Netflix treo thưởng 3.8 triệu bảng cho người thắng show thực tế 'Squid Game'

Netflix sẽ sản xuất một trò chơi truyền hình thực tế tại Anh, lấy cảm hứng từ series phim ăn khách 'Squid Game', với phần thưởng cho người chiến thắng lên đến 3.8 triệu bảng (khoảng 4.56 triệu USD).

Phiên bản truyền hình thực tế mang tên Squid Game: The Challenge, kéo dài 10 tập với các trò chơi được lấy cảm hứng từ bộ phim ăn khách cùng tên. Netflix cho biết sẽ tuyển 456 người chơi nói tiếng Anh trên khắp thế giới với giải thưởng dành cho người thắng cuộc là 3.8 triệu bảng (khoảng 4.56 triệu USD). Giá trị giải thưởng này tương đương với giải thưởng trong phim, khi các nhân vật cố gắng để giành lấy 45.6 tỷ won.

"Tiền đặt cược rất cao, nhưng trong trò chơi này, số phận tồi tệ nhất chỉ là ra về tay trắng", Netflix cho biết, nhấn mạnh trò chơi lành mạnh, người thua "không phải bỏ mạng như trong phim".

show thuc te squid game

Netflix đã mở buổi casting chương trình cho những người nói tiếng Anh trên khắp thế giới. Việc ghi hình sẽ được thực hiện tại Anh. Chương trình đang được đồng sản xuất bởi các công ty sản xuất Studio Lambert và The Garden, một bộ phận của đài truyền hình ITV (Anh). Bạn có thể đăng ký tham gia tại đây https://www.squidgamecasting.com/

Được phát hành vào năm 2021, Squid Game nhanh chóng gây sốt trên toàn cầu. Lấy bối cảnh ở Hàn Quốc, phim kể về 456 người chơi gặp khó khăn về tài chính mạo hiểm mạng sống của mình để thông qua các trò chơi giành giải thưởng tiền mặt lớn. Hwang Dong-hyuk, nhà biên kịch phim, cho biết ông lấy cảm hứng từ chính cuộc chiến sinh tồn của gia đình sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây là loạt phim được xem nhiều nhất mọi thời đại của Netflix khi người xem dành 1.65 tỷ giờ xem phim trong 28 ngày chiếu đầu tiên. Netflix cũng đang lên kế hoạch quay tiếp mùa 2 của bộ phim ăn khách này.

Thành công của Squid Game tạo ra 891.1 triệu USD về giá trị tác động - một số liệu Netflix sử dụng để đánh giá hiệu suất các sản phẩm đặc biệt. Chi phí sản xuất phim chỉ là 21.4 triệu USD - khoảng 2.4 triệu USD mỗi tập. Show thực tế về bộ phim ăn khách này được kỳ vọng là một cách để Netflix sử dụng một số nội dung sinh lợi của mình để thu hút nhiều người dùng. Công ty này đang phải đối mặt với những khó khăn do tác động của lạm phát gia tăng, việc dỡ bỏ các hạn chế của Covid-19 và sự cạnh tranh từ các công ty đối thủ như Disney.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk của phim Squid Game bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn: “Bí ẩn sự hấp dẫn của Squid Game là ở chỗ khán giả được chứng kiến những người lớn sống trong tuyệt vọng cùng cực phải liều mạng để giành chiến thắng trong những trò chơi họ từng chơi từ lúc còn bé. Thắng có nghĩa là tồn tại. Các trò chơi rất đơn giản, dễ chơi, luật chơi được tối giản để người xem có thể tập trung nhiều hơn vào từng nhân vật”. Hoài cổ nhưng sức hút rất mạnh. Ví dụ, trò chơi tổ ong “Dalgona” trong tập ba là thử thách mà hầu hết người Hàn Quốc từng chơi ở tuổi ấu thơ. Trong trò chơi, người chơi phải cẩn thận dùng kim cắt ra một hình dạng từ một miếng kẹo tổ ong mỏng như tờ giấy. Nếu hình dạng không đạt yêu cầu và kẹo bị nứt, họ sẽ thua cuộc. Một tài khoản Twitter Hàn Quốc viết: “Nhờ Squid Game tôi mới nhớ kẹo Dalgona và muốn ăn lại nó. Nhưng đã 20 năm rồi nên không biết chúng còn được bán không? Tôi không nghĩ có thể tìm được chúng!”.

Ăn cắp và phủ nhận

Truyền thông phương Tây so sánh sự tương đồng về chủ đề giữa Squid Game và Parasite (phim Hàn Quốc đoạt giải Oscar 2019). Cả hai cùng nhấn mạnh đến sự chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội, dù hướng giải quyết có khác nhau. Họ cũng đưa ra thêm Hunger Games và Battle Royale. Nhưng ở khu vực Đông Á, khán giả lại thấy Squid Game có những điểm tương đồng với bộ phim điện ảnh Nhật Bản As The Gods Will (2014) nói về một nhóm học sinh trung học. Mạch truyện gần giống nhau. Thậm chí có người còn cáo buộc Squid Game “ăn cắp ý tưởng”. Trong As The Gods Will cũng có trò chơi truyền thống dành cho trẻ em “Red Light, Green Light”. Ở một trong những cảnh ấn tượng nhất của Squid Game, một cô gái người máy khổng lồ sử dụng đôi mắt laser của mình để phát hiện những người chơi đã thua trò chơi. Sau đó họ bị giết.

Tuy nhiên, đạo diễn Hwang phủ nhận hoàn toàn cáo buộc. Ông tâm sự: “Tôi thừa nhận mình là người say mê các bộ phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản trong nhiều năm. Tôi bắt đầu nghĩ đên việc làm Squid Game từ năm 2008 và bắt đầu viết kịch bản vào năm 2009. Tôi bỏ ra nhiều thời gian ngồi quán cà phê đọc những truyện tranh như Battle RoyaleLiar Game và bị thu hút bởi những trò chơi trong đó. Nhưng vì tính phức tạp của chúng nên tôi quyết định sử dụng các trò chơi trẻ em, đơn giản và hoài cảm hơn. Có lúc tôi uống đến nửa chai soju (rượu Hàn Quốc) để tìm cảm hứng. Viết kịch bản Squid Game khó hơn bình thường vì đây là phim nhiều tập. Tôi mất đến 6 tháng viết đi viết lại 2 tập đầu, tham khảo ý kiến nhiều bạn bè để hoàn thiện các tình tiết sao cho hấp dẫn. Tôi khẳng định là không có mối liên hệ nào giữa Squid Game và As The Gods Will mà chỉ tương đồng về thể loại. Những điểm tương đồng chỉ là trùng hợp. Không có ai sao chép của ai cả!”.

Bên cạnh những lùm xùm là lời kêu gọi của các fan hâm mộ là hãy sớm có mùa thứ hai (season 2) của loạt phim. Nhưng họ sẽ phải chờ đợi lâu. Lý do, dù Hwang rất vui vì thành công của bộ phim nhưng ông cho biết làm phim là một quá trình dài và ức chế. “Hiện tôi chưa có kế hoạch làm Squid Game 2. Chỉ nghĩ đến nó thôi cũng đã mệt lắm rồi. Nếu có, tôi chỉ làm sau khi quay lại với phim điện ảnh. Kỹ nghệ giải trí Hàn Quốc rất thành công với các thương hiệu âm nhạc và điện ành như nhóm ca BTS, Parasite, Gangnam Style, Crash Landing on You. Nhưng xã hội Hàn Quốc cũng rất cạnh tranh và áp lực khi 50 triệu người sống chen chúc trên một diện tích tương đối nhỏ. Ngoài tác dụng tích cực của cạnh tranh, cạnh tranh quá mức bao giờ cũng có các hậu quả xấu của nó" – đạo diễn tâm sự với tờ Variety.

Ngôi Sao (Theo CNBC)