Nạn nhân nô lệ trẻ em người Việt kiện Bộ Nội vụ vì bị xâm hại tình dục trong trại tạm giữ Morton Hall

Chính phủ bị cáo buộc đã ‘thất bại thê thảm’ sau khi công nhận một thiếu niên bị tạm giữ trái phép và bị tấn công tại một trung tâm giam giữ người nhập cư.

Một nạn nhân người Việt của nạn nô lệ trẻ em đã khởi kiện chống lại chính phủ sau khi thiếu niên này bị tấn công tình dục tại trung tâm trục xuất nhập cư Morton Hall.

Bộ Nội vụ thú nhận thiếu niên 19 tuổi này – tạm gọi là H – đang trong thời gian tạm giữ trái quy định khi bị tấn công bởi một người nhập cư khác. Người này đã cố gắng hãm hiếp thiếu niên H trong phòng giam hồi năm 2016.

H được nhận diện là một nạn nhân của nạn buôn người khi vụ xâm hại xảy ra và Bộ Nội vụ công nhận rằng lẽ ra thiếu niên này không thuộc diện bị tạm giữ do nhập cư trái phép.

Sau vụ tấn công tình dục, H tiếp tục bị giam giữ tại Morton Hall thêm sáu tháng nữa. Nhờ sự can thiệp của một công ty luật, Bộ Nội vụ mới xác nhận H là nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại, nhưng vẫn từ chối thả H. Bộ tiếp tục cố gắng trục xuất H về Việt Nam.

Theo chuyên gia tâm lý chịu trách nhiệm kiểm tra H trong thời gian tạm giữ, sau vụ tấn công, thiếu niên này thực sự tuyệt vọng và vô cùng lo lắng cho tương lai của mình. Vụ tấn công cũng khơi lại những ký ức từng bị hãm hiếp và bạo hành khi H còn nằm trong tay bọn buôn người.

Morton Hall xác nhận vụ tấn công thực sự đã xảy ra, nhưng họ không hề tiến hành điều tra hay thực hiện biện pháp bảo vệ H sau vụ việc. Trung tâm chỉ bắt đầu xét hỏi nội bộ sau khi các luật sư liên lạc với họ và đe dọa khởi kiện.

H bị đưa khỏi Việt Nam tới Anh khi mới 16 tuổi và bị ép buộc coi sóc trang trại cần sa trong một ngôi nhà ở Derbyshire. Khi cảnh sát ập tới ngôi nhà và tìm thấy H bị khóa trái bên trong, H đã bị buộc tội trồng cần sa và khởi tố, rồi sau đó bị gửi tới một trung tâm giáo dục thanh thiếu niên. Từ trung tâm này, H được chuyển trực tiếp tới Morton Hall ở Lindoln.

HThiếu niên người Việt nói sau vụ tấn công ở Morton Hall, cậu luôn sống trong cảm giác sợ hãi.

Trong một thông cáo, H nói: “Quãng thời gian tôi ở trại tạm giữ thật khủng khiếp. Sau vụ việc, tôi luôn bị ám ảnh rằng những người khác có thể gây hại cho tôi bất cứ lúc nào. Tôi luôn sống trong cảm giác sợ hãi và không thể ăn hay ngủ. Nhân viên Morton Hall không hề bảo vệ những người bị tạm giữ. Mặc dù có những việc kinh khủng đã từng xảy đến với tôi trong quá khứ, sự việc ở trại tạm giữ này khiến mọi chuyện càng tồi tệ hơn.”

Giám đốc công ty luật bảo vệ cho H nói vụ tấn công cho thấy sự thất bại thảm hại của chính quyền nước Anh đối với nhiệm vụ bảo vệ H.

“Đây là một nạn nhân của nạn nô lệ và cậu ấy chỉ là một đứa trẻ khi bắt đầu bị bóc lột – cậu ấy bị nhốt trong một ngôi nhà trồng cần sa rồi bị buộc tội, bị giam giữ trong trại cải tạo thanh thiếu niên và cuối cùng bị tạm giữ bất hợp pháp ở trung tâm nhập cư, nơi cậu tiếp tục phải chịu đựng một hành vi tấn công khủng khiếp. Hành vi này không hề được điều tra. Cách thân chủ của chúng tôi bị đối xử cho thấy chính phủ không hề giữ đúng cam kết bảo vệ các nạn nhân của nạn nô lệ cũng như không tuân theo chính sách hỗ trợ nạn nhân buôn trẻ em. Đây là cách chúng ta đối xử với các nạn nhân nô lệ ở nước Anh hay sao?”

Căn cứ theo Luật Nhân quyền về hành vi thờ ơ và làm trái nhiệm vụ, H đã tiến hành khởi kiện dân sự trung tâm Morton Hall vì đã không tiến hành điều tra nội bộ hoặc trình báo vụ việc với cảnh sát.

Công ty luật bảo vệ H cũng bắt đầu thay mặt H tiến hành tố tụng chống lại Bộ Nội vụ, yêu cầu dừng quá trình trục xuất và buộc Bộ Nội vụ phải công nhận hệ thống bảo vệ nạn nhân nô lệ của họ đã thất bại.

H cho biết khi 16 tuổi, cậu đã bị những người cậu quen biết trên Facebook lừa đi khỏi một ngôi làng nông thôi tới thành phố Hồ Chí Minh. Tại đó, cậu được dẫn tới gặp một nhóm người và họ đề nghị đưa cậu tới châu Âu. Khi cậu từ chối, cậu bị nhốt vào một căn phòng, bị tra tấn, hãm hiếp và buộc phải ký tên vào một món nợ. H nói cậu cũng bị đánh bằng roi điện và bị dí những thanh sắt nóng. Những người đàn ông đe dọa sẽ giết gia đình cậu nếu cậu từ chối đi.

Khi tới nước Anh, H được đưa tới một ngôi nhà dùng để trồng cần sa ở Derbyshire và bị yêu cầu chăm sóc cần sa. Có những lúc cậu gần như chết đói trong ngôi nhà bị khóa.

Sau khi cảnh sát đột kích vào trang trại này, H bị cảnh sát Derbyshire bắt giữ và được Bộ Nội vụ nhận diện là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em. Tuy nhiên, cả cảnh sát lẫn Dịch vụ Công tố Hoàng gia (CPS) đều không được thông báo về việc này và sau đó H bị kết án tám tháng tù giam tại trung tâm tội phạm thanh thiếu niên. Trong thời gian chịu án tù, Bộ Nội vụ tiến hành quy trình trục xuất H và cậu được đưa thẳng đến Morton Hall, nơi vụ tấn công tình dục xảy ra.

Hiện H đang được bảo vệ trong khu nhà an toàn dành cho nạn nhân buôn người và được trả tự do khỏi trung tâm tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp nhờ bảo lãnh. Đơn xin được lưu lại Anh của cậu đã bị từ chối. Việc thay đổi quyết định này cũng là một phần mục đích của vụ tố tụng chống lại Bộ Nội vụ.

H nói cậu sợ phải trở về Việt Nam bởi bọn buôn người biết  nơi cậu sinh sống và đe dọa sẽ làm hại cậu nếu cậu không thể hoàn trả khoản tiền chúng đã dùng để đưa cậu từ Việt Nam tới Anh. H nói cậu không thể liên lạc với cha mẹ mình bởi họ đã chuyển đi nơi khác trong thời gian cậu ở Anh.

Phiên tòa yêu cầu Bộ Nội vụ xem xét lại quy trình sẽ diễn ra vào tháng Năm. Vụ kiện dân sự chống lại Morton Hall vẫn đang tiếp diễn.

Trẻ em Việt Nam là một trong những nhóm nạn nhân nô lệ đông đảo nhất được xác định bởi Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) trong năm 2017. Rất nhiều thiếu niên giống H đang tiếp tục bị đưa đến Anh để làm việc trong các trang trại trồng cần sa.

Số lượng nạn nhân trẻ em được NCA xác nhận trong năm 2017 đã tăng hai phần ba so với năm 2016. Gần một nửa trên tổng số 5,145 trường hợp được báo cáo có khả năng bị bóc lột kể từ khi dưới 18 tuổi.

Thông cáo của Bộ Nội vụ nói: “Nước Anh có một lịch sử đáng tự hào khi đã cho phép những người cần chúng ta bảo vệ được xin tị nạn và mỗi trường hợp đều được đánh giá cẩn thận. Vì vụ tố tụng vẫn đang diễn ra, việc đưa ra bất cứ bình luận nào lúc này đều không thích hợp.”

VietHome (Theo Guardian)