Vụ án Vạn Thịnh Phát, trong 86 bị cáo, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Ngày 5.3, TAND TP.HCM sẽ bắt đầu xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các tội "tham ô tài sản", "đưa hối lộ", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
85 bị cáo còn lại gồm: 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: "tham ô tài sản", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng". Có 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB đang bị truy nã, và TAND TP.HCM đã phát thông báo kêu gọi 5 người này ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Trong 86 bị cáo, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, gồm: bị cáo Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội "tham ô tài sản" theo khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015; bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc NHNN, bị truy tố tội "nhận hối lộ" theo khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự.
Nợ gốc của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ tại SCB
Theo cáo trạng, mặc dù không giữ chức vụ gì trong SCB, nhưng do nắm 91,5% cổ phần SCB (cho cá nhân, pháp nhân khác đứng tên) nên thực tế, bị cáo Trương Mỹ Lan có "quyền lực" chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB. Đồng thời, Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt là VTP) và chủ các công ty trong hệ sinh thái VTP, nên bà Lan bằng nhiều thủ đoạn như: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu; thành lập các công ty "ma", tạo lập hồ sơ vay khống; cấu kết với các công ty liên quan tạo lập khoản vay, chiếm đoạt tiền của SCB; thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu sai phạm tại SCB...
Kết quả điều tra xác định trong giai đoạn 10 năm, từ 1.1.2012 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.257 khoản/hơn 1 triệu tỉ đồng. Đến ngày 17.10.2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng). Nợ gốc của bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.
Trong đó, từ ngày 1.1.2012 - 31.12.2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.600 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay; từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỉ đồng lãi suất phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Như vậy, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm liên quan giúp sức cho bị cáo đã gây thiệt hại cho SCB tổng cộng gần 498.000 tỉ đồng.
Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Q.1, TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhận hối lộ 5,2 triệu USD và 16 khoản tiền khác
Để sai phạm có thể diễn ra suốt 10 năm mà không bị ngăn chặn, ngoài thủ đoạn đến từ bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, cơ quan tố tụng xác định một phần nguyên nhân đến từ sự tiếp tay của các cán bộ thanh tra thuộc NHNN.
Theo cáo trạng, trong quá trình 2 lần thanh tra vào năm 2017 và 2018 tại SCB, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Trưởng đoàn thanh tra - bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc NHNN); đồng thời chỉ đạo cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD. Qua đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.
Ngoài ra, theo cáo trạng, 11 bị cáo là lãnh đạo NHNN và thành viên đoàn thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu của SCB: cựu Phó chánh thanh tra NHNN Nguyễn Văn Hưng nhận 390.000 USD. Bị cáo Hưng là người ra quyết định thanh tra, chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra tại SCB; Phó trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Phụng (cựu Cục phó Cục II NHNN) nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách, 1 chiếc khăn; các thành viên đoàn thanh tra Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD, 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD, 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương chỉ thừa nhận đã nhận 1.000 USD, 20 triệu đồng, không thừa nhận đã nhận 5.000 USD; Nguyễn Văn Thùy nhận 21.000 USD, 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến; Trương Việt Hưng nhận 6.000 USD.
Các bị cáo nói trên bị Viện KSND tối cao truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hiện các bị cáo đã nộp lại tiền, quà biếu.
Bên cạnh đó, 5 bị cáo thuộc NHNN chi nhánh TP.HCM và Cục thanh tra giám sát ngân hàng TP.HCM bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", khi nhận quà biếu, tiền của SCB để làm trái với công vụ: Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM) nhận 400 triệu đồng, 15.000 USD; Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát (TTGS) NHNN chi nhánh TP.HCM) nhận 470 triệu đồng; Võ Văn Thuần nhận 1,8 tỉ đồng, Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỉ đồng. Hai bị cáo đều là cựu Phó chánh TTGS NHNN chi nhánh TP.HCM; Nguyễn Tín (cựu thanh tra viên, Phó trưởng phòng thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục TTGS NHNN chi nhánh TP.HCM) nhận 500 triệu đồng. Năm bị cáo này cũng đã nộp lại toàn bộ tiền, riêng bị cáo Phan Tấn Trung chỉ mới nộp 554 triệu đồng/1,1 tỉ đồng đã nhận.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Du (cựu Chánh thanh tra Cơ quan TTGSNN, thay Nguyễn Văn Hưng từ tháng 10.2018) bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", do thiếu kiểm tra chặt chẽ trước khi ký kết luận thanh tra số 3959 năm 2018, không phát hiện các sai phạm của SCB thông qua kết quả thanh tra, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB.
13 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình
1. Trương Mỹ Lan: tham ô hơn 304.000 tỉ đồng của SCB
2. Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đang bị truy nã): ký khống 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 189.000 tỉ đồng.
3. Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB): ký khống 348 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 192.000 tỉ đồng.
4. Tạ Chiêu Trung (cựu thành viên HĐQT SCB): ký khống 9 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.400 tỉ đồng. Khắc phục 300 triệu đồng.
5. Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB): ký khống 207 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 104.000 tỉ đồng.
6. Trương Khánh Hoàng (cựu Phó tổng giám đốc SCB): ký khống 386 khoản vay, để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt gần 183.000 tỉ đồng. Khắc phục 9,85 triệu cổ phần SCB.
7. Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB): ký khống 617 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.000 tỉ đồng. Khắc phục 300.000 cổ phần SCB.
8. Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn VTP): phối hợp với các văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP cùng các cá nhân liên quan lên phương án "giải quỹ", giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 163.000 tỉ đồng.
9. Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula): điều hành, tìm người đứng tên các công ty "ma", đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền, tạo dựng hồ sơ vay khống tại SCB, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 297.000 tỉ đồng. Khắc phục 300 triệu đồng.
10. Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP): quản lý danh sách các công ty "ma" đứng tên các khoản vay khống, lên phương án "giải quỹ" khi SCB giải ngân, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 171.000 tỉ đồng. Khắc phục 30 triệu đồng.
11. Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn VTP, cháu ruột Trương Mỹ Lan): sử dụng 52 công ty "ma", 4 công ty có thật, tạo lập 152 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỉ đồng. Khắc phục hơn 1 tỉ đồng, và 3.000 USD.
12. Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH TM&SX Tường Việt): sử dụng pháp nhân nhóm Công ty Tường Việt, lập khống hồ sơ vay tại SCB, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.700 tỉ đồng. Sau khi khởi tố đã trả hơn 813 tỉ đồng cho SCB, nộp khắc phục 52 tỉ đồng, xin được nộp lại hơn 2.200 tỉ đồng nhận của bị cáo Lan.
13. Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Đã khắc phục 4,8 triệu USD và hơn 10 tỉ đồng.
Theo Thanh Niên