Lý do nhiều đơn xin visa có kèm theo con được Bộ Nội Vụ chấp nhận dễ dàng

Trong vài năm gần đây số lượng người Việt xin visa theo diện gia đình, "mẹ ăn theo con" tự dưng tăng đột biến, hầu như các hồ sơ này không sớm thì muộn cũng được Bộ Nội Vụ hoặc toà chấp nhận, cấp visa ở lại Anh Quốc. Trong bài viết này, VietHome xin gửi tới bạn đọc những thông tin xung quanh luật này, cùng với văn bản do chính Bộ Nội Vụ gửi tới các nhân viên xét duyệt hồ sơ để hướng dẫn họ cách từ chối hoặc chấp nhận đơn xin.

Người Việt chúng ta có câu "Biết người biết ta, trăm trận thắng". VietHome hi vọng việc hiểu rõ luật và cách suy nghĩ của người xét duyệt hồ sơ sẽ giúp ích cho chúng ta hơn. Đặc biệt là khi đi tìm luật sư, bởi có nhiều luật sư cũng rất "gà mờ", điền sai 1 thông tin là làm ảnh hưởng tới 10 năm chờ đợi của người làm đơn. 

Cách xin visa ở lại trước đây

Việc xin visa "mẹ theo con" không phải là mới, nó đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, nhưng chỉ mới vài năm trở lại đây số lượng người được chấp nhận theo diện này mới tăng đột biến. Đơn xin theo dạng này cũng được xử lý nhanh chóng. 

Hầu hết người xin theo luật này dựa vào Điều 8 của Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền. Luật Nhập Cư của Anh Quốc tại thời điểm đó không có luật này và cũng không có hướng dẫn chính xác cách xử lý. Chính vì thế ban đầu những hồ sơ đó sẽ bị từ chối. Chỉ khi kiện ra toà án thì luật này mới được sử dụng để xem xét và lúc đó các hồ sơ mới có cơ hội được chấp nhận. Thời gian chờ đợi việc này rất lâu và tốn chi phí cho cả 2 bên.

Chính sách nhập cư thay đổi từ năm 2012

Kể từ 2012, Chính Phủ đã "xốc lại" toàn bộ luật nhập cư và các loại visa, trong đó:

  • Diện ở lại theo luật 14 năm bất hợp pháp đã bị tăng lên thành 20 năm (không tính thời gian ở tù) 
  • Trẻ em dưới 18 tuổi nhưng đã ở Anh Quốc hơn 7 năm được phép xin visa ở lại
  • Nếu người xin visa trên 18, dưới 25 tuổi đã sống ở Anh Quốc hơn một nửa cuộc đời của mình thì cũng được xét duyệt. 

Nếu như trước đây người Việt xin giấy tờ tị nạn ở lại chỉ được 2-3 năm rồi cứ phải chờ đợi không biết khi nào được vĩnh viễn, thì giờ đây Bộ Nội Vụ đã vạch ra các con đường (Route) cụ thể cùng với thời gian cho phép xin vào Vĩnh Viễn.

Đặc biệt và quan trọng hơn là luật xin visa theo diện Cuộc Sống Riêng Tư, Gia Đình (Family Private Life Route) đã được giới thiệu vào luật nhập cư và có hướng dẫn cụ thể để nhân viên Bộ Nội Vụ biết cách xét duyệt. Trong đó có phần quan trọng và ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết nhiều người Việt không có giấy tờ, muốn xin visa ở lại Anh Quốc: "Best Interests of a Child" - "Lợi ích của trẻ em".

Lợi ích của trẻ em 

Nếu để ý bạn sẽ thấy VietHome để ngoặc kép cụm từ "Mẹ ăn theo con". Lý do vì thực ra không có luật "Mẹ ăn theo con", các hồ sơ xin có con cái kèm theo thực chất ra là "yếu tố có con hỗ trợ cho quyết định xử lý đơn xin visa của bố mẹ". Chứ con cái không có xin cái gì để bố mẹ được ăn theo visa. 

Trong luật visa Family Private Life ( Cuộc sống cá nhân, gia đình ) có nhiều thể loại khác nhau. Tuỳ thuộc vào tình trạng và điều kiện của mỗi cá nhân, họ có thể xin visa theo các loại này. Mỗi loại cũng có quy định về thời hạn được phép ở lại ( 2 năm, 5 năm hoặc 10 năm ). 

Trong văn bản hướng dẫn các nhân viên Bộ Nội Vụ xử lý hồ sơ có liệt kê những điều kiện để xét duyệt hồ sơ xin visa. Trong đó, nếu hồ sơ không đạt đủ điều kiện thì họ sẽ phải xem xét tới lợi ích của con của những người làm đơn. (Best Interests of a Child). VietHome xin trích lại 1 phần hướng dẫn ở đây:

"Mục này hướng dẫn cách xem xét lợi ích của trẻ em đi kèm hồ sơ xin visa. Kết hợp với các điều kiện khác trong luật The Family and Private Life Immigration Rules, người xét duyệt có thể từ chối hoặc chấp nhận cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi của đứa trẻ. 

Những trường hợp sau sẽ được xem xét kĩ lưỡng: 

  • - Đứa trẻ dưới 18 tuổi và đang có mặt ở Anh Quốc 
  • - Đã có quốc tịch Anh hoặc đã sống ở Anh Quốc trong 7 năm liên tục. 
  • - Đứa trẻ không thể rời khởi Anh Quốc

Người xử lý hồ sơ phải đánh giá hết hoàn cảnh và những yếu tố ảnh hưởng xung quanh cuộc sống của người xin visa ở lại. 

Quyền lợi và sự an toàn của trẻ em sẽ là điểm chính, nhưng không phải là điểm duy nhất và quan trọng nhất khi đánh giá các hồ sơ xin visa này.

Quyền lợi của trẻ em không phải là lý do đầu tiên khi xét duyệt mà người xử lý hồ sơ phải đánh giá tổng thể và giải thích rõ ràng trong thư quyết định khi đã có kết quả.

Đánh giá mối quan hệ ràng buộc bố mẹ và con cái

  • Quan hệ của trẻ và người làm đơn là gì ? Con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ/chồng?
  • Người làm đơn có phải là người duy nhất chăm sóc cho trẻ? Người làm đơn có sẵn sàng chăm sóc cho trẻ sau này?
  • Đứa trẻ có sống cùng người làm đơn ? Nếu không thì bao lâu gặp nhau một lần ? Người làm đơn có đóng góp gì vào cuộc sống của đứa trẻ ? 

Những trường hợp sau cần phải được điều tra và tìm hiểu thêm: 

  • Người làm đơn không có mối liên lạc hoặc ít liên quan tới đứa trẻ. 
  • Người làm đơn chỉ hỗ trợ về mặt tài chính 
  • Hoặc đứa trẻ hoàn tòan có thể sống tự lập . 
  • Đứa trẻ có thể rời Anh Quốc không?

Một số trường hợp liên quan tới người làm đơn đã từng phạm tội và có thể phải về nước nếu bị từ chối đơn xin ở lại thì người xét duyệt phải đánh giá lại khả năng rời khỏi Anh Quốc của đứa trẻ. 

Nếu quốc gia mà người làm đơn sẽ bị đuổi về nằm ngoài Châu Âu thì người xét duyệt cần xem xét lại bởi có thể đứa trẻ cũng sẽ phải đi theo. Thường thì các trường hợp này sẽ được chấp nhận ở lại ( nếu vẫn đạt được các điều kiện về mối quan hệ ở trên ) 

Tuy nhiên, nếu đứa trẻ vẫn có thể sống với người khác thì người xét duyệt có thể từ chối đơn xin visa. 

Ngoài ra, người xét duyệt cần đánh giá ảnh hưởng của việc chia ly giữa trẻ em và bố mẹ của trẻ. Người xét duyệt có thể hỏi cấp trên hoặc lấy thêm tư vấn từ Office of the Children’s Champion trước khi ra quyết định.

Dưới đây là trình tự khi xét duyệt những hồ sơ theo diện Gia Đình, Cuộc Sống Cá Nhân (Family Life, Private Life) :

- Xét duyệt dưới luật Nhập Cư trước ( Immigration Rules)

- Nếu đơn bị từ chối thì phải xem xét các điều kiện ngoại lệ không nằm trong luật Immigration Rules. 

- Nếu cả 2 trường hợp trên đều không thoả mãn thì sẽ phải chuyển hồ sơ cho European Casework để xét theo luật Châu Âu, trong đó sẽ tính đến yếu tố có kèm trẻ em như nêu trên. Sau khi European Casework xem hồ sơ xong, họ sẽ gửi kết quả cho người xử lý hồ sơ trực tiếp này để trả lời cho người làm đơn."

Trên đây là một phần trong văn bản hướng dẫn nhân viên Bộ Nội Vụ xét duyệt hồ sơ visa theo diện Family Life, Private Life. VietHome hi vọng thông tin này sẽ có ích cho những ai đang ở trong hoàn cảnh này. Nếu bạn đọc có câu hỏi hoặc muốn tư vấn chi tiết hơn có thể vào mục Hỏi Đáp Cộng Đồng để trao đổi và giải đáp. 

Nếu bạn đọc biết những thông tin hữu ích, xin hãy liên hệ với VietHome để chúng tôi tìm hiểu thêm và phổ biến lại cho cộng đồng. 

VietHome