Đường dây kết hôn giả ở Houston ‘làm người Việt mình xấu hổ’

“Đây là sự việc làm cho người Việt mình xấu hổ, một con sâu làm rầu nồi canh, mình không thể tránh được tiếng xấu đối với người Mỹ cũng như các cộng đồng thiểu số khác.”

Ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành “Trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn” tại Houston, Texas, nói về cảm xúc đầu tiên của ông khi nghe tin về đường dây kết hôn giả do một người Việt cầm đầu bị khám phá ở Houston gây chấn động dư luận trong mấy ngày qua.

“Khi nghe tin trên đài ABC News, rồi theo bản tin của FOX News, tôi cảm thấy rất ‘shocked,’ vì đây là một âm mưu lớn, làm cho tới 100 người bị cáo buộc về tội dùng hôn nhân giả để tránh né luật di trú. Trong 100 người thì có 50 người đã bị bắt và chờ ngày ra tòa,” ông Cư nói thêm.

Đường dây lừa đảo hôn nhân quy mô

Ông Mark Dawson của cơ quan Điều Tra An Ninh Nội Địa Houston, được truyền thông trích lời, cho biết: “Các vụ bắt giữ này đánh dấu đỉnh điểm của cuộc điều tra kéo dài một năm về một trong những âm mưu lừa đảo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Houston.”

Biện Lý Ryan K. Patrick thì cho rằng gần 100 người liên quan đến đường dây làm kết hôn giả ở vùng Houston đã bị một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố 206 tội danh.

Bà Ashley Yến Nguyễn, còn gọi là Duyên, 53 tuổi, là người cầm đầu đường dây kết hôn giả này, có văn phòng ở vùng Tây Nam Houston, Texas. Ngoài các cộng sự ở vùng này, bà Duyên còn có tay chân hoạt động trên khắp tiểu bang Texas và Việt Nam.

Ngoài bà Duyên, những cá nhân và tổ chức dính líu đến đường dây này còn có: Nguyễn Phương Khánh, Huỳnh Thái Tuyền, Nguyễn Phước Hùng, Nguyễn Minh Lan, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Phương Khan – con gái của bà Duyên, cùng vài người ngoại quốc và một số nhân vật được giấu tên.

Tổ chức này dùng ít nhất 5 địa chỉ ở Houston, Texas làm địa điểm hoạt động. Ngoài ra còn có một số địa chỉ khác ở Việt Nam.

Theo hồ sơ truy tố, đường dây này tổ chức các cuộc kết hôn giả trên quy mô lớn để người nước ngoài có được giấy tờ nhập cư vào Mỹ. Những kẻ cầm đầu tìm kiếm mai mối cho người nước ngoài kết hôn giả với những công dân Mỹ, sau đó nộp hồ sơ lên Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) để hưởng quyền lợi nhập cư, và nhận một khoản tiền từ những người có nhu cầu vào Mỹ theo cách thức này.

Theo cáo trạng, các cuộc hôn nhân giả này có các điểm chung như: “Đây là các cặp không sống chung với nhau, hay không có ý định sống chung với nhau, ngược hẳn với hồ sơ giấy tờ nộp cho USCIS. Các cặp chỉ gặp nhau trong thời gian ngắn, ngay trước khi có giấy đăng ký kết hôn, hoặc thậm chí chưa bao giờ gặp nhau. Đây là hôn nhân được sắp đặt vì tiền bạc, và các cặp này kết hôn với mục đích gian dối để nhập cư.”

“Những người tham gia vào đường dây này với mục đích được hưởng các quyền lợi nhập cư theo vợ/chồng thì có người đang ở Việt Nam, có người đang ở Mỹ bằng visa du lịch, du học, hay làm việc có thời hạn. Những công dân Mỹ tham gia vào đường dây này để hưởng lợi thì đóng vai trò là người đứng đơn bảo lãnh.”

“Những người muốn làm kết hôn giả để có được giấy tờ thường trú đầy đủ hợp pháp phải trả cho bà Duyên và một công ty của bà ta số tiền từ $50,000-$70,000.”

Ngoài việc đi tìm những công dân Mỹ chịu nhận tiền để đứng ra bảo lãnh hôn thú cho các cuộc kết hôn giả, bà Duyên và Nguyễn Phương Khánh cũng tự mình đứng ra bảo lãnh hôn thú cho người khác để lấy tiền.

Không chỉ vậy, cũng theo cáo trạng, một số người từng được “lôi kéo” làm hồ sơ bảo lãnh cho các cuộc kết hôn giả, sau đó trở thành người đi “lôi kéo” thêm nhiều người khác làm theo.

Đường dây này cũng thuê Huỳnh Thái Tuyền và Nguyễn Thanh Bình là người nhận tiền từ phía có nhu cầu muốn vào Mỹ và giao tiền cho người bảo lãnh hôn thú.

Đi xa hơn nữa, họ cũng thuê người làm hướng dẫn viên cho các công dân Mỹ đứng đơn bảo lãnh kết hôn giả khi những người này về Việt Nam để gặp “hôn phu/hôn thê.”

Chuẩn bị sẵn cho các cặp kết hôn này những cuốn album đám cưới giả, thuê tài xế chở các cặp này đi đến nơi phỏng vấn, làm giấy tờ, cung cấp các hồ sơ thuế, điện nước, giấy chứng nhận việc làm giả cùng nhiều giấy tờ giả mạo khác nhằm để USCIS chấp thuận, cũng là việc làm nằm trong đường dây tội phạm này.

Cũng bị truy tố trong vụ này là Luật Sư Trang Lê Nguyễn, còn được biết dưới tên Nguyễn Lê Thiên Trang, 45 tuổi, ở thành phố Pearland. Vị luật sư này bị buộc tội ngăn trở công lý và tìm cách ảnh hưởng đến các nhân chứng, nạn nhân hoặc người mật báo.

Theo cáo trạng, Luật Sư Nguyễn Lê Thiên Trang đã chuẩn bị các hồ sơ liên quan tới ít nhất một vụ hôn nhân giả và dặn dò một nhân chứng, có tên viết tắt là K.M.N.N, người báo tin cho cơ quan thực thi pháp luật, phải đi trốn hoặc không nên di chuyển bằng máy bay, và không được cung cấp bất cứ thông tin gì cho cơ quan điều tra liên bang.

Cáo trạng này cũng buộc tội ông Lê Công Tâm đã khai gian khi được phỏng vấn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ vào cuối Tháng Giêng, 2019.

Tội trạng liên quan đến làm hồ sơ giả mạo, ảnh hưởng các nhân chứng, nạn nhân và người mật báo đều có thể khiến bị án là 20 năm trong nhà tù liên bang.

Tội âm mưu làm kết hôn giả hoặc làm đám cưới giả có thể bị án 5 năm tù. Những tội danh khác bị truy tố trong vụ này có thể bị án tới 10 năm tù.

Nhập cư theo diện hôn nhân của người Việt sẽ khó khăn hơn

Là người có hơn 30 năm kinh nghiệm về di trú và tị nạn, giúp đỡ, tư vấn và làm các dịch vụ liên quan đến di trú hay an sinh xã hội cho hàng ngàn đồng hương Việt Nam tại Houston, Texas và nhiều nơi khác, ông Cư bày tỏ sự quan tâm của mình về những ảnh hưởng có thể xảy ra liên quan đến việc kết hôn của người Việt Nam và một công dân Hoa Kỳ.

Ông nói, “Thứ nhất, sau khi 3 cơ quan của Hoa Kỳ kết hợp để điều tra vụ này gồm Cơ Quan Nhập Tịch và Di Trú Hoa Kỳ (USCIS), Cơ Quan Điều Tra An Ninh Nội Địa Houston (HSI) thuộc Cục Di Trú và Hải Quan Hoa Kỳ (ICE) và FBI.  Đương nhiên tin tức này sẽ được truyền đi khắp nơi, cũng như các tòa lãnh sự Mỹ ở Việt Nam buộc sẽ phải nhìn vào những hồ sơ xin nhập cư theo diện hôn nhân một cách nghiêm chỉnh hơn, khắt khe hơn. Dĩ nhiên những người làm thật thì cũng sẽ bị ảnh hưởng, nghĩa là hồ sơ sẽ bị giữ lại để điều tra kỹ lưỡng hơn. Nghĩa là nó phải bị ảnh hưởng chứ không bình thường được.”

Với những trường hợp được liệt kê trong cáo trạng nói trên, ông Cư cho rằng “có thể giả, có thể thật.”

“Những hồ sơ mà bà Duyên chủ trương làm thì phần lớn là những hồ sơ giả. Những người làm (kết hôn) giả đương nhiên sẽ bị đưa ra tòa, và sau khi thụ án rồi, có thể bị phạt tù, có thể bị phạt tiền, và sau đó bị trục xuất, khi đó cánh cửa vào Mỹ của họ hoàn toàn đóng lại,” ông Cư nói.

Ông tiếp, “Trong những hồ sơ mà bà Luật Sư Thiên Trang làm thì có thể cũng có những hồ sơ thật. Nếu là hồ sơ thật, cho dù có lấy được thẻ xanh rồi cũng sẽ bị Sở Di Trú rà soát lại để xem hồ sơ này thiệt hay giả. Nếu là hồ sơ giả thì họ sẽ lấy lại thẻ xanh. Trong Luật Di Trú, dù là người có quốc tịch Mỹ đi nữa, nhưng nếu bị khám phá rằng đã khai gian dối, hoặc ngụy tạo bằng chứng để lợi dụng luật di trú thì tòa sẽ lấy lại quốc tịch, lấy lại thẻ xanh, và có thể còn bị trục xuất.”

Ông Cư cũng cho rằng có những du học sinh và những người du lịch sang đây có ước mơ được ở lại Mỹ nên đã chọn cách này thì “thật tội nghiệp.”

“Tôi nghĩ thật tội nghiệp cho những người đó, họ bị lừa đảo một cách trắng trợn, tàn nhẫn. Cuộc đời của những người này rồi sẽ ra sao? Về cũng không được vì họ đã bị cáo buộc thì sao mà về. Mà ở lại thì phải chịu tù tội, mất tiền, có thêm tiền để thuê luật sư thì cũng chưa chắc gì đã có thể thoát khỏi vòng tù tội. Nghĩ đến vậy là tôi thấy tội nghiệp cho những người đó vô cùng,” ông bày tỏ.

Tuy vậy, ông Hà Ngọc Cư cũng khẳng định “muốn vào Mỹ thì phải theo con đường luật pháp của Mỹ chứ không có con đường nào khác để vào Mỹ được.”

Ông phân tích, “Trong luật di trú có hai loại, thứ nhất là diện vào Mỹ vì công ăn việc làm, diện thứ hai là dựa vào quan hệ gia đình. Cánh cửa vào nước Mỹ không phải là không mở ra. Ai muốn đi phải đi một cách hợp pháp, chứ không thể ngụy tạo bằng chứng, khai gian dối, làm giả hôn thú để vào Mỹ. Không thể làm như vậy vì, thứ nhất là không thoát được lưới pháp luật, thứ hai là tạo ra một khung cảnh khó khăn cho những người bước chân vào Mỹ hợp pháp.” (Ngọc Lan)