Làn sóng vượt biên vào châu Âu: Giấc mơ xa xăm.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Ý, năm nay đã có 59.880 người nhập cư và tị nạn vào quốc gia này, đặc biệt là tại vùng Sicily. Làn sóng vượt biên vào châu Âu ngày càng gia tăng, mang theo đó là những giấc mơ khó thành hiện thực.

 

753aee4c7ae13a.img
Tàu tuần tra hải quân Ý tiếp cận và giải cứu một đoàn người vượt biên từ châu Phi.
 

Azeb Brahana, 25 tuổi, cùng với đứa con ba tháng tuổi của mình đứng chờ vô định giữa sân ga Catania (Ý). Quá thất vọng trước nhà cầm quyền, cô đã rời đất nước mình vào năm 2012. Sau một năm làm việc ở Sudan và ba tháng tù tại trại giam Libya, cuối cùng cô đã có đủ tiền để trả cho một chuyến vượt biên trên con thuyền nhỏ cùng hơn 300 người khác.

Con thuyền của cô đã bị cảnh sát Ý chặn lại vào tuần trước, tất cả mọi người đều được đưa đến nơi an toàn. “Vì tương lai của con mình, tôi đã đến nơi này. Tôi muốn làm việc. Tôi đã rời bỏ đất nước của mình. Chúng tôi cần sự giúp đỡ nhưng không biết bắt đầu từ đâu”, cô nói.

Một hoàn cảnh khác là Adama Bah, 16 tuổi đến từ Gambia, đang sống trong một nhà tị nạn dành cho trẻ em nam tại Augusta (Ý). Mang theo giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá khi lớn lên, cậu bồi hồi nhớ lại những năm tháng khổ cực tại Libya khi phải vật lộn để kiếm tiền vượt biển: “Tôi đã nhìn thấy nhiều người bị bắn vào chân hoặc bị giết. Thật đáng sợ!”. Giờ đây giữa đô thị Augusta vùng Sicilia nước Ý, cậu thất vọng trước ước mơ không thành hiện thực.

Nhưng số phận của họ vẫn còn tốt hơn so với nhiều người khác. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Ý, trong năm nay đã có 59.880 người nhập cư và tị nạn vào lãnh thổ quốc gia này, đặc biệt là tại vùng Sicily. Trong đó có khoảng 5.840 trẻ em vị thành niên không có người thân đi cùng. Ngoài ra kể từ tháng 10/2013 tới nay đã có khoảng 400 người thiệt mạng khi vượt biên bằng đuờng biển vào Ý.

Áp lực dân nhập cư và phân biệt giai cấp cũng đè nặng lên vai các nhà chức trách. Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh EU trong tuần này, thủ tướng Ý, Matteo Renzi nêu lại vấn đề này với những nhà lãnh đạo khác trong Liên minh châu Âu nhằm thúc giục các nước “đầu tư” vào các hoạt động kiểm soát biên giới của NATO.

Theo xã luận