Ngày càng có nhiều đối tượng quan tâm tới 'hộ chiếu vàng' - một loại giấy tờ cư trú hợp pháp có thể mua được bằng tiền hoặc rất nhiều tiền.
Thị trường 21,4 tỷ USD
"Hộ chiếu vàng" là hộ chiếu được một quốc gia cấp để đổi lấy khoản đầu tư hoặc quyên góp lớn. Do đó, giới siêu giàu hiện nay có thể dễ dàng sở hữu loại giấy tờ nhiều đặc quyền này.
Tuy nhiên, vì dễ sở hữu và nhiều đặc quyền nên "hộ chiếu vàng" đang trở thành công cụ thuận tiện của những đối tượng âm mưu trốn thuế, rửa tiền hoặc trốn án tù.
Điển hình, Jho Low, người Malaysia - một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới có rất nhiều "hộ chiếu vàng".
Low đã được cấp hộ chiếu nhờ chi một khoản đầu tư lớn tại Saint Kitts và Nevis, một quốc đảo nhỏ bé ở Caribe vào năm 2011. Low cũng nắm trong tay hộ chiếu Malta và Síp.
Theo Tiến sĩ Kristin Surak, Trường Kinh tế London, mỗi năm, khoảng 50.000 người có được quốc tịch thứ hai thông qua con đường này.
Investment Migration Insider, một tạp chí chuyên về di cư, định giá thị trường "hộ chiếu vàng" thế giới trị giá khoảng 21,4 tỷ USD. Đến năm 2025, thị trường này dự kiến tạo ra doanh thu 100 tỷ USD cho các quốc gia được hưởng lợi từ nó.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hơn 100 quốc gia đang thực hiện một số chương trình cấp hộ chiếu để đổi lấy đầu tư/tài trợ. Phần lớn trong số này ràng buộc một số điều kiện nhất định, nhằm tránh tội phạm lợi dụng.
Chẳng hạn như ở Canada, muốn được cấp hộ chiếu phải đầu tư từ 1,2 triệu đô la hoặc quyên góp từ 350.000 đô la. Song, họ sẽ phải đợi 5 năm trước khi có thể nhận được giấy tờ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang là điểm đến “hot” đối với những người muốn sở hữu “hộ chiếu vàng”. Ảnh: AFP.
Những "cái tên" được ưa thích
Tuy nhiên, OECD đã cảnh báo ít nhất 14 quốc gia có các chương trình cấp quyền công dân và cư trú có nguy cơ cao khiến hiệp ước toàn cầu về ngăn chặn trốn thuế và rửa tiền không được tuân thủ đầy đủ.
Phần lớn những cái tên trong số này là các quốc đảo Caribe: Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Dominica, Grenada, Saint Kitts và Nevis, và Saint Lucia. Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, các lãnh thổ hải ngoại của Anh như Turks và Caico, Seychelles ở Đông Phi cũng nằm trong danh sách trên.
Ngoài ra, còn có một số quốc gia lớn hơn như: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Síp và Malta.
Những quốc gia nằm trong danh sách này của OECD đều đang có các chương trình cấp quyền công dân hoặc quyền cư trú dài hạn nhanh chóng và dễ dàng.
Chỉ mất 3-4 tháng và số tiền quyên góp tối thiểu từ 100.000 USD là đã đủ để có được hộ chiếu ở Antigua và Barbuda, Dominica và Saint Lucia.
Dễ dàng như vậy khiến những quốc gia trên là đối tượng yêu thích của những người trốn chạy truy tố hoặc đang tìm kiếm một nơi an toàn để tiếp tục hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh trái phép.
Theo Interpol, các cơ quan quản lý chống rửa tiền và nhiều chính phủ đang gây áp lực để thắt chặt quản lý hoặc cấm hoàn toàn việc cấp "hộ chiếu vàng". Cho tới nay, họ đã đạt được một số thành công.
Bulgaria đã chấm dứt chương trình cấp quốc tịch cho nhà đầu tư, trong khi Ireland và Bồ Đào Nha thông báo đang loại bỏ các chương trình "hộ chiếu vàng" từng rất phổ biến của mình.
Tuy nhiên, việc cấm một số nước đóng chương trình "hộ chiếu vàng" cũng giống như việc bịt đầu này thì đầu khác hở ra. Ví dụ, Síp có thể dừng thực thi nhưng lại có quốc gia khác mở chương trình mới.
Malta, một quốc gia thành viên EU khác, đã chiếm vị trí của Síp trong bảng xếp hạng những nơi dễ dàng nhất để sở hữu quốc tịch thứ hai, mặc dù yêu cầu chi phí cao hơn (từ 1,2 triệu euro).
Ủy ban Châu Âu đã khởi kiện Malta ra Tòa án Công lý của EU. Tuy nhiên, ngay cả khi vụ kiện đó đang được tiến hành, các quốc gia khác như: Slovenia, Slovakia, Hungary và Áo vẫn đang tiếp tục các chương trình "hộ chiếu vàng" của riêng mình.
Luật sư Michael Kosnitzky, từng giúp nhiều người giàu có sở hữu quyền công dân thứ hai, chia sẻ: "Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là thị trường rất hot, chỉ yêu cầu đầu tư 400.000 USD, không yêu cầu thời gian lưu trú tối thiểu".
Theo Baogiaothong