Bộ Nội vụ sẽ chấm dứt chương trình đoàn tụ gia đình cho trẻ xin tị nạn sau Brexit

Bộ Nội vụ đang lên kế hoạch chấm dứt hệ thống đoàn tụ gia đình dành cho trẻ em xin tị nạn trong trường hợp Vương quốc Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Chính phủ đã thông báo riêng với cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc UNHCR và các tổ chức phi chính phủ khác rằng các trường hợp hiện tại vẫn sẽ được giải quyết, nhưng Brexit không thỏa thuận đồng nghĩa với việc không có đơn đăng ký yêu cầu đoàn tụ mới nào được nhận sau ngày 1 tháng 11. Ngay cả khi có một thỏa thuận, tương lai của chương trình đoàn tụ gia đình cũng không còn chắc chắn.

Các luật sư và các nhà vận động cho biết họ sẽ cố gắng giải quyết càng nhiều yêu cầu càng tốt trong hai tháng tới, cảnh báo rằng tác động đối với trẻ em di cư đang bị mắc kẹt một mình ở các quốc gia như Hy Lạp và Ý có thể sẽ rất nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh tình trạng người di cư liều mình vượt eo biển Anh đang diễn biến bất thường.

Người phát ngôn của UNHCR cho biết: “[Chúng tôi hiểu rằng] nếu Vương quốc Anh rời EU mà không có thỏa thuận, Quy định Dublin, cho phép trẻ em và người lớn xin tị nạn di chuyển trong khu vực EU để đoàn tụ gia đình, sẽ không còn áp dụng cho Vương quốc Anh.

“UNHCR kêu gọi chính phủ Anh và các đối tác châu Âu hợp tác để đảm bảo rằng các thỏa thuận phù hợp vẫn được áp dụng cho những người xin tị nạn, người tị nạn và người không quốc tịch.”

Bộ Nội vụ trước đây đã bị chỉ trích vì gây khó khăn cho trẻ em di cư được đoàn tụ gia đình ở Anh, nhưng giới luật sư cho biết đây vẫn là con đường quan trọng đối với trẻ em di cư, những đối tượng rất dễ bị tổn thương, nhiều trong số đó đang phải lang thang trên các đường phố châu Âu.

Efi Stathopoulou, điều phối viên dự án tại tổ chức Hỗ trợ Pháp lý cho người Tị nạn ở Athens, cho biết con đường đoàn tụ gia đình là cách duy nhất cô có thể dùng để thuyết phục những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương nhận sự hỗ trợ của chính quyền.

“Trẻ em đến đây trong tình trạng sợ hãi,” cô nói.” Đã có những trường hợp cho thấy rõ ràng các em đang bị bóc lột. Nếu không có cách an toàn để đến Vương quốc Anh, những người trẻ này sẽ đơn giản biến mất trong nỗ lực vượt qua eo biển Anh từ Calais bằng xe tải hoặc thuyền.”

Cô Stathopoulou cho biết hồi đầu năm nay, chính quyền Hy Lạp đã yêu cầu cô giúp đẩy nhanh xử lý các hồ sợ để phòng trường hợp Brexit không có thỏa thuận, với mong muốn thật nhiều đơn của trẻ em được xử lý trước thời hạn.

Đoàn tụ gia đình là rất quan trọng vì tình trạng vô gia cư và bóc lột người di cư đang ngày càng lan rộng ở Hy Lạp.

Cô Stathopoulou nói, “Chúng tôi vừa mới giúp một cậu bé đến Vương quốc Anh sau khi tìm thấy cậu trong tình trạng vô gia cư ở Athens mặc dù cậu bé vốn đã rất dễ bị tổn thương. Cậu bé đã mất toàn bộ gia đình [cùng lúc] vì một quả bom ở Afghanistan. Một cậu bé khác bị hãm hiếp vì không có nơi nào an toàn để ngủ.

“Tôi có mặt khi các em gọi điện cho người thân ở Anh; Thật khó để khoanh tay đứng nhìn, có rất nhiều cảm xúc, dì và chú họ chỉ muốn cả nhà được ở bên nhau.”

Bộ Nội vụ xác nhận rằng một khi Vương quốc Anh rời EU, cam kết duy nhất của nước Anh sẽ là giải quyết triệt để các trường hợp chưa được giải quyết vào thời điểm đó.

Người phát ngôn cho biết: “Thỏa thuận hay không thỏa thuận, việc hợp tác giải quyết các trường hợp tị nạn và đoàn tụ sẽ vẫn được tiếp tục vì đó là lợi ích chung của Vương quốc Anh và EU. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã hành động để đảm bảo rằng trong bất kể hoàn cảnh nào, những yêu cầu ‘Dublin’ liên quan đến đoàn tụ gia đình chưa được giải quyết vào ngày chúng ta rời đi sẽ tiếp tục được xem xét theo các quy tắc hiện hành.”

Lượng người di cư đến Hy Lạp bằng đường biển đã tăng mạnh trong tháng vừa qua, gây áp lực lên các trung tâm tiếp nhận vốn đã quá đông đúc và nguy hiểm.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, đã có gần 700 đơn xin bảo lãnh người tị nạn theo luật xin tị nạn ‘Dublin’ gửi tới Vương quốc Anh thông qua các nhà chức trách Hy Lạp. Kể từ năm 2013, tổng cộng có 2.450 yêu cầu như vậy.

Con đường hợp pháp duy nhất còn lại cho bất kỳ đứa trẻ nào muốn xin tị nạn ở Vương quốc Anh từ châu Âu là chương trình Dubs, được đặt theo tên của Lord Alf Dubs, người đã vận động thông qua nó ở quốc hội.

Các nghị sĩ và các nhà vận động hy vọng chương trình Dubs sẽ giúp tái định cư khoảng 3.000 trẻ em, nhưng các bộ trưởng đã gây ra nhiều tranh cãi khi bày tỏ mong muốn đặt ra giới hạn 480 em. Cho đến nay, khoảng 270 trẻ em đã được đưa đến Anh, theo Tổ chức từ thiện Safe Passage.

Beth Gardiner-Smith, giám đốc điều hành của Safe Passage International, phát biểu: “Nếu chính phủ không đảm bảo con đường đoàn tụ gia đình, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Trẻ em thường xuyên phải mạo hiểm cuộc sống của mình trên xe tải và thuyền nhỏ vì ​​quá trình pháp lý mất quá nhiều thời gian. Nếu các em hoàn toàn mất đi quyền đó, những hành trình nguy hiểm này sẽ chỉ tăng lên.

“Chúng tôi biết rằng nếu có ý chí chính trị kiên định, việc di chuyển người tị nạn nhanh chóng và an toàn là hoàn toàn có thể; Brexit không có thỏa thuận không có nghĩa là việc chuyển giao này phải dừng lại.”

Nếu Vương quốc Anh rời đi với một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận của bà Theresa May, tương lai của hoạt động hợp tác tị nạn sẽ được đàm phán lại như một phần của giai đoạn chuyển tiếp.

Claude Moraes, nghị sĩ đảng Lao động, bày tỏ ông sẽ đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ về các kế hoạch và tin rằng bộ sẽ phải chia sẻ trách nhiệm nếu họ muốn châu Âu nhận lại những người xin tị nạn từ Anh.

Ông nói: “Nếu [Bộ trưởng Nội vụ] Priti Patel muốn đưa mọi người trở lại châu Âu, thì Vương quốc Anh sẽ phải suy nghĩ về việc chia sẻ trách nhiệm nhân đạo đối với những trẻ em di cư dễ bị tổn thương.”

VietHome (Theo Guardian)