Người Việt ở Ukraine kể đợt pháo kích đầu tiên từ Nga

Những âm thanh lớn khiến Minh Hoàng giật mình thức giấc trong phòng ký túc xá, trước khi mở cửa sổ nhìn thấy chớp pháo gần biên giới Ukraine-Nga.

"Vừa có thông báo đi trú ẩn ở tòa nhà chính của trường đại học, nhưng tôi và các bạn vẫn nán lại ký túc xá. Thông tin lúc này khá loạn nên chúng tôi vẫn giữ bình tĩnh xem xét tình hình thế nào", Minh Hoàng, du học sinh Việt Nam tại Kharkiv, trả lời VnExpress vào khoảng 6h sáng nay ở Ukraine (11h giờ Hà Nội).

Trước đó gần vài tiếng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine với mục tiêu bảo vệ hai khu vực ly khai ở Donbass, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở phía nước láng giềng.

"Khoảng hơn 5h sáng, tôi nghe thấy tiếng ầm ầm ở ngoài phòng. Tôi giật mình tỉnh giấc và nghĩ rằng sinh viên đang đùa nghịch vì hôm qua có ngày lễ tại Ukraine, hoặc ai tự bắn pháo hoa mừng sinh nhật. Tôi nhìn ra cửa sổ thấy ánh chớp sáng nên mở xem thử thì nghe tiếng 'bùm' rất lớn", Hoàng nói pháo nổ không quá gần ký túc xá nhưng vẫn đủ để anh nghe rõ.

nguoi viet trong chien su o ukraine 1
Pháo phản lực Grad BM-21 được ghi nhận ở ngoại ô thành phố Donetsk, trong khu vực do phe ly khai kiểm soát, thuộc vùng Donbass phía đông Ukraine ngày 23/2. Ảnh: Reuters.

Theo Minh Hoàng, ký túc xá của anh nằm trên khu đất cao nên có thể nhìn thấy được chớp sáng, dường như là pháo của Nga khai hỏa phía bên kia biên giới. Anh cho biết lúc này cảm thấy rất hoang mang và không biết tương lai sẽ diễn biến thế nào.

Trong những ngày qua, Hoàng thường xuyên theo dõi diễn biến căng thẳng Ukraine và Nga do thành phố Kharkiv nằm gần biên giới. Anh nhận thấy tình hình leo thang nhưng đã hy vọng các bên có thể kiềm chế, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bất đồng. Dù phía chính phủ Nga khẳng định chỉ nhắm đến các mục tiêu quân sự ở Ukraine, anh cho rằng "bom rơi đạn lạc thì cũng không ai nói trước được điều gì".

"Chuyện học của tôi đang dở dang nên rất lo lắng. Tôi cũng gọi điện cho thầy. Ông động viên tôi và được khuyên tốt nhất nên rời đi vì chiến tranh đã bắt đầu, nhưng thật sự lúc này tôi chưa nghĩ mình có thể đi đâu", anh nói.

Trong khi đó, ông Văn Thủy, người Việt sống tại Ukraine được 35 năm qua, chia sẻ tình hình ở Mariupol vẫn ổn định. Ông được bạn bè gọi điện từ khoảng 5h thông báo phía Nga đã nổ súng, nhưng trong thành phố không nghe thấy tiếng còi báo động hay thông báo ở yên trong nhà.

Mariupol từng là một trong những điểm giao tranh "nóng nhất" giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai khi chiến sự bùng phát vào năm 2014. Ông Thứ kể lại có giai đoạn lực lượng hai bên thay nhau tiến vào kiểm soát thành phố.

"Giai đoạn đó, ngày hôm trước họ còn treo cờ của phe ly khai, ngày hôm sau đã thấy treo cờ của Ukraine. Xe tăng bắn nát cả tòa nhà ủy ban hành chính, đến nay thành phố vẫn chưa hoàn tất sửa chữa tòa nhà", ông nói.

Vì từng trải qua giai đoạn chiến sự khốc liệt nhất, ông cảm thấy tình hình thời gian qua chưa đến mức nguy hiểm như trước. Vào năm 2014, sau sự kiện Maidan và có thông tin chiến sự bùng phát, người dân thành phố còn đổ xô mua hàng tích trữ, nhưng lần này mọi người "bình chân như vại như không có điều gì xảy ra".

Ông Thủy cho biết ý định ra chợ làm việc vào sáng nay cùng bạn bè như bình thường, nhưng vẫn sẽ theo dõi sát sao các diễn biến. "Tôi tin rằng phía Nga chỉ tấn công vào những mục tiêu quân sự. Tại Ukraine cũng có rất nhiều người gốc Nga sinh sống, chẳng lẽ họ lại tấn công cả người mình", ông chia sẻ.

nguoi viet trong chien su o ukraine 1
Vị trí thành phố Mariupol, gần giới tuyến hai khu vực chính phủ và phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, và Kharkiv gần biên giới Nga. Đồ họa: NY Times.

Những tuần qua ông Thủy và bạn bè vẫn chạy xe lấy hàng ở những tỉnh khác và không gặp khó khăn nào. Cá nhân ông vẫn theo dõi và cập nhật tin tức thời sự những ngày qua, nhưng không quá tâm tư đến những vấn đề chính trị.

Ông tin rằng chiến sự sẽ không tái diễn khốc liệt như năm 2014 và chỉ mong mỏi các bên giải quyết hòa bình các bất đồng, đảm bảo cho dân thường ở Ukraine cùng cộng đồng người Việt nói riêng được yên ổn làm ăn.

Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết ông đã liên hệ với các cộng đồng người Việt ở Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự. "Bà con trao đổi vẫn bình tĩnh, chưa ai có ý định sơ tán", Đại sứ nói vào rạng sáng ngày 24/2 (10h48 tại Việt Nam).

Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/2, Mỹ và các nước phương Tây lên án động thái của Nga. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận Minsk và chỉ trích phương Tây đẩy Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, phía Nga nhấn mạnh vẫn để mở cánh cửa ngoại giao trong khủng hoảng Ukraine.

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau thông báo của Tổng thống Putin, Đại sứ Nga Vasily Alekseevich Nebenzya khẳng định Moskva đang tiến hành chiến dịch quân sự, không phải cuộc tấn công.

"Căn nguyên của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay xuất phát từ chính Ukraine, những người trong nhiều năm đã không tuân thủ nghĩa vụ trong thỏa thuận Minsk. Hành động của Nga chỉ nhằm bảo vệ cư dân ở các khu vực ly khai tại miền đông Ukraine, những người suốt 8 năm phải chống chọi các cuộc pháo kích từ Ukraine", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Nebenzya nói thêm "hành động khiêu khích của Ukraine đối với những người ở Donbass không những không dừng lại mà còn gia tăng", khiến lãnh đạo ly khai ở các khu vực Luhansk và Donetsk yêu cầu Nga trợ giúp.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya nói rằng đã "quá muộn" để giảm leo thang căng thẳng và kêu gọi các nước khác giúp ngăn chặn xung đột. "Đã quá muộn, quá muộn để xuống thang rồi các đồng nghiệp của tôi. Tổng thống Nga đã tuyên chiến", Kyslytsya nói. Đại sứ Ukraine dẫn hiến chương Liên Hợp Quốc rằng "chỉ các nước yêu chuộng hòa bình mới được gia nhập Hội đồng Bảo an" và yêu cầu Đại sứ Nga rời vị trí chủ tịch hội đồng.

Còn với những người Việt như Hoàng, anh nói sẽ cố gắng giữ bình tĩnh và chờ thông báo tiếp theo từ Đại sứ quán Việt Nam ở Ukraine, cũng như Hội người Việt tại thành phố Kharkiv để thu xếp việc riêng trong thời gian tới.

Hoàng cho biết ngay sau khi có pháo nổ, chính quyền thành phố đã khuyến cáo người dân bình tĩnh và không nên ra khỏi nhà.

"Nếu việc học của tôi dang dở thì cũng đành chấp nhận. Chiến tranh là chuyện không ai mong muốn cả, quan trọng lúc này là giữ an toàn cho bản thân", Hoàng nói.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn: Thanh Danh / Theo VnExpress