Xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một xã nằm ven chân núi Hồng Lĩnh, có 8.200 nhân khẩu, nhưng đã có khoảng 1.340 lao động đang làm ở nước ngoài, trong đó số người tham gia bằng đường không chính thống chiếm tỷ lệ 80% (thống kê của UBND xã Thiên Lộc năm 2020).
Dù có nhiều lao động làm ăn ở nước ngoài, nhưng thu nhập bình quân đầu người tại Thiên Lộc cũng chỉ đạt 34.7 triệu đồng/1 năm, tỷ lệ hộ nghèo 3,1%, hộ cận nghèo 4,2%. Theo số liệu của xã, trong khoảng 8 năm lại nay trên địa bàn xã Thiên Lộc có khoảng 7 người đi lao động ở nước ngoài bị tử vong trên đường di chuyển, hàng trăm người đang chưa có liên lạc với gia đình, và hàng ngàn người đang cư trú bất hợp pháp tại châu Âu. Trong số đó hầu hết là lao động đi bằng đường bất hợp pháp.
Dựa trên danh sách người lao động trở về ở Thiên Lộc với điều tra bằng bảng hỏi đối với 60 người lao động đã đi Châu Âu trở về trong vòng 5 năm trở lại đây, có thể thấy hồi ức của người di cư bất hợp pháp ở Châu Âu. 20 người lao động di cư trở về đã chia sẻ thông tin về đời sống khi di cư bất hợp pháp và làm việc tại các nước Châu Âu. Bên cạnh đó, 5 cán bộ của chính quyền trên địa bàn cũng cung cấp thêm thông tin về hoạt động quản lý người dân di cư sang các nước châu Âu trong xã của họ là xã Thiên Lộc.
Xác định rủi ro của lao động di cư bất hợp pháp khi di cư sang các nước Châu Âu
Người lao động di cư bất hợp pháp ở Can Lộc, Hà Tĩnh trong mẫu điều tra gặp phải rất nhiều khó khăn trước khi đi, trong khi di chuyển và khi làm việc tại các nước Châu Âu. Trước khi đi họ gặp phải nhiều rủi ro về kinh tế khi mất tiền đặt cọc khi chuyến đi bị hủy, không có khả năng trả tiền lãi hoặc thậm chí bàn giao nhầm tiền cho người môi giới và không đòi lại được.
Vì chi phí một chuyến sang châu Âu qua rất nhiều công đoạn, thậm chí qua rất nhiều khâu "bắc cầu" mới đưa được người lao động đến miền đất hứa nên chi phí trung bình cho một chuyến đi cách đây 10-15 năm cũng đã 200-300 triệu đồng.
Sau khi tìm được một "dây" đi tin cậy đâu đó từ bạn bè, hàng xóm từng có người đi Tây Âu thì người lao động di cư bắt đầu "bắt cọc" để có thể đi. Đường dây đưa người thường không phải là người địa phương mà là người ở Yên Thành, hay Cương Gián (Nghi Xuân) sang lấy. Cuộc bàn giao cọc sẽ diễn ra chóng vánh, lúc thì ngoài nghĩa trang, lúc ở ngõ vắng nhá nhem tối, thậm chí, người nhà của người di cư không nhớ rõ, không biết ai lấy, đôi khi, thậm chí họ điều hành qua điện thoại mang tiền đến một nơi đã được chỉ điểm và về.
Bên cạnh đó trước khi đi xuất khẩu lao động họ cũng không hoặc ít nhận được thông tin chính thức về chuyến đi, thông tin gây hiểu nhầm dẫn đến mất thêm chi phí khi di chuyển trong chuyến đi.
Do hoạt động đưa người trái phép diễn ra rất phức tạp theo luật ngầm dưới nhiều hình thức nên người lao động di chuyển chỉ có thể thụ động chấp hành theo mà không được quyền hỏi thêm bất kỳ thông tin nào. Thậm chí, họ cũng không thực sự rõ ràng được ai đứng đằng sau tổ chức.
Thông thường, người lao động qua một mối quan hệ bắc cầu với những người xung quanh tiếp cận với dịch vụ và sử dụng dịch vụ vận chuyển người. Kiến thức không có, trải nghiệm ít và không có ngoại ngữ nên trên đường đi họ cũng chỉ phó mặc cho người làm môi giới. Niềm tin là thứ duy nhất giúp cho người lao động di cư bất hợp pháp kết nối trong suốt chuyến đi và niềm tin về một vùng đất hứa luôn là động lực mãnh liệt thúc đẩy người lao động ra đi.
Rủi ro của người lao động di cư bất hợp pháp trong quá trình di chuyển và sinh sống làm việc ở Châu Âu
Bảng: Rủi ro trong hành trình người lao động đi sang Châu Âu
Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 70% người di cư đã bị bỏ đói, số khác bị hãm hiếp lạm dụng (23.3%), bị bỏ rơi hoặc bị tai nạn giao thông. Đây là một bằng chứng rõ ràng về sự khó khăn và những sự không an toàn của người di cư trên đường di chuyển.
Người lao động trở về được khảo sát có rất nhiều người sang Anh làm thuê "chui" và nhóm thứ hai là từ Đức trở về đều cùng một lý do chung về là do "bị nước sở tại trục xuất". Hành trình sang châu Âu của người Thiên Lộc có con đường cơ bản: người lao động đi thẳng sang Pháp bằng máy bay dưới danh nghĩa du lịch. Sang Pháp rồi chỉ còn chờ lên xe container chạy thẳng qua eo biển Manche hoặc đi phà qua Dove để sang Anh hoặc đi xe Bus sang Bỉ rồi sang Đức.
Qua ngả Trung Âu, người vượt biên sẽ đi ngược lên Trung Quốc, sang Nga, vào Ba Lan, qua Hungary, Đức rồi vào Pháp.
Qua ngả Balkan, từ Trung Quốc đi qua các nước Trung Á, qua Serbia, rồi Rumani, rồi đến Ý, rồi đến Pháp. Giá tiền thì tùy theo gói, gói nào càng nhiều chặng thì càng... ít tiền.
Hành trình đến nước Anh cũng khá gian nan: từ Nga sang châu Âu có khi phải chờ cả tháng trời để gặp được đúng kíp lực lượng chức năng canh gác biên giới "ăn rơ" với đường dây. Đi được sang Ba Lan nhiều khi phải cuốc bộ băng đường rừng trong cả tuần lễ mới tới được bãi hàng, rồi mới có xe hàng chở vào Pháp. Đây là đoạn gian nan nhất, người vượt biên được yêu cầu xé bỏ hộ chiếu, bỏ lại điện thoại, không hành lý, chỉ mang theo đúng quần áo trên người, ăn uống có người của tổ chức lo... Nhưng không có gì bảo đảm người lao động sẽ đến được nơi họ muốn, chuyện phát sinh chi phí, bị trấn lột, bị hiếp, bị đánh đập là chuyện xảy ra thường xuyên.
Khi tham gia vào đường dây, có nghĩa là người vượt biên mặc định phó thác tính mạng vào tay mafia quốc tế. Vì hành trình qua rất nhiều quốc gia nên đường dây này có sự tham gia của rất nhiều tổ chức phi pháp nhiều quốc tịch, thậm chí có cả giới tội phạm người Việt.
"Từ Nga, chúng tôi được đưa lên xe 7 chỗ và bắt đầu chạy sang Ba Lan, Tiệp và sau đó là Đức. Mỗi hành trình ngắn thì tầm một tuần, dài có khi cả tháng mới tới nơi dựa vào mức độ trót lọt qua các biên giới. Người đưa chúng tôi đi hoàn toàn là hội Tây, nói tiếng chúng tôi không xác định được là nước gì, thỉnh thoảng có giao dịch chúng tôi nghe loáng thoáng là tiếng Anh. Chúng tôi được nhét nằm trong cốp xe, cũng có đoạn an toàn thì được ngồi đàng hoàng, nhưng rất khổ cực.
"Hội chúng tôi đi Anh, được đóng trong thùng xe tải chở hàng có bạt an toàn hơn ở trong container. Tôi được phát một chiếc lưỡi lam, khi qua biên giới Anh thì dùng lưỡi làm rạch bạt xe rồi nhảy xuống. Tôi làm thuê ở Birmingham cho một ông chủ người Việt ba năm thì ra đầu thú sau đó trục xuất về nước. Như vừa rồi các cháu ở quê tôi đi Anh chết trong thùng đông lạnh. Lực lượng biên giới Anh thường sử dụng máy quét nhiệt để phát hiện người trốn qua biên giới. Tuy nhiên, thiết bị quét nhiệt không hoạt động với các thùng container đông lạnh bởi chúng quá lạnh và máy không thể phát hiện thân nhiệt của những người nấp bên trong".
(Lao động nam, 45 tuổi, người di cư trở về)
Hành trình bão táp sang châu Âu
Những góc khuất thể hiện được những sự "không an toàn" của người di cư trong suốt hành trình từ Việt Nam sang châu Âu, đặc biệt là những cuộc di chuyển qua đường bộ xuyên biên giới các quốc gia. Họ không những đối mặt với tình trạng bị bỏ đói, bị nguy hiểm mà còn những nguy cơ về bị hãm hiếp, đánh đập, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của con người.
Những cuộc hành trình chui vào container đi phà biển từ Bỉ sang Anh với chi trả vé VIP thêm 3000 đến 5000 bảng Anh so với người bình thường sẽ được tài xế container dặn dò cách đối phó với kiểm tra, được cho nước uống và chỉ cách đi vệ sinh. Người lao động sẽ được chở trên xe taxi từ một căn hộ gần Paris đến một cánh đồng, nơi nhóm người di cư sẽ được yêu cầu ẩn nấp và chờ đợi cho đến khi người lái xe tải nói tiếng Anh đến và đưa cả nhóm vào trong xe.
"Nếu tài xế gõ bên hông xe, họ phải cùng đứng dậy ở giữa thùng xe và "không được tạo ra tiếng động". Khi cánh cửa container được mở ra, vài người nói tiếng Anh ngữ điệu châu Âu vội kéo chúng tôi ra ngoài và đẩy vào một chiếc xe màu đen.
Tôi sau đó bị giam trong căn hộ tầng hai của một người tên là Phong cho đến khi gia đình tôi ở Thiên Lộc chuyển 13.000 bảng Anh vào một tài khoản ở Việt Nam. Tôi biết về vụ vượt biên thông qua một người bạn và liên hệ thông qua ứng dụng nhắn tin Viber" - một lao động nam, 46 tuổi, người di cư trở về từ Anh kể lại.
Rủi ro của người lao động di cư bất hợp pháp trong quá trình làm việc
Qua quá trình điều tra khảo sát thấy công việc của người di cư Thiên Lộc ở Châu Âu luôn là những nghề lao động chân tay như bán thuốc lá, rửa bát, làm vườn, cắt cỏ thuê, trông trẻ, nghề được các nhà xã hội học xếp vào phần đáy của tháp phân tầng nghề nghiệp. Đồng nghĩa với việc chấp nhận làm những công việc này thì người lao động di cư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Những rủi ro có thể nhìn thấy được ngay trong điều kiện làm việc của người lao động di cư bao gồm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, giờ làm việc cho đến tiền thù lao (về cả số lượng và mức độ ổn định) cũng như điều kiện thể chất và nhu cầu tinh thần của người lao động… nhưng cũng có thể là những bấp bênh vô hình tồn tại đằng sau mỗi ngày lao động.
Bảng: Rủi ro của người lao động trong quá trình làm việc
Kết quả điều tra cho thấy, có tới 70% người lao động bị ép làm công việc nặng nhọc hơn sức lực, 23.3% người lao động bị làm nhiều hơn giờ thỏa thuận lao động và ngoài ra họ bị trừ lương thậm chí bị đánh đập ngược đãi (16.7%).
Thực tế, tính chất công việc cũng như môi trường làm việc của những người Thiên Lộc đi các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Anh rất khác nhau. Người lưu trú ở Đức chủ yếu là sống nhờ ở các trại tị nạn và hưởng trợ cấp của chính phủ Đức, họ tìm cách trốn trại ra ngoài theo giờ buôn bán và làm thuê.
Còn những người đi lao động ở Anh lại không như vậy, bản chất họ là những người đã biết rõ ở Anh trồng cần sa - loại việc cho thu nhập cao gấp ba lần. Đây là hoạt động phi pháp, nếu bị phát hiện sẽ ngồi tù từ 6 tháng đến một năm, nhưng những người lao động không sợ mức phạt này. Họ thông qua người môi giới, tìm đến các ông chủ vườn cần sa người Việt và Anh để xin làm việc. Như thế có nghĩa những rủi ro của họ gặp phải trong công việc của nhóm người lao động Thiên Lộc ở châu Âu rất khác nhau và cần thiết phải có những phân tích trên cả hai đối tượng.
Khi lao động di cư bất hợp pháp đến Đức, họ phải làm nghề bán thuốc lá lậu tính chất công việc bấp bênh và nguy hiểm. Người lao động di cư trong trại tị nạn, khoảng thời gian họ có thể tham gia làm việc là sau giờ trại tị nạn điểm danh hoặc kiểm tra, họ sẽ tìm cách chạy ra khỏi khu vực sinh sống và tìm kiếm các công việc khác nhau ở các thành phố của nước Đức. Phổ biến nhất và dễ kiếm tiền nhất theo người lao động là "buôn bán thuốc lá" lậu cho dân Đức ngay trên đường phố thường là khoảng từ 8 giờ tối hôm trước cho đến 7 giờ sáng hôm sau khi dân tình họ đi làm về tranh thủ mua hoặc đi bar, đi quán xá.
Công việc buôn bán thuốc lá đòi hỏi một lượng vận động cơ bắp rất lớn, vừa phải chạy qua lại chào mời khách, rồi tìm địa điểm giấu thuốc và giao dịch toàn bộ bằng sức của chính mình. Trong khoảng thời gian mà với hoạt động sinh học bình thường của con người thì để dành cho ngủ nghỉ và hồi phục sức khỏe thì công việc của những người bán thuốc lá vô cùng căng thẳng và mệt mỏi vì vừa phải kiếm tiền, kiếm khách hàng và… tránh làm sao để không bị cảnh sát Đức bắt.
Để có thể thấy rõ những ảnh hưởng lên sức khỏe gây ra bởi chế độ làm việc này có lẽ cần phải có một nghiên cứu y học, nhưng qua tự cảm nhận của những người lao động cũng có thể thấy được mức độ nặng nhọc của công việc mà cơ thể họ đang phải chịu đựng.
Những vấn đề sức khỏe mà người di cư bất hợp pháp gặp phải
"... Đứng cho đến nỗi xương khớp cứng lại, trời thì lạnh mà chúng tôi phải đứng hàng chục tiếng liền trên hè phố, hết mời chào ngả giá cho đến chạy đi lấy thuốc, mắt thì phải canh chừng làm sao không lọt vào tầm ngắm của cảnh sát, thực sự rất căng thẳng, và hao sức khỏe. Hồi đó tôi gầy rộc cả đi vì vất vả, nhưng vẫn phải cố gắng có vài đồng gửi về cho vợ cho con.
"…Có lần chạy qua chạy lại trong tuyết tôi vội ngã gãy cả chân, hôm ấy mưa nó trơn nên trượt một cái, đổ hết cả hàng ra đường. Vì mình cũng chả phải công dân Đức nên chẳng có hỗ trợ gì, cái ấy mình phải tự chịu hết, mất cả tháng trời uống thuốc, chăm sóc, nằm nghỉ tiền thì không kiếm được đồng nào sốt hết cả ruột …May có anh em bè bạn bao bọc, chứ ở bên đó, nhiều khi bị cảnh sát thu hết hàng hết tiền, nhẵn hết túi chẳng có mà ăn, nhiều hôm chạy ra ngoài đường bán thuốc mà hoa mắt chóng mặt hết cả, khổ biết bao nhiêu…".
Lao động nam, 45 tuổi, người di cư trở về
Chính sự phi chính thức trong cách thức cư trú trái phép tại nước sở tại đã đã tạo ra tính hai mặt của môi trường làm việc của những người lao động nhập cư trái phép ở Đức.
Một mặt, nó tạo điều kiện dễ dàng cho những người lao động và những người sử dụng lao động có thể thực hiện quá trình giao dịch làm thuê tại các cửa hàng, hay trông trẻ ở nhà riêng của mình. Với người chủ, thay vì ký hợp đồng chính thức dài hạn với người lao động, phải trả lương hàng tháng và đóng bảo hiểm cho họ như những người lao động ở nước sở tại trong khi không phải ngày nào cũng cần đến chừng đó người làm thì lúc nào cần gọi người đến làm thuê, vừa nhanh vừa lại tiết kiệm chi phí, còn với những người di cư chưa có giấy tờ thì thì cũng rất dễ dàng để có thể tham gia làm việc và nhận thù lao ngay lập tức.
Nhưng mặt khác thì sự phi chính thức tạo ra những hệ quả tiêu cực như cơ hội cho những người sử dụng lao động tránh phải thực hiện những nghĩa vụ đối với người lao động và do đó dẫn đến sự thiếu hụt các bảo hiểm rủi ro và các phúc lợi xã hội cần thiết cho người lao động ở nơi đất khách xứ người khiến số phận của họ đã bấp bênh rồi nay lại bấp bênh hơn. Một hệ quả khác mà tính phi chính thức này tạo ra đó là tạo cơ hội cho việc xảy ra xung đột giữa những người lao động di cư với nhau trong cạnh tranh việc làm.
Với số lượng lao động ngày càng nhiều người di cư từ các nơi ở Việt Nam sang Đức, họ đều nhận thấy một số nhóm nghề nghiệp có thể dễ kiếm ăn như là bán thuốc lá hay làm thuê ở các quán ăn, tiệm nail của người Việt và cho ông chủ Việt. Khi không có ký kết hợp đồng thì ai cũng có thể có cơ hội nhận việc, vì vậy để được làm việc thì cần phải nhanh tay nhanh chân hơn người khác. Trên thực tế cũng có một giao ước ngầm định giữa những người lao động với nhau làm tốt thì sẵn sàng giữ ai chưa tốt sẵn sàng sa thải, còn trên đường phố việc phân chia ranh giới bán thuốc lá lậu cho khách hàng cũng mong manh bởi nhiều khi để kiếm khách người lao động Việt Nam tại Đức, cứ qua lại trên cùng một con phố và chào mời người dân bản địa mua thuốc, ai đến trước ai đến sau không phải lúc nào cũng có sự thống nhất giữa những người lao động với nhau và đương nhiên những lúc như vậy là sẽ xảy ra xung đột.
"Bán thuốc ở một khu phố lâu dần cũng có nhiều mối quen nên khách hàng người ta biết mặt rồi thì họ gọi, nhiều lúc họ gọi thì cả mấy người Việt mà toàn người nói giọng Hà Tĩnh, Nghệ An chạy tới, thế là giành nhau, nhiều khi đánh nhau bươu cả đầu chảy cả máu. Có khi cả lũ bị công an tóm cả, cuối cùng ai cũng thiệt thân cả" - lao động nam 45 tuổi, người di cư trở về chia sẻ.
Công việc của những người Thiên Lộc ở Anh có 2 hoạt động cơ bản là làm thuê cho dịch vụ nhà hàng, làm móng (tiệm nail) và trồng cần sa, trong đó, tỷ lệ người đi trồng cần sa chiếm đa số. Anh cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y tế nhưng cấm dùng nó cho mục đích tiêu khiển. Dù vậy, cần sa vẫn được sử dụng rộng rãi trên khắp nước Anh. Chính yếu tố này đã thúc đẩy nhiều người Việt Nam di cư bất hợp pháp sang châu Âu tìm cách vượt biên sang lưu trú ở Anh và trồng cần sa trái phép.
Nỗi vất cả của những người di cư bất hợp pháp tại Anh
"Trang trại" cần sa thường là những căn nhà không người ở, nằm trong các khu dân cư, hoặc ở vùng ngoại ô. Nhà nào lớn, nhiều tầng sẽ cần 3-10 lao động, nhà nhỏ chỉ một người. Nơi "làm việc" là ngôi nhà nhỏ ba tầng, có 3 phòng, diện tích mỗi phòng 25m2, cứ một m2 có một bóng đèn 600W, trên trần treo quạt hút gió chạy điện. Để giữ bí mật, nhà được lắp ống thông gió kết hợp với ống khói và gắn vào thùng lọc để giảm mùi thơm của cây cần sa. Khi quạt hút chạy, không khí sẽ theo ống khói thoát lên nóc nhà, bay ra ngoài. Cửa các phòng được căng vải bạt dày để hạn chế ánh sáng lọt ra ngoài. Nếu tất cả bóng đèn được bật lên cùng lúc và tắt quạt hút, nhiệt độ trong nhà có thể lên đến 45 độ C. Cần sa được trồng trong chậu theo hình thức gối vụ. Ba tháng đầu tiên, do phải chuẩn bị mặt bằng nên chỉ thu hoạch một lần. 9 tháng còn lại, cứ 4 tuần thì "gặt" và trồng vụ mới.
Tôi được giao chăm sóc khoảng 300 cây, mỗi phòng 100 cây. Khi cây còn nhỏ, bóng điện phải bật cả ngày đêm. Lúc thu hoạch, chủ vườn dùng kéo bấm gốc, treo ngược thân cây lên đèn khoảng một ngày để sấy khô rồi hạ xuống, cắt phần bông bán ra thị trường chợ đen. Mỗi ngày tôi làm việc 6 tiếng, còn lại ở lỳ trong nhà, ngủ nghỉ tại chỗ, thỉnh thoảng hết vụ mới được ra ngoài. Hàng tuần, chủ vườn đưa gạo, thức ăn đến bỏ trong tủ lạnh để người làm thuê tự túc nấu nướng.
Ở một mình rất sợ và cô đơn. Lo nhất là bị cảnh sát đột kích, hoặc bị cướp đột nhập cướp hàng. Nếu gặp cướp vẫn còn may vì chủ mất vốn, mình bị trừ tiền công khi làm vụ mới. Còn để cảnh sát bắt, giấc mơ làm giàu sẽ chấm dứt. Tiền thu về từ trồng cần sa được ăn chia theo thỏa thuận, thông thường người chủ hưởng 70%, lao động 30%. Trung bình một vụ thu hoạch hơn 10 kg bông cần sa, bán được 55.000 bảng Anh. Chủ cơ sở sẽ trừ chi phí vật tư, mặt bằng... hết khoảng 30.000 bảng. Còn lại 25.000 bảng, tôi được chia 7.500 bảng. Việc thu hoạch, bán cần sa chủ lo toàn bộ, người làm thuê không bao giờ biết.
Đi làm vậy cũng có tiền nhưng cô đơn, chẳng khác nào đi tù cả!"
Lao động nam 30 tuổi, người di cư trở về
Chính vì áp lực phải chăm bón cho cây cần sa tăng trưởng thu hoạch đúng hạn nên thời gian làm việc của những người làm thuê không cố định, ngày lao động của họ ngắn hay dài là tùy thuộc vào việc mức độ nhanh chậm cao thấp của cây cần sa họ trồng. Nếu như họ biết chăm cho cây tăng đủ chiều cao trong khoảng thời gian càng ngắn bao nhiêu thì thời gian làm việc và thu nhập họ nhận được cũng tăng thêm bấy nhiêu và ngược lại. Nhưng việc trồng cây cỏ trong điều kiện nhà kính tránh sự săn đuổi gắt cao của cảnh sát lại bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố mà họ không thể kiểm soát hay dự tính được.
Với những người trồng cần sa, họ không biết rõ thành phẩm họ trồng bán ở đâu và khi nào, cũng không biết trước giá cả vì vậy mỗi lần giao dịch xong sẽ phải hỏi ông chủ và nhiều khi là ông chủ nói bán được sao tin thế, và nếu như ông chủ là người không đủ tin cẩn, họ có thể mất một số tiền lớn. Do đó họ khó có được một nguồn thông tin đủ tin cậy để tính được chính xác số tiền xứng đáng họ được hưởng trong công việc ở Anh. Một điểm quan trọng nữa là những người di cư trái phép họ bị hạn chế tiếp xúc bên ngoài, họ không được chăm sóc sức khỏe để mỗi ngày và hạn chế ra ngoài cũng không cho họ cơ hội tiếp cận với dịch vụ cũng khiến cuộc sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn, như vậy là mức độ rủi ro sẽ tăng lên.
Sự bấp bênh của công việc bất hợp pháp tại Anh
"…Bạn của tôi trả 15.000 USD cho những kẻ buôn người để được đưa sang Anh. làm việc cho trang trại cần sa ở Bristol cuộc sống cứ chui lủi buồn chán sinh ra hút cần nên làm thì được nhiều mà tiêu tiến vào tiền cần sa cũng nhiều lắm. Năm ngoái bị đột kích anh ấy nằm trong số 1.600 người Việt Nam bị yêu cầu về nước bằng hình thức ép buộc, giờ đang cai nghiện ở Hà Nội chưa về.
Sang bên đó các băng đảng trồng cỏ cướp của nhau nhiều lắm, nhiều khi cỏ sắp đến ngày thu hoạch là bị toán cướp người Phi lao đến lấy sạch, chúng tôi thì bị đánh đập dã man thừa sống thiếu chết mà mấy anh em cũng chỉ biết ôm nhau khóc, xong lại trồng lứa mới mà kiếm. Pháp luật sở tại họ cũng ngày càng thắt chặt nên thấy tình hình căng quá, hại sức khỏe mà khổ cực dù đồng tiền cũng có, anh vẫn quyết chí về, về tự nguyện ấy chứ…"
Lao động nam 40 tuổi, người di cư trở về
Ngoài những rủi ro và bấp bênh tạo ra bởi tính chất của công việc bất hợp pháp tại Anh, những người di cư bất hợp pháp còn phải đối mặt với chính sách quản lý chặt chẽ của pháp luật Anh. Việc bị phát hiện tại Anh khiến cho mỗi người di cư đối mặt với hai án tù treo lơ lửng là nhập cư trái phép và nhất là tội tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy với khung hình phạt khá cao.
Những sự bất ổn trong tính chất của công việc cũng như không được công nhận của luật pháp đã làm cho những người lao động bất hợp pháp xã Thiên Lộc ở Pháp và Anh vào một tình thế không an toàn. Mỗi ngày thức dậy họ không biết được liệu hôm nay mình có còn được lưu trú ở nước thở tại hay không, hay có bị bắt và tịch thu hàng hóa hay không. Ngoài những rủi ro trong quá trình di chuyển và làm việc tại các nước Châu Âu, người lao động di cư bất hợp pháp còn gặp phải những rủi ro về điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe. Họ phải sống trong điều kiện trật trội về nhà ở, môi trường sống thiếu an toàn, thiếu nước sinh hoạt…
Họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, khi ốm đau họ chủ yếu tự mua thuốc và điều trị ở nhà. Người di cư chọn cách tìm tự chăm sóc sức khỏe hơn là tìm đến các cơ sở y tế một mặt là do tâm lý lo lắng tốn kém, một mặt do bất đồng ngôn ngữ và ngại hòa nhập với môi trường mới khiến lao động gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tương tác với cộng đồng xung quanh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người di cư bất hợp pháp sang quốc gia như Đức, Tiệp, Nga, Anh và các nước Li băng. Người lao động di cư bất hợp pháp gặp phải những khó khăn về kinh tế, thông tin trước khi di cư. Những rủi ro trong quá trình di cư như bị bỏ đói, tai nạn, hãm hiếp, cảnh sát bắt giữ…
Trong thời gian làm việc tại các nước Châu Âu họ cũng gặp nhiều khó khăn như làm việc nhiều giờ, công việc nặng nhọc, bị quỵt tiền công… cùng với đó là những rào cản về tiếp cận y tế tại nước đến. Rủi ro những người lao động di cư bất hợp pháp từ những công việc như trồng cần sa, bán thuốc lá lậu, không có hợp đồng lao động và từ sự cạnh tranh việc làm trong môi trường làm việc phi chính thức ở nước ngoài. Những rủi ro này lại ảnh hưởng nhiều đến an toàn sức khỏe và việc không có nhân quyền công dân. Rủi ro mà những người nhập cư bất hợp pháp găp phải xuất phát từ tính bất hợp pháp trong công việc và sự không được thừa nhận của luật pháp, những rủi ro này liên quan trực tiếp đến an toàn không chỉ về kinh tế mà còn là về sức khỏe và nhân quyền của họ tại điểm đến di cư.
Tác giả tham khảo tài liệu từ các nguồn: Phụ nữ di cư - hành trình gian nan tìm kiếm cơ hội; Xuất khẩu lao động một số vấn đề chính sách và thực tiễn; Tác động của xuất khẩu lao động tới đời sống người dân; Di cư lao động tự do và những tiềm ẩn về buôn bán người và bóc lột lao động; Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Trần Thanh Hương - Phạm Thị Thu Hà
Theo congdankhuyenhoc