Gắn bó với cộng đồng nghề nail ở California 15 năm, bà Đoàn Phương An nói dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với ngành này trong nhiều thập niên.
Làm móng (nail) là ngành kinh doanh tỷ đô tại Mỹ. Một báo cáo của Trung tâm Lao động thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) phối hợp cùng Liên hiệp ngành móng lành mạnh California (CHNSC) công bố cuối tháng 11/2018 cho biết doanh thu ngành nail tăng dần từ năm 2008, từ dưới 2 tỷ USD để đạt khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2015, và dự kiến đạt gần 6 tỷ USD trong năm 2020.
Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng của ngành nail bị đảo lộn hoàn toàn bởi dịch Covid-19. Tại California, chính quyền bang áp dụng giới nghiêm và yêu cầu đóng cửa những dịch vụ phi thiết yếu và những ngành có khả năng truyền nhiễm cao kể từ ngày 15/3.
Bà Đoàn Phương An, chuyên viên quan hệ cộng đồng của CHNSC và cũng là một trong những người đầu tiên cùng sáng lập hội này, nói rằng Covid-19 là thiệt hại nặng nề đầu tiên với ngành nail mà bà từng chứng kiến.
“Thấy nhiều chủ tiệm phải đóng cửa thì tôi buồn lắm... Ngành nail bây giờ rất là tiêu điều. Tội nghiệp lắm”, bà nói.
Bà Đoàn Phương An hướng dẫn các thành viên về thực hành làm móng an toàn. Ảnh: CHNSC.
Nỗ lực cầm cự
Chị Cát Mỹ, chủ tiệm nail đã hoạt động hơn 3 năm ở Los Angeles, nói: “Tôi nghĩ với những lứa 7X, 8X, 9X hoặc thậm chí những thế hệ trước như 4X, 5X thì chắc lần đầu tiên họ đối mặt với khủng hoảng như thế này”.
Khảo sát 90 chủ tiệm nail ở California do Trung tâm Lao động thuộc UCLA và CHNSC cùng công bố đầu tháng 6 cho biết hơn một nửa chủ tiệm khó có thể thanh toán tiền mặt bằng trong hai tháng tới nếu tiếp tục ngưng hoạt động.
Trong thời gian đóng cửa, chị Mỹ phải dùng tiền tiết kiệm để trả tiền thuê mặt bằng trong tháng 4 và 5. “Tiền tháng 6 thì tôi tạm ngưng đóng để theo dõi tình hình. Chủ đất có thể cho lùi, nhưng đến cuối năm thì mình vẫn phải trả dồn”.
Tương tự, tiệm của chị Amy Nguyễn ở Hungtington Beach cũng phải đóng suốt 3 tháng qua, dù tiệm chỉ mới thành lập được hơn một năm. “Chi phí thuê mặt bằng của tiệm tôi khoảng 3.000 USD/tháng nên tôi cũng còn cầm cự được bằng tiền túi”.
Trong khi đó, toàn bộ 14 nhân viên tại tiệm chị Cát Mỹ và 3 người thợ ở tiệm chị Amy buộc phải nghỉ không lương. Hơn 90% chủ tiệm ở California, trong khảo sát của UCLA và CHNSC, buộc phải ra quyết định tương tự.
“Làm việc cộng đồng 15 năm nay, tôi rất thương những người thợ nail. Làm cái việc phải nâng tay, nâng chân người khác. Người Mỹ họ cũng to con hơn mình”, bà Phương An nói.
Hơn nữa, thợ thỉnh thoảng phải đấm bóp cho khách chứ không chỉ là làm móng. Đó là những dịch vụ cộng thêm mà các tiệm tung ra để giữ khách hàng. “Khi đông khách thì chủ cũng phải lao ra làm chung với thợ chứ đâu phải ngồi không. Nên đồng tiền từ ngành nail là những đồng tiền mồ hôi nước mắt”.
Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho biết mức lương trung bình của thợ nail năm 2018 vào khoảng 25.000 USD/năm. Sau khi phải tạm ngưng việc do dịch, tất cả thợ tại tiệm của chị Cát Mỹ và chị Amy Nguyễn, cùng khoảng 30 triệu người Mỹ (số liệu đến đầu tháng 5, theo CNN) đã làm hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp.
“Mỗi người thợ được nhận 150 USD của tiểu bang và 600 USD từ liên bang, là thành 750 USD mỗi tuần. Như vậy cũng đủ trang trải, nhiều khi còn dư. Nhưng hình như trợ cấp chỉ đến khoảng cuối tháng 7 là hết”, chị Cát Mỹ nói.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính cho người thợ, chủ tiệm nail cũng là đối tượng nằm trong các khoản cho vay ưu đãi của chính phủ liên bang để ứng phó với đại dịch, gọi là Đạo luật CARES. Khảo sát của UCLA và CHNSC cho biết hơn 60 chủ tiệm đã nộp đơn cho các chương trình này, nhưng một số người không đạt tiêu chuẩn để xem xét.
Hai chương trình chính được nhiều người quan tâm, theo chị Cát Mỹ và Amy Nguyễn, là Chương trình vay vốn phục hồi thiệt hại kinh tế do thiên tai (EIDL) và Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), do Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) quản lý.
EIDL cho vay có thể lên đến 2 triệu USD dùng để trang trải chi phí thiệt hại do đại dịch, với lãi suất hàng năm cho doanh nghiệp là 3,75% và thời hạn trả nợ tới 30 năm.
Trong khi đó, chương trình PPP vốn là để cho doanh nghiệp vay trả lương cho nhân viên trong mùa dịch, trả lãi thế chấp hoặc trả tiền thuê cơ sở… Lãi suất cho vay của chương trình PPP chỉ 1%/năm, nhưng điểm đặc biệt là doanh nghiệp có thể được xoá nợ nếu chứng minh được 75% số tiền vay là dùng để trả lương.
Chị Cát Mỹ đã nắm đến thông tin nhưng quyết định không nộp hồ sơ. “Bây giờ nhà nước giúp đỡ, cho mình mượn vài chục nghìn. Nhưng đó là cái nợ chứ không phải là cho không. Rồi cũng phải trả”. Do vậy, chị quyết định tiếp tục cầm cự bằng tiền cá nhân và đợi ngày mở cửa tiệm trở lại. “Họ cũng không có lý do gì để mà neo mình hoài. Tôi nghĩ việc mở cửa lại không thể muộn hơn tuần đầu tháng 7”.
Lời nói hớ của thống đốc
Năm 2018, toàn nước Mỹ có hơn 54.000 tiệm nail (làm móng chân, tay) với hơn 395.000 kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề, theo Nails Magazine. Trong số này, hơn 70% là người Việt Nam và gốc Việt.
Họ cũng là lực lượng chính, và áp đảo những sắc dân còn lại tại những bang chủ lực như California, Texas, Florida hoặc Georga. Riêng ở bang New York thì cộng đồng nail người Việt vẫn chiếm đa số nhưng ở tỷ lệ khiêm tốn hơn do sự cạnh tranh gay gắt của nhóm người Hoa và người Hàn.
Tuy nhiên, so với những tiểu bang khác, sự bức xúc của cộng đồng nail tại bang California với chính quyền gay gắt hơn, xuất phát từ một tuyên bố của thống đốc bang Gavin Newsom.
Trong kế hoạch mở cửa của bang California, tiệm cắt tóc, làm tóc và tiệm làm móng nằm trong giai đoạn 3 của lộ trình. Dẫu vậy, từ ngày 26/5, các tiệm cắt tóc tại 47 trên tổng số 58 hạt ở California đã được cho phép đón khách trở lại.
Nhìn nhận từ góc độ y tế, anh Wynn Huỳnh Trần, một bác sĩ hành nghề ở Los Angeles, cho rằng nếu so sánh giữa hai công việc thì làm móng có yếu tố rủi ro cao về truyền nhiễm hơn là làm tóc.
Tuy nhiên, ngày 7/5, ông Newsom khẳng định trước giới truyền thông rằng “Sự lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên là xuất phát từ một tiệm làm móng”.
Trong các diễn đàn trên Facebook của những nhóm cộng đồng người Việt ở California, nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc vì phát biểu này của ông thống đốc.
“Tôi nghĩ là ổng nói dóc. Ổng nói như vậy nhưng khi người ta hỏi là tiệm nào, vùng nào, hoặc xảy ra khi nào thì ổng không chỉ ra được. Ổng nói chuyện nhưng mà không có bằng chứng cụ thể để củng cố lời nói của ổng thì làm sao người ta tin, nói như mấy đứa con nít nói chuyện chơi thôi”, chị Amy Nguyễn bày tỏ bức xúc với Zing.
Từ góc nhìn người chuyên gắn kết với cộng đồng nail, bà Phương An cho rằng ông thống đốc đã “nói hớ”.
Bà không nghĩ ca bệnh đầu tiên thực sự xuất phát từ ngành nail, bởi vì phần lớn chủ-khách trong ngành này đều quen nhau. “Khách đi làm nail luôn là đi trong khu phố của họ, đi tiệm quen thôi. Làm nail thì mình không thể đi tiệm lạ được. Bởi vì đi tiệm lạ thì có thể gặp những vấn đề như tiền thì lấy đắt hơn, thợ có thể làm ẩu hơn hoặc không đúng ý mình.”
Bác sĩ Wynn Trần cũng cho rằng Thống đốc Newsom đã không cung cấp được lý do thuyết phục cho phát biểu của mình.
“Tôi nghĩ (phát biểu của thống đốc) là không nên. Nếu (phát biểu) không thay đổi được cách nhận thức, không thay đổi được kiểm soát dịch bệnh, cũng không thay đổi được cách chữa trị, thì không nhất thiết phải nói ra là từ đâu. Vì nếu như ông thống đốc nói là xuất phát từ đâu chăng nữa thì sẽ ảnh hưởng đến ngành đó”, anh nói với Zing.
Khi không tìm được cơ sở để tin vào phát biểu của thống đốc bang, chị Cát Mỹ nói đây có thể là một chiêu để hạ uy tín ngành nail, vốn có lực lượng lao động là người Việt chiếm áp đảo. “Tiểu bang này theo phe Dân chủ, mà người Việt thì ủng hộ đảng Cộng hoà, ủng hộ Trump, nên ổng ghét”, chị nói.
Khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á năm 2018, một điều tra do nhóm nghiên cứu tại Đại học California-Riverside (UCR) thực hiện và được nhiều hãng thông tấn lớn của Mỹ dẫn lại, cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump trong cộng đồng người gốc Việt đến 64%.
Con số này cao hơn hẳn những nhóm dân khác như gốc Philippines (48%), gốc Hàn (32%), gốc Ấn (28%) hay gốc Hoa (24%). Người gốc Việt cũng có xu hướng bầu cho các ứng viên đảng Cộng hoà trong cuộc đua vào Hạ viện liên bang.
Cuộc bầu cử tháng 11/2018 tại Quận Cam, nơi tập trung đông người gốc Việt sinh sống nhất ở Mỹ, ghi nhận 24 ứng viên là người gốc Việt ứng cử vào các cơ quan công quyền khác nhau. Báo Los Angeles Times cho biết gần như hầu hết người thắng cử là đảng viên đảng Cộng hoà.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cử tri của báo CalMatters (trụ sở ở Sacramento, California) năm 2016 dự báo xu hướng lòng trung thành với đảng Cộng hoà trong nhóm cử tri gốc Việt đang dịch chuyển theo độ tuổi. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ đảng này giảm dần từ mức 37% ở nhóm tuổi trên 55 còn 27% ở nhóm tuổi 35-44, và chỉ còn 12% ở nhóm tuổi 18-34.
Trong khi đó, để cố gắng làm giảm tác hại từ lời “nói hớ” của thống đốc, bà Phương An và các cộng sự “phải trấn an các chị em ngành nail là khách sẽ không nghe theo đâu”.
Một tháng sau, Sở Y tế cộng đồng California (CDPH) gửi đến đài NBC lời giải thích cụ thể hơn: “Ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên là từ một tiệm nail. Tuy nhiên, khi các hạt đang xem xét lại, chúng tôi nhận thấy lây nhiễm trong cộng đồng có thể diễn ra từ sớm hơn so với các mốc đã biết, và trước cả khi CDC thiết lập bộ quy tắc và năng lực xét nghiệm”.
Tuy nhiên, những nỗ lực giải thích của chính quyền tiểu bang không xoa dịu được cơn bức xúc của cộng đồng ngành nail.
Cuối tuần đầu tháng 6, nhiều nhóm người Việt tổ chức biểu tình đòi được mở cửa hoạt động lại. Hiệp hội ngành nail Pro Nails Association (trụ sở ở Irvine) thậm chí tuyên bố sẽ đâm đơn kiện Thống đốc Newsom vào tuần này. “Rất nhiều người đã sợ đến nỗi không dám bước vào tiệm nail. Phát biểu của ông thống đốc hoàn toàn vô căn cứ”, NBC ngày 8/6 dẫn lời ông Mike Võ, luật sư đại diện của hội.
Mở cửa trong phập phù
Vài ngày sau các cuộc biểu tình ở thành phố Westminster, đến ngày 12/6, Cơ quan y tế bang California cho biết hàng nghìn tiệm nail, tiệm xăm và massage sẽ được mở cửa trở lại trên phần lớn bang này kể từ ngày 19/6.
Những chính sách phòng ngừa cũng tương tự như các cơ sở kinh doanh khác, đó là chủ tiệm và khách đều phải đeo khẩu trang, nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh, và giới hạn số lượng khách được vào tiệm.
Khi Zing liên lạc lại với chị Amy Nguyễn sau khi có thông tin này, chị cho biết đã báo cho khách hàng về việc mở cửa lại và đang “xếp lịch mỏi tay luôn”.
Cửa tiệm của chị Amy từ khi mở cửa đến nay đều tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn, như khi chủ hay thợ khi làm cho khách đều mang bao tay và đeo khẩu trang. Khi chuẩn bị mở cửa lại vào thứ 6 tới, chị cho biết áp dụng triệt để hơn, đồng thời yêu cầu khách phải đeo khẩu trang hay khi khách vào tiệm sẽ được đo thân nhiệt.
Đặc biệt, khách cũng sẽ được yêu cầu ký tờ khai đồng thuận (consent form). “Chẳng hạn họ sẽ xác nhận là việc đến tiệm là hoàn toàn tự nguyện, hoặc điều kiện sức khoẻ đến nay là bình thường, họ cũng không lại gần hay tiếp xúc những người nhiễm Covid-19, chưa từng ra khỏi nước Mỹ trong 14 ngày qua".
Biện pháp này nhằm bảo vệ cửa tiệm không phải chịu trách nhiệm nếu lời khai của khách không đúng sự thật.
Chị Cát Mỹ cũng quyết định mở cửa tiệm dù tâm trạng phức tạp hơn. “Lúc chưa cho mở thì mình nôn nóng, mà bây giờ sắp được mở lại thì cũng sợ. Mình không chỉ giữ cho khách mà phải giữ cho cả thợ nữa. Chuyện gì xảy ra trong tiệm thì mình đều phải chịu trách nhiệm, khi đó còn rắc rối hơn”.
Để bảo đảm tuân thủ chỉ dẫn an toàn của chính quyền, chị Cát Mỹ cho biết sẽ giới hạn số lượng khách trong thời gian tới, và chỉ nhận những khách quen thân trước, rồi mới nhận những khách khác. “Hồi xưa mình còn nhận thêm khách vãng lai. Nhưng mà bây giờ sẽ giới hạn lại”.
Bà chủ tiệm nail ở Los Angeles dự đoán lượt khách trong khoảng hai tuần đầu sau khi mở cửa lại sẽ rất nhiều, “vì quá lâu rồi họ không được đi làm móng, nhưng rồi sẽ giảm dần thôi vì họ vẫn còn lo ngại dịch”.
Khi liên lạc lại với khoảng 15 chủ tiệm nail thân thuộc, bà Phương An cho biết nhiều người vẫn chưa định mở cửa lại ngay mà sẽ đợi thêm một thời gian nữa để theo dõi diễn biến của dịch.
“Tôi nghĩ tình hình vẫn còn bấp bênh. Nếu mình sợ quá thì mình không nên làm. Chứ nếu đi làm mà sợ thì có hại cho tinh thần lắm”, bà Phương An nói.
Những cảnh báo về làn sóng thứ 2, khi các ca nhiễm bệnh có thể tăng nhanh trở lại trong thời gian tới, là nguyên nhân chính khiến các chủ tiệm lo lắng.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, bác sĩ Wynn Trần (ảnh bên) nói mở cửa lại cũng là cơ hội để người Việt cải tổ việc kinh doanh, và quan trọng hơn là để giữ vững thị phần nghề nail.
“Bởi vì nếu gấp gáp hoạt động lại nhưng không đạt các tiêu chuẩn an toàn thì cũng sẽ bị buộc đóng cửa thôi. Sẽ có một số tiệm vượt qua kiểm định an toàn, nhưng một số tiệm có thể bị rớt. Mà nếu rớt đợt này thì sẽ rất khó để được cấp phép lại”, anh nói với Zing.
Trong thời gian tới, vị bác sĩ cũng bày tỏ “sẽ không ngạc nhiên” nếu Bộ Y tế bang (CDPH) sẽ cùng với Bộ Bảo vệ người tiêu dùng (DCA) kiểm tra chéo các tiệm nail.
Trước đây, việc đăng ký, kiểm định chất lượng và cấp phép hoạt động cho tiệm nail là trách nhiệm của Cơ quan nghề tóc và thẩm mỹ (CBBC) thuộc DCA. Tuy nhiên, “khi thống đốc đã cho rằng tiệm nail là nơi khởi nguồn của lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì các cơ quan y tế sẽ có trách nhiệm theo dõi tiếp, để chắc chắn rằng sẽ không còn rủi ro lây nhiễm nữa”, theo bác sĩ Wynn Trần.
Theo Zing