Chiếc váy ''ám quẻ'' 14 năm sự nghiệp thị phi của Victoria Beckham

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1

Victoria Beckham cầm mic và Victoria Beckham thiết kế thời trang, điều nào có thể khiến dân Anh sợ hãi hơn?

Sau 3 thập kỷ debut, công chúng đã quá quen thuộc với dung mạo lạnh như tiền cùng cặp kính chuồn chuồn choán gần hết khuôn diện, lối hành xử kiệm lời mỗi lần gia đình gặp tai bay vạ gió bởi trò ong bướm đến từ cha lẫn con, và cả sự nghiệp thiết kế đầy rẫy thị phi của bà Beck.

Và đến đây, chúng ta lại có một câu hỏi khác: Đằng sau bao tô vẽ trên truyền thông và những mải miết về thông tin đời tư, liệu 14 năm ròng chinh chiến khắp làng mốt quốc tế của Victoria Beckham có thật sự nên chuyện?

Trò cười mang tên "Posh Spice" và cú phản phé năm 2008

Vic từng chạm trán Naomi Campbell lần đầu tại một bữa tiệc xa hoa ở Milan vào đầu những năm 2000. Khoảnh khắc đó, cựu thành viên Spice Girl không giấu nổi vẻ ngỡ ngàng trước màn bắt chuyện xéo sắc đúng chuẩn 'Báo đen': "So why exactly do they call you Posh?" (tạm hiểu: Trên người cô có cái gì xứng để được gọi là SANG TRỌNG vậy?). Dù nhanh chóng đối đáp: "So why exactly do they call you beautiful?" (tạm hiểu: Còn cô thì có cái gì mà ĐẸP?) nhưng thật tình, ngôn từ sặc mùi thuốc súng của siêu mẫu huyền thoại đã trở thành đòn chí mạng nhắm đến tinh thần của bà Beck.

Bởi khi nhắc đến Naomi Campbell là nhắc tới cả một nền công nghiệp thời trang chất đống tinh hoa từ Versace, Chanel, Dior, Valentino... tất thảy nhà mốt hay tạp chí danh tiếng nhất đều hậu thuẫn 'Báo đen', mong mỏi được chia sẻ vinh quang cùng cô. Còn Victoria Beckham khi đó chỉ đơn thuần là một cô ca sĩ với bao năm làm nền cho các chị em cùng nhóm, vớ bẫm một anh chồng nổi tiếng trong giới túc cầu, độ ngực từ 34A lên tận 34DD để rồi không khác gì hai quả bowling gắn bừa lên cái mắc áo di động. Nói phớ ra, giới thời trang cao cấp không mảy may coi trọng Vic. 

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Có rất ít thứ khiến giới thời trang cao cấp phải chán chường hơn là một cô WAG ngực nhựa học đòi làm nhà thiết kế.

Và đến khi Vic mở mồm muốn tự thiết kế, cánh thời trang lại càng đùa tợn, một số thì chuyển hẳn sang giận dữ gào thét. Alexander McQueen chính là người tức giận nhất. Khi vô tình nhìn thấy bà mẹ 4 con mặc một mẫu váy tartan nằm trong bộ sưu tập Thu/Đông 2006 của mình, nhà thiết kế quá cố đã gào lên rằng: "David có thể mặc đồ tôi thiết kế, riêng cô ta thì không!". Chưa hết, ông còn bồi thêm: "Cô ta biết cái quái gì về thời trang chứ, ngay cả lúc còn cầm mic đã chả hát nên hồn."

Nối bước Alexander McQueen, một số nhà mốt âm thầm "phong sát" Victoria Beckham khi từ chối hỗ trợ trang phục cũng như dính líu về truyền thông. Họ ngứa mắt trước thân hình khẳng khiu được bao phủ bởi màu da tanning đầy giả tạo đối chọi chan chát với mái tóc bob vàng chóe, đặc biệt là lối tạo dáng ưỡn cao bầu ngực như hai mũi chiến hạm chuẩn bị ra khơi của cựu ca sĩ. Họ chẳng thấy cô Posh (sang) tí nào, và khát khao được trở thành một nhà thiết kế của cô lại càng khiến họ thấy chướng.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Một trong những bộ cánh khiến giới mộ điệu hoài nghi về biệt danh "Post Spice" của Victoria Beckham. Từ mái tóc bob lộn xộn cho đến chiếc đầm ôm mang đậm sắc màu vũ trường, hình ảnh này của Vic khiến lời lẽ cay nghiệt của Naomi Campbell được nhắc lại: "Trên người cô có cái gì xứng để được gọi là SANG TRỌNG vậy?".

Để có thể được trải nghiệm cảm giác của một nhà thiết kế, Vic phải lân la hợp tác với các thương hiệu cò con như kính mắt Linda Farrow, nước hoa Coty và phụ kiện Samantha Thavasa. Những cú bắt tay này không giúp Vic khai sinh ra loạt sản phẩm cao cấp như tham vọng, nhưng bù lại giúp cô hiểu rõ cách thức mà guồng quay vận hành. 

Khi kinh nghiệm đã tích lũy đủ và sự tự tin đạt tới cảnh giới cao nhất, vào tháng 9 năm 2008, Vic tụ họp những tay cộm cán của làng tạp chí đến một khán phòng tại khách sạn Waldorf (New York), tự tay giới thiệu 10 mẫu váy do chính cô khai sinh và lý giải cặn kẽ về từng chất liệu, đường cắt lẫn ý niệm ẩn sâu; không ngại đối diện với những cái nhìn đầy hoài nghi của giới chuyên môn vốn cay nghiệt trong từng câu từ.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Dân tình có hoài nghi với Victoria Beckham cũng là dễ hiểu. Cô không được đào tạo chính quy, mò mẫm thời trang thông qua bản năng là chính.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Các thiết kế debut của bà Beck được khen hết lời vì tính thanh tao và ứng dụng. Chúng có giá dao động từ 1.145 USD and đến 3.350 USD, và chỉ được sản xuất giới hạn 400 chiếc.

Trái ngược với mường tượng ban đầu, chính sự tận tụy và tinh thần cởi mở xen lẫn khiêm tốn của Victoria Beckham đã chinh phục được đông đảo báo giới. Họ khen ngợi các thiết kế là tinh tế với sự hài hòa trong từng đường nét, phom dáng. Thậm chí tạp chí Time còn khẳng định "BST vô cùng ấn tượng, hoàn thiện, không một chút sai sót nào".

Nói cách khác, Victoria Beckham đã thành công rạng rỡ ngay từ đầu tiên.

Chiếc váy "ám quẻ" để lộ nghi vấn có người giật dây cả một sự nghiệp

Màn debut của Victoria Beckham tương đối ngoạn mục, nhưng vẫn tồn tại một chi tiết khiến dấy lên không ít hoài nghi. Chả là một chiếc đầm đen trong BST chào sân của Vic sao mà giống y chang sáng tạo của 'lão đại' làng mốt: Roland Mouret. Oái oăm ở chỗ bộ cánh bản gốc lại được đích thân bà Beck trưng trổ khắp các thảm đỏ danh tiếng từ vài năm trước.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Hình ảnh Victoria Beckham tại California (Mỹ) vào năm 2007, trong thời kỳ nỗ lực 'rửa phèn' với váy áo thanh lịch. Trong ảnh, cô diện chiếc đầm Galaxy trứ danh của thương hiệu Roland Mouret.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Nếu so sánh một mẫu đầm trong BST debut của Victoria Beckham (màu đen, bên phải) với chiếc đầm Roland Mouret (màu vàng, bên trái); ai không biết sẽ tưởng nhầm cả hai chiếc đều được đẻ từ cùng một lò. Chúng đều có dáng siêu ôm, chiều dài vừa đến đầu gối, corset ẩn bên trong và khóa kéo dọc thân váy được đặt sau lưng. Đặc biệt, Victoria Beckham đều diện chúng vào năm 2008, cũng là năm cô chính thức chào sân với danh nghĩa nhà thiết kế.

Chính sự tương đồng đáng ngờ từ phom dáng, đường cắt cho tới chất liệu, thậm chí cả lời đề tựa gửi khách hàng đã khiến giới chuyên môn ngờ rằng Victoria Beckham tự biến bản thân thành một chiếc máy photocopy. Có thể nói, chiếc váy đen là nguồn cơn cho những hoài nghi ập tới với sự nghiệp thiết kế còn non trẻ của bà Beck. Và họ hoàn toàn có cớ để nghi ngờ, bởi dù vỗ ngực rằng các sáng tạo của mình hoàn toàn nguyên bản nhưng ngay đến việc cầm bút vẽ phác thảo cũng đã là điều khó khăn với Vic.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Không biết có dùng chung 'văn mẫu' nào không mà lời đề tựa gửi khách hàng của bà Vic và Roland Mouret hao hao nhau từ văn phong cho tới phông chữ.

victoria thiet ket
Và bởi Victoria Beckham chơi rất thân với Roland Mouret, nên một thuyết âm mưu khác được đặt ra...

Sau khi ngờ vực dấy lên, hàng loạt trang báo bắt đầu mổ xẻ và đặt giả thuyết rằng chính Roland Mouret mới là người giật dây tất cả còn Vic chỉ là một ngôi sao mang tên tuổi đi bán cho nhà thiết kế Mouret để hưởng lợi. Đến lúc này, đội ngũ PR của bà Beck mới lên tiếng tuyên bố "Roland Mouret không tham gia bất kỳ vào công đoạn nào của quá trình thiết kế"; tuy nhiên ông có công giới thiệu đội ngũ bao gồm đội cắt vải, nhà cung cấp chất liệu và cả xưởng may cho bà Beck. Còn có tin phong thành rằng NTK người Pháp đến tận xưởng may của Victoria Beckham tại miền Nam London để giám sát mọi việc.

Thế nhưng chi tiết khiến thanh thế của Vic tổn hại nghiêm trọng là khi tên tuổi 'trùm cuối' bị bại lộ. Đó chính là Simon Fuller - 'ông trùm' của làng giải trí Âu Mỹ với loạt chương trình Idol lừng lẫy, đồng thời là quản lý của vợ chồng Bechkham, siêu mẫu Claudia Schiffer, Annie Lennox, Amy Winehouse, đặc biệt là nhóm The Spice Girls… Và chính quý ông Simon cũng là nhà đầu tư đứng sau thương hiệu Roland Mouret. Chi tiết này khiến mọi nghi ngờ càng quy về một mối, cho rằng Simon đứng sau chỉ đạo để NTK người Pháp hỗ trợ tối đa cho bà Beck bất chấp thực tế những mẫu sáng tạo nguyên bản sẽ bị chia 5 xẻ 7.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Simon Fuller (thứ hai từ phải qua) được cho là 'trùm cuối' đứng sau giật dây, thao túng cả hai thương hiệu Victoria Beckham lẫn Roland Mouret. Cho đến hiện tại đã 14 năm trôi qua, bà Beck vẫn luôn bị hoài nghi năng lực chỉ vì tình tiết này trong câu chuyện khởi nguồn từ chiếc váy màu đen năm 2008.

Và hiện tại 'thảm hại' của cả thầy lẫn trò...

Năm 2013, Victoria Beckham dõng dạc tuyên bố công ty thời trang của mình đã kiếm được trên dưới 50 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Giới chuyên môn cũng khen lấy khen để khi cô nhận được giải "Thương hiệu nhà thiết kế xuất sắc" tại Lễ trao giải thời trang Anh ở London, tuy nhiên một vài 'cây đa cây đề' nhất quyết không công nhận thành công của Vic.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Các sáng tạo tiếp theo của Victoria Beckham vẫn được báo giới đánh giá cao, phần nào giúp bà mẹ 4 con nguôi ngoai những đòn công kích từ 2008.

Và bộ đôi Dolce&Gabbana chính là những cái miệng không ngại 'đá thúng đụng nia' bà Beck. Chẳng hạn Gabbana còn ám chỉ thương hiệu của Posh Spice không có cửa sánh với các tên tuổi như John Galliano hay Alexander McQueen, trong khi Dolce còn liệt thẳng Victoria Beckham vào chung danh sách 'hàng bình dân' cùng Zara và H&M. Tuy có hơi phũ mồm nhưng quả thật 'đường dài mới biết ngựa hay', và đúng là thương hiệu của Vic ngày càng đuối sức.

Vào cuối 2021 - 2022, báo cáo tài chính của thương hiệu Victoria Beckham đã khiến vô số người phải ngã ngửa. Bởi sau những hào quang do chính nhà Beckham tự vẽ nên thì hóa ra thương hiệu này chỉ toàn lỗ là lỗ.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Hóa ra thương hiệu Victoria Beckham lỗ 'chổng vó' cả chục năm đổ lại đây. Hai khoản lỗ đáng báo động là 16,8 triệu bảng vào năm 2019 và 8,6 triệu bảng hồi 2020. Tổng số lỗ hiện tại đã lên tới 76,7 triệu USD!!!

Tính đến thời điểm hiện tại, dường như David đã gánh 'còng lưng' cả sự nghiệp thời trang của vợ khi phải liên tục bơm tiền cho công ty Victoria Beckham Ltd. Toàn thể công ty lo rằng nếu đức ông chồng không rót tiền cá nhân, công ty ắt sẽ đổ vỡ tan tành. 

Nguyên nhân được vạch ra là bởi dường như Vic làm thiết kế cho thỏa lòng là chính, chẳng thèm bận tâm đến áp lực đồng tiền. Các thiết kế của cô càng lúc càng mang đậm dấu ấn cá nhân đi kèm mức giá quá đắt đỏ, khiến cánh khách hàng cho rằng số tiền bỏ ra không xứng đáng với đẳng cấp thương hiệu. Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng góp phần không nhỏ trong quá trình lao dốc của cả thương hiệu.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Thương hiệu Victoria Beckham tuy chất lượng cao nhưng không có câu chuyện dẫn dắt khách hàng, càng không có kho di sản lồng lộng để khai thác như Fendi, Prada, Salvatore... Giá quá đắt của thương hiệu khiến giới khách hàng lần lượt mò sang các nhà mốt khác là điều dễ hiểu. Hiện ngày càng ít các fashionista hay siêu sao chọn diện thiết kế của bà Beck.

Và nếu coi Victoria Beckham là 'trò', Roland Mouret là 'thầy' thì số phận của thương hiệu 'thầy' cũng thảm hại không kém. Cụ thể vào năm ngoái, NTK đã phải cắn răng đóng cửa flagship store tại London một cách vô cùng đột ngột, bán tống bán tháo mọi đồ nội thất xa xỉ. 84 nhân viên cũng bởi thế mà tự dưng rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tình hình tài chính của Roland Mouret vốn bi đát từ lâu. Từ khi thương hiệu Victoria Beckham ra đời với các thiết kế hao hao cùng tầm phủ sóng rộng khắp, Roland Mouret đã suýt bị phá sản vào năm 2010. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến thương hiệu này khi tước đi 95% khách hàng, khiến tổng doanh thu vào năm 2019 chưa đầy 1 triệu bảng Anh. Trong một bài phỏng vấn với DailyMail vào năm 2021, ông thừa nhận 20 năm sự nghiệp đã bốc hơi chỉ trong vài ngày và muốn gầy dựng lại cũng phải tốn hàng năm trời dai dẳng.

su nghiep thoi trang lui tan cua victoria beckham 1
Roland Mouret là thương hiệu 'ruột" của Meghan Markle, nhưng ngần ấy cũng không thể cứu nổi NTK người Pháp khỏi tương lai mù mờ.

Suy cho cùng, cả Victoria Beckham và Roland Mouret đều là những tay 'cứng cựa' trong làng mốt nhưng xuống dốc không phanh khi thời thế thay đổi. Tương lai của cả hai thương hiệu đều như 'mành treo trước gió', đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cải tổ cũng như nắm bắt thị hiếu khách hàng. Thôi thì đành nói lại câu 'đường dài mới biết ngựa hay', và chúc cả hai thật nhiều may mắn!

Afamily (Nguồn: Evoke, Vogue UK, Harper's Baazar UK)