Bộ Nội vụ bị chỉ trích vì cái chết của một người đàn ông trong trại tạm giữ nhập cư

Bộ Nội vụ đang gặp nhiều chỉ trích khi gần dây, một người đàn ông “hiền lành và lịch sự” đã bị một kẻ sát nhân có tiền sử bạo lực và bệnh tâm thần sát hại sau khi các nhân viên trại tạm giữ nhập cư xếp họ chung vào một khu.

Một vụ điều tra cái chết bất thường đã được mở vào ngày thứ Hai (11/3) tại một tòa án ở khu tây London với mục đích xác định vai trò của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các nhân viên y tế và nhân viên được thuê của trại tạm giữ đối với cái chết của Tarek Chowdhury, 64 tuổi, đến từ Bangladesh.

Kẻ sát nhân là Zana Assad Yusif, 33 tuổi, đến từ Iraq, tại trung tâm chờ trục xuất nhập cư Colnbrook gần sân bay Heathrow. Vụ án xảy ra từ tháng Mười hai năm 2016.

Yusif, một bệnh nhân quen mặt của dịch vụ sức khỏe tâm thần và từng có 16 tiền án với 33 tội danh khác nhau, đã đánh ông Chowdhury đến chết, chỉ hai ngày sau khi ông đến Colnbrook. Chowdhury đã sống ở Anh 13 năm và bị Bộ Nội vụ tạm giữ vì ở quá hạn visa. Ông bị bắt khi đến buổi trình diện thường kỳ. Còn Yusif vào Anh trên một chiếc xe tải khi mới 17 tuổi.

Vụ việc đã làm dấy lên nhiều lo ngại về công tác quản lý những người bị tạm giữ ở Colnbrook và chất lượng chăm sóc y tế mà ông Chowdhury nhận được ngay sau khi bị tấn công.

Yusif bị buộc tội ngộ sát vì mất ý thức hành vi do vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tại một phiên xét xử ở Old Bailey, London, vào tháng Năm năm 2017, anh ta bị kết án 15 năm tù.

Bà Forida Habib, họ hàng của ông Chowdhury, cho biết bất cứ ai biết ông cũng đều miêu tả ông là một người dịu dàng, hiền lành và lịch sự.

“Khi chúng tôi nghe nói ông ấy bị tạm giữ, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi chỉ vài ngày sau ông ấy đã mất mạng… Chúng tôi hy vọng sự thật sẽ được làm sáng tỏ tại phiên xét xử cái chết bất thường và người ta có thể rút ra những bài học có ích từ bi kịch này.”

Luật sư của gia đình, ông Bharine Kalsi, cho biết: “Đây là một vụ việc gây sốc khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi về hệ thống tạm giữ nhập cư ở đất nước này. Gia đình ông Chowdhury muốn nhận được câu trả lời về chất lượng chăm sóc và quản lý trại viên cũng như dịch vụ y tế tại đây.”

Những vụ sát nhân tại các trung tâm nhập cư hầu như hiếm khi xảy ra và chỉ có một vụ việc duy nhất được trình báo từ năm 2000, trong đó Olga Blaskevica, 29 tuổi, đến từ Latvia, bị chồng giết chết khi cả hai người đang ở trại tạm giữ nhập cư Harmondsworth gần Heathrow vào tháng Năm năm 2003.

Trong khoảng thời gian từ tháng Mười hai năm 2016 đến 2017, chỉ có tổng cộng 11 cái chết trong trại hoặc ngay sau người bị tạm giữ được trả tự do. Hơn một nửa trong số đó là các vụ tự tử.

Một cái chết khác cũng sắp được đưa ra tòa án là vụ việc của Carlington Spencer, 38 tuổi, đến từ Jamaica, qua đời sau một cơn đột quỵ tại trại nhập cư Morton Hall ở Lincolnshire vào ngày 3 tháng Mười năm 2017. Hai người bạn của Spencer, Christopher Richards và Joseph Nembhard, là những nhân chứng quan trọng. Lẽ ra, họ đều phải lên máy bay trở về Jamaica vào tháng trước nhưng sau đó đã được tạm hoãn để có thể xuất hiện ở tòa.

Hiện Richards đã được ra khỏi trại tạm giữ. Nembhard hiện đang bị tạm giữ ở trại Harmondsworth gần Heathrow và sẽ được đưa tới trại Morton Hall để phục vụ việc hầu tòa.

Timothy Brennand, quan tòa điều tra những cái chết bất thường ở Lincolnshire, cho biết ông sẽ cho triệu tập Richards và Nembhard tại phiên tòa xét xử cái chết của Spencer vào ngày 7 tháng Mười. Dự kiến vụ xét xử sẽ kéo dài từ hai đến ba tuần.

Ông nói ông không muốn cản trở Bộ Nội vụ nhưng muốn đảm bảo “công lý không chỉ được thực thi mà còn được thực thi trước sự chứng kiến của mọi người.” Việc triệu tập hai nhân chứng trên sẽ khiến công việc của Bộ Nội vụ bị trì hoãn khá lâu bởi họ hy vọng có thể trục xuất hai người đàn ông này trong chuyến bay hồi tháng trước.

Được biết, đoạn CCTV ghi lại hình ảnh liên quan đến cái chết của ông Spencer có thể đã biến mất. Quan tòa đã hỏi bà Natasha Barnes, người đại diện của Bộ Tư Pháp, xem liệu đoạn CCTV này đã “bị mất, bị xóa hay tạm thời mất tích.” Bà đáp “đúng vậy.” Quan tòa muốn một câu trả lại rõ ràng hơn về tình trạng của đoạn CCTV này trong vòng 14 ngày.

Đáp lại thông tin về việc xét xử hai cái chết bất thường trên, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ phát biểu: “Tình trạng của những đối tượng bị tạm giữ là vấn đề quan trọng nhất và chúng tôi hy vọng họ được đối xử một cách tôn trọng.

“Bất kỳ trường hợp tử vong nào tại các trung tâm tạm giữ nhập cư đều được cảnh sát, quan tòa và các quan sát viên nhà tù độc lập điều tra cẩn thận.”

VietHome (Theo Guardian)