4 năm đen tối nhất đời tôi vì nhập cư lậu vào Anh

Học xong lớp 12, tôi không thi đại học mà quyết định đi lao động trái phép tại Anh, sau 4 năm tôi mới trả hết nợ.

Tôi là người lao động trái phép tại Anh gần được bốn năm. Quê tôi ở không giàu, nhưng nói cho cùng thì cũng không phải là quá nghèo đói, sống nhờ mảnh vườn, ao cá thì cũng chẳng cần nhiều tiền. Tuy nhiên rất nhiều người ở quê từng đi nước ngoài gửi tiền về. Họ xây nhà cửa khang trang, mua sắm đồ đạc khiến bố mẹ nở mày nở mặt.Chỉ cần một người đi là có thể gửi tiền về nuôi sống cả gia đình. Vì thế cả làng tôi ai cũng mang mộng làm giàu bằng việc đi nước ngoài.

Khi ấy tôi còn quá bé để hiểu chuyện. Tôi rất chạnh lòng khi nghe bố mẹ kể chuyện anh này chị kia đi làm xây được nhà cửa. Học xong lớp 12, học lực khá nhưng tôi không thi đại học mà quyết định đi nước ngoài. Chưa ra cuộc sống, tôi quá ngây thơ không lường trước được những khổ cực mà mình sẽ phải đối mặt. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi có học ra trường cũng không thể kiếm được số tiền tốt như vậy. Thế là bố mẹ tôi cầm cố nhà cửa đi vay mượn để có tiền cho tôi đi.

hoi han vi nhap cu bhp vao anh

Hành trình đến được Anh rất gian nan như mọi người đã biết. Tuy nhiên tôi và rất nhiều người may mắn cũng vượt qua được. Đối với tôi, những gian khổ trên đường đi cũng chưa là gì so với cuộc sống sau khi vượt biên trót lọt. Những con người như chúng tôi được gọi là người rơm, cuộc sống cực khổ trăm bề.

Trên vai chúng tôi lúc nào cũng gánh áp lực công việc, cộng thêm áp lực tiền bạc nợ nần, sống chui sống nhủi vì nỗi lo bị bắt còn sức khỏe thì bị tàn phá. Chọn vào tình thế này tức là chúng tôi chọn đứng ngoài vòng pháp luật, cũng đồng nghĩa với việc không ai có thể bảo vệ chúng tôi.

Tôi và rất nhiều người khác bị chủ bóc lột, phải làm việc ít nhất 12 tiếng một ngày với mức lương thấp và hoàn cảnh làm việc khắc nghiệt. Tôi biết nhiều người bị đối xử tàn tệ cũng phải cắn răn chịu đựng không dám khai báo vì sợ bị trục xuất. Sợ nhất là lúc đổ bệnh.

Do làm việc lao lực, tôi thường xuyên bị đau bao tử mà chưa bao giờ dám đi khám, chỉ biết nhờ anh bạn mua giùm thuốc uống cầm chừng. Anh bạn tôi còn trẻ đã phải bị chứng đau lưng kinh niên, mỗi khi trời lạnh là đau buốt vô cùng khổ sở. Chấn thương thể xác còn lành được, chứng thương tâm lý sẽ theo chúng tôi cả đời.

Tôi biết rất nhiều người bị đẩy vào hoàn cảnh làm những việc phạm pháp như trồng cần sa, mại dâm mà cũng không dám khai báo, lúc nào cũng sống trong khổ nhục... Tiền kiếm ra tôi không dám tiêu xài gì. Qua đây được 4 năm mà tháng trước tôi mới dám mua cho mình cái quần bò đầu tiên. Thu nhập của tôi sau khi trừ các khoản phí, còn bao nhiêu tôi gửi về quê cho bố mẹ trả nợ và chi tiêu. Tôi qua đây đến nay cũng đã trả được hết khoản nợ cũ. Coi như 4 năm cực khổ vừa qua cũng chỉ đủ đưa tôi về xuất phát điểm ban đầu.

Bây giờ tôi không bằng cấp, không nghề nghiệp thì tôi không thể về nước với hai bàn tay trắng được. Hiện tại tôi tính mình phải ở thêm ít nhất hai ba năm nữa để tích lũy thêm khoảng vốn. Nói đơn giản thế thôi chứ 3 năm nữa là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tôi.

Tôi sống rất cô đơn. Tôi lúc nào cũng lo không biết mình có đủ sức khỏe để chịu đựng thêm 3 năm nữa không. Nhiều lúc tôi tự hỏi đồng tiền mình kiếm được có đáng để đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe hoặc thậm chí là tính mạng không. Tôi không ngừng hối hận vì quyết định dại dột của mình.

Nhìn bạn bè ở nhà có vợ con công việc ổn định tôi không khỏi chạnh lòng. Xét cho cùng chúng ta chỉ cần mỗi ngày ba bữa cơm, sống sao cho hạnh phúc vui vẻ mới đáng sống. Bây giờ tôi chỉ mong có ngày được về quê, tôi sẽ sống giản dị với mảnh vườn, tôi không dám mơ đến của cải vật chất nữa. Tôi mong qua sự việc chấn động vừa rồi, mọi người hãy cảnh tỉnh với việc để con em đi nước ngoài lao động.

Các bậc cha mẹ sinh con ra hãy ráng cho chúng một cuộc sống ý nghĩa, đừng nên đặt gánh nặng phải đổi đời cho gia đình lên vai chúng, nhất là khi con cái còn quá nhỏ. Các bạn trẻ nếu muốn đi hãy chọn con đường đi hợp pháp, và nhớ cân nhắc kĩ được và mất. Đừng nghe người khác vẽ nên viễn cảnh tươi đẹp. Tôi nghĩ các bạn tốt nhất hãy tính đường dài, đầu tư vào học tập, kiếm cho mình một cái nghề để mưu sinh.

Tôi tin nước mình đang ngày càng phát triển, cơ hội có rất nhiều nếu các bạn cố gắng phấn đấu. Tôi không nghĩ đi nước ngoài là con đường dễ dàng hơn, mong các bạn đừng đánh đổi cuộc đời và tuổi trẻ vì những lợi ích trước mắt.

Nguyen Tien/VnExpress