Bộ Nội vụ đe dọa trục xuất người phụ nữ đang hôn mê

Bộ Nội vụ đã bị buộc tội là “tàn nhẫn và vô cảm” sau khi một phụ nữ bị đe dọa trục xuất mặc dù đang hôn mê trong bệnh viện.

Cô Bhavani Esapathi, 31 tuổi, đã ở trong tình trạng thực vật trong một tuần rưỡi sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, nhưng cô lại nhận được một lá thư nói rằng đơn xin lưu lại Anh của cô đã bị từ chối và cô có thể bị buộc trục xuất.

Vị hôn phu của cô gái Ấn Độ này, anh Martin Mangler, 33 tuổi, đã kháng cáo quyết định này trong khi cô vẫn đang hôn mê bằng cách cung cấp xác nhận y tế từ các bác sĩ nói rằng cuộc sống của cô sẽ gặp nguy hiểm nếu cô di chuyển quãng đường dài.

Nhưng Bộ Nội vụ cho biết, dù tiêu chuẩn y tế ở Ấn Độ “rất khó có khả năng” tương đồng với sự chăm sóc cô đang nhận được, điều này cũng không thể là lý do cho phép cô lưu lại Vương quốc Anh - và cô có thể nhận được dịch vụ “chăm sóc tạm thời” tại quê nhà nếu phương thức điều trị thích hợp không có sẵn ở đó.

Các luật sư và chính trị gia cho biết vụ việc đã chứng minh chính sách môi trường thiếu thân thiện đã cho phép chính phủ trục xuất cả những người “đang hấp hối”.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các trường hợp từ chối đơn xin nhập cư của Bộ Nội vụ vấp phải sự phẫn nộ từ các nhà vận động.

Cô Esapathi, người đã đến Vương quốc Anh bằng visa du học năm 2010 và đã làm việc trong ngành nghệ thuật trước khi cô mắc bệnh Crohn, nói rằng cô sẽ gặp “nguy hiểm tính mạng” nếu cô phải rời khỏi đất nước này.

Cô gái 31 tuổi, người đã mở một chiến dịch để hỗ trợ người nhập cư và những người mắc bệnh mãn tính, nói: “Tôi nghĩ họ không thể từ chối đơn đăng ký của tôi. Tôi đã không tưởng tượng nổi họ có thể nói rằng ‘Ngay cả khi thuốc không có sẵn thì bạn vẫn có thể nhận được sự chăm sóc tạm thời.’

“Tôi đang cố gắng suy nghĩ cho thông suốt. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ đưa tôi lên máy bay nếu họ thực sự nhìn thấy tôi. Dây truyền cắm khắp nơi trên người tôi. Nhưng sau đó tôi cũng đọc những câu chuyện cho biết họ đến bắt những người thậm chí còn chưa kịp gặp đại điện pháp lý của mình.”

Esapathi sống ở phía đông London và ban đầu đến Anh bằng visa sinh viên và visa làm việc, nhưng khi cô ngã bệnh, cô đã nộp lại đơn theo diện y tế nhân quyền. Đơn của cô đã bị từ chối vào tháng 9 năm 2018 trong khi cô hôn mê trong bệnh viện, và kháng cáo của cô đã bị từ chối hai tháng sau đó.

Cô gái Ấn Độ đã phải nhập viện một lần nữa vào tháng trước do biến chứng ở vùng ruột. Cô hiện đang sống nhờ truyền dưỡng chất, phải gắn một chiếc túi vào bụng, và đang chờ để được phẫu thuật một lần nữa vào mùa hè.

Thông tin mới nhất được tiết lộ khi một người đàn ông Pakistan cũng bị từ chối điều trị theo quy tắc nhập cư của Anh. Anh Nasar Ullah Khanwas, 38 tuổi, được cho biết anh không thể thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép vì anh đã quá hạn visa.

Trong một trường hợp khác, một phụ nữ Mỹ có hai con khuyết tật người Anh đã bị đe dọa trục xuất vào tháng trước, có nghĩa là các con cô sẽ bị đưa đến các trung tâm chăm sóc. Quyết định này sau đó đã bị Tòa án tối cao bãi bỏ.

Thư từ chối của Bộ Nội vụ hồi đáp đơn kháng cáo của cô Esapathi, được đưa ra vào ngày 3 tháng 12, trong đó tuyên bố: “Dù hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Anh và Ấn Độ không có chất lượng tương đương, điều này cũng không phải là lý do cho phép cô ở lại đây ...Trong trường hợp bệnh tình của cô xấu đi hoặc cô không thể tiếp cận điều trị, cô vẫn có thể nhận chăm sóc tạm thời hoặc hỗ trợ từ gia đình ở Ấn Độ.”

Họ cũng tuyên bố rằng không có “trở ngại đáng kể” nào đối với mối quan hệ của cô và anh Mangler, người đang định cư ở Anh, khi cô ở nước ngoài, mặc dù cặp đôi nói rằng anh là một nhà nghiên cứu núi lửa và công việc yêu cầu anh phải sống ở Anh.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “ Vào tháng 3 năm 2019, Bộ Nội vụ đã được biết về minh chứng mới của trường hợp này và nó hiện đang được xem xét.”

Một lá thư của một số bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện St Mark, nơi cô Esapathi được phẫu thuật, nói rằng việc chăm sóc y tế và phẫu thuật của cô “rất phức tạp” và việc chăm sóc phải tiếp tục được phối hợp và thực hiện ở đây là điều tối quan trọng.

“Điều này cũng có nghĩa là, cả bây giờ và sau khi phẫu thuật vào năm 2019, Bhavani sẽ không thể di chuyển đường dài do nhu cầu chăm sóc chuyên khoa của cô ấy tại bệnh viện của chúng tôi vì sự phục hồi của cô ấy sau ca phẫu thuật tiếp theo có thể bị kéo dài và phức tạp hơn,” lá thư cho biết thêm.

Mô tả về tình trạng thể chất hiện tại của mình, cô Esapathi cho biết: ''Hiện tại tôi đang ở trong tình trạng khá dễ bị tổn thương với một phần bụng mở (không đóng kín hoàn toàn). Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để có một cuộc trò chuyện với Bộ Nội vụ, bởi vì khi bạn chỉ trao đổi thư từ, họ nói những điều hoàn toàn sai sự thật và bạn không có cách nào để bác bỏ điều đó hoặc có một cuộc đối thoại về nó.

“Tất cả những điều này đang làm cho tình trạng của tôi trở nên tồi tệ hơn. Tôi cần phải tránh căng thẳng, nhưng tôi không thể ngăn cơ thể tôi phản ứng với những thứ nhất định. Tôi hiện đang ở trong bệnh viện và không thể tăng cân - căng thẳng là một phần lớn nguyên nhân.

“Tôi sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu tôi phải rời đi. Không có bất kỳ loại thuốc nào có thể cho phép tôi di chuyển. Tôi nghĩ rằng yêu cầu được sống không phải điều gì quá đáng.”

Diane Abbott, bộ trưởng nội vụ đảng đối lập, cho biết những trường hợp như vậy đã cho thấy cách đối xử “tàn nhẫn và vô cảm” của Bộ Nội vụ thuộc chính phủ Bảo thủ.

 “Trừ khi chính phủ chấm dứt các chính sách môi trường thù địch, chúng ta sẽ còn tiếp tục thấy những đau khổ không cần thiết nhắm đến những người dễ bị tổn thương,” bà nói thêm.

Chai Patel, giám đốc pháp lý tại Hội đồng chung về phúc lợi của người nhập cư (JCWI), cho biết quyết định của Bộ Nội vụ ban hành lệnh trục xuất cô Esapathi khi cô hôn mê là “vô nhân đạo và tàn nhẫn”, nhưng “không có gì đáng ngạc nhiên khi nó đến từ một bộ phận nơi các quan chức được đào tạo về cách từ chối các yêu cầu nhân quyền và được khuyến khích ban hành các lệnh trục xuất.”

Ông nói thêm: “Quyết định này cần được xem xét lại ngay lập tức và cô Esapathi nên được phép ở lại đất nước đã trở thành nhà của cô, nơi cô có thể nhận được sự chăm sóc y tế mà cô rất cần.

“Hầu hết mọi người muốn đất nước chúng ta đối xử với tất cả những người gọi nó là nhà với lòng từ bi và sự tôn trọng, nhưng tại thời điểm này, luật pháp cho phép Bộ Nội vụ đưa người ta vào cửa tử ở nước ngoài. Luật này cần phải được thay đổi.”

VietHome (Theo Independent)