Người Việt gửi ... dầu gió cho Donald Trump

Sau khi nghe tin vị tổng thống 74 tuổi dương tính với Covid-19, một người Việt sống tại Mỹ đã gửi đồ cạo gió đến Nhà Trắng với lời chúc Trump sớm khỏi bệnh.

tkbellaire2Anh TK chúc Tổng thống sớm hồi phục sức khỏe

Vào hôm qua, tài khoản Facebook TK Bellaire của một người Việt đang sinh sống và làm việc tại Texas, Mỹ đã đăng những bức ảnh đồ chữa cảm, lá xông hơi và dầu gió mà anh đã gửi đến Nhà Trắng kèm lời chúc "Sớm khỏe lại nhé ngài Tổng thống, tôi luôn tin ở ông". Dòng trạng thái sau đó đã được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. 

Anh TK còn cẩn thận ghi ngoài bao thư "Tất cả những thuốc này là đồ Việt Nam, không phải Trung Quốc".

tkbellaireBì thư có chú thích khẳng định xuất xứ của số thuốc trên.

"Mọi người cứ cười đi! Tôi sẽ nổi tiếng nếu tôi giúp ông ấy chữa khỏi Covid-19", người đàn ông vui tính viết trên Facebook.

Một số chú thích có nội dung bằng tiếng Việt không chuyển ngữ, hy vọng các trợ lý của ông Trump có thể đọc hiểu và phiên dịch lại. 

Kịch bản nào nếu ứng viên tổng thống Mỹ không tiếp tục tranh cử do mắc bệnh?

Nếu một ứng viên bất ngờ mất năng lực tranh cử vào sát ngày 3/11 thì cử tri có thể rơi vào hoàn cảnh không biết phải bầu cho ai khi họ trên đường đến điểm bỏ phiếu.

Dù Nhà Trắng vẫn chưa công bố thông tin mới về lịch trình làm việc và tranh cử của Tổng thống Trump trong quá trình cách ly, tình hình sức khỏe của các ứng viên tổng thống luôn là chủ đề được quan tâm, đặc biệt khi chỉ còn 5 tuần là đến ngày tổng tuyển cử ở Mỹ.

Các chính đảng đã chuẩn bị nhiều phương án đối phó trong trường hợp ứng viên đại diện của họ bất ngờ ngã bệnh, không thể thực hiện nhiệm vụ, hoặc thậm chí qua đời trước ngày bầu cử.

Do các kịch bản được xây dựng trong hoàn cảnh các đảng đều đã tổ chức xong đại hội toàn quốc để bầu ra ứng viên chính thức, nên nếu họ muốn thay thế một ứng viên thì ủy ban quốc gia của đảng này phải tự bầu ra người mới. “Tình hình đặt quả bóng vào sân các ‘đảng chính trị quốc gia’, mà đại diện pháp lý là ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa và Dân chủ”, ông Richard Pildes nói trên báo Washington Post.

Theo ông Pildes, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã có quy định rõ ràng trong trường hợp ứng viên chính thức mất năng lực thực hiện nhiệm vụ. Khi đó, 447 thành viên của DNC sẽ bầu ra ứng viên mới. Chủ tịch DNC sẽ phải tham vấn với các đảng viên chủ chốt đang là nghị sĩ quốc hội liên bang và thống đốc bang. Kết quả tham vấn sẽ được chia sẻ lại với toàn bộ thành viên DNC để họ đưa ra lựa chọn.

Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) cũng có quy định tương tự về việc họ sẽ tự bầu ra ứng viên thay thế. Phó tổng thống đương nhiệm Mike Pence sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất để đôn lên đứng đầu lá phiếu, rồi RNC sẽ chọn một ứng viên phó tổng thống khác.

Đảng Dân chủ có thể quay sang ủng hộ một ứng viên cũ, hoặc thậm chí là người chưa từng ứng cử (như Thống đốc bang New York Andrew Cuomo).

Tuy nhiên, "tình hình khó khăn hiện nay sẽ buộc họ phải đi theo con đường như đảng Cộng hòa, nghĩa là đẩy ứng viên phó tổng thống lên đầu và tìm ứng viên mới cho vị trí thứ 2”, bà Lara Brown, giám đốc trường cao học về quản trị chính trị ĐH George Washington (GWU) nói trên FiveThirtyEight.

Lịch sử Mỹ chưa ghi nhận việc hai chính đảng phải thay ứng viên tổng thống, nhưng đảng Dân chủ đã có tiền lệ thay ứng viên vị trí số 2. Năm 1972, đảng này đề cử thượng nghị sĩ Thomas Eagleton tranh cử cùng ông George McGovern. Tuy nhiên, sau khi báo chí đưa tin ông Eagleton phải điều trị chống trầm cảm thì họ đã chọn ứng viên Sargent Shriver để thay thế.

Nếu khủng hoảng xảy ra sát ngày bầu cử thì kịch bản đối phó cũng phải khác đi, vì không đảng nào có đủ thời gian tìm ứng viên mới để cập nhật trên phiếu bầu, trong khi thời gian để xác thực danh sách ứng viên hầu như đã hoàn thành vào đầu tháng 10. Ngoài ra, còn nhiều quy trình hậu cần khác nếu muốn chỉnh sửa thông tin trên lá phiếu, bao gồm việc chuyển phiếu bầu đến các các cơ sở bầu cử hải ngoại kịp thời hạn.

Do vậy, nếu điều bất trắc nhất xảy ra với các ứng viên chỉ vài ngày trước hôm bầu cử 3/11, thì cử tri thậm chí có thể sẽ không biết họ phải bầu cho ai vào thời điểm đi bỏ phiếu.

Nếu một ứng viên mất năng lực thực thi nhiệm vụ vào sau ngày bầu cử, thì tình hình sẽ phụ thuộc việc người này có được xem là “tổng thống đắc cử” hay chưa.

Nếu kết quả xác nhận ứng viên này thắng cử, thì Tu chính án thứ 20 quy định “phó tổng thống đắc cử” sẽ được đẩy lên thay thế.

Nhưng nếu tình huống xấu xảy ra trước khi đoàn Đại cử tri bỏ phiếu vào ngày 14/12, hoặc trước khi quốc hội kiểm phiếu bầu của đại cử tri vào ngày 6/1/2021, thì kịch bản tiếp theo vẫn là điều mù mờ, bởi ứng viên chiến thắng vẫn chưa được xem là “tổng thống đắc cử” hợp lệ.

Viethome (Tổng hợp)