Một số nguyên nhân trong quá trình xin visa hoàn toàn có thể tránh được, chỉ cần du khách cẩn thận và trung thực khi làm hồ sơ.
Nhiều du khách có điều kiện về kinh tế, nhưng khi làm visa để du lịch nước ngoài lại gặp khó khăn và bị đánh trượt. Khi các đại sứ quán gửi thư từ chối visa, đa số du khách chỉ biết một cách chung chung lý do "có nghi ngờ về việc quay lại Việt Nam", "mục đích nhập cảnh không đáng tin cậy". Nguyên nhân du khách bị từ chối tương đối đa dạng, nhưng phần lớn có thể tránh được nếu bạn có mục đích và khả năng thực sự cho việc đi du lịch nước ngoài.
Hồ sơ lộn xộn
Khi xin visa châu Âu, du khách có lịch sử dày dặn là một điểm cộng. Ảnh: NVCC
Chuẩn bị hồ sơ chính là việc tra chìa khóa vào "ổ khóa visa". Hồ sơ tốt đồng nghĩa với việc bạn tra được đúng chìa khóa vào ổ, và ngược lại.
Đầu tiên, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn lập hồ sơ xin visa trên website chính thức của đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Thông thường hướng dẫn này có đầy đủ danh mục giấy tờ cần thiết, số lượng từng loại, có cần công chứng hay không, có cần nộp bản gốc hay không, ảnh thẻ cần chụp kích cỡ nào. Bạn làm chính xác theo hướng dẫn thì hồ sơ đã đạt hơn một nửa yêu cầu.
Tuy vậy, nhiều du khách vẫn lúng túng khi chuẩn bị hồ sơ: cần nộp bản công chứng tiếng Anh nhưng chỉ nộp bản công chứng tiếng Việt, cần nộp bảng lương có dấu đỏ thì chỉ nộp bản photo, ảnh thẻ cần chụp nền trắng thì lại nộp ảnh nền xanh, mức bảo hiểm du lịch yêu cầu cao nhưng lại mua nhầm gói bảo hiểm thấp.
Sắp xếp hồ sơ theo đúng thứ tự trong hướng dẫn cũng là cách để lấy điểm trong mắt người duyệt visa. Có những du khách nộp hồ sơ vài chục trang nhưng sắp xếp lộn xộn, khiến người duyệt mất kiên nhẫn hoặc không đọc hết được giấy tờ, khiến nguy cơ trượt visa tăng.
Thông tin không trùng khớp
Một yêu cầu cơ bản của việc xin visa là mọi thông tin trong các giấy tờ phải trùng khớp nhau. Nhiều du khách không cẩn trọng nên khai thông tin sai lệch, mà chỉ một chút sai lệch cũng khiến cho mục đích của chuyến đi bị nghi ngờ. Ví dụ: thời hạn trên giấy chứng nhận bảo hiểm không khớp với thời gian bay đi và bay về, số ngày đặt phòng khách sạn ít hơn hoặc nhiều hơn số ngày bạn ở nước đó, thời gian trên giấy nghỉ phép của bạn ngắn hơn thời gian của chuyến đi.
Để bộ hồ sơ chính xác, chuẩn khớp và minh bạch không khó, chỉ cần bạn tỉ mỉ và tập trung trong quá trình làm hồ sơ. Tờ khai visa cần được điền đầy đủ và cẩn thận, mọi thông tin như ngày sinh, số hộ chiếu, địa chỉ hộ khẩu đều cần khớp đến từng chữ từng số như giấy tờ gốc của bạn.
Lịch sử đi lại quá mỏng
Không phải là yếu tố quyết định, nhưng việc bạn từng đi nhiều quốc gia trước đây sẽ là điểm cộng cho việc bạn đỗ visa. Nếu ngay lần đầu bạn đi nước ngoài mà cầm quyển hộ chiếu trắng trơn để xin visa các nước yêu cầu cao như Mỹ, Australia hay châu Âu thì khả năng đỗ visa có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, trong những chuyến "xuất ngoại" đầu tiên, bạn có thể đến những nước láng giềng Đông Nam Á, vốn có chính sách miễn visa cho du khách Việt Nam và cũng khá hấp dẫn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, sau đó là các nước Nam Á, Đông Á, Đông Bắc Á có chính sách visa dễ chịu như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Khi lịch sử du lịch của bạn tương đối dày, bạn sẽ dễ xin visa của các nước yêu cầu cao.
Chứng minh tài chính hoặc nhân thân không rõ ràng
Nhiều du khách cho rằng giàu có, có gia đình và sự nghiệp thì dễ xin visa. Trên thực tế, các du khách thu nhập không cao, độc thân, thậm chí không làm trong một cơ quan, tổ chức nào vẫn có thể xin được visa du lịch, miễn là chứng minh tài chính và nhân thân rõ ràng.
Trên hồ sơ, bạn cần thể hiện được mình có đủ tiền để chi trả cho chuyến đi và có đời sống tài chính cá nhân lành mạnh. Không nhất thiết bạn phải có nhiều sổ tiết kiệm, sổ đỏ, hoặc giấy tờ xe nhưng trên bản sao kê tài khoản cá nhân (do ngân hàng cấp) cần có mức thu và chi tiền hàng tháng tương xứng với số tiền định bỏ ra cho chuyến đi. Nhiều du khách xin visa châu Âu nhưng tài khoản chi tiêu hàng tháng chỉ vài ba triệu đồng, như vậy người duyệt visa không thể tin tưởng người đó có đủ tiền đi du lịch và có mục đích du lịch thực sự.
Học sinh, sinh viên, người lao động tự do hoàn toàn có thể xin visa, và cần chứng minh nhân thân rõ ràng bằng tất cả các giấy tờ hữu ích, cho thấy bạn đang có cuộc sống ổn định tại Việt Nam: thẻ học sinh, sinh viên, các loại giấy chứng nhận, bằng khen, chứng chỉ qua các cuộc thi hoặc hoạt động cộng đồng từng tham gia, các sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang cung cấp, trang bán hàng bạn đang quản lý, thư giới thiệu của người đang hợp tác hoặc đang thuê bạn làm việc. Những giấy tờ này thường không có trong danh mục yêu cầu của đại sứ quán, nhưng bạn bổ sung sẽ càng tốt cho việc tăng cường lòng tin của người xin visa đối với bạn.
Du khách nên đầu tư xây dựng lịch trình, thư xin visa và giấy tờ minh bạch, trung thực để hồ sơ được duyệt. Ảnh: NVCC
Lười lên lịch trình
Trên các diễn đàn, hội nhóm về du lịch, bạn có thể thường xuyên bắt gặp những du khách xin lịch trình để copy vào hồ sơ xin visa. Đây là một thao tác sai lầm, dễ khiến bạn bị trượt visa, bởi bạn rất dễ bỏ sót hoặc nhầm lẫn các chi tiết trong lịch trình. Lịch trình đó vốn không phải do bạn lập ra, bạn sẽ không nhìn thấy sự bất hợp lý.
Việc lên lịch trình rất quan trọng cho mỗi chuyến đi nên hãy dành thời gian để chuẩn bị thật chi tiết, hoàn chỉnh. Người duyệt visa sẽ nhìn vào đó để đánh giá mục đích thật sự của bạn trong chuyến đi này có đúng là du lịch hay không, bạn có nghiêm túc hay không. Lịch trình hợp lý và càng chi tiết càng tốt: bay đến nước đó bằng chuyến bay của hãng nào, số hiệu, giờ bay đến và giờ về Việt Nam, tại đó bạn di chuyển giữa các địa điểm bằng tàu hoặc xe gì, mỗi thành phố tham quan bao lâu, địa chỉ khách sạn ở từng nơi, địa chỉ mỗi điểm tham quan, giá vé, giờ đóng mở cửa. Một số du khách chỉ lập lịch trình rất đơn giản cũng đỗ visa, bởi các yếu tố khác trong hồ sơ đã đủ "mạnh". Còn nếu hồ sơ của bạn mỏng thì lịch trình chi tiết là yếu tố quan trọng.
Lười viết thư xin visa
Tương tự như lịch trình chuyến đi, rất nhiều du khách chỉ muốn copy thư xin visa từ trên mạng để đưa vào hồ sơ cho đầy đủ mà không biết rằng đó là một điểm trừ khá lớn. Việc viết thư tương đối đơn giản, bạn chỉ cần nói rõ mục đích chuyến đi, vì sao bạn lại chọn quốc gia đó làm điểm đến, và cam kết sẽ quay về sau khi kết thúc hành trình. Trong phạm vi một trang giấy, bạn có thể tạo lòng tin cho người duyệt hồ sơ bằng sự chân thành và trung thực của mình - đó là điều kiện quan trọng bậc nhất để bạn đỗ visa.
Theo VnExpress