Người đàn ông gốc Việt bị trục xuất do về VN quá 6 tháng để chữa bệnh

Hội đồng Tị nạn ở bang Saxony (Đức) đang chuẩn bị chống lại việc trục xuất anh Pham Phi Son. Anh này từ Việt Nam đến Đức vào năm 1987 với tư cách công nhân hợp đồng dưới thời Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). 

Hiện anh đang sống tại thành phố Chemnitz (bang Saxony) và đã ở Đức suốt 35 năm. Nhưng nay anh bị đe dọa trục xuất vì đã từng về Việt Nam quá 6 tháng để chữa bệnh. 

Pham Phi Sơn và vợ có một con gái 5 tuổi sinh ra tại Đức. Sau 35 năm sống và làm việc ở Đức, anh đã bị từ chối quyền được tiếp tục ở lại Đức vì đã về VN quá 6 tháng vào năm 2016 để chữa bệnh. 

gia dinh nguoi viet Pham Phi Son bi truc xuat
Gia đình anh Pham Phi Son. Ảnh: saechsischer_fluechtlingsrat

Hội đồng Tị nạn Saxony đã lập một đơn thỉnh nguyện trực tuyến gửi đến quốc hội bang vào ngày 19-8-2022, nhằm chống lại việc trục xuất Pham. Chỉ sau 2 ngày, đã có gần 40,000 người ký vào đơn thỉnh nguyện.

''Việc trục xuất là một scandal, nó đe dọa phá vỡ một gia đình hoàn hảo, một gia đình có công ăn việc làm đàng hoàng và có thể tự nuôi sống bản thân'', đơn thỉnh nguyện ghi.

Cán bộ nhập cư khu vực Chemnitz, bà Etelka Kobuß, nói rằng bà biết gia đình anh Pham. Và thông qua MXH, bà mô tả sự việc là một vụ scandal vô nhân tính. 

''Sau 35 năm sống ở Đức, anh Pham cũng là một công dân đích thực như con gái anh, người được sinh ra tại Đức và giờ đã 5 tuổi'', bà Kobuß viết. 

Còn theo Ủy viên về Người nước ngoài tại Saxony, ông Geert Mackenroth cho biết trường hợp của Pham Phi Son đã bị Ủy ban chuyên Xử lý Trường hợp Đặc biệt (hardship commission - Härtefallkommission des Landes) bác bỏ vào năm 2019.

Vào năm 2022, một đơn kháng cáo khác chống lại lệnh trục xuất lại tiếp tục bị bác bỏ vì ''tính pháp lý và bản chất của sự việc vẫn không có gì thay đổi''. Hiện vụ của anh Pham Phi Son đã được chuyển lên Bộ Nội Vụ Đức.

Lá đơn thỉnh nguyện ra đời đúng lúc nước Đức đang tưởng nhớ bi kịch Rostock-Lichtenhagen. Từ ngày 22 đến ngày 26-8-1992, khoảng 2000 người đã bao vây một cư xá được chuyển đổi thành trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn. Cư xá này chủ yếu dành cho các công nhân Việt Nam làm việc theo hợp đồng tại Đông Đức. 

Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu ''Nước Đức chỉ dành cho người Đức''. 

Bạo lực leo thang khi hàng trăm kẻ cực đoan cánh hữu từ khắp nước Đức tụ tập về đây để tiếp tay cho những kẻ nổi loạn và tấn công cư dân trong cư xá bằng bom xăng, đá và chai lọ.

Hơn 35 năm đã trôi qua, những người chứng kiến vẫn chờ đợi một sự phán xử công bằng từ chính quyền và các chính trị gia.

Viethome (theo infomigrants)