Mẹ Việt đơn thân và con trai bị từ chối visa vì mắc bệnh viêm gan B

Sống ở nước ngoài chục năm, hai mẹ con Sidney Vo đối mặt với việc bị trục xuất chỉ vì cô bị viêm gan B, có lẽ là một trong các trường hợp cuối cùng. Các quy tắc dễ chịu hơn khi xét sức khỏe di dân mà chính phủ vừa thay đổi có vẻ… không dành cho cô!

Một bà mẹ đơn thân người Việt đang phải đối mặt với việc bị trục xuất khỏi Úc cùng con trai, vì cô bị viêm gan B, mặc dù chính phủ đã thay đổi các quy tắc về sức khỏe di dân, được thiết kế lại để những di dân mắc những căn bệnh mãn tính được nhiều ưu đãi hơn.

Nhiễm một thứ virus rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, thực sự không tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống hàng ngày của Sidney Vo, nhưng nó đã khiến cô mất cơ hội định cư tại Úc vĩnh viễn – mặc dù đã sống ở đây 10 năm.

“Tôi đã bị sốc vì nó đã ảnh hưởng đến visa đến vậy, tôi nghĩ rằng mình rất khỏe mạnh, về thể chất chuyện gì tôi cũng làm được”, Cô Vo sống ở Canberra nói với SBS News.

Tháng 7 năm nay, chính phủ đã thay đổi cách tính toán những gánh nặng tiềm năng mà người xin visa có thể đặt lên hệ thống y tế, để giúp những người mắc bệnh mãn tính đến Úc dễ dàng hơn.

Mức trần chi phí chính phủ đã chuẩn bị để điều trị mỗi ca được nâng từ $40 lên $49 ngàn đôla.

Đồng thời, khung thời gian để đánh giá chi phí chăm sóc đã thay đổi, từ trọn đời thành 10 năm, giúp những người di cư trẻ tuổi có cơ hội tốt hơn để vượt qua rào cản sức khỏe.

Giám đốc điều hành Hepatitis Victoria, bà Melanie Eagle hoan nghênh những thay đổi trên.

“Điều này có nghĩa là không ai mắc viêm gan B bị ngăn cản không thể xin visa hoặc bị ngăn cản di dân,” bà Eagle nói.

Nhưng các thay đổi về quy tắc này đã đến quá muộn đối với cô Vo và cậu con trai 12 tuổi Billy, vì hồ sơ của họ đã bị đóng lại trước khi những thay đổi trên có hiệu lực.

‘Hãnh diện là người Úc’

Cô giáo nhà trẻ này đặt chân đến Úc lần đầu vào tháng Hai 2009 khi còn là sinh viên. Con trai cô khi đó còn nhỏ xíu và cô Vo nói rằng, thằng bé nghĩ nước Úc là quê nhà của mình.

“Lần đầu tiên Billy đến Úc khi mới 19 tháng tuổi nên cậu bé không có bất kỳ ký ức hay hình ảnh nào về Việt Nam. Billy nghĩ Úc là đất nước và quê hương của con. Con hãnh diện là người Úc nhưng chúng tôi không phải là người Úc trên mặt luật pháp.”

Hai mẹ con được người dì và hai chị em của cô Vo hỗ trợ, họ đã là công dân Úc hoặc thường trú nhân sống ở Melbourne.

Cô Vo đã cầu xin Bộ trưởng Di trú David Coleman mở lại hồ sơ cho trường hợp của mình và xét lại dựa trên giới hạn chi tiêu y tế mới.

“Thật là tốt quá khi chính phủ làm điều gì đó để giúp những người có cùng hoàn cảnh với tôi dễ dàng hơn, nhưng tôi ước rằng sự kiện đó đến sớm hơn để chúng tôi có thể kháng cáo visa của mình”, Cô Vo ngậm ngùi.

Bộ trưởng Coleman từ chối trả lời phỏng vấn của SBS News, chuyển các câu hỏi đến Bộ Nội vụ.

Một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ đã phản hồi nhưng không bình luận trực tiếp về trường hợp của cô Vo, nhưng cho biết không có cơ hội nào mở lại các hồ sơ đã đóng.

“Bản cập nhật chính sách áp dụng cho tất cả các trường hợp chưa có quyết định và các đơn mới từ ngày 1 tháng Bảy 2019. Không thể được áp dụng hồi tố cho các hồ sơ xin visa đã hoàn tất,” một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ cho biết.

Bộ Nội vụ nói rằng tiêu chí sức khỏe di dân là “thực tế và cân bằng giữa lòng trắc ẩn và chi phí” bằng cách miễn trừ sức khỏe cho một số loại visa.

“Chính sách này đã tiếp tục bảo vệ cộng đồng Úc khỏi các rủi ro về an toàn và sức khỏe cộng đồng, bao gồm chi tiêu công cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cộng đồng, và bảo vệ sự tiếp cận của công dân Úc và thường trú nhân với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cộng đồng.”

Viêm gan B trong di dân

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 39 triệu người mắc bệnh viêm gan B mãn tính ở Đông Nam Á.

Một trong tám người Úc gốc Việt và gốc Cam pu chia bị nhiễm trùng gây viêm gan và có thể dẫn đến ung thư gan nếu không được kiểm soát.

Mặc dù không phải là di truyền, nhưng thường được truyền từ mẹ sang con qua chất dịch cơ thể mặc dù các loại vắc-xin hiện đang được triển khai trong một nỗ lực để quét sạch nhiễm trùng trong cơ thể người mẹ.

Những câu hỏi thường gặp từ những người di dân tương lai bị viêm gan B trong việc xin visa Úc đã thúc đẩy Hepatitis Victoria làm ra một hướng dẫn, trong đó chỉ các bước quy trình nộp đơn và các quy tắc về sức khỏe.

“Chúng tôi đã có những người bị từ chối đơn xin visa vì chi phí giả định trong tương lai mà họ có thể trở thành gánh nặng cho hệ thống y tế của chúng ta, và chúng tôi hiểu đó là một chi phí phân biệt đối xử”, Bà Eagle cho biết.

Bà cho biết các chi phí thường được tính dựa trên những ý tưởng lỗi thời về việc điều trị và đã không tính đến các cải tiến.

“Người dân, cho rằng trong tình trạng có kiểm soát, không còn là loại ‘gánh nặng’ cho hệ thống y tế như trước đây.”

Đặt lên bàn cân: giá trị và chi phí

Cô Vo rất có thể mắc bệnh viêm gan B khi còn nhỏ ở Việt Nam, uống một viên thuốc mỗi ngày để kiểm soát tình trạng này.

Trong khi một số loại visa làm việc tạm thời có giấy miễn trừ sức khỏe, thì visa làm việc vùng quê, loại mà cô Vo nộp đơn thì không được miễn trừ.

Cô kêu gọi chính phủ cân nhắc sự đóng góp của mình cho xã hội như một người làm việc toàn thời gian trong một ngành phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên, và là một giáo viên tình nguyện cho một trường Việt ngữ ở Canberra.

“Tôi tin rằng điều đó có lợi hơn nhiều so với những gì tôi làm chính phủ tốn kém,” cô nói.

Luật sư của cô Vo, Kathryn Viegas, cho biết cơ hội của cô sẽ được cải thiện rất nhiều nếu theo các quy tắc mới.

“Sự khác biệt giữa việc đánh giá chi phí của bạn trong khoảng thời gian 10 năm và trong suốt cuộc đời của bạn là rất lớn. Đối với một người như Sidney, một phụ nữ trẻ, sự khác biệt giữa 10 năm và 50 năm nữa của cuộc đời cô là rất lớn, và chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt cho mọi người trong tương lai.”

Bà Viegas, một luật sư và đại diện di trú từ Nomos Legal ở Sydney, cho biết khách hàng của bà đã chứng minh rằng cô xứng đáng trở thành thường trú nhân kể từ khi chuyển đến đây khi còn là sinh viên.

Vào thời điểm đó, cô ấy đã tự học, cô ấy đã nuôi dạy con trai mình, cô ấy đã gắn bó với một công việc làm nên giá trị cô ấy, và cô đã làm việc tình nguyện cho cộng đồng của mình, phải nói cô ấy khá là toàn diện.

“Cô ấy được biết đến nhiều trong cộng đồng của cô ở Canberra. Cô ấy có rất nhiều bạn bè và người thân ở Úc, vì vậy cô ấy chắc chắn có rất nhiều thứ để đóng góp ở đây.

“Thật không may, cô bị loại trừ vì tình trạng bệnh lý mãn tính này, mà rõ ràng là không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hàng ngày của cô.”

Cô Vo phải trở về Việt Nam vào giữa tháng 9 và đang cân nhắc xem có nên làm đơn xin một visa mới.

<p" style="text-align: right;">Viethome (theo SBS)