Bố Trạch, Quảng Bình: Làng ngư phủ thay áo mới nhờ xuất ngoại

Không phải ngẫu nhiên để một xã biển như Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hơn một thập kỷ trước vốn rất đỗi nghèo khó, cát trắng bủa vây, hiện nay đã dần dà mang dáng dấp một tiểu đô thị, với nhiều công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng san sát.

quang binh 1
Dáng dấp một tiểu đô thị ven biển, nhà cửa san sát nhau.

Phố biển tình quê

Có mặt tại xã Nhân Trạch những ngày cuối năm, khí trời se lạnh. Thoáng chốc, chúng tôi đã nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt ở xã biển này, trước mắt chúng tôi là hàng trăm căn nhà với kiến trúc hiện đại, khang trang với những gam màu sơn ngoại thất trầm nóng. Nhiều người mạnh dạn ví von rằng làng biển Nhân Trạch giờ đã chuyển mình thành làng Seoul. Khu vực các thôn Nhân Quang, Nhân Tiến tập trung nhà cửa khang trang nhiều hơn cả trong toàn xã.

Qua hỏi đáp, chuyện trò người dân vui vẻ cho biết: “Chủ nhân của những ngôi nhà khang trang 2 - 3 tầng nơi đây, hiện đa phần đang đi lao động ở nước ngoài, tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức... Thu nhập cũng ổn định từ mức 25 - 50 triệu/người/tháng”.

Từ những tháng ngày chú tâm làm ăn ở xứ người, những người “xa xứ” tích góp và chuyển tiền về Việt Nam cho người thân mua các lô đất ưng ý, rồi tiến hành xây cất nhà cửa theo các lối kiến trúc hiện đại, có đôi chút du nhập phong cách từ các quốc gia lân cận.

quang binh 1
Cận cảnh một căn nhà kiến trúc hiện đại, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Hiện, Nhân Trạch là xã dẫn đầu huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về xuất khẩu lao động (XKLĐ). Cũng nhờ đó, mà chỉ qua một thập kỷ thôi, xứ biển ngày nào vốn dĩ gian khó đã thay đổi cảnh quan, kiến trúc rõ rệt. Đời sống nhân dân từ đó đủ đầy, ấm no hơn xưa.

Ngược thời gian, trở về những năm đầu 2000, khi mà kinh tế biển vẫn là nguồn thu chủ lực của người dân nơi đây. Cuộc sống khi ấy còn nhiều khó khăn, nghề biển thì nguy hiểm và bấp bênh; trẻ em xứ biển cũng không mấy chú tâm vào việc học hành. Sự lo toan về sinh kế như là gánh nặng hiện hữu, thì khi ấy chính quyền xã Nhân Trạch có thông tin kêu gọi người dân đăng ký đi XKLĐ. Đợt ấy, khá nhiều người đăng ký đi, chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc, với những ngành nghề quen thuộc như đi biển, chế biến thực phẩm, gia công cơ khí.

Thay đổi từ xuất ngoại

Hơn 5 năm xa quê, anh Hoàng Úy (thôn Nhân Đức, xã Nhân Trạch) làm việc tích cực trên tàu cá tại ngư trường Hàn Quốc. Tại Việt Nam, vợ con anh đã có căn nhà 2 tầng khang trang, với tổng chi phí sau khi hoàn thành hơn 1,5 tỷ đồng để ở. Cuộc sống gia đình sung túc, vật dụng trong nhà hiện đại không kém gì dân thành phố. Do sinh sống, làm việc nhiều năm ở nước ngoài nên đa phần họ học hỏi phong cách sống tiến bộ. Chú trọng nuôi dạy con cái và cho học hành đầy đủ.

Dáng dấp một tiểu đô thị ven biển, nhà cửa san sát nhau.

Chị Nguyễn Thanh Thanh, vợ anh cho biết: “Hồi đó anh đi Hàn Quốc khá dễ dàng. Căn nhà 2 tầng khang trang cũng từ sự lao động của anh mà xây lên được. Tiền anh gửi bên đó về cho gia đình, anh em bên này dùng nó vào việc làm ăn, mở rộng kinh doanh sản xuất. Chứ không để thất thoát hay tiêu pha vô ích. Hiện nay, con em gia đình vẫn chọn XKLĐ như một cách làm giàu chính đáng”.

Mặt khác, thông tin từ UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch được biết thêm rằng: Mỗi năm, xã có khoảng 120-150 người đi xuất khẩu lao động. Thị trường xuất khẩu lao động mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung đông nhất vẫn là các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức”.

Từ khi quy định đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực, bám sát chỉ đạo của huyện, xã Nhân Trạch đã xây dựng đề án xuất khẩu lao động, thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp xã. Ban chỉ đạo này đã kịp thời nắm bắt các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan để quản lý, chỉ đạo công tác XKLĐ trên địa bàn. Ban đã chủ động giao dịch và liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ có uy tín tại tỉnh Quảng Bình để kịp thời thông báo cho người dân.

Ban Chỉ đạo XKLĐ xã Nhân Trạch còn phối hợp với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động được vay vốn, thành lập nguồn quỹ tín dụng nhân dân của địa phương để phục vụ hoạt động XKLĐ. Đến nay, quỹ tín dụng đã có trên 300 tỷ đồng.

Như vậy, từ bàn tay khối óc cùng sự miệt mài lao động, những ngư dân ngày nào hiện đang phân tán khắp nơi tại các thị trường lao động quốc tế. Từng ngày, từng giờ, sản phẩm và dòng tiền họ làm ra đang được chuyển về Việt Nam để xây dựng quê hương. Công cuộc đô thị hóa ở xã biển Nhân Trạch nói riêng và các địa phương khác tại Quảng Bình nói chung, sẽ không thể được đẩy nhanh nếu thiếu sự đóng góp của các người lao động ở nước ngoài.

Viethome (theo Xaluan)