Sự trở về của nhóm người Việt bị môi giới lừa bịp: ngập nợ, ngập trong nước mắt

Khi vừa về đến Đồng Nai, trưa 16-4, 5 lao động "bị kẹt" ở Nga đã gặp phóng viên Báo Người Lao Động để gửi lời cảm ơn và chia sẻ rằng gia đình rất vui khi họ trở về an toàn. 

Tuy nhiên, kèm theo niềm vui đoàn tụ là nỗi ám ảnh và gánh nặng nợ nần hiện rõ trên gương mặt và lời kể của các lao động vừa trở về khi mỗi người phải bồi thường hơn 100 triệu đồng. Nhớ lại 5 tháng ở xứ người, chị Th. chỉ có thể khái quát đó là "địa ngục"!

Phần 1: 30 ngày đeo bám nhóm người Việt "bị kẹt" ở Nga

Ngập nợ, ngập nước mắt

"Chúng tôi gần như bị giam lỏng trong xưởng. Hoàn cảnh vốn đã khó khăn, tưởng rằng kéo nhau đi làm thợ nơi miền đất hứa để được cải thiện cuộc sống, ai ngờ mất cả chì lẫn chài, cuộc sống càng thêm lận đận…" - chị Th. tâm sự trong nước mắt khi nghĩ đến món nợ đang phải đối diện.

Số là, sau khi sang Nga, ngoài mức thu nhập theo hứa hẹn không đạt được, thì theo chị Th., trong lúc làm việc luôn bị chửi bới, đe dọa. "Họ đâu có coi chúng tôi là người, nếu thực sự việc làm không nặng nhọc ngoài sức tưởng tượng thì chúng tôi đâu phải cầu cứu để được trở về quê và chấp nhận đền bù hợp đồng cả trăm triệu đồng. Rõ ràng chúng tôi bị gài bẫy mà" - chị Th. tiếp tục khóc.

Tiếp lời chị Th., anh Q. kể dù là sức đàn ông nhưng anh vẫn không thể chịu nổi áp lực và lượng công việc phải làm, trong khi điều kiện sống và ăn uống quá kham khổ. "Trời lạnh, ăn uống thất thường, lương thấp, bị chửi mắng, bị nhốt không được tự do, sức khỏe không cho phép vì lao động quá sức… Thoát về được đây, chúng tôi mới thấy mình đã quá dại, quá ngây thơ khi nghe lời "rỉ tai" của người môi giới" - anh Q. buồn bã nói nhưng cũng không quên gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động khi đã kịp thời lên tiếng để anh và 4 lao động nêu trên được sớm trở về quê.

Gương mặt trầm ngâm, anh S. nhẩm tính tổng cộng mỗi lao động bị "mắc kẹt" khi trở về quê bị mất 5.000 USD, trong đó bao gồm các chi phí vé máy bay, phí làm thủ tục cư trú, xuất nhập cảnh và tiền bồi thường 100% hợp đồng. Theo anh S., tất cả họ đều là lao động phổ thông ít học, khó nắm rõ hết các điều khoản hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động cũng như thủ tục về cư trú nước sở tại nên đã bị bắt chẹt. "Tiền đền bù hợp đồng cộng với số tiền thế chân hiện tôi đang gánh món nợ hơn 150 triệu đồng. Lãi mẹ đẻ lãi con giờ vẫn chưa biết tính thế nào…" - anh S. rơi nước mắt.

Còn ông Dương Viết H. có vợ là bà Phạm Thị S. (người duy nhất trong nhóm vẫn bị "mắc kẹt" ở Nga) thì chia sẻ gia đình vừa mới cắt đi khoảnh đất để rao bán, những mong không phải vay nợ để bồi thường hợp đồng… "Khổ thì cũng đã khổ rồi. Mắc bẫy thì cũng đã thấy rồi. Giờ chỉ mong vợ chồng con cái được đoàn tụ" - ông Viết H. nói.

Những người trong nhóm lao động “bị kẹt” ở Nga vừa trở về đã lập tức gặp phóng viên Báo Người Lao Động để kể về những gì họ đã phải gánh chịu. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Yêu cầu làm rõ hành vi môi giới

Trong buổi nói chuyện, từ ông Dương Viết H. cho đến 5 lao động vừa trở về đều mong muốn cơ quan chức năng làm rõ vai trò của bà B., được cho là người môi giới. "Chúng tôi đề nghị làm rõ hành vi môi giới của bà B., làm rõ việc tổ chức đi lao động xuất khẩu có hợp pháp hay không. Không thể để hành vi lập lờ, có dấu hiệu lừa đảo, đưa nhiều người vào hoàn cảnh khốn khổ như chúng tôi nữa" - ông Viết H. và những lao động vừa trở về từ nước Nga nêu đề nghị.

Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, bước đầu xác định đơn vị sử dụng lao động là công ty may mặc ở Nga nhưng do ông Th. người Việt Nam làm chủ tịch hội đồng quản trị. Cũng theo tìm hiểu, dù đến hiện tại chưa xác định việc tuyển dụng lao động tại đơn vị nói trên và các thủ tục liên quan có tính hợp pháp như thế nào nhưng trước mắt có thể thấy những người đi xuất khẩu lao động trước khi đi đã không tìm hiểu kỹ nên phải trả giá đắt.

Với cách tuyển dụng lao động kiểu "rỉ tai" với việc qua đến Nga mới ký hợp đồng, dù lao động có từ chối ký, đơn vị sử dụng vẫn nắm đằng cán; còn khi ký vào thì coi như làm việc gần như không công trong cả năm trời để trả món nợ chi phí khi xuất cảnh. Đặc biệt, hủy hợp đồng thì chủ sở hữu lao động càng "mừng" vì ngoài việc phải bồi thường 100% hợp đồng, người lao động còn phải trả chi phí ăn ở theo tính toán của chủ sử dụng trước khi về nước.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi của người môi giới, nếu có yếu tố lừa đảo thì xử lý hình sự. Ngoài ra, làm rõ động cơ, hoạt động của đơn vị sử dụng lao động cũng như việc xuất khẩu lao động như trên có hợp pháp hay không.

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai khẳng định qua rà soát, thời gian qua không có trường hợp cá nhân nào đăng ký đi lao động xuất khẩu sang Nga thông qua sở. Theo quy định, các trường hợp xuất khẩu lao động đăng ký theo hồ sơ cá nhân buộc phải đăng ký qua sở này. Còn nếu làm hồ sơ tập thể, trong đó những người đi xuất khẩu lao động bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp dịch vụ cung ứng lao động hợp pháp thì không phải thông qua sở.

Đáng chú ý, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai còn khẳng định hiện tỉnh không có doanh nghiệp dịch vụ cung ứng lao động ra nước ngoài. Thế nhưng, thời gian qua, đã có không ít trường hợp lao động tại tỉnh Đồng Nai bị mắc "bẫy lừa" của các công ty dịch vụ "ma" khi đóng tiền cọc tham gia thi tuyển, làm hồ sơ, ký hợp đồng… Do đó, người dân chỉ nên đi xuất khẩu lao động theo đường chính thống, không đi "chui" qua đường du lịch, du học… Ngoài ra, phải tìm hiểu kỹ chi phí, tiền đặt cọc, quy trình, thủ tục, công việc cụ thể, thu nhập, phúc lợi… trước khi ra nước ngoài làm việc. 

Quay trở lại việc 5 lao động bị kẹt" ở Nga vừa mới về nước, ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho hay thông qua Báo Người Lao Động ông mới biết vụ việc. Sở sẵn sàng hỗ trợ người lao động nếu có thông tin từ gia đình. 

Chiều 16-4, một điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hiện công an đang làm rõ sự việc và sẽ thông báo khi có kết quả.

Đại sứ quán Việt Nam sẽ can thiệp

Khi chúng tôi đang viết bài báo này cũng là lúc bà Phạm Thị S. (người duy nhất trong nhóm vẫn bị "mắc kẹt" ở Nga) nhắn tin với nội dung: "Họ nói do tôi chống đối, rồi do thủ tục làm chưa xong, cứ chờ chưa biết lúc nào sẽ về. Tôi gần như bị giam lỏng. Tôi sợ lắm. Mong quý báo và ban, ngành can thiệp giúp cho tôi được về nước...".

Một góc xưởng may nơi bà S. nói rằng bà đang gần như bị giam lỏng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau khi trấn an, chúng tôi khuyên bà S. tiếp tục liên lạc với nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Đến chiều 16-4, bà S. nhắn lại với nội dung: "Họ (tức nhân viên Đại sứ quán) cho biết sẽ tiếp cận vụ việc để có động thái hỗ trợ". Ngoài ra, bà S. còn thông tin nhân viên Đại sứ quán đề nghị các lao động làm đơn nêu rõ nội dung sự việc để có cơ sở giải quyết. "Do hiện tại tôi không tiện viết đơn tại chỗ nên đã liên lạc về gia đình ở Việt Nam, nhờ chính quyền địa phương và các đơn vị tư vấn pháp luật hỗ trợ làm đơn để chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nhờ can thiệp" - bà S. nhắn.

Ở một diễn biến khác, Vụ Báo chí - Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có động thái tiếp cận hồ sơ để tìm hiểu vụ việc.

Phần 1: 30 ngày đeo bám nhóm người Việt "bị kẹt" ở Nga

Viethome (theo Người Lao Động)