Hai vợ chồng cùng "song kiếm hợp bích", hỗ trợ nhau trong các công ty gia đình là kịch bản không hề mới ở Việt Nam. Với nhiều trường hợp, việc này không gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, thậm chí còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra trơn tru, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều câu chuyện ngoại lệ. Chẳng hạn câu chuyện của một vị đại gia ngành kềm nổi danh một thời, ông Trần Vĩnh Bảo.
Ông Bảo quê gốc ở Cần Thơ, sau đó ông lên Sài Gòn làm thợ sản xuất kềm. Nhờ đam mê với ngành, cộng thêm khả năng nắm bắt cơ hội và học hỏi nhanh, năm 2000, ông Bảo thành lập Kềm ViBa, viết tắt của Vĩnh Bảo.
Đến 2006, Kềm ViBa bước vào giai đoạn huy hoàng khi xây dựng hệ thống với khoảng 400 nhân sự. Cùng với một hãng kềm khổng lồ đang rất thành công hiện nay, ViBa trở thành thương hiệu sản xuất kềm nổi tiếng nhất nhì Việt Nam.
Lúc này, ông Bảo nghĩ đến chuyện gọi vốn đầu tư. Ông bán 30% cổ phần cho một nhà đầu tư Singapore, còn mình giữ lại 70%. Chỉ có điều về sau ông chia thêm 35% cổ phần cho vợ và đây cũng chính là lúc bị kịch bắt đầu.
"Nhà đầu tư đó là người Hoa nói tiếng Anh, tôi không biết tiếng nên nhờ bà xã tôi làm việc. Đâu ngờ hai người đó phát sinh tình cảm. Ông đầu tư muốn chiếm đoạt luôn công ty, nên tôi phải ra đi…", ông Bảo chia sẻ.
"Ông gài tôi phải bán công ty, kèm cam kết không làm kềm trong vòng 5 năm kể từ ngày bán công ty. Lúc đó danh dự tôi lớn lắm, tôi chỉ nghĩ đến cái chết thôi. Nhưng tôi nghĩ mình phải quyết tâm đứng lên làm lại, lấy lại danh dự đó".
Giữ đúng cam kết, trong 5 năm, ông Bảo không bước chân trở lại ngành kềm. Nhưng ông đã tận dụng 5 năm đó để nghiên cứu thị trường kềm trên toàn thế giới, tìm cách lấy lại danh dự ngày nào.
Ông Trần Vĩnh Bảo
Ông nhận thấy cách sử dụng cây kềm ở nước ngoài và Việt Nam không giống nhau. Nhân viên làm móng (nail) ở Mỹ phải kỳ công giữ vệ sinh cây kềm sau một lần sử dụng, bị phạt 500 - 1000 USD nếu quên bảo quản kềm. Để giải quyết bất cập cho họ, ông Bảo nghĩ đến một mô hình sản xuất kềm sạch, đồng thời tự mày mò, chế tạo máy móc cho riêng mình.
Năm 2015, ông chủ ViBa ngày nào tiếp tục tái khởi nghiệp, sản xuất kềm ở tuổi gần 60 với thương hiệu kềm sạch TekNails. Đồng thời, ông vẫn cho ra đời những cây kềm truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng trong và ngoài nước.
Ông cũng tâm sự: Ngành kềm có đặc thù là không có thiết bị máy móc dành riêng cho nó, mà khuôn mẫu phải tự chế tạo, muốn chế tạo phải am hiểu.
"Đã có nhiều người mon men làm việc với tôi nhưng họ không thành tâm khi cộng tác, làm được dăm ba tháng thấy ngành kềm béo bở quá, họ tìm cách hạ tỷ lệ góp vốn xuống. Quỹ thời gian của tôi chỉ còn 5 năm nữa, nên tôi đi tìm những bạn trẻ. Tôi ước mơ 5 năm nữa, sẽ chuyển giao toàn bộ bí mật ngành kềm cho lớp trẻ", ông Bảo tâm sự.
Ông đã từng mang mô hình kềm TekNails lên gọi vốn trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Shark Trần Anh Vương. Tuy nhiên vì số vốn ban đầu đặt ra quá cao nên startup của ông phải ra về tay trắng.
Ở thời điểm cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra (2019), nghĩa là ngay sau khi TekNails lên sóng truyền hình, CEO Trần Vĩnh Bảo cho biết ông đang nỗ lực mở rộng, hoàn thiện quy trình sản xuất bằng công nghệ. Ông đặt mục tiêu cho ra đời 9 triệu sản phẩm/tháng.
35 năm sản xuất kềm làm móng của doanh nghiệp Việt
Sinh ra trong gia đình có 9 anh em, lại là con trưởng, tại Thành phố Cần Thơ, anh Trần Vĩnh Bảo tự tạo hướng đi cho gia đình - sơn sửa xe đạp và xe máy. Vì không hứng thú với nghề này, chàng trai trẻ lên Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1980 với mong muốn tìm công việc có ý nghĩa hơn và kiếm thật nhiều tiền.
Cơ duyên đến với nghề sản xuất kềm làm móng khá tình cờ khi anh làm lao công cho một lò kềm tại Phú Nhuận - nghề gia truyền của dòng họ Võ. Sau nhiều tháng được ông chủ hướng dẫn phục hồi cây kềm bằng cách cắt miếng thép tháp lại 2 mũi kềm đã mòn, chàng trai trẻ say mê mày mò cách làm công cụ này. Sau 6 năm học nghề từ Sài Gòn xuống tận Bến Tre cùng số tiền dành dụm, anh mở một xưởng nhỏ sản xuất kềm và dạy nghề cho các anh em trong nhà.
Quy trình sản xuất từ một cây sắt thô để thành chiếc kềm hoàn thiện trải qua nhiều công đoạn với 78 chi tiết quan trọng như: dập đầu, dập cán, chặt rìa, mài bụng, mài lưng, ngấn rãnh, mài mang, khoan lớn, khoan nhỏ... Riêng phần con ốc để kết nối hai thân kềm được xem là linh hồn của sản phẩm. Tất cả đều làm bằng thủ công. Các em của ông mỗi người đảm nhiệm một khâu - từ chế tạo máy, chế tạo khuôn, mài bén, đánh bóng và ráp các chi tiết lại với nhau...
"Những thành phẩm đầu tiên ra đời được đem phân phối cho thị trường, mang theo hy vọng và ước mơ của cả tập thể", ông nói.
Năm 2000, ông quyết định thành lập công ty ViBa (viết tắt từ tên "Vĩnh Bảo"), do không đủ tài chính để thuê người thiết kế logo, anh em của ông tự sáng tạo. Sau đó, ông hợp tác cùng một người bạn để tuyển nhân công, mở rộng dây chuyền sản xuất.
Giai đoạn 2001-2006 là thời điểm thịnh vượng nhất của ViBa - với hàng trăm nhân công và sản xuất 5.000 chiếc kềm mỗi ngày. Các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Singapore, Philippines và Colombia... cũng gọi điện đặt hàng. Cung không đủ cầu, công nhân phải tăng ca bất kể đêm ngày.
Ông chia sẻ: "Trước đó, tôi ao ước có thể sản xuất được 50 cây mỗi ngày, tôi nói với các em mình khi nào mỗi ngày làm ra được 500 cây thì chúng ta sẽ giàu. Thế nhưng khi làm 500 cây, 1.000 rồi đến 5.000 cây cũng không thấy giàu. Các em tôi đều nản, muốn từ bỏ nhưng vì thương anh, chúng lại tiếp tục".
Do thiếu kinh nghiệm về pháp lý, về phương pháp quản lý nhân sự, tài chính chưa đúng cách, ông liên tiếp 5 lần gặp thất bại. Mỗi lần vấp ngã, ông quyết đứng dậy để làm lại từ đầu với nghề này, tuy nhiên, sai lầm lớn trong quản lý khiến ông đánh mất thương hiệu ViBa, các mối quan hệ có được sau mấy chục năm đều tan biến.
Trải qua nhiều biến cố, ông nhận ra khâu yếu kém nhất là quy trình vận hành bộ máy nhân sự, marketing bán hàng và chăm sóc khách hàng. Ông tâm sự: "Khi ấy tôi chỉ chăm chăm hoàn thiện sản phẩm và kỹ thuật mà không biết gì về Internet, bán hàng online hay quảng bá sản phẩm, khiến thương hiệu bị bó hẹp, không phát triển được".
Ông Bảo giám sát từng quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Ông vừa thành lập công ty Teknails và định hướng cho doanh nghiệp mình công nghệ hóa quy trình sản xuất cũng như kỹ thuật bán tự động thay thế thủ công, tạo nên sản phẩm đồng đều và giảm thiểu khấu hao lớn và chỉ còn phụ thuộc một ít tay nghề thợ lâu năm. Ông mong muốn kết nối cộng đồng nails trên toàn thế giới để trao đổi kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa và học tập lẫn nhau.
Theo ông Trần Vĩnh Bảo, marketing truyền thống không còn phù hợp trong thời kỳ cách mạng 4.0. Vì vậy ông đã trang bị thêm trang thiết bị sản xuất và hệ thống "điện tử hóa" từ Website, App, Erp, Crm... để quản trị doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng, mở rộng kênh bán hàng tiếp thị liên kết, xây dựng cộng đồng nail bền vững. Điểm nổi bật là hệ thống này trang bị cho tất cả thành viên tham gia từ thợ nail, chủ tiệm nail một website thông minh, cùng nhau liên kết chia sẻ giá trị.
Theo Cafef