Việt kiều "dỏm" và những dự án lừa đảo nghìn tỷ

Gắn mắc Việt Kiều nên mình những đối tượng này đã lợi dụng lòng tin của nhiều doanh nghiệp để lừa những số tiền không hề nhỏ.

Hối phiếu 5 tỉ USD giả của tỷ phú dỏm: Ngày 10.4, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) Công an TP.Cần Thơ cho biết Cục Đối ngoại Bộ Công an vừa có văn bản thông báo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trả lời cơ quan điều tra VN về việc yêu cầu xác minh nhân thân “doanh nhân” Rafael Vazquez Flores (người Mexico, quốc tịch Mỹ), Chủ tịch Công ty World Trade Commodities Inc Panama, cùng 2 tờ hối phiếu ghi trị giá hơn 5 tỉ USD phát hành từ chính phủ Mỹ mà Rafael mang sang VN để kêu gọi đầu tư.

Ông Đỗ Hữu Lê Hùng (bên trái) và ông Rafael Vazquez (bên phải) là Chủ tịch, CEO của Công ty World Trade Commodities INC.Panama

Trước đó, ngày 1.2.2017 thông tin Công an TP.Cần Thơ bắt một Việt kiều Úc “lòe” có nguồn quỹ 130 tỉ USD từ chính phủ Mỹ. Theo PC44 Công an TP.Cần Thơ, cuối năm 2016, PC44 nhận đơn của nạn nhân ngụ TP.Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Đỗ Hữu Lê Hùng (57 tuổi, quốc tịch Úc) có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỉ đồng.

Theo các nạn nhân, họ được ông Hùng. cho biết có quen với ông Rafael Vazquez Flores, là một tỉ phú có tài sản lên đến 130 tỉ USD, muốn đầu tư vào VN. Ông H. tổ chức tiệc chiêu đãi tại các nhà hàng sang trọng với sự có mặt của lãnh đạo một số địa phương, rồi cho ghi hình tung lên Facebook cá nhân nhằm tạo thanh thế. Sau đó, ông H. “tiết lộ” ai muốn ông Rafael vào đầu tư tài chính phải lo vé máy bay, chi phí đi lại, tổ chức hội thảo cho chuyên gia, chưa kể chi phí để nghe diễn thuyết đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi buổi. Các nạn nhân đã đưa ông H. trên 3 tỉ đồng để mời các “chuyên gia” quản lý nguồn quỹ trên từ Mỹ sang VN “thẩm định” các dự án mà mình muốn đầu tư.

Để các nạn nhân tin tưởng, sau khi nhận tiền, ông Hùng đã đưa Rafael Vazquez Flores sang, giới thiệu ông này là Chủ tịch Công ty World Trade Commodities Inc Panama và là người đại diện cho nguồn quỹ hối phiếu trên. Tại VN, Rafael cũng đi thẩm định các dự án và hứa hẹn sẽ đồng ý cho vay hàng tỉ USD từ nguồn hối phiếu mình đang quản lý. Ông này còn cho các nạn nhân xem số hối phiếu mang theo trị giá hơn 5 tỉ USD được phát hành từ ngân khố của chính phủ Mỹ.

Hai tờ hối phiếu trên 5 tỉ USD được xác định là giả.

Sau khi nhận đơn tố cáo, PC44 vào cuộc và phát hiện ông Hùng bị Cục Cảnh sát hình sự phát lệnh truy nã từ năm 2002 vì đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 900 triệu đồng tại Công ty Incomex rồi bỏ trốn. Ngày 19.1.2017, PC44 bắt ông Hùng theo lệnh truy nã trên.

Quá trình khám xét nơi ở của ông Hùng, PC44 thu được nhiều tài liệu liên quan cùng số hối phiếu ghi trị giá 5 tỉ 150 triệu USD (nghi là giả) mà Rafael mang sang VN đưa Hùng để “lòe” các nạn nhân. Sau khi PC44 bàn giao cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra, ngày 24.1.2017 ông Hùng nhận được quyết định đình nã của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Đến 24.7.2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hùng do hành vi không nguy hiểm cho xã hội.

Trong thời gian ông Hùng bị tạm giữ, Rafael cũng có mặt tại Cần Thơ nên bị PC44 câu lưu, quyết định tạm hoãn xuất cảnh chờ làm rõ số hối phiếu nói trên. Tại cơ quan điều tra, Rafael khẳng định số hối phiếu trên là hối phiếu thanh toán quốc tế thật được phát hành bởi Cục Ngân khố Mỹ để đầu tư vào các dự án phục vụ dân sinh tại VN. Do việc xác minh nguồn hối phiếu phải qua đường ngoại giao, cần có thời gian nên PC44 hủy quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Rafael.

Đến nay, văn bản trả lời của Cục Đối ngoại Bộ Công an gửi Công an TP.Cần Thơ cho biết, theo kết quả xác minh của FBI, trong hồ sơ các đối tượng từng bị bắt tại tiểu bang Texas có ông Rafael Vazquez Flores, địa chỉ tại tiểu bang Texas và từng có tiền án. Trong hồ sơ lưu trữ của tiểu bang Texas không có thông tin về Công ty World Trade Commodities Inc Panama.

Về 2 tờ hối phiếu hơn 5 tỉ USD do PC44 thu được, FBI xác định không có cơ quan chức năng nào của Mỹ phát hành 2 tờ hối phiếu trên. FBI đề nghị cơ quan điều tra VN chuyển giao hồ sơ liên quan đến Rafael Vazquez Flores để FBI thụ lý.

Chân tướng gói viện trợ 10 tỉ USD của đại gia Việt kiều Mỹ

Năm 2013, dư luận “sốc” bởi một người có tên Paul Hùng Lê - Việt kiều Mỹ - muốn “viện trợ nhân đạo” cho Việt Nam 10 tỉ USD/năm. 

Ông Paul Lê Hùng

Ông Paul Lê Hùng khẳng định ông là đại diện cho Quỹ Phát triển các dự án về nhân đạo trực tiếp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có nhiệm vụ giới thiệu nguồn vốn tài trợ đến các quốc gia ở khu vực này. Đây là một tổ chức phi chính phủ của Tập đoàn Diamond Access Inc. (trụ sở đặt tại New York - Mỹ).

Theo ông Paul Lê Hùng, mỗi quốc gia sẽ nhận khoảng 10 tỉ USD/năm từ quỹ, được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt từ 1-3 tỉ USD. Tuy nhiên, để nhận được tiền tài trợ, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh, phân bổ số tiền tài trợ đúng địa chỉ và cam kết chịu trách nhiệm đối với nhà tài trợ về mục đích sử dụng, thời gian hoàn thành dự án.

UBND tỉnh Tiền Giang từ chối khoản viện trợ cho không khoảng 4.200 tỉ đồng là do không có tập đoàn nào mang tên “Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Sự việc bắt đầu từ tháng 8/2013, khi Công ty Đầu tư Xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Công ty Đồng Tháp Mười) có trụ sở ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang do ông Lê Văn Đăng làm tổng giám đốc có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang về việc đầu tư dự án xây dựng đường 878 và 871B bằng nguồn kinh phí nhân đạo do Tập đoàn Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương tài trợ.

Ngoài ra, Diamond Access Inc. còn cho không từ 1 tỉ USD đến 3 tỉ USD nên Công ty Đồng Tháp Mười còn trình UBND tỉnh nghiên cứu xem xét các dự án khác phù hợp với chương trình tài trợ để đầu tư trong giai đoạn khó khăn về tài chính của tỉnh.

Kèm theo tờ trình, Công ty Đồng Tháp Mười đã gửi thêm một văn bản do “Tập đoàn Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương” gửi Chủ tịch nước và các cơ quan trung ương với nội dung: Quỹ phát triển các dự án về nhân đạo trực tiếp do ông Paul Lê Hùng làm đại diện, sẽ tài trợ 10 tỉ USD/năm cho Việt Nam với điều kiện là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phải cung cấp một bảo lãnh có giá trị là 10 tỉ USD mà Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương là người thụ hưởng.

Ngoài ra, Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương còn đưa ra một điều kiện khác: “Không được công khai thông tin của chúng tôi vì sẽ ngay lập tức bị dừng viện trợ hoặc không được nhận thêm bất kỳ lợi ích nào khác từ cam kết tài trợ của chúng tôi. Tóm lại: Không được công khai thông tin” (?!).

Tuy nhiên, một sự thật là cơ quan công an đã xác minh và kết luận không có tập đoàn nào mang tên “Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương” hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên sau đó rất nhiều người đã cùng lúc tố cáo dự án họ đã mất tiền tỷ vì ông Paul Lê Hùng - đại diện gói “viện trợ 10 tỷ USD” bị tỉnh Tiền Giang từ chối - lừa đảo. Trong số này, ông Lê Văn Đăng - Giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (trụ sở tại huyện Tân Phước, Tiền Giang), là “đối tác” của ông Hùng - vừa là nạn nhân mất tiền, vừa bị người khác tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Lắm - Giám đốc công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Hữu Lợi (trụ sở tại huyện Châu Thành, Tiền Giang) - đầu năm 2012, ông Lê Văn Đăng đến công ty của ông Lắm bàn việc hợp tác kinh doanh, đầu tư xây dựng công trình giao thông, cụ thể là đường tỉnh 878 và 871B. Ông Đăng đưa ra bộ hồ sơ gồm nhiều giấy tờ chứng minh tỉnh đang kêu gọi đầu tư và giấy tờ chứng minh hỗ trợ vốn vay của tập đoàn tài chính Hoa Kỳ do ông Paul Lê Hùng làm đại diện tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, bộ hồ sơ do ông Paul Lê Hùng làm “đại diện” đang có nguồn vốn “cho không” cực lớn, mỗi năm sẽ giải ngân cho Việt Nam 10 tỷ USD mà không đòi hỏi gì. Ngoài những giấy tờ đóng mộc tiếng nước ngoài có màu đỏ, bộ hồ sơ còn có những tài liệu đóng mộc nổi, do ông Paul Lê Hùng ký, xác thực về tài trợ.

Sau khi hai bên ký kết hợp tác, ngày 6/2/2013, ông Paul Lê Hùng gửi cho ông Đăng và ông Lắm mỗi người một văn bản “ủy nhiệm tiếp nhận vốn vay”, nội dung công ty JOES đồng ý cho Cty LIZ (Limited Investments Zoone, LP, USA) do chính ông Paul Lê Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc được vay vốn đầu tư 650 triệu USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam. Nay công ty LIZ ủy nhiệm cho công ty Đồng Tháp Mười và công ty Hữu Lợi được quyền tiếp nhận 100 triệu USD để làm đường Thủ Thừa - Hòa Khánh ở Long An.

Theo tài liệu do ông Lắm và ông Đăng cung cấp, ngay trong ngày “ủy nhiệm tiếp nhận vốn vay” ngày 6/2/2013, ông Paul Lê Hùng có một biên nhận nhận của ông Đăng 40.000USD. Trước khi có “ủy nhiệm” này, có thêm một biên nhận khác đề ngày 25/12/2012, ông Paul Lê Hùng ký nhận của ông Đăng 30.000USD. Ngoài ra, ông Lắm còn tố cáo ông Đăng mượn của ông 1,5 tỷ đồng để “quan hệ” và “làm thủ tục”. Sau này cả ông Lắm và ông Đăng mới biết mình bị lừa.

Được biết, “địa chỉ liên hệ” của ông Paul Lê Hùng ở TP.HCM là một căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm nhỏ, được ông Paul Lê Hùng thuê và chuẩn bị trả. Các PV đã nhiều lần gọi điện cho ông Paul Lê Hùng để xác minh thông tin, nhưng ông liên tục bấm máy bận, rồi tắt hẳn không liên lạc được.  

Việt kiều lừa đảo hơn 150 tỷ đồng

Ông Hoàng Tiến Dzũng quốc tịch Mỹ đã lập tới 6 công ty và chỉ đạo các giám đốc “bù nhìn” lập hồ sơ khống, vay của Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn hơn 150 tỷ đồng rồi “lặn mất tăm”.

Cụ thể, cuối năm 2009, theo chỉ đạo của Trần Thị Kim Thoa (Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Á Châu và Dzũng– người có 2 con chung với bà Thoa, Phạm Văn Chính - Giám đốc Công ty Á Châu đã ký hồ sơ đề nghị vay của ngân hàng Agribank 90 tỷ đồng để đầu tư Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu ở quận 9, TP.HCM. 

Sau khi cán bộ tín dụng Nguyễn Thị Thanh Vân lập báo cáo thẩm định và được Trưởng phòng Tín dụng Đỗ Thị Yến ký đề xuất, bà Toan và bà Mai ký duyệt cho Công ty Á Châu vay 90 tỷ đồng.

Thời điểm sau đó, Công ty Á Châu mới trả được 23 tỷ đồng tiền gốc và hơn 16 tỷ đồng tiền lãi, còn nợ lại hơn 67 tỷ đồng tiền gốc và hơn 46 tỷ đồng tiền lãi.

Trước đó, trong tháng 4/2009, tuy không có vốn và không có ý định thực hiện dự án nhưng Hoàng Văn Cường (giám đốc Công ty A.D.N) đã ký khống hồ sơ vay 75 tỉ đồng tại Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn với lý do thực hiện dự án trồng rừng cao su tại Bình Phước.

Mặc dù công ty ADN kinh doanh thua lỗ nhưng các bị can vẫn lập khống báo cáo tài chính để vay, chiếm đoạt 75 tỉ của ngân hàng.

Biết công ty ADN không đủ điều kiện vay vốn nhưng Phí Thị Ong vẫn ký duyệt báo cáo thẩm định, ký các hợp đồng tín dụng và duyệt cho công ty A.D.N vay 75 tỉ đồng.

Hành vi sai phạm của các bị can đã gây thiệt hại cho Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn hơn 150 tỉ đồng.

Theo tài liệu điều tra, trên danh nghĩa, ông Cường góp vốn vào Công ty A.D.N tới 5,2 tỷ đồng còn Đỗ Minh Quang thành viên góp vốn của Công ty A.D.N góp 3,8 tỷ đồng, nhưng trên thực tế hai bị can này không hề góp một đồng vốn nào. Công ty này do Quang thành lập làm ăn thua lỗ nên theo đề nghị của Dzũng (anh trai Quang), Quang đã chuyển giao con dấu, hồ sơ chứng từ lại cho Dzũng. Dzũng đã để Cường đứng tên làm giám đốc “bù nhìn”, mọi hoạt động của công ty là do Dzũng điều hành.

Từ tháng 8/2014 đến nay, Hoàng Tiến Dzũng đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, không quay lại điều hành công ty.

Viethome (theo Vietbao)