Vì sao Vanga nhắc đến "vành đai lửa" trong lời tiên tri năm 2024?

Trong tiên tri của bà Vanga cho năm 2024 có nhắc đến "Vành đai lửa". Vành đai này là gì?

Trong số những lời tiên tri của Vanga cho năm 2024, có một lời tiên tri rất đáng chú ý: "Sức khỏe" của hành tinh chúng ta.

Theo bà Vanga, trong năm 2024, Trái Đất sẽ hứng chịu rất nhiều thảm họa tự nhiên. Bão lũ, hạn hán, động đất, cháy rừng... sẽ diễn ra trên toàn cầu, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản. Các hiện tượng cực đoan này phần lớn đến từ hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu.

Nhận định về vấn đề nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, ông António Guterres - Người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về biến đổi khí hậu hồi tháng 7/2023 rằng: "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc; kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến".

"Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Trẻ em bị cuốn trôi bởi những cơn mưa gió mùa. Các gia đình chạy trốn khỏi ngọn lửa. Công nhân gục ngã trong cái nóng như thiêu như đốt" - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mô tả trong cuộc họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Trong số thảm họa tự nhiên mà bà Vanga tiên tri cho năm 2024, bà nhấn mạnh đến thảm họa động đất lớn tại Vành đai lửa Thái Bình Dương. Những trận động đất mạnh từ đây sẽ khiến nhiều người khốn đốn, hủy hoại nhiều cơ sở hạ tầng.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, Vành đai lửa Thái Bình Dương - nơi mảng Thái Bình Dương gặp nhiều mảng kiến tạo xung quanh - là khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa mạnh nhất trên thế giới.

vanh dai lua 1
Vành đai lửa Thái Bình Dương. Ảnh: Internet

1. Khu vực có hoạt động địa chấn mạnh mẽ nhất thế giới

Cụ thể hơn, National Geographic cho biết Vành đai lửa Thái Bình Dương là nơi tập trung 75% núi lửa trên thế giới và 90% trận động đất diễn ra trên khu vực này.

Vành đai lửa Thái Bình Dương, còn được gọi là Vành đai Lửa hoặc Vành đai Thái Bình Dương, là một chuỗi núi lửa dài 40.233km và các địa điểm hoạt động địa chấn bao quanh Thái Bình Dương.

Vành đai lửa Thái Bình Dương không hẳn là một chiếc nhẫn hình tròn. Nó có hình dạng giống một chiếc móng ngựa khổng lồ. Một chuỗi gồm 452 ngọn núi lửa trải dài từ mũi phía nam của Nam Mỹ, dọc theo bờ biển Bắc Mỹ, qua eo biển Bering, xuống qua Nhật Bản và tới New Zealand.

Vành đai lửa Thái Bình Dương vạch ra các điểm giao nhau của nhiều mảng kiến tạo, bao gồm Á-Âu, Bắc Mỹ, Juan de Fuca, Cocos, Caribe, Nazca, Nam Cực, Ấn Độ, Australia, Philippines và các khu vực nhỏ hơn khác. Tất cả đều bao quanh mảng Thái Bình Dương.

Khu vực này là kết quả của kiến tạo mảng hoạt động liên tục. Các mảng kiến tạo là những mảng khổng lồ của lớp vỏ Trái đất, khớp với nhau như những mảnh ghép. Các mảng không cố định mà liên tục di chuyển trên một lớp đá rắn và nóng chảy gọi là lớp phủ. Các mảng này liên tục trượt qua, va chạm, dịch chuyển ra xa nhau hoặc lên/xuống nhau.

Sự chuyển động này dẫn đến các rãnh đại dương sâu, các vụ phun trào núi lửa và các tâm chấn động đất dọc theo ranh giới nơi các mảng gặp nhau, được gọi là các đường đứt gãy.

Vành đai lửa là nơi có rãnh đại dương sâu nhất - rãnh Mariana. Nằm ở phía đông đảo Guam, rãnh Mariana sâu 11.265 mét được hình thành khi một địa điểm kiến tạo bị đẩy xuống dưới một địa điểm khác.

Nếu bạn rút toàn bộ nước ra khỏi Thái Bình Dương, bạn sẽ thấy một loạt rãnh đại dương sâu chạy song song với các vòng cung núi lửa tương ứng dọc theo Vành đai lửa. Những vòng cung này tạo nên cả các hòn đảo và các dãy núi lục địa.

2. Vành đai "nóng" nhất hành tinh

Hoạt động kiến tạo dọc theo Vành đai lửa cũng gây ra khoảng 90% các trận động đất trên thế giới, bao gồm cả trận động đất Valdivia ở Chile năm 1960 - trận động đất mạnh nhất được ghi nhận ở mức 9,5 Richter trên thang 10 độ Richter.

vanh dai lua 1

Ước tính khu vực này có khoảng 75% núi lửa trên hành tinh, trong đó có núi Tambora của Indonesia, phun trào vào năm 1815 và trở thành vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử được ghi lại.

Hầu hết các núi lửa đang hoạt động trên Vành đai lửa đều được tìm thấy ở rìa phía Tây của nó, từ Bán đảo Kamchatka ở Nga, qua các đảo của Nhật Bản và Đông Nam Á, đến New Zealand.

Núi Ruapehu ở New Zealand là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh trong Vành đai lửa, với những vụ phun trào nhỏ hàng năm và những vụ phun trào lớn xảy ra khoảng 50 năm một lần.

vanh dai lua 1
Núi lửa Ruapehu ở New Zealand. Bên dưới núi Ruapehu, mảng Thái Bình Dương dày đặc đang hút chìm bên dưới mảng Australia. Ảnh: ISS EXPEDITION 37/NASA

Núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất và nổi tiếng nhất Nhật Bản, là một ngọn núi lửa đang hoạt động trong Vành đai lửa. Núi Phú Sĩ phun trào lần cuối vào năm 1707, nhưng hoạt động động đất gần đây ở miền đông Nhật Bản có thể đã khiến núi lửa này rơi vào "trạng thái nguy kịch".

Nửa phía Đông của Vành đai lửa cũng có một số khu vực núi lửa đang hoạt động, bao gồm quần đảo Aleutian, dãy núi Cascade ở phía tây Mỹ, vành đai núi lửa xuyên Mexico và dãy núi Andes.

Núi St. Helens, ở bang Washington của Mỹ, là một ngọn núi lửa đang hoạt động ở dãy núi Cascade. Bên dưới núi St. Helens, mảng Juan de Fuca đang bị hút chìm bên dưới mảng Bắc Mỹ. Vụ phun trào lịch sử năm 1980 kéo dài 9 giờ và bao phủ các khu vực lân cận trong hàng tấn tro núi lửa.

vanh dai lua 1
Vào lúc 8h32 ngày 18/5/1980, ngọn núi lửa St. Helens phun trào, phun ra 900.000 tấn tro nóng khắp bang Washington. Ảnh: AP

Popocatépetl là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất trong vành đai lửa. Ngọn núi này là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Mexico, với 15 vụ phun trào được ghi nhận kể từ năm 1519.

Núi lửa Popocatépetl nằm trên vành đai núi lửa xuyên Mexico, là kết quả của mảng Cocos nhỏ hút chìm bên dưới mảng Bắc Mỹ. Nằm gần các khu đô thị của thành phố Mexico và Puebla, Popocatépetl gây nguy hiểm cho hơn 20 triệu người sống gần đó và có nguy cơ bị đe dọa bởi một vụ phun trào hủy diệt.

Soha (nguồn: National Geographic, Washington Post)