Một thanh niên VN bị tạm giữ hai năm dù có bằng chứng anh là nạn nhân buôn người

Một nam giới người  Việt Nam đã bị giam giữ trong hai năm bất chấp những bằng chứng cho thấy anh bị buôn bán sang Anh và bị buộc phải làm việc trong một trang trại cần sa.

Các bộ trưởng đã buộc tội Bội Nội vụ vì “hình sự hóa” các nạn nhân nô lệ hiện đại bằng cách bác bỏ những bằng chứng quan trọng.

Trước đó, thanh niên kể trên vẫn bị tạm giữ nhập cư dù có những bằng chứng y tế cho thấy anh là nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột lao động.

Thông tin này được tiết lộ sau khi thi thể của 39 người, tất cả được cho là công dân Việt Nam, được phát hiện trong một chiếc xe tải ở Essex vào tháng trước - một sự cố bi thảm khiến nhiều người lo ngại rằng các biện pháp nhập cư mang tính trừng phạt đang đẩy người di cư vào tay những kẻ buôn lậu.

Thảm kịch kinh hoàng trên cũng đã đặt ra câu hỏi về cách thức nước Anh đối phó với chế độ nô lệ hiện đại. Theo đó, các nhà vận động cảnh báo rằng nạn nhân thường sợ hãi không dám trình báo việc mình bị lạm dụng do nỗi lo ngại sẽ bị giam giữ và trục xuất.

Nam thanh niên không được nêu tên trong vụ việc kể trên đã bị đưa tới Vương quốc Anh vào năm 2015 trên chiếc xe chở rau quả cùng với 11 người quốc tịch Việt Nam khác. Hai năm sau, anh bị bắt khi cảnh sát đột kích vào một trang trại cần sa nơi anh làm việc.

Trường hợp của anh đã được chuyển đến National Referral Mechanism (NRM) – cơ chế giúp xác định nạn nhân buôn người - nhưng anh vẫn bị kết án 18 tháng vì trồng cần sa trước khi có kết luận chính xác.

Gần một năm sau, NRM đưa ra kết quả cho rằng anh không phải là nạn nhân của nạn buôn người, và do đó, anh bị tạm giữ nhập cư.

Trong khi bị giam giữ, nhiều báo cáo y tế của cả hai bác sĩ trong trung tâm tạm giữ - được gọi là báo cáo Quy tắc 35 - và các chuyên gia y tế bên ngoài đều bày tỏ lo ngại rằng thanh niên này từng bị tra tấn, và nhấn mạnh một số chỉ số cho thấy anh từng bị bóc lột và lạm dụng.

Một báo cáo Quy tắc 35 từ tháng 7 năm 2018 có đoạn: “Anh ấy đã bị tấn công và đánh đập nhiều lần trong một ngôi nhà ở Anh - anh ấy không biết mình đang ở đâu. Anh ấy bị giam giữ và buộc phải làm việc và sẽ bị đánh đập nếu không tuân thủ. Anh ấy bị đấm và đá và có dấu vết axit trên mặt. Anh ấy nói anh ấy không thể nhìn bằng mắt trái. Anh ấy cũng bị đánh bằng gậy.

“Anh ấy gặp ác mộng, bị trầm cảm và cảm thấy các triệu chứng trầm trọng hơn kể từ khi bị giam giữ. Ý kiến ​​của tôi là việc tiếp tục bị giam giữ sẽ khiến tình trạng tâm lý của anh ấy trở nên tồi tệ hơn.”

Một báo cáo Quy tắc 35 khác, từ tháng 7 năm 2019, chỉ ra rằng mặc dù đã được điều trị chống trầm cảm và rối loạn tâm thần trong vài tháng, trạng thái tinh thần của người bệnh vẫn không được cải thiện.

Báo cáo nói thêm: “Anh ấy cũng đang gặp ác mộng liên quan đến những chấn thương trong quá khứ và bị khó ngủ. Anh ấy có thể mắc các triệu chứng khởi phát muộn của hậu chấn tâm lý, căn bệnh không thể được điều trị thỏa đáng trong môi trường bị giam giữ. Kết quả là sức khỏe tinh thần của anh ấy bị ảnh hưởng xấu bởi việc bị giam giữ.”

Bộ Nội vụ đã bác bỏ các báo cáo này. Nam thanh niên đã được thả ra vào tuần trước khi luật sư của anh, Shalini Patel thuộc công ty luật Duncan Lewis, viết thư cho Bộ sau khi cơ quan này không có bất cứ hồi đáp nào cho báo cáo Quy tắc 35 gần đây nhất. Báo cáo lần này được viết bởi một nhà tâm lý học lâm sàng cao cấp, trong đó cảnh báo rằng anh đang được theo dõi chặt chẽ vì có ý định tự tử và không nên tiếp tục bị giam giữ.

Nhưng mặc dù báo cáo đề xuất cần kết nối bệnh nhân với nhóm chăm sóc sức khỏe tâm thần trước khi anh được thả, bộ trưởng Patel nói việc này đã không xảy ra, và thay vào đó, anh được thả ra mà không được cung cấp bất kỳ loại thuốc nào. Bên cạnh đó, cũng không có thông tin chi tiết về việc liệu anh có thể đăng ký gặp bác sĩ bằng cách nào.

Và mặc dù anh đã được thả, nhưng Bộ Nội vụ đã từ chối hoàn toàn việc xem xét thử chuyển trường hợp của anh vào NRM một lần nữa. Điều này đồng nghĩa với việc anh có thể bị tạm giữ lần nữa.

Các nhà vận động cho biết vụ việc là minh chứng cho thấy chính phủ đã hình sự hóa nạn nhân của nạn buôn người và không thể bảo vệ các cá nhân dễ bị tổn thương, bất chấp có bằng chứng cho thấy họ không phù hợp để bị giam giữ.

Bà Patel phát biểu: “Người này đã bị giam giữ nhập cư trong một quãng thời gian dài hơn cả thời gian ở tù vì một bản án hình sự với tội danh anh ta không hề phạm phải. Thật đáng trách khi một người có thể vừa được coi là nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người vừa đồng thời bị kết án vì một tội danh mà anh ta dính dáng chỉ vì bị buôn bán.

“Cảnh sát muốn các nạn nhân trình báo tình trạng bị lạm dụng, nhưng ai dám ra mặt khi đây là cách họ bị đối xử? Đã đến lúc chính quyền sử dụng các bằng chứng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và nhắm vào những kẻ buôn người.”

Bộ trưởng nội vụ đảng đối lập Diane Abbott bày tỏ trường hợp của nam thanh niên này là hoàn toàn không thể chấp nhận được và đó chính là một sản phẩm của chính sách môi trường thù địch. Bà nói: “Nó làm suy yếu toàn bộ cuộc chiến chống lại hành vi buôn bán xấu xa này, vì nạn nhân sẽ từ chối ra mặt.”

Emily Kenway, cố vấn cấp cao của tổ chức Focus on Labour Exploitation, cho biết vụ việc này là một ví dụ điển hình khác chứng minh Bộ Nội vụ không ngừng ưu tiên các vấn đề hành chính hơn so với quyền và nhu cầu của nạn nhân, và các bộ trưởng bị cáo buộc đã lờ đi các bằng chứng về nạn buôn người.

“Xuyên suốt vụ việc của người đàn ông này, các cơ quan chính phủ đã lộ ra những thất bại đáng xấu hổ. Rõ ràng, [anh ta] không bao giờ nên bị kết án trong khi tình trạng nô lệ hiện đại của anh ta vẫn đang được xem xét và chúng ta cần đặt câu hỏi về việc tại sao chuyện này có thể xảy ra,” cô nói.

Vụ việc được phơi bày sau khi một báo cáo hồi tháng 7 tiết lộ rằng chính phủ đã cố tình giam giữ trái phép hàng trăm nạn nhân nô lệ hiện đại trong các trung tâm nhập cư, trong đó một số trường hợp được cho là có mục đích bảo vệ các cá nhân dễ bị tổn thương và đã bị tổn thương.

Cô Kenway cáo buộc chính phủ đã thất bại trong việc đảm bảo trách nhiệm của mình theo công ước của Hội đồng châu Âu về buôn người. Họ đã không thể hỗ trợ nạn nhân trong quá trình phục hồi vì luôn có xu hướng đối xử với những người di cư không có giấy tờ như tội phạm.

Cô nói thêm: “Đáng buồn thay, trường hợp này không phải là cá biệt. Hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đang bị nhốt trong các trung tâm nhập cư ở Anh ngay lúc này. Hành động này phải bị chấm dứt ngay lập tức.”

Pierre Makhlouf, trợ lý giám đốc của Bail for Immigration Detainees (tạm dịch: Tổ chức đòi quyền Tại ngoại cho người Nhập cư bị Cấm túc), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên gặp được những người rất dễ bị tổn thương, bị kiểm soát và bóc lột bởi những kẻ buôn người, sau đó lại bị hệ thống tư pháp buộc tội và giam cầm.

“Bộ Nội vụ hoàn toàn nhận thức được quy mô của thảm kịch đang diễn ra nhưng lại luôn sẵn sàng gây nguy hại nghiêm trọng cho các nạn nhân trong quá trình thực thi việc thắt chặt quy định di trú.”

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ tuyên bố: “Chế độ nô lệ hiện đại là một tội ác ghê tởm và Chính phủ cam kết giải quyết triệt để tình trạng này. Tất cả nhân viên của Bộ Nội vụ làm việc trong hệ thống tạm giữ nhập cư đều được đào tạo để đảm bảo xác định và hỗ trợ các nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người và nô lệ.

“Quyết định về việc giam giữ, trục xuất và xác định liệu một cá nhân có phải là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại hay không được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp riêng biệt.”

VietHome (Theo Independent)