Anh tranh cãi về Brexit sau vụ 39 người chết: nới lỏng hay siết luật biên giới?

Trong khi an ninh biên giới ở Anh là vấn đề nóng trong việc rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vụ 39 người chết ở Essex mới đây càng đào sâu tranh cãi liên quan tới chủ đề này.

Chiếc xe chở 39 thi thể ở Essex, Anh - Ảnh: REUTERS

Nhập cư trái phép là một trong những lý do dẫn tới làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan lan rộng tại châu Âu và góp phần không nhỏ vào quyết định rời EU của quá nửa người Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu năm 2016.

Đa phần người nhập cư trái phép vào Anh đi qua con đường châu Âu. Chính vì vậy, những người ủng hộ Brexit cho rằng việc rời khỏi EU sẽ giúp Anh giành lại sự kiểm soát ở biên giới, nghĩa là không để con người và hàng hóa di chuyển dễ dàng từ các nước châu Âu sang Anh như trước.

Suy nghĩ này tạo nên làn sóng tranh cãi đặc biệt sau vụ 39 người chết trong một chiếc xe container ở Essex (Anh) vừa qua. Chiếc xe này được biết đã đi qua cảng Zeebrugge của Bỉ trước lúc vào Anh.

Trên Twitter từ lúc vụ việc xảy ra đến nay, đã không ít tài khoản liên hệ chuyện kiểm soát an ninh biên giới và Brexit tới vụ 39 người chết nêu trên. Jeremy Hunt, nhà báo của BBC Radio 2, đặt dấu hỏi về việc nên nới lỏng quy định biên giới để ngăn những thảm họa tương tự hay không.

"The i", tờ báo chị em của Independent, khẳng định Brexit không thể là sự đảm bảo cho việc ngăn chặn các vụ việc tương tự, trái lại còn là cái giá phải trả rất lớn cho mạng sống tại Vương quốc Anh.

Tờ báo này cho rằng việc kiểm tra tại các bến cảng không mang lại hiệu quả đáng kể, theo lời thừa nhận của những người giám sát. Và dữ liệu cảnh sát cho thấy số lượng người nhập cư lậu vào Anh qua container và xe tải đã tăng lên trong vài năm qua.

Tác giả bài viết khẳng định các tranh luận về chính sách ở Anh về vụ 39 người chết vừa qua diễn tả sự thật là, sinh mạng của con người không được đặt ở vị trí ưu tiên.

Tương tự, Guardian - tờ báo ủng hộ Anh ở lại châu Âu - cũng có bài xã luận khẳng định siết chặt biên giới không phải giải pháp: "Sự kiện kinh khủng này không phải do luật kiểm soát biên giới lỏng lẻo gây ra, mà là việc chính quyền đã khiến đa phần những người dễ bị tổn thương phải mạo hiểm với sinh mệnh của mình".

Tờ báo này dẫn lại ví dụ về trại tị nạn Calais, một vấn đề gây tranh cãi liên quan tới vận mệnh của Brexit. Khi tranh luận về Brexit sốt xình xịch năm 2016, hình ảnh dòng người tị nạn ở Calais được sử dụng để nói về chuyện kiểm soát biên giới lỏng lẻo. 

Nhưng theo tác giả, thực tế chứng minh điều ngược lại: nó chính xác nằm ở chỗ Anh đã quá cứng rắn với câu chuyện ở đường hầm qua eo biển Manche (nối với Pháp) và điều đó dẫn tới bi kịch cho người nhập cư lậu.

"Phản ứng tức thời của chúng ta (khi nghe tin về vụ 39 người chết) luôn là sốc và mong muốn ngăn không để những thứ như thế này tái hiện. Phản xạ sẽ là yêu cầu kiểm soát biên giới gắt hơn, thêm nhiều hạ tầng cho các chốt kiểm tra; trừng phạt nặng hơn người muốn đi lậu kiểu này và những người tạo điều kiện cho họ đi lậu", Guardian viết.

Trong diễn biến liên quan, các nghị sĩ ngày 26-10 cảnh báo Anh đang đối diện nguy cơ bị loại khỏi cơ quan thực thi pháp luật chống buôn người của châu Âu. 

Thậm chí nếu rời EU theo cách êm thấm, tức có kèm theo một số điều khoản thỏa thuận về kinh tế, tự do di chuyển hoặc an ninh chung, thì mức độ tham gia vào khâu an ninh biên giới và chống buôn người của Anh cũng bị giảm xuống.

 Theo Tuổi Trẻ