Người nhập cư VN đã xây dựng mái nhà chung ở Tây London như thế nào

Khoảng 40 năm trước, hơn một triệu người đã cố chạy thoát khỏi cơn khủng hoảng và những mâu thuẫn ở Việt Nam trên những con thuyền nhỏ bé thiếu an toàn. Làn sóng tị nạn đầu tiên được châm ngòi từ sự sụp đổ của các chính phủ thân Mỹ ở Việt Nam, Lào và Campuchia vào năm 1975. Làn sóng thứ hai bắt đầu khi chiến tranh nổ ra ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Rất nhiều người kết thúc hành trình của họ trong các trại tị nạn ở Hong Kong. Đây chính là trải nghiệm của T., người rời khỏi Việt Nam cùng với mẹ, ông bà và hai anh chị của mình khi mới 11 tuổi. Cuối cùng gia đình họ cũng được cứu, và sau khi trải qua 6 tháng ở Hong Kong, họ đã có thể tái định cư ở Anh.

T. vẫn giữ những ký ức sống động về chuyến đi trên biển rời khỏi Việt Nam:

Đó là một trải nghiệm khủng khiếp. Chúng tôi phải ném thức ăn xuống biển vì có quá nhiều người trên tàu. Chúng tôi chỉ giữ lại nước ngọt trên tàu và nhờ đó có thể cầm cự, chỉ với gạo và nước ngọt. Chúng tôi đã lênh đênh trên biển cả tuần trời.

tet nguoi viet o anh quoc
Hình ảnh người Việt đón Tết Nguyên Đán ở London năm 2022. Ảnh: vnuk

Đến Anh Quốc

Sau Hội thảo Liên hợp quốc năm 1979 để giải quyết cuộc khủng hoảng, hàng trăm ngàn người tị nạn đã được chấp thuận tới định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng chỉ đến khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang, nước Anh mới đồng ý chấp nhận người tị nạn từ Hong Kong, khi đó vẫn thuộc Anh. Khoảng 22,000 người Việt Nam đã được nhận vào Anh trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1988.

Một khi đã đặt chân lên nước Anh, những người tị nạn lại phải đối mặt với thử thách mới: tìm việc làm và nhà ở, rào cản ngôn ngữ cũng như sự phân biệt văn hóa. Đối với nhiều người khi đó, các xưởng sản xuất quần áo ở London là nơi đem lại miếng cơm manh áo cho họ. Khi ngành công nghiệp may mặc của Anh suy thoái, mọi người lại phải vật lộn tìm cách khác để mưu sinh, cố gắng kinh doanh bằng cách mở các nhà hàng và tiệm nail.

Khi được hỏi điều gì đã giúp họ cảm thấy như ở nhà ở London, vài người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của món ăn Việt Nam và những đồ vật đặc trưng của Việt Nam. Ngày nay, món ăn Việt Nam dễ được tìm kiếm hơn nhiều so với những năm 70, khi những người tị nạn đầu tiên đặt chân tới đây. Khi đó, mọi người phải đến tận Paris nếu họ muốn mua các nguyên liệu chế biến đồ Việt. Paris vốn đã là nơi sinh sống của cộng đồng lớn người Việt Nam sau giai đoạn thuộc địa Pháp (1858-1954).

Mỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng: một vài người Việt Nam tôi từng ghé thăm có bày trong nhà những bức ảnh, đồ trang trí hay đồ nội thất Việt Nam, bao gồm cả những bức họa về phong cảnh đồng quê truyền thống. Một vài người thậm chí còn yêu cầu gia đình gửi cho họ những tấm rèm mành từ Việt Nam bởi chúng không chỉ rẻ hơn mà còn hợp gu thẩm mỹ của họ hơn.

Ngôi nhà tinh thần

Đối với rất nhiều người, những tục lệ tâm linh vô cùng quan trọng trong việc tạo ra cảm giác gia đình. Rất nhiều người Việt giữ thói quen cầu khấn và dâng các món ăn hay vật phẩm khi cúng bái tổ tiên, những người được coi là luôn dõi theo họ hàng con cháu của mình trên trần thế. Một vài người có bàn thờ hay miếu thờ trong nhà của họ ở London, trong đó có đủ ảnh của ông bà tổ tiên, các món đồ cúng hoa quả, bát hương, nến hoặc đèn điện.

Những khó khăn về tài chính cũng như diện tích nhà ở ở London cũng ảnh hưởng tới việc thờ cúng của người Việt. Một vài người cho biết họ không có đủ không gian trong nhà để lập bàn thờ, hoặc không có đủ thời gian để chăm sóc hương khói. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn xoay sở để cúng bái trong môi trường mới bằng cách dung hòa phong tục của họ với điều kiện địa phương. Nhiều người chọn cách đến các đền thờ công cộng thay vì cầu khấn ở nhà.

Những phong tục tâm linh cũng có mối liên hệ mật thiết với công việc và kinh doanh. Anh S., đang làm việc tại một nhà hàng Việt Nam, kể cho tôi nghe cách anh thắp hương và dâng lễ thần Tài trên bàn thờ ngay tại nơi làm việc của mình. Không khó để tìm thấy bàn thờ trong các nhà hàng, cửa hàng và tiệm nail của người Việt ở London.

Cảm nhận áp lực

Có nhiều điểm tương đồng giữa trải nghiệm của những người dân tị nạn Việt Nam và cơn khủng hoảng tị nạn hiện nay, ngoại trừ sự khác nhau về cột mốc thời gian và đất nước nơi họ đến. Cũng giống như ngày nay, trước đây, nước Anh ban đầu tỏ ra không sẵn lòng đón nhận người tị nạn Việt Nam, và chỉ đồng ý sau khi phải chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế.

Nhưng khả năng xây dựng một mái nhà cũng không thể tách rời khỏi yếu tố quyền lực chính trị và điều kiện di chuyển. Ngày nay, người nhập cư muốn định cư ở Anh phải đối mặt với tương lai bấp bênh. Tình trạng hiện tại của họ đồng nghĩa với việc họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cách chấp nhận những công việc khó nhọc với mức lương thấp, trong lúc phải sống trong những khu nhà ở tồi tàn.

Người tị nạn ngày càng bị ảnh hưởng bởi những chính sách an ninh biên giới nghiêm ngặt và thái độ không thân thiện của chính phủ cũng như truyền thông, những người thường ví von họ như những ‘bầy người’ hay những ‘kẻ xâm lược’.

Thậm chí cả những người đến đây từ nhiều năm trước cũng đang cảm nhận thấy áp lực từ những thay đổi này: một vài người trẻ tuổi tham gia nghiên cứu của tôi đã miêu tả nỗi lo ngại của họ khi cảm thấy không được chào đón hay bị cách ly ở nơi đây, và nhiều người đang dự định quay trở về Việt Nam.

Trong quá khứ, sau khi đã tạo dựng được các cộng đồng vững mạnh, người tị nạn từ Việt Nam đã mang lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và văn hóa của London nói riêng và cả nước Anh nói chung. Những người tị nạn thời hiện tại cũng có thể làm điều tương tự nếu như chúng ta cho họ cơ hội và hỗ trợ họ xây dựng một mái nhà.

(Annabelle Wilkins – nghiên cứu sinh, ĐH Queen Mary, London)

VietHome (Theo The Conversation)