Móng tay bị tách ra làm nhiều lớp cảnh báo vấn đề sức khỏe gì?

Móng tay có thể nói lên rất nhiều điều về sức khỏe cơ thể. Móng yếu, giòn, đổi màu hoặc xuất hiện các đường vân đều là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Tương tự, móng tay bong tróc cũng không phải là ngoại lệ. Có một số nguyên nhân khiến móng gặp tình trạng này.

Trong các nguyên nhân khiến móng bị bong tróc thì một số là do thói quen sinh hoạt, trong khi số khác là do bệnh tiềm ẩn gây ra. Xác định đúng nguyên nhân có thể giúp bác sĩ tìm ra cách điều trị thích hợp, theo chuyên trang sức khỏe Prevention.

mong tay bong troc
Móng bị bong tróc làm nhiều lớp có thể là dấu hiệu của rối loạn tuyến giáp hoặc nhiễm nấm. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Những nguyên nhân phổ biến khiến móng bị bong tróc gồm:

Tay thường xuyên ướt

"Nguyên nhân phổ biến nhất khiến móng tay bị bong tróc là do móng bị ướt thường xuyên", bác sĩ da liễu Blair Murphy-Rose tại Bệnh viện New York-Presbyterian (Mỹ) chia sẻ.

Tình trạng này thường xảy ra với thợ làm tóc, lao công hoặc những người làm các công việc đòi hỏi phải ngâm tay trong nước thường xuyên. Không những vậy, môi trường nóng và độ ẩm cao cũng khiến móng tay dễ bị bong tróc. Nguyên nhân là do tiếp xúc với độ ẩm cao trong thời gian dài khiến móng bị phồng lên và mềm, dẫn đến dễ bị gãy, bong tróc khi có tác động vật lý.

Để ngăn móng tay bị bong tróc, mọi người cần đeo găng tay khi rửa chén hay làm các công việc tiếp xúc nhiều với nước. Nếu tay ướt thì cần sớm lau khô tay và thoa kem dưỡng ẩm chứa vitamin E.

Tiếp xúc hóa chất mạnh

Một số loại hóa chất, chẳng hạn chất có trong keo để gắn móng giả, hoặc chất tẩy rửa trong xà bông, bột giặt, nước lau sàn có thể làm móng khô. Móng quá khô cũng gây bong tróc.

Cách ngăn ngừa hiệu quả là hạn chế tiếp xúc với các hóa chất này, chẳng hạn mang găng tay khi giặt đồ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chọn các loại sản phẩm có nồng độ hóa chất tẩy rửa thấp hoặc loại hóa chất đó có nguồn gốc tự nhiên.

Thiếu chất

Móng tay bị bong tróc còn là do cơ thể thiếu canxi, sắt, vitamin D hoặc vitamin B. Đặc biệt, vitamin D và B đóng vai trò quan trọng giúp hình thành chất sừng, thành phần chủ yếu tạo nên móng.

Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau củ và thịt giàu protein có thể giải quyết tình trạng thiếu chất. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị bổ sung bằng một số thực phẩm chức năng.

Rối loạn tuyến giáp

Các dấu hiệu cảnh báo rối loạn tuyến giáp gồm thường xuyên mệt mỏi, lo lắng, mất tập trung thay đổi cân nặng và có cả bong tróc móng tay. Rối loạn tuyến giáp có thể khiến sự tái tạo da và móng chậm hơn. Hệ quả là khiến các mô cũ tồn tại lâu hơn và khiến móng giòn, dễ bong tróc.

Nhiễm nấm

Bệnh nấm móng có thể khiến móng dày lên, đổi thành màu trắng hoặc vàng nâu. Móng cũng có thể bị bong tróc thành từng lớp.

Khi nghi ngờ mình bị nấm móng, bạn hãy đến bác sĩ kiểm tra. Nếu thực sự mắc bệnh, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc chống nấm để giúp móng mau lành, theo Prevention.

Theo Thanh Niên