Nên nhìn xa trông rộng

Chương trình Fashion Star - Ngôi sao thiết kế Việt Nam 2013 lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà thiết kế thời trang trẻ tham gia. Nhưng đối với khán giả, đón nhận thêm một sân chơi khi mà Project Runway trước đó kết thúc chưa lâu, lại khiến họ ái ngại: cuộc thi này sẽ đi đến đâu? Khi khán giả còn chưa hết ngỡ ngàng thì chương trình đã được ấn định ngày, giờ lên sóng: 20h thứ 7 ngày 19/10 trên kênh VTV3.

Thi hay chơi khi cuộc thi Project Runway kết thúc mà chưa chứng tỏ được tác động của nó đến ngành thời trang Việt thì việc “kết nạp” thêm một sân chơi mới dễ làm công chúng hiểu theo hai hướng. Nếu là thi thì sẽ có yếu tố nghiêm túc, chuyên nghiệp, quan trọng nhất là trách nhiệm của Ban tổ chức đối với những tài năng đoạt giải, cùng họ “đi đến cuối con đường” ra sao. Còn nếu vẽ ra các cuộc thi chỉ để chơi thì yếu tố giải trí được đặt lên hàng đầu, vui xong thì ai về nhà nấy, giải thưởng cũng không quá quan trọng, bởi rất có thể sau sân chơi Fashion Star - Ngôi sao thiết kế Việt Nam 2013, sẽ còn nhiều sân chơi mới lộ diện.

Nên nhìn xa trông rộng 1

 

Fashion Star là một cuộc thi truyền hình thực tế nổi tiếng dành cho các nhà thiết kế bắt nguồn từ Mỹ. Các thí sinh mỗi tuần sẽ tạo ra các bộ sưu tập với nguyên vật liệu, chủ đề giới hạn trong khoảng thời gian quy định. Những bộ sưu tập được tạo ra từ mỗi thử thách sẽ được giới thiệu tới các nhà đầu tư. Nếu không được lựa chọn, thí sinh có thể bị loại. Ba bộ sưu tập đẹp nhất sẽ được đưa vào vòng chung kết của chương trình đồng thời có cơ hội được đưa vào ba nhãn hàng thời trang của các nhà đầu tư. Người chiến thắng cuối cùng sẽ được ký hợp đồng trị giá 1 tỷ đồng cùng nhiều giải thưởng khác.

Nói về sân chơi sắp “trình làng”, tại vòng sơ tuyển 2 vừa rồi được tổ chức tại Trung tâm hội nghị White Palace, Hội đồng giám khảo đã tìm ra 12 thí sinh xuất sắc nhất trong số 40 thí sinh được chọn từ vòng sơ tuyển 1.

Vòng sơ tuyển này được diễn ra dưới sự thẩm định của Hội đồng giám khảo gồm nhà thiết kế Minh Hạnh và nhà thiết kế Công Trí. Hầu hết các thí sinh đều có nhiều ý tưởng và cách thể hiện mới lạ, phá cách trong những mẫu thiết kế của mình. Tuy là mùa thi đầu tiên nhưng Ngôi sao thiết kế Việt Nam 2013 đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà thiết kế muốn thử sức với sân chơi lớn này. Số lượng các bài thi đạt chất lượng tốt rất nhiều. Cho nên, thay vì chọn ra 10 thí sinh xuất sắc nhất như dự kiến ban đầu, BTC đã nâng tổng số thí sinh được chọn lên thành 12 để các nhà thiết kế trẻ có cơ hội được thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình trước khán giả. 12 gương mặt trên được BTC đánh giá là dàn thí sinh “khủng” sẽ cùng đọ sức trong thời gian tới đây.
 
Tuy nhiên, đó là từ góc nhìn của người trong cuộc. Nếu nhìn xa trông rộng, ngành thiết kế thời trang Việt liệu sẽ thực sự thay da đổi thịt nhờ những sân chơi như Fashion Star? Rất khó tin vào điều này. Cứ cho rằng các cuộc thi thiết kế thời trang đang “nặng” về hình thức, họ tìm kiếm và tôn vinh những gương mặt sáng giá nhất, nhưng xét về giá trị lâu dài, sự trưởng thành của những gương mặt đó trong làng thời trang như thế nào, đây chính là mấu chốt của vấn đề. Có thể nói, sau những Minh Hạnh, Đỗ Hoàng, Thuận Việt, Lan Hương... Ngành thiết kế thời trang Việt chưa có sự tiếp nối đáng tin cậy. Nếu các “sàn đấu” thời trang nở rộ nhằm tìm kiếm “sự tiếp nối” thì có thể nói, họ chưa đạt được mục đích. Chúng ta có thể tự hào về một ngành thời trang Việt Nam đang phát triển khi chỉ dựa trên số lượng nhà thiết kế và người mẫu, và bây giờ là mật độ của những cuộc thi. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một sự phát triển không bền vững. Thật ra chúng ta cũng chỉ trong giai đoạn bắt đầu mà thôi.
 
Nên nhìn xa trông rộng 2
 Những trang phục Việt đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
Quay trở lại thời trang Việt, nếu nhìn theo hướng tích cực, “lãnh địa” thời trang của ta không thiếu thứ gì, từ chất liệu, nhà thiết kế, đội ngũ người mẫu cho đến các chuyên gia, nhà định hướng và hệ thống đào tạo... Tất cả đều đang hướng tới sự phát triển đồng đều. Ngay cả xét đến tâm lý người tiêu dùng, họ cũng rất thoải mái với vô vàn lựa chọn, xu hướng người Việt dùng hàng Việt trong lĩnh vực thời trang đang phát triển mạnh. Cho dù, xét về những vấn đề “tiểu tiết” thì ngành thời trang của ta còn gặp nhiều vướng mắc, ví dụ như khó khăn trong việc hành nghề, không chỉ các NTK trẻ ra trường với tấm bằng đỏ vẫn gặp vô vàn khó khăn khi gắn bó với nghề mà ngay kể cả những NTK đã đoạt giải cũng gặp nhiều rủi ro không kém: NTK Hoàng Mạnh Hà, Quán quân Project Runway 2013 từng thất bại khi mở nhãn hiệu riêng, hay NTK Trương Thanh Long từng mở rồi đóng cửa thương hiệu thời trang riêng không dưới 3 lần.
 
Ngoài khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính, NTK còn phải biết dung hòa cái tôi của mình. Bản thân mỗi NTK là một nghệ sĩ, cái tôi của họ rất lớn. Khi đã mở một thương hiệu riêng thì phải tiết chế cái tôi đó đi, không thể cứ giữ quan niệm của mình vì kinh doanh phải có khách hàng, sản phẩm làm ra không ai mua là thất bại. NTK phải biết dung hòa sự sáng tạo của mình và mục đích kinh doanh bởi họ không mua thứ mà mình thích, họ mua thứ mà họ cần. Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến sự thất bại hàng loạt của các NTK chính là thiếu sự liên kết giữa các yếu tố cần và đủ đã nêu ở trên.

Ngành thời trang chỉ phát triển bền vững khi chúng ta có một ngành dệt may chuyên nghiệp tạo ra những chất liệu tuyệt vời cho những mẫu sáng tạo. Chúng ta cũng cần có một nền giáo dục về công nghiệp thời trang hoàn chỉnh và đồng bộ, cần có một đội ngũ tổ chức thực hiện chuyên nghiệp của các show biểu diễn, giới thiệu thời trang chuyên nghiệp để các chương trình biểu diễn thời trang mang đúng tính chất của nó chứ không chỉ là những tiết mục biểu diễn, những cuộc thi “nặng” về giải trí.

NGỌC HIẾU

 

Nguồn Suc Khoe Doi Song