Tỉ lệ thất nghiệp ở Anh hiện chỉ là 3,8% tính theo thống kê mới nhất của tháng 3 đến tháng 5-2019, công bố vào giữa tháng 7 vừa qua. Đây là tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 45 năm qua, bất kể những xáo trộn do sự kiện Brexit. Đây cũng là tỉ lệ gần như thấp nhất châu Âu. Tỉ lệ thất nghiệp thấp cũng có nghĩa việc làm nhiều.

Đó là điều đầu tiên khiến những di dân có động cơ kinh tế tìm đến. Thông tin trước đây cũng cho biết thị trường lao động chui từng chiếm đến 10% GDP của Anh.

Chưa kể một điểm sáng khác là tăng trưởng kinh tế Anh tốt, bất chấp những cảnh báo thiệt hại cho nước Anh khi rời EU. Tỉ lệ tăng trưởng trong những năm qua vào khoảng 1,5%/năm là con số quá lý tưởng ở một quốc gia phát triển.

Thủ tục giấy tờ không khó

Chính quyền Anh đã có những nỗ lực ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào cư trú và làm việc - vốn bị các thành viên EU cho là bất công vì khai thác nguồn lao động rẻ và gây xáo trộn xã hội cho những nước là "chặng dừng chân" cho những người muốn tìm đường đến Anh. 

Nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ, bởi người nhập cư vẫn kháo nhau rằng việc soát xét giấy tờ với người nhập cư không quá khó khăn ở Anh, và nhờ đó họ có thể xin việc dễ dàng.

Những người xin tị nạn được hưởng trợ cấp tài chính, được nhận chế độ chăm sóc y tế và được học hành. Chế độ hỗ trợ lương thực ở Anh cũng khá tốt và phát triển đều. Thống kê cho thấy trong năm 2018, tổ chức từ thiện Trussell Trust đã phân phát 1,6 triệu phần thực phẩm, tăng 19% so với năm trước đó.

Người nhập cư bất hợp pháp tìm đường vào Anh thường tập trung ở thành phố Calais (Pháp) - Nguồn: Junior

Trình độ càng thấp càng dễ tổn thương

Nhiều người nhập cư cũng cho biết chọn nước Anh vì ở đó "nói tiếng Anh", khi mà bản thân họ cũng đến từ nước sử dụng tiếng Anh, hoặc đã học tiếng Anh như ngoại ngữ. Vốn liếng tiếng Anh sẵn có giúp họ tìm kiếm việc dễ hơn (so với ở những nước châu Âu không sử dụng tiếng Anh thông dụng) và làm các loại thủ tục giấy tờ dễ dàng hơn, cũng như sinh hoạt thường ngày không gặp quá nhiều khó khăn.

Báo cáo có tên Giữa hai màn lửa do Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) phối hợp với Chính phủ Anh công bố tháng 3-2019 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về con đường vào xứ sở sương mù. Những "khách hàng" của các đường dây tổ chức vượt biên trái phép vào Anh đều không hề biết mình sẽ đi đâu vào ngày mai. Họ chỉ được bảo phải đi, bằng nhiều phương tiện khác nhau, đôi khi là phải cuốc bộ những quãng đường dài trong nhiều ngày liền dưới sự giám sát chặt chẽ. Họ thậm chí không bao giờ đến được Anh và kết thúc cuộc đời ở một nơi nào đó tại châu Âu.

Trong báo cáo được công bố vào tháng 3-2019, IMO lý giải vì sao nhiều người bất chấp tất cả để đến Anh bằng một mô hình gồm 4 tác nhân ảnh hưởng: ý chí cá nhân, tác động từ gia đình, xã hội và thể chế. Trong đó, hệ thống chính trị chỉ chiếm một phần nhỏ trong hàng chục ảnh hưởng dẫn tới quyết định tha hương.

Ở góc độ cá nhân, địa vị xã hội, tình trạng việc làm và nỗi sợ gánh nợ khiến con người ta mất cảnh giác trước những lời mời mọc, những hứa hẹn về một công việc tốt, cuộc sống đủ đầy và nhắm mắt đưa chân dù không tìm hiểu kỹ thực tế ở nơi đến. IMO rút ra một kết luận: Di cư không xấu, vì ai cũng có quyền được tìm kiếm cơ hội cải thiện mức sống; và càng ít tiền, trình độ thấp càng dễ bị tổn thương trong hành trình đó.

Theo Tuổi Trẻ