Ngày 20/12, EU đã đồng ý cải tổ hệ thống tị nạn của mình, bao gồm thêm nhiều trung tâm giam giữ biên giới và tăng tốc việc trục xuất người tị nạn, trong khi các tổ chức từ thiện dành cho người di cư chỉ trích những thay đổi này.
Các chính phủ, quan chức và đại biểu Nghị viện châu Âu EU đã ca ngợi hiệp định sơ bộ về tị nạn và di cư này là quyết định "lịch sử", và nó đã cập nhật các thủ tục để xử lý tình trạng người tị nạn ngày càng tăng, trong khi vẫn tôn trọng nhân quyền.
Những cải cách của EU đồng nghĩa với việc nhiều trung tâm giam giữ ở biên giới được thành lập để sàng lọc những người xin tị nạn. (Ảnh: AFP)
Cải cách lập pháp, đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa các nước thành viên EU và các nhà lập pháp khối, vẫn chưa được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chính thức thông qua.
Việc thông qua dự kiến sẽ được thực hiện trước tháng 6/2024, khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra.
Các đảng theo chủ nghĩa dân tộc, chống người nhập cư được dự báo sẽ giành được nhiều ghế hơn trong Nghị viện, phản ánh lập trường cứng rắn hơn của các cử tri EU đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận "lịch sử" về "cách tiếp cận công bằng và thực tế để quản lý di cư".
Nhiều nước EU, bao gồm: Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan cũng hoan nghênh hiệp định này.
Bộ trưởng Nội vụ Ý, Matteo Piantedosi gọi thỏa thuận này là một "thành công lớn" và nói rằng, các nước ở tuyến đầu như nước ông "không còn cảm thấy đơn độc".
Tuy nhiên, Hungary - quốc gia phản đối việc tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, hoặc trả tiền cho những quốc gia chấp nhận tiếp nhận người di cư đã từ chối thỏa thuận này.
Cải cách của EU bao gồm việc kiểm tra nhanh hơn những người di cư, tạo ra các trung tâm giam giữ người tị nạn ở biên giới, đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối và một cơ chế đoàn kết để giảm áp lực lên các quốc gia phía Nam đang hứng chịu dòng người di cư lớn.
Cuộc cải tổ, dựa trên đề xuất của Ủy ban đưa ra 3 năm trước, vẫn giữ nguyên nguyên tắc hiện có, theo đó quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh phải chịu trách nhiệm về trường hợp của họ.
Nhưng để giúp các quốc gia có số lượng người đến cao- như trường hợp của các quốc gia Địa Trung Hải là Ý, Hy Lạp và Malta, một cơ chế đoàn kết bắt buộc sẽ được thiết lập. Điều đó có nghĩa là có một số lượng nhất định người di cư được đưa sang các nước EU khác, hoặc các quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư sẽ đóng góp tài chính hoặc vật chất cho những nước thực hiện - điều mà Hungary kịch liệt phản đối.
Cải cách cũng đẩy nhanh việc kiểm tra những người xin tị nạn để những người được coi là không đủ điều kiện có thể nhanh chóng được đưa trở lại quê hương, hoặc quốc gia quá cảnh của họ.
Một điểm khác là đề xuất "phản ứng đột ngột", theo đó các biện pháp bảo vệ dành cho người xin tị nạn có thể bị hạn chế trong thời điểm dòng người tị nạn đến đáng kể, như đã xảy ra vào năm 2015-2016, khi hơn 2 triệu người xin tị nạn đến EU, nhiều người đến từ Syria bị chiến tranh tàn phá.
Hàng chục tổ chức từ thiện giúp đỡ người di cư đã chỉ trích những thay đổi này. Tổ chức từ thiện cứu hộ tàu Sea-Watch cho biết, thỏa thuận này "sẽ cướp đi nhiều sinh mạng hơn trên biển", đồng thời cho rằng, đó là "sự cúi đầu trước các đảng cánh hữu của châu Âu".
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết "kết quả có thể xảy ra là sự đau khổ gia tăng trên mỗi bước đi của một người trong hành trình xin tị nạn ở EU", trong khi Hội đồng Người tị nạn Đan Mạch phàn nàn rằng, "EU nên bảo vệ người tị nạn, chứ không phải gây khó khăn hơn cho họ".
Bất chấp những lo ngại này, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vẫn tuyên bố "hài lòng" với nỗ lực "thực hiện chính sách nhập cư nghiêm ngặt nhưng công bằng". Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết, thỏa thuận này là "một bước đi rất tích cực" và UNHCR "sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ" khi nó được thực hiện.
EU đang chứng kiến số lượng người nhập cư trái phép và yêu cầu tị nạn ngày càng tăng. Trong 11 tháng đầu năm nay, cơ quan biên giới Frontex của EU cho biết, đã có 355.000 lượt vượt biên trái phép vào khối, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cơ quan tị nạn EU, số người xin tị nạn trong năm nay có thể lên tới 1 triệu.
Theo Congly