Bạn đọc hay theo dõi tin tức trên VietHome đều đã biết, chính phủ Anh có quyền tước quốc tịch Anh của bất kì ai vi phạm. Những trường hợp này chủ yếu là khủng bố, gây nguy hại đến an ninh của Vương Quốc Anh. Trong khi luật tước visa vĩnh viễn có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau.
Gần đây có một số người Việt bị tịch thu visa Vĩnh Viễn (Indefinite Leave) vì đã lừa dối chính phủ để có được visa đó. Điển hình là các trường hợp có bằng tiếng Anh bằng việc trả tiền mua bằng, học ở trường ma. Khi đi qua cửa khẩu, Hải Quan Anh Quốc có quyền hỏi lý do, nguồn gốc visa vĩnh viễn. Nếu họ phát hiện ra do gian lận mà có, thì họ có quyền tước bỏ visa vĩnh viễn.
Dưới đây là tài liệu do Bộ Nội Vụ Anh công bố, giải thích những trường hợp nào sẽ bị tước visa vĩnh viễn (Indefinite Leave).
Giới Thiệu về luật này
Một người nhập cư sống ở Anh Quốc có thể được cấp visa vĩnh viễn để đi lại và sống ở đây một cách tự do. Việc có được visa vĩnh viễn có thể qua nhiều con đường khác nhau như tị nạn, kết hôn, bảo lãnh gia đình, đi làm..v..v
Khi có visa vĩnh viễn, người đó sẽ không bị giới hạn bởi luật nhập cư, có thể ra vào tự do và đi làm ở Anh.
Tuy nhiên, visa vĩnh viễn vẫn có thể bị Bộ Nội Vụ thu hồi lại nếu như:
- Người đó có lệnh trục xuất khỏi Anh nhưng Anh Quốc không thể trục xuất vì lý do nhân quyền.
- Người đó có được visa vĩnh viễn do lừa dối.
- Ra khỏi Anh Quốc hơn 2 năm.
- Tước quyền tị nạn vì những hành động sai trái của họ trong quá khứ.
Mục đích của việc đưa ra quy định này là nhằm bảo vệ cho cộng đồng chung, tránh việc luật bị lạm dụng, đồng thời những người đã từng phạm tội sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Thu Hồi Visa Vĩnh Viễn.
Theo Phần 76 (Section 76) của luật Nationality, Immigration and Asylum Act 2002, Bộ Nội Vụ có quyền lực thu hồi lại visa vĩnh viễn của những người :
- Có khả năng bị trục xuất, nhưng vì lý do luật chưa cho phép nên tạm thời chưa trục xuất được.
- Gian dối để có được visa vĩnh viễn.
Trục xuất
Theo Phần 3 và 5 của luật Immigration Act 1971, Bộ Nội Vụ có quyền lực để trục xuất người đó ra khỏi nước nếu việc làm đó là thích đáng để bảo vệ cộng đồng.
Kháng cáo
Theo Phần 3D của luật Immigration Act 1971, nếu bị tịch thu visa vĩnh viễn, người đó sẽ được cấp visa tạm thời để chờ kháng cáo và xem xét lại .
Từ chối nhập cảnh tại cửa khẩu hải quan
Trong luật nhập cư (Immigration Rules) có viết, nếu người nhập cư có visa ( tạm thời hoặc vĩnh viễn) khi đến cửa khẩu hải quan, các nhân viên hải quan có quyền từ chối nhập cảnh và huỷ bỏ visa này. Tất nhiên, nhân viên hải quan sẽ phải hỏi qua ý kiến của cấp trên trước khi ra quyết định cuối cùng.
Những trường hợp sẽ bị từ chối nhập cảnh bao gồm:
- Cung cấp thông tin giả khi xin visa
- Cố che dấu sự thật
- Nếu hải quan cho rằng nên từ chối nhập cảnh để bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Những trường hợp sẽ không tịch thu visa ngay lập tức
Tuy nhiên, trong bản hướng dẫn luật Bộ Nội Vụ có nói rõ các trường hợp sẽ không bị tịch thu visa vĩnh viễn ngay lập tức.
Thời gian đã từng sinh sống ở Anh Quốc rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định tịch thu visa vĩnh viễn. Ví dụ: Nếu người đó gian lận giấy tờ từ cách đó hơn 5 năm, thì sẽ không bị tịch thu. Càng sống ở Anh lâu, thì khả năng bị tịch thu càng giảm. Mỗi trường hợp sẽ được xét cặn kẽ trước khi Bộ Nội Vụ ra quyết định cuối cùng.
Nếu sai sót thông tin là do chủ quan, người chủ visa không cố tình, thì cũng sẽ không bị tịch thu.
Dưới đây là những trường hợp bị tịch thu visa mà Viethome ghi nhận được:
Vài năm trước, khi Bộ Nội Vụ đưa ra yêu cầu phải thi bài thi Quốc Tịch và bằng tiếng Anh. Rất nhiều cơ sở, trường học được lập ra để thu tiền và cấp bằng.
Sau này những cơ sở đó bị phát hiện và ghi vào danh sách đen. Vì vậy một số người nhập cư đã từng có bằng ở đó sẽ bị hỏi và kiểm tra tại cửa khẩu hải quan.
VietHome ( theo Bộ Nội Vụ Anh)