Khi bạn cắt da cuticle cho khách, nhiễm trùng có thể xảy ra. Bãi biển, các hồ bơi và hồ nước đầy vi khuẩn. Chúng dễ dàng xâm nhập vào ngón tay và ngón chân sau khi làm nail về.
Sau khi làm pedicure, chân khách hàng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn khi để chân trần. Ảnh: iStock
Cách đây 2 năm, anh David Murgueytio, 40 tuổi, đi làm pedicure tại một tiệm nail ở Rockville, Maryland (Mỹ). Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.
Thợ nail dùng một chiếc kềm sắc bén và cắt da khóe móng chân của anh. "Người đó cắt rất sâu, tôi cảm thấy đau", anh nói. Sáng hôm sau, một ngón chân cái của anh bị tấy đỏ.
2 tuần sau, tình trạng sưng viêm không bớt khiến anh phải đi gặp bác sĩ. Lúc này móng chân đã chuyển sang màu xanh đen đáng sợ, nó gần như là màu đen. "Tôi đi lại rất khó khăn", anh nói.
Sau 14 ngày dùng kháng sinh thì ngón chân anh mới hồi phục. Bác sĩ cảnh báo anh không được chủ quan, vì để lâu nhiễm trùng có thể lan toàn bộ cơ thể. Anh đã rút ra một bài học: "Tôi sẽ tự cắt móng chân tại nhà".
Cuticle là một lớp da chết mỏng nằm giữa giường móng và da chân. Nó đóng vai trò là một hàng rào ngăn bụi bẩn và các mầm bệnh như vi khuẩn, nấm.
Tại các tiệm làm móng, thợ nail thường cắt sạch cuticle. Nếu làm không khéo có thể dẫn tới rách da, khiến vi sinh vật dễ xâm nhập. Vào mùa hè, chúng ta thường không thích mang tất hay giày. Mọi người mang dép, sandal hoặc đi chân trần ra hồ bơi, bãi biển. Nếu bạn vừa mới cắt cuticle hay làm pedicure thì điều này khá rủi ro.
"Tôi sẽ không bao giờ đi chân trần trên cát", giáo sư Adam Friedman cho biết. Ông là trưởng khoa da liễu tại trường y George Washington University School of Medicine and Health Sciences.
"Các phần tử nhỏ trong cát, vi khuẩn và vi sinh vật có thể chui qua khe hở da ở ngón chân, khiến ngón chân sưng viêm. Do đó Friedman khuyên bạn nên thoa kem mỡ, chẳng hạn Aquaphor hay Cetaphill, để chặn đường xâm nhập của mầm bệnh.
Khi bị viêm nhiễm quanh móng, chuyên gia da liễu Olabola Awosika từ phòng khám Pinnacle Dermatology ở Detroit khuyên bạn nên uống kháng sinh, đồng thời ngâm chân/tay vào giấm pha loãng với tỉ lệ 1 giấm: 2 nước. Ngâm trong 10-15 phút, thực hiện 3 lần mỗi ngày. Cách này vừa kháng khuẩn vừa kháng viêm. Ngoài ra bạn có thể pha muối Epsom vào nước ấm, ngâm 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 phút, thực hiện trong 5-7 ngày.
Nếu nhiễm trùng tái đi tái lại, bạn có thể phải bôi kem chứa steroid. Vì lúc này, có thể bạn đã mất hoàn toàn cuticle quanh móng, dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Lúc này móng chân/tay bị ố vàng, móng bị lật lên hoặc có sọc.
Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể phải loại bỏ hoàn toàn móng. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người tiểu đường có bệnh lý thần kinh ngoại biên. Bệnh này xảy ra khi tế bào thần kinh dẫn đến bàn tay và bàn chân bị tổn thương. Bệnh nhân không cảm thấy đau ở chi, do đó không biết mình bị nhiễm trùng. Vì thế họ chỉ đi khám khi đã bị nhiễm trùng nặng.
Nếu nhiễm trùng lan đến xương ngón chân, gọi là viêm tủy xương, vậy bạn sẽ phải phẫu thuật, thậm chí cưa bỏ. Do đó người tiểu đường nhất quyết không nên làm pedicure.
Viethome (theo Washington Post)