Số phận những người bị cáo buộc gian lận trong kỳ thi Toeic năm 2014

Farzana Boby mô tả cuộc sống của cô ở Bangladesh như địa ngục. Cô trở về từ London hai năm trước và đã trải qua ba năm mà không thể bác bỏ được cáo buộc gian lận từ chính phủ Anh.

Boby là một trong số hàng ngàn sinh viên quốc tế bị buộc phải từ bỏ việc học và trở về nhà mà giờ đây vẫn đang phải chờ đợi công bố báo cáo của cơ quan giám sát trong tuần này, với hy vọng nó có thể mở ra giải pháp cho một cuộc tranh chấp kéo dài năm năm đầy đau đớn.

Trong khi Boby chờ đợi, Bộ Nội vụ cũng phải đối mặt với áp lực  phải giải thích về quyết định của họ vào năm 2014, buộc tội khoảng 34.000 sinh viên quốc tế gian lận trong các bài kiểm tra tiếng Anh được yêu cầu như một phần của quy trình gia hạn visa.

Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO) dự kiến ​​sẽ công bố báo cáo của mình đối với quyết định của Bộ Nội vụ vào thứ Sáu (24/5). Đầu tháng tới, một nhóm nghị sĩ thuộc tất cả các đảng dự kiến ​​sẽ gặp nhau lần đầu tiên để điều tra những gì đã xảy ra. Các sinh viên sẽ được mời đến Hạ viện vào thứ Ba để nêu rõ những hậu quả thảm khốc của việc bị chính quyền buộc tội sai.

Bộ trưởng Nội vụ, Sajid Javid, đã nói riêng với các nghị sĩ rằng ông thông cảm với tình trạng của những sinh viên bị buộc tội sai và dự kiến ​​sẽ công bố các biện pháp khắc phục hậu quả sau khi báo cáo của NAO được công bố.

Hơn 1.000 sinh viên đã bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh do bị buộc tội và hàng trăm người đã bị giam cầm trong thời gian dài, một số lượng lớn trong số họ nói rằng họ đã bị buộc tội sai; hơn 300 trường hợp đang chờ xử lý tại tòa phúc thẩm trong khi hàng trăm người khác đang cố gắng giải oan cho bản thân.

Gia đình Boby ở Bangladesh đã mất 50.000 bảng tiền học phí và chi phí sinh hoạt ở Anh cho cô. Nhưng cô không có bằng cấp sau thời gian ở London vì các quan chức Anh cáo buộc cô gian lận trong bài kiểm tra tiếng Anh và cô đã buộc phải dừng việc học trước khi hoàn thành khóa học.

Khoản tiền lãng phí đã gây ra rạn nứt giữa Boby và bố mẹ cô. Việc thiếu bằng cấp cũng đã buộc cô phải nhận công việc được trả lương thấp và cáo buộc gian lận từ chính phủ Anh đã làm giảm thêm cơ hội việc làm của cô.

Boby, 29 tuổi, nói tiếng Anh rất rõ ràng và chính xác, mơ hồ gợi nhớ đến huyền thoại Audrey Hepburn. Tiếng Anh của cô vốn đã rất tốt trước khi cô rời nhà năm 19 tuổi để học kinh doanh ở London, sau khi hoàn thành phần lớn việc học ở một trường truyền giáo do một tổ chức của Mỹ điều hành. Rất khó có khả năng cô phải cần sự giúp đỡ và gian lận để vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh đơn giản.

Các cáo buộc gian lận hàng loạt được đưa ra sau khi những thước phim bí mật của BBC chứng minh rõ ràng tình trạng gian lận tại hai trung tâm kiểm tra nơi sinh viên thực hiện bài thi Toeic.

Bộ Nội vụ đã yêu cầu công ty Hoa Kỳ cung cấp bài kiểm tra và Dịch vụ Thanh tra Giáo dục phải kiểm tra lại tất cả 58.458 bài thi đã được thực hiện ở Anh trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2014. Công ty kết luận rằng khoảng 34.000 sinh viên chắc chắn đã gian lận, 22.600 có kết quả đáng ngờ và chỉ có 2.000 chắc chắn không lừa dối. Thị thực đã bị thu hồi hoặc hạn chế đối với 34.000 sinh viên bị cáo buộc gian lận và hầu hết trong số 22.600 trường hợp đáng ngờ khác.

Hàng trăm sinh viên đã kêu gọi các nghị sĩ hỗ trợ. Các nhà vận động đặt câu hỏi liệu có hợp lý không khi khoảng 97% sinh viên tham gia các bài kiểm tra tại các trung tâm được Bộ Nội vụ phê duyệt đều có hành vi gian lận.

Boby đã tham dự kỳ thi Toeic năm 2012 vì cô cần bằng chứng về trình độ tiếng Anh để xin gia hạn visa. Cô đậu với điểm số tốt, nộp đơn xin thị thực và tiếp tục với việc học. Sau đó, vào khoảng 7 giờ sáng chủ nhật tháng 11 năm 2014, sáu nhân viên nhập cư đã đến trước cửa ngôi nhà nơi cô đang sống, mang theo một bức ảnh của cô và hỏi bạn cùng phòng của cô xem cô có ở đó không.

“Tôi cảm thấy như thể mình là một tên tội phạm,” cô nói. Cô đã không được thông báo trước rằng Bộ Nội vụ đã từ chối đơn xin gia hạn visa của cô. Cô được chuyển đổi ngay lập tức từ vị thế một sinh viên trả học phí cao sang một người nhập cư bất hợp pháp.

Nhân viên di trú đã hỏi cô chi tiết về bài kiểm tra tiếng Anh. “Họ đã hỏi rất nhiều câu hỏi về kỳ thi: tòa nhà trông như thế nào, bài kiểm tra đó như thế nào, tôi đi lên lầu để ngồi làm bài kiểm tra hay ở tầng dưới.”

Cô bị giữ trong vài giờ tại một trung tâm nhập cư và được đưa cho một mảnh giấy nói rằng cô đã xin quyền lưu lại Vương quốc Anh bằng cách “lừa dối”.

Ban đầu, cô không quá lo lắng. “Tôi nghĩ để minh oan không có gì là khó,” cô bày tỏ. “Đây là một quốc gia phát triển, mọi thứ đều phải tuân theo luật lệ.” Nhưng rồi thông tin nhanh chóng được lan truyền rằng hàng ngàn sinh viên khác cũng phải đối mặt với cáo buộc tương tự và quy trình kháng cáo không hề đơn giản.”

Không thể đi làm hay đi học, cô cảm thấy vô cùng tuyệt vọng nhưng vẫn quyết tâm ở lại Anh để chống lại cáo buộc và cũng để kết thúc nốt sáu tháng học và tốt nghiệp. “Tôi cảm thấy tuyệt vọng. Đã có lúc tôi muốn tự tử và phải tìm kiếm sự giúp đỡ.”

Nhưng rồi, cô bị đuổi khỏi nhà, không có tiền để trả cho luật sư hay nộp đơn kháng nghị. Cuối cùng, cô quyết định trở về nhà.

Cha mẹ cô rất tức giận vì số tiền họ đã chi cho việc học của cô đã bị tiêu tốn vô ích. Cô hy vọng rằng chính phủ Anh sẽ xin lỗi các sinh viên bị buộc tội sai vì gian lận. “Tôi muốn bố mẹ tôi được nhìn thấy lời xin lỗi đó, để họ biết tôi đã không làm điều gì sai trái. Giờ đây tôi chẳng có gì để chứng minh với họ. Tôi đã mất hy vọng.

Bộ Nội vụ cho biết: “Cuộc điều tra gian lận trong kỳ thi tiếng Anh năm 2014 đã cho thấy hành vi gian lận có tổ chức.” Hai mươi lăm người đã bị buộc tội vì tham gia lừa đảo. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ đã làm việc với phía tòa án để giúp đỡ những người muốn nộp đơn kháng nghị từ nước ngoài.

VietHome (Theo Guardian)