Bị trục xuất vì tội danh cần sa dù đã sống ở Anh từ khi 4 tuổi

Người đàn ông này luôn nghĩ mình là người Anh. Ba anh chị em của anh là người Anh, anh lớn lên ở phía nam London và đã ở đây kể từ khi còn rất nhỏ.

Shannoy McLeod mới chỉ bốn tuổi khi rời Jamaica sau khi cha anh bị sát hại để đến sống với mẹ ở London. Bà đã đến Anh trước đó hai năm để chăm sóc bà ngoại, người đến Anh từ năm 1952 với tư cách là một trong những thành viên của thế hệ Windrush.

McLeod nay đã 22 tuổi, không bao giờ được chấp thuận cho nộp đơn xin quốc tịch Anh, mặc dù có những minh chứng rất vững vàng. Anh cũng chưa bao giờ có nhu cầu cấp bách phải xin quốc tịch: anh có quyền lưu trú vô thời hạn, hầu như không bao giờ đi du lịch và với mức phí hơn 1.000 bảng để nộp hồ sơ có phần quá sức với anh.

McLeod và mẹ.

Nhưng đó chính là sai lầm thay đổi cả cuộc đời anh. Mùa hè năm ngoái, anh đã bị cảnh sát bắt khi mang số cần sa đủ để quy vào tội có ý định tiêu thụ và lái xe máy khi không có bằng. Anh đã bị phạt tù 15 tháng, và vì đó là án tù hơn một năm, giờ đây anh có nguy cơ bị trục xuất về Jamaica.

Trường hợp của McLeod chính là minh chứng điển hình cho tác động tiêu cực của chính sách môi trường thiếu thân thiện mà chính phủ đã cố gắng gọi là 'môi trường tuân thủ' sau vụ bê bối Windrush. Các quy tắc về trục xuất tội phạm đã được thắt chặt vào năm 2012 khi bà Theresa May còn là Bộ trưởng Nội vụ.

Đối với McLeod, người sống với mẹ và ba anh chị em của mình ở Lewisham, tình hình thật đáng sợ và anh không thể tưởng tượng cuộc sống ở một nơi xa lạ sẽ ra sao.

"Tôi biết những gì tôi đã làm là sai và tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Tôi biết tôi đã để mẹ tôi thất vọng khi bà ấy đã làm việc chăm chỉ như thế nào cho chúng tôi ... [nhưng] Tôi đã thụ án và bây giờ lại được thông báo rằng tôi sẽ bị trục xuất đến một nơi mà tôi không quen biết, không có bạn bè và gia đình."

Anh nói thêm: "Làm thế nào điều này có thể xảy ra chỉ vì tôi không được sinh ra ở đây? Tôi lớn lên ở đây, tất cả cuộc sống của tôi đã ở đây. Có phải vì tôi chưa có hộ chiếu Anh? Tôi có quyền ở đây, điều này không đúng, điều này không công bằng, điều này quá lạnh lùng và tàn nhẫn. "

Những rủi ro mà người bị trục xuất về Jamaica phải đối mặt đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Chỉ riêng trong năm ngoái, năm người đàn ông đã bị sát hại sau khi bị trục xuất khỏi Anh, theo The Guardian.

Với lịch sử gia đình từng là nạn nhân ở Jamaica, những rủi ro này thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với McLeod. "Mẹ tôi từng bị bắn ở Jamaica, bố tôi bị giết ở Jamaica. Điều này đã xảy ra trong cộng đồng nơi họ sống. Tôi không có nhiều ký ức về cuộc sống ở Jamaica. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi nhưng trong đầu tôi đang nghĩ nếu họ quyết định trục xuất tôi, mẹ tôi cũng nên bắt đầu tiết kiệm để có tiền chôn cất tôi. "

McLeod chưa bao giờ phạm tội liên quan đến bạo lực. Những tội danh của anh khá nhỏ và phần lớn liên quan đến cần sa. Trước khi ra tù, quản chế đánh giá anh chỉ gây nguy cơ thấp đối với xã hội và khả năng tái phát thấp vì họ nhận thấy rằng anh "rất có động lực" giải quyết hành vi phạm tội của mình và "không có tiền sử hung hăng với người khác, kể cả khi còn nhỏ hoặc khi trưởng thành".

Bất chấp luật sư của anh đã hai lần kháng nghị vì vấn đề liên quan đến nhân quyền, Bộ Nội vụ hồi đáp rằng những lập luận này không đủ thuyết phục và McLeod vẫn sẽ bị trục xuất. Dù Bộ công nhận anh đã sống ở Anh phần lớn cuộc đời và đã hòa nhập vào xã hội này, nhưng họ không cho rằng anh sẽ gặp khó khăn khi tái hòa nhập ở Jamaica.

Ông David Lammy, nghị sĩ khu vực Tottenham và là người vận động cho các nạn nhân của Windrush, phát biểu: "Việc trục xuất những người chuyển đến Anh khi còn nhỏ đến các quốc gia mà họ không thân thuộc là hành vi tàn ác và dã man làm mất danh tiếng quốc tế của chúng ta. Nó phải chấm dứt.

“Những quyết định trục xuất này bắt nguồn từ vi phạm liên quan đến cần sa lại càng khiến nó trở nên bất công hơn. Trong khi những người trẻ tuổi được đi học đại học gần như không hề bị cấm hút cần, những người đồng trang lứa nghèo khổ hơn ở những khu vực như nơi tôi quản lý thường sẽ sa vào các hoạt động phạm pháp, ảnh hưởng đến cơ hội cuộc đời họ.”

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: "Chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ người dân Anh bằng cách loại bỏ những người phạm tội và cá nhân chỉ bị đưa về đất nước quê hương họ khi Bộ Nội vụ và tòa án cho rằng an toàn để làm như vậy.

“Bộ Nội vụ làm việc với một số tổ chức phi chính phủ cung cấp hỗ trợ ngay khi người bị trục xuất trở về, bao gồm định hướng chung, tiếp cận chỗ ở tạm thời, di chuyển, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và các kỹ năng quan trọng. Chúng tôi cam kết đảm bảo những cuộc trở về an tòan và quá trình tái hòa nhập là một phần quan trọng trong đó."

VietHome (Theo Buzz Feed)