Bộ đo pH-EFS hữu dụng

(Dân Việt) - Nhằm giúp bà con nông dân tự mình có thể xác định độ pH (độ chua của đất) ngay trên vườn đất nhà mình, Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường Phía Nam đã cho ra đời hộp dụng cụ đo pH đất rẻ tiền, dễ thao tác và hữu dụng: pH-EFS.

Với bộ đo pH-EFS, bà con có thể tự mình kiểm tra độ pH thực tế tại đất trồng, đồng ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản của chính nhà mình. Từ đó có giải pháp tu bổ "sức khỏe của đất, nước" cho phù hợp, nhằm tạo môi trường tốt nhất cho cây trồng và các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển.

Cách sử dụng bộ đo pH-EFS khá đơn giản. Trước tiên, lấy một ít mẫu đất cần xác định độ pH (khoảng cỡ hạt đậu đen) cho vào lỗ nông nhất (lỗ số 2) trong 3 lỗ của khay nhựa hoặc cho vào ống nghiệm. Sau đó nhỏ khoảng 5 - 8 giọt dung dịch thử pH vào mẫu đất trong khay hoặc 8 - 10 giọt vào mẫu đất trong ống nghiệm rồi lắc nhẹ. Để yên sau 3 phút rồi tiến hành so màu dung dịch với màu của bảng màu đất, ứng với cột màu nào trong bảng màu đất thì đó chính là giá trị pH của đất cần xác định.

Phương pháp cải tạo độ chua đất: Có thể dùng các loại nguyên liệu khác nhau để cải tạo đất nhưng phổ biến nhất vẫn là bột đá vôi (CaCO3) vì giá thành vừa phải và an toàn cho cây trồng. Nếu đất thiếu Magiê thì có thể dùng bột Secpentin hoặc Donomit để cải thiện độ chua của đất, đồng thời bổ sung Canxi và Magiê.

Liều lượng vôi bón cho từng loại đất ứng với các mức pH khác nhau được tính như sau:

Cách bón: Rải đều bột đá vôi lên mặt đất, sau đó tiến hành xới để trộn bột đá vôi vào lớp đất canh tác (độ sâu khoảng 10cm). Tốt nhất là bón bột đá vôi trước khi trồng khoảng 1 tháng. Không nên bón vôi chung với phân chuồng, ure, hoặc phân có chứa đạm.

Đối với mỗi loại cây trồng lại có một vùng pH thích hợp khác nhau. Do đó cần điều chỉnh pH đất cho phù hợp với từng nhu cầu của cây trồng. Có những cây trồng và một số loài thủy sản có khả năng thích ứng với khoảng pH rất lớn nhưng năng suất hay chất lượng của chúng lại phụ thuộc rất rõ vào khoảng pH thích hợp.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa