Bộ Nội vụ kiếm 2 triệu bảng mỗi tháng nhờ phí xin quốc tịch trẻ em

Số liệu cho thấy Bộ Nội vụ kiếm được 2 triệu bảng mỗi tháng từ phí làm quốc tịch cho trẻ em trong khi các nhà vận động cảnh báo các khoản phí đang khiến cha mẹ mắc nợ và thậm chí buộc họ phải nhịn ăn.

Dữ liệu có được thông qua yêu cầu tự do thông tin của tổ chức cộng đồng Citizens UK cho thấy Bộ Nội vụ đang kiếm được 24 triệu bảng mỗi năm – tương đương khoảng 500.000 bảng mỗi tuần – nhờ vào chi phí cho trẻ em đăng ký quốc tịch Anh. Con số này cũng tương đương với 71.429 bảng mỗi ngày. 

Chi phí cho một đơn xin nhập tịch cho một đứa trẻ là £1,012 trong khi chi phí xử lý là £372. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ kiếm được lợi nhuận ước tính £640 trên mỗi hồ sơ. Tất cả các khoản phí đều không được hoàn lại kể cả khi hồ sơ bị từ chối.

Các luật sư và quỹ từ thiện cảnh báo nếu không có giấy tờ, các trẻ em đến từ những gia đình nghèo sẽ có thể không được đặt chân vào cánh cửa đại học, có nguy cơ thua thiệt khi xin việc và không thể xây dựng cuộc sống trên chính đất nước duy nhất mà các em biết.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Chánh Thanh tra Biên giới và Nhập cư Độc lập (ICIBI) đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện đánh giá đầy đủ về quy trình dừng thu lệ phí.

Ông David Bolt cũng đề nghị rằng tất cả các khoản phí nhập cư trẻ em sẽ được miễn cho những người không có khả năng chi trả.

Nhiều người trẻ sinh ra ở đây không có bất kỳ vai trò công dân nào ở Vương quốc Anh, mặc dù các em có đủ điều kiện để nộp đơn xin quốc tịch hoặc đang trên con đường trở thành công dân. Việc này cũng ảnh hưởng đến những người đã lớn lên ở Anh và vẫn sống ở nước này.

Cô Anathi Ngceba cho biết cô rất muốn đăng ký nhập quốc tịch Anh cho con trai Daniel 10 tuổi của mình. Nhưng đơn xin nhập cư đang chờ xử lý của người mẹ 42 tuổi này đồng nghĩa với việc cô không thể làm việc và cô đang phải vật lộn để tiết kiệm đủ tiền cho con trai của mình, người sinh ra ở Anh và chưa bao giờ rời khỏi đất nước này.

Người phụ nữ đến từ Nam Phi này cho biết cô đã ăn ít hơn và kiềm chế không đi ra ngoài để tiết kiệm tiền.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ về chuyện này. Những người như chúng tôi không thể đủ khả năng cho những thứ này, đặc biệt khi bạn là cha mẹ đơn thân, "cô nói. "Chính phủ không cho chúng tôi cơ hội."

Cô nói thêm: “Tôi biết sẽ đến lúc con tôi đi học đại học và nó sẽ sớm đi học trung học. Tôi biết đôi khi các trường tổ chức các chuyến đi học ở nước ngoài. Con tôi sẽ bị bỏ lại phía sau vì nó không thể tham gia. Tôi lo lắng nó sẽ cảm thấy bị cô lập. Tôi đã cố gắng hết sức để tiết kiệm. Tôi không đi ra ngoài, tôi ít chi tiêu cho mọi thứ, tôi ăn ít hơn. Tôi đến cửa hàng từ thiện để mua đồng phục cho Daniel.”

Christine Bernard, giáo viên chủ nhiệm của trường St Mary, ở Lewisham, cho biết chi phí xin nhập tịch đã ảnh hưởng đến nhiều học sinh của cô "và gia đình họ không đủ khả năng trả phí nhưng các em sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của mình nếu không có giấy tờ."

Cô nói thêm: "Chúng tôi yêu cầu Bộ Nội vụ hãy cố gắng thấu hiểu và cho trẻ em cơ hội các em cần để có thể vươn lên và thành công.”

Citizens UK, tổ chức đang tiến hành vận động giảm phí nhập tịch, đã phát hiện ra rằng vào năm ngoái, phí công dân trẻ em của Anh là cao nhất trong nhóm EU-15 của các nước châu Âu và cao hơn 10 lần so với Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Bỉ.

Luật sư chuyên về nhập cư Colin Yeo cho biết mức phí cao sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em sau này.

Ông nói thêm: “Việc trẻ em bị tính phí cao để trở thành công dân Anh rõ ràng có thể cô lập một số em nhỏ dựa trên thu nhập của cha mẹ các em. Điều này rõ ràng là không công bằng, thật khó hiểu tại sao Bộ Nội vụ lại áp dụng chính sách này.

Bộ trưởng Nội vụ đảng đối lập, bà Diane Abbott, hoan nghênh các khuyến nghị của cơ quan thanh tra, và nói thêm: “Các khoản phí Bộ Nội vụ đang gây thêm áp lực lớn cho các gia đình vốn đã phải trả số tiền quá cao để xin quyền công dân.”

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Để giảm gánh nặng cho người nộp thuế ở Vương quốc Anh, mức phí phải tính đến chi phí lớn hơn liên quan đến việc điều hành hệ thống biên giới, nhập cư và quyền công dân của chúng ta, để cho những người trực tiếp hưởng lợi từ nó phải có đóng góp tài chính. Bộ trưởng Nội vụ cam kết sẽ cân nhắc việc nên hay không nên giữ khoản phí này.

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có nghĩa vụ hỗ trợ những người yếu thế. Đó là lý do tại sao chúng tôi có miễn trừ phí cho những người cần nó nhất, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên đã dành một phần đáng kể cuộc sống của họ ở Vương quốc Anh.”

VietHome (Theo Independent)