Nhà hàng Việt bị phá hoại do chủ chỉ trích bỏ lệnh khẩu trang

nha hang noodle tree
Courtesy, Mike Nguyen

Khi phát giác ra bàn ngoài sân và cửa kiếng nhà hàng Noodle Tree của mình  tại San Antonio đầy những những dòng chữ sơn màu đỏ sặc mùi kỳ thị vào sáng Chủ nhật, Mike Nguyễn biết ngay nguyên nhân từ đâu. 

Kể từ khi Nguyễn 33 tuổi vào tuần trước lên truyền hình quốc gia chỉ trích việc gỡ bỏ lệnh bắt buộc mang khẩu trang của Thống đốc Texas Greg Abbott (Cộng hoà), anh nhận được nhiều đe doạ giết chết, nhận xét 1 sao và những tin nhắn quấy rối. 

“Tôi biết chắc chắn 100% việc này liên quan đến cuộc phỏng vấn,” Nguyễn nói. “Khi lần đầu tiên trông thấy, tôi sốc, và rồi nhận ra chuyện này là thật. Cơn giận bắt đầu dâng lên. Tôi giận đến nỗi đi lại bồn chồn, cố hiểu mọi chuyện.” Trong số những dòng chữ sơn màu đỏ trên cửa kiếng có “Kung flu” – cụm từ kỳ thị mà cựu Tổng thống Donald Trump đã phổ biến trong những cuộc vận động tranh cử và tại những sự kiện khác. 

Nguyễn chuyển từ California về San Antonio vào năm 2016, và hai năm qua, anh mở nhà hàng Noodle Tree đối diện với trường Đại học Texas ở San Antonio. 

Anh đang được điều trị ung thư hạch, đợt thứ hai. Tình hình sức khoẻ và bị suy giảm miễn dịch buộc Nguyễn phải đóng cửa nhà hàng 6 tháng vào năm ngoái. Chính vì vậy, khi Abbott chấm dứt lệnh mang khẩu trang trên toàn tiểu bang vào tuần trước – bước đi bị các viên chức y tế phản đối, Nguyễn vẫn buộc tất cả thực khách ở bên trong nhà hàng phải mang khẩu trang trừ phi họ dùng bữa. Thực khách nào không đồng tình, họ có thể chọn ngồi bên ngoài hoặc mang về, anh cho hay. 

Vài giờ trước khi lên chương trình “The Newsroom” của CNN vào thứ Tư tuần trước, người đàn ông gốc Việt cân nhắc, liệu việc lên án quyết định của Abbott có đáng để “lãnh đạn” hay không, nhưng anh biết mình cần phải lên tiếng. Nguyễn tố cáo Thống đốc đã đặt anh và hàng triệu người dân Texas vào nguy hiểm khi nhấc bỏ lệnh mang khẩu trang. “Quyết định bỏ lệnh bắt buộc mang khẩu trang của ông ấy ích kỷ và hèn nhát. Không có lý do gì làm như vậy cả,” Nguyễn chia sẻ trên CNN. “Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy ông ấy đang đặt chúng tôi vào nguy hiểm.” 

Gần cuối cuộc phỏng vấn gần 6 phút, anh cho rằng, tình trạng gia tăng tấn công và quấy rối người Mỹ gốc Á gây thêm quan ngại và lo lắng cho anh cũng như cơ sở thương mại của mình. “Vì tôi là người Mỹ gốc Á, chúng tôi chứng kiến nhiều vụ tấn công chống lại người Mỹ gốc Á, và điều này gây quan ngại rất nhiều đối với tôi,” Nguyễn nói. “Chúng tôi chứng kiến tất cả những sự việc như vậy, và đây là một cơ hội. Nó mở ra cơ hội đó.” 

Vào Chủ nhật, Nguyễn bị đánh thức bởi những tin nhắn báo động anh nhà hàng bị viết vẽ bậy. Đến nơi, anh đếm được ít nhất 7 dòng sơn, trong đó có “Go back 2 China – Cút về Trung Quốc” và “Hy vọng mày chết.”  

“Bọn họ cố tình xịt sơn lên cửa kiếng để mọi người chạy xe ngang đều có thể trông thấy,” người đàn ông bày tỏ. “Điều đáng buồn cười ở chỗ tôi không phải là người Trung Quốc. Tôi mang dòng máu Việt và Pháp.” 

Nguyễn cho hay, vụ phá hoại làm anh thất kinh, và không chắc liệu có nên mở cửa nhà hàng hay không. Nhưng sau khi nói chuyện với nhân viên xem họ có cảm thấy thoải mái tiếp tục đi làm hay không, Nguyễn quyết định sẽ mở trễ một tiếng muộn hơn thường lệ. “Tất cả chúng tôi quyết định, cho dù động cơ của họ là gì đi nữa, chúng tôi sẽ không để họ thắng,” ông chủ nhà hàng nói. 

Từ những ngôn từ viết bậy, Nguyễn tin những gì xảy ra là tội phạm thù ghét. Anh kêu gọi cảnh sát điều tra theo hướng này. 

Khi khách hàng đầu tiên đến lấy đồ ăn, Nguyễn vừa mới bắt đầu cầm xô nước và miếng bọt biển lau sơn trên bàn ngoài sân. Vị khách thấy vậy bảo, “nếu anh có miếng bọt biển khác, tôi sẽ giúp,” anh kể. Khoảng hơn chục người lạ nghe tin tức cũng đến phụ giúp chùi rửa sơn. 

Đến cuối ngày, cửa kiếng trước sạch bóng trở lại. “Những chuyện như vậy rất cảm động và xúc động vì một ngày của tôi bắt đầu với đầy giận dữ, thù hằn, và tổn thương,” Nguyễn chia sẻ. “Và chứng kiến sự ủng hộ và tình cảm của cộng đồng, nó sẽ giúp làm lành chút ít. Người dân San Antonio và Texas sẽ không dung thứ điều này.” 

Giới chức địa phương lên án vụ phá hoại, trong khi cảnh sát mở cuộc điều tra. Sáng thứ Hai nhà hàng đóng cửa, nhưng trên cửa kiếng dán những tấm giấy hình trái tim đầy những dòng chữ chia sẻ, động viên. 

“Nhà hàng đóng cửa, nhưng những trái tim đã mở ra,” một người đăng trên Twitter. 

Baocalitoday (Theo Washington Post)